Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CON ĐƯỜNG MANG TÊN THẠCH LAM

Lê Phú Khải
Thứ ba ngày 6 tháng 7 năm 2010 3:10 PM


NHÂN 100 NĂM NGÀY SINH CỦA THẠCH LAM( 07/7/1910 – 07/7/2010 )
 

 TNc: Ngày mai 7-7-2010 tại Hải Dương sẽ diễn ra lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Thạch Lam. Nhà báo Lê Phú Khải đã về Cẩm Giàng cả tuần lễ tìm lại người xưa. Nhân dịp này ông dành cho Trannhuong.com bài viết về nhà văn tài hoa Thạch Lam. Xin cám ơn anh Lê Phú Khải và giới thiệu bài viết này.
 Không giống mọi con đường mang tên các anh hùng, danh nhân…trên khắp hành tinh nầy, thường là to tát, lộng lẫy, hay ít nhất cũng là một con phố nhỏ đông đúc dân cư, đường Thạch Lam chỉ là một nhánh nhỏ của phố huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) với dăm nếp nhà xây hai bên phố rồi nó phóng thẳng ra cánh đồng lúa bát ngát chạy tới các làng quê…Một con đường rất Thạch Lam! Giống hệt như những nhân vật trong truyện ngắn của nhà văn, họ là những thị dân của cái phố huyện buồn tẻ nầy luôn gắn bó với làng quê bao quanh phố huyện. Một điều thú vị mà tôi phát hiện rằng, khác hẳn với các đường phố mang tên các anh hùng, vĩ nhân, danh nhân…ở những thành phố lớn như Mát-xcơ-va, Pari, Quảng Châu…hay ở ngay nước ta Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh…nếu hỏi người dân cư ngụ trên các đường phố đó, cái tên ông Y, ông X, ông N…là ai, thì đa số họ đều ú a, ú ớ một cách “đáng thương”! Trái lại, ở thị trấn Cẩm Giàng ngày nay, đa số người dân đều biết Thạch Lam là nhà văn của quê hương họ. Có người khi tôi hỏi thử, họ còn nhìn tôi cười: - Chắc ông ở xa mới tới nên không biết đó thôi (!).
 Sở dĩ tôi có mặt ở phố huyện Cẩm Giàng cả tuần lễ, vì một người bạn cũ ở đây điện vào Cần Thơ cho hay, đã có một con đường ở thị trấn mang tên Thạch Lam, và năm nay (2010) địa phương sẽ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn. Và hơn thế, một di tích mang tên “Khu công viên Tự lực văn đoàn” đã được Tỉnh Hải Dương dự kiến sẽ tái tạo ngay trên nền cũ của trang trại dòng họ Nguyễn Tường của Thạch Lam (Thạch Lam tên thật là Nguyễn Tường Lân) vào năm 2011 – 2012 sắp tới. Vì thế, từ thành phố Cần Thơ, trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long, bay ra Hà Nội, tôi đi thẳng tới ga đầu cầu Long Biên để đáp tàu hỏa về Cẩm Giàng tìm bạn cũ. Qủa thật chuyến đi của tôi lần nầy ra Bắc là một chuyến đi “chất lượng cao” theo cách nói của thời @ ngày nay! Cả tuần lễ tôi được sống trong không khí Thạch Lam. Lớp người đã lớn tuổi như thầy giáo Vũ Diệp, cô giáo Ngọ, nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Quang Thông cho đến lớp trung niên, lớp trẻ như kế toán Kỳ, phó chủ tịch của ủy ban nhân dân thị trấn Nguyễn Ngọc Đường…là những cư dân gốc của Cẩm Giàng đã cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện, rất nhiều tư liệu quý về dòng họ Nguyễn Tường và văn đoàn “Tự lực văn đoàn” vang bóng một thời. Nơi đây, tại trang trại của dòng họ Nguyễn Tường trên đất Cẩm Giàng đã từng là một câu lạc bộ lớn, là nơi quy tụ, nơi đi về, giao lưu, gặp gỡ của những tên tuổi lớn của văn học Việt Nam trước Cách mạng tháng tám 1945, mặc dù nó chỉ tồn tại không lâu, chừng 8 – 9 năm. Không lâu nhưng nó độc đáo, có giá trị đích thực và đã không ít giấy mực đổ ra để bàn luận về nó xưa và nay. Trong không khí cởi mở, tháng 5 năm 2008 vừa qua, đã có cuộc hội thảo do tỉnh tổ chức tại thị trấn Cẩm Giàng mang tên: “ Bảo tồn và phát huy cố trạch “Tự lực văn đoàn”. Cái ngày 9 tháng 5 đó thật sự là một ngày hội của Cẩm Giàng. Người dân sở tại lần đầu tiên được gặp gỡ các nhà sử học nghiên cứu văn học tên tuổi của đất nước. Những người không được mời cũng đến “vây” kín cái hội trường nơi diễn ra hội thảo. Chỉ về mặt hình thức mà thôi, Tự lực văn đoàn đã độc đáo. Thử nghĩ mà xem, trên thới giới nầy, ít có nền văn học nào có ba anh em ruột đều là những nhà văn nổi tiếng và cùng sáng lập hoạt động trong một văn đoàn, và, tư gia của một dòng họ đã trở thành nơi quy tụ gặp gỡ của các nhà văn tiêu biểu của một thời. Nhất Linh ( Nguyễn Tường Lam ), Hoàng Đạo, Thạch Lam là ba anh em ruột. Ở bên Pháp, nếu tôi nhớ không lầm thì A – lếch – xăng Duy – ma là hai cha con đều là hai nhà văn nổi tiếng. Vì thế, người Pháp phải gọi rõ ràng là Đuy – ma bố và Đuy – ma con, mỗi khi nhắc đến các nhà văn nầy để khỏi lầm lẫn. Những họ không viết cùng một thời. Đời bố viết rồi mới đến đời đời con viết…Ngoài ra, tôi “đố” ai tìm được cả ba anh em ruột, cả hai cha con đều là các nhà văn nổi tiếng của một xứ sở như hai trường hợp trên. Thạch Lam một cây bút chủ lực của Tự lực văn đoàn chỉ sáng tác văn học trong thời gian chưa đến 10 năm. Ông sinh năm 1910 và mất năm 1942. Cuộc đời ngắn ngũi 32 năm của ông để lại cho văn học Việt Nam ba tập truyện ngắn: “Gió đầu mùa” xuất bản năm 1937, “Nắng trong vườn” xuất bản năm 1938, “Sợi tóc” xuất bản năm 1942, bút ký “Hà Nội ba mươi sáu phố phường” (1943), tiểu thuyết “Ngày mới” (1939), tiểu luận “Theo dòng” (1941)…
 Từ con đường mang tên Thạch Lam, các bạn đã tổ chức cho tôi đi viếng mộ cụ Nguyễn Thượng Nhu thân sinh ra nhà văn Thạch Lam ở làng La A xã Kim Giang cách thị trấn không xa. Còn cố trạch của Tự lực văn đoàn thì nằm ngay bên đường xe lửa Hà Nội – Hải Dương – Hải Phòng trên đất Cẩm Giàng. Đó là một trang trại rêu phong u tịch với vườn cây cao niên, ao tù hoang phế. Chủ nhân hiện nay của căn nhà rêu phong cổ kính nầy là bác Nguyễn Văn Đạm. Bác Đạm ở đây có một mình để trông coi cố trạch nầy. Như tất cả những cư dân phố huyện Cẩm Giàng, bác Đạm tỏ ra rất tự hào về các nhà văn của quê hương mình. Bác cho hay, nếu nhà nước yêu cầu thì bác sẳn lòng nhận đền bù và di dời đi nơi khác để “khu công viên Tự lực văn đoàn” được bảo tồn và phát huy trên chính cố trạch nầy. Đều làm tôi rất bất ngờ là bác Đạm mở tủ, bầy cho tôi coi hầu như tất cả các tác phẩm của Thạch Lam đã xuất từ trước đến nay. Tôi coi kỹ thì đa phần là các tác phẩm được xuất bản ở Miền Nam sau năm 1954, trước năm 1975. Tôi hỏi bác Đạm kiếm đâu ra những của quý nầy? Bác cho hay, từ sau 1975, bạn đọc yêu mến Thạch Lam từ Miền Nam ra thăm quê hương nhà văn, thăm lại Tự lực văn đoàn, đã đem đến tặng và bác đã cất giữ nó như những báu vật. Chịu khó suy nghĩ, chúng ta có thể hiểu được điều nầy. Một giai đoạn dài sau cách mạng Tháng Tám, với những biến động dữ dội của lịch sử đất nước qua hai cuộc chiến tranh, cùng với ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Mao – ít, chúng ta đã có những đánh giá thiếu khoa học với những đóng góp của nhóm Tự lực văn đoàn trong lịch sử văn học nước nhà, vì thế, ở Miền Bắc các tác phẩm của Tự lực văn đoàn không được tái bản, một thế hệ bạn đọc ít biết đến tác phẩm Tự lực văn đoàn. Đến nay thì tình hình đã khác, tác phẩm của Thạch Lam đã được đưa vào sách giáo khoa phổ thông (lớp 11). Những đóng góp của Tự lực văn đoàn cho tiếng Việt hiện đại, cho thơ mới, cho sự giải phóng cá nhân, khẳng định “cái tôi”, chống lại bảo thủ của Nho giáo lỗi thời đã được khẳng định là đóng góp xứng đáng của nhóm Tự lực văn đoàn trong lịch sử văn học nước nhà. Riêng với Thạch Lam, khác với các tác giả còn lại của Tự lực văn đoàn mà tác phẩm thường là những mộng tưởng xa vời, cùng “Hồn bướm mơ tiên” thi vị hóa cuộc sống…được gọi là “văn học lãn mạn”, truyện ngắn của Thạch Lam gần với hiện thực lam lũ đói nghèo tủi cực khốn cùng của tầng lớp thị vân nơi phố huyện đìu hiu buồn tẽ quê hương nhà văn. Nhân vật của Thạch Lam là những cô hàng xén, bác phu xe, cô gái điếm, người mẹ nghèo đông con, những đứa trẻ đói khát, anh học trò nghèo đi trọ học… của một thời nước ta còn nô lệ dưới ách thực dân phong kiến. Những nhân vật của Thạch Lam như còn lẩn khuất đâu đây trong trí nhớ của người dân phố huyện Cẩm Giàng mà thầy giáo Diệp, cô giáo Ngọ, nghệ sỹ Quang Thông có thể chỉ cho tôi những hình mẫu thật ngoài đời, nhưng họ đã đi xa…Là một độc giả của Thạch Lam, tôi không còn nhớ đã đọc thiên truyện ngắn “Nhà mẹ Lê” trong tập truyện “Gió đầu mùa” từ khi nào, nhưng hình ảnh nhà mẹ Lê ở phố chợ Đoàn Thôn là một túp lều rộng bằng hai cái chiếu, 11 đứa con và mẹ Lê tối tối rúc vào nhau mà ngủ như “ổ chó” (nguyên văn). Hàng ngày mẹ Lê đi làm mướn ở các làng xung quanh kiếm từng bát gạo, còn đứa con lớn thì mò cua bắt óc quanh vùng. Phút vui vẽ nhất trong đời mẹ là lúc ngồi trước nhà “gọt tóc cho con bằng một mảnh chai sắc” (nguyên văn, mà tôi vẫn nhớ như in). Mẹ Lê chết thê thảm trong một ngày các con đói lả, mẹ liều mạng vô một nhà giàu xin một bát gạo với hy vọng cứu đứa con nhỏ sắp chết đói. Nhưng cậu Phúc con ông Bá nhà giàu đã vô cảm thả chó tây ra cắn mẹ. Mẹ Lê được người ta khiêng về nhà với bắp chân ròng ròng máu. Hai ngày sau mẹ chết, bà con lối phố gom góp nhau mua cho mẹ một cỗ ván mọt. Khi họ trở về còn thấy con Tý còn dỗ thằng Hi đang khóc, nói dối rằng mẹ đi một lát thì về !
 Những trang viết của Thạch Lam là như thế. Nó có sức lay động người đọc ngay từ ban đầu và nó trú ngụ hẳn trong lòng người đọc. Thạch Lam đã có lần tâm sự, thật ra thì ai cũng khổ, chỉ có khổ khác nhau mà thôi, nên “Phải tìm cái vui trong cái khổ vì chỉ sống thôi đã là quí lắm rồi”. Vì thế, ông là người yêu cuộc sống. Đọc Thạch Lam người ta thấy cả “mùi rơm rạ cỏ ướt” nơi làng quê của ông. Nhà văn Vũ Bằng kể lại rằng, Thạch Lam quý trọng từng cốc nước chè tươi nóng, trang trọng đưa lên miệng uống một cách gần như thành kính, như thể cảm ơn trời đất đã cho mình sống để thưởng thức ngon lành như vậy…Cái đẹp trong văn Thạch Lam là lòng nhân ái, là vẻ đẹp tâm hồn nhẹ nhàng mà sâu sắc, nó để lại sự ngậm ngùi thương sót cho số phận người nghèo. Cho đến giờ phút nầy của đất nước, vẫn còn có bà mẹ nghèo bị chó tây cắn chết trong vườn càfê của nhà giàu trên Tây nguyên mà báo chí đã lên tiếng…nên Thạch Lam vẫn còn gần gũi với chúng ta lắm, như có ông ở đâu đây quanh ta…
 Khi những trang viết nầy đến với bạn đọc thì ở cái phố thị Cẩm Giàng các bạn tôi đang long trọng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thạch Lam. Ước gì tôi lại có mặt ở Cẩm giàng…                                    LPK
Cần Thơ 7/2010
 
 Chú thích ảnh:
  1/ Biển đường phố Thạch Lam ở Cẩm Giàng Hải Dương.
  2/ Tác phẩm của Thạch Lam tại nhà bác Đạm.