Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Ý KIẾN CỦA MỘT NGƯỜI NGOÀI HỘI

Thái Sinh (báo Nông nghiệp Việt Nam)
Thứ năm ngày 24 tháng 6 năm 2010 2:52 PM
TNc: Thái Sinh là cây văn xuôi có hạng và một nhà báo ngoại hạng. Ông làm đơn vào HNVVN nhưng số phận chưa mỉm cười với ông. Từ khi nộp đơn Thái Sinh cũng không có dịp qua trụ sở Hội. Tôn trọng ý kiến của người ngoại đạo, tôi cho lên trang nhà coi như ý kiến đóng góp với Hội...

Kính gửi bác Trần Nhương và Bùi Minh Quốc!


Em không phải là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, thực ra trước đây em có làm đơn xin vào Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Lò Ngân Sủn khi đó đương là uỷ viên BCH Hội Nhà văn và nhà thơ Ngọc Bái (Chủ tịch Hội Văn nghệ Yên Bái) giới thiệu. Em tự thấy mình xứng đáng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ lâu lắm rồi, nhưng chả hiểu vì sao lại chẳng được kết nạp. Nay đọc bài “KẾT NẠP HỘI VIÊN HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM: MỘT CỬA NHIỀU NGÁCH”, em mới giật mình: À, ra thế! Nhớ lại chuyện của một nữ nhà thơ kể lại với em mấy năm trước, việc xin vào Hội cũng “lăn lóc”, hết gõ cửa ông A, bà B trình bày, nịnh nọt, nhờ vả…để họ bỏ phiếu cho mình. Nghĩa là cũng “vận động hành lang” đủ kiểu mới được kết nạp vào Hội. Sau đó nữ nhà thơ này có in mấy tập thơ, em cũng được tặng. Thưa với hai bác, em cũng làm thơ, ít thôi, nhưng không có nghĩa là không thẩm định được những bài thơ của nữ nhà thơ kia, câu chữ xáo mòn, ý tứ nông choèn. Đọc hết tập thơ mà chả câu nào đọng nổi trong trí nhớ. À ra thế! Đâu cứ phải là hội viên Hội Nhà văn là thơ phú long lanh, để đời? Một chuyện khác, có một nhà văn hẳn hoi cứ nằn nì em đọc và góp ý cho tiểu thuyết của mình trước khi đưa đến nhà xuất bản. Em sợ đọc văn của nhà văn này lắm, nó chẳng ra văn nói, cũng chả ra văn viết, cứ loằng ngoằng như rau muống, vả lại nghề làm báo túi bụi suốt ngày nên em từ chối không dám đọc và không dám góp ý.
 Nhà thơ Lò Ngân Sủn (trước lúc bị bệnh) có lần nói chuyện với em: Bác Ma Văn Kháng cứ ngỡ chú được kết nạp vào Hội Nhà văn rồi, mình bảo chưa. Bác ấy thở dài: Tại sao thế nhỉ? Lại nữa, một lần em cùng Trịnh Bá Ninh (Phó TBT báo Nông nghiệp Việt Nam) tới nhà riêng của nhà thơ Trần Đăng Khoa- khu tập thể Lý Nam Đế (khi ấy nhà thơ chưa lấy vợ) uống rượu, nhà thơ Trần Đăng Khoa thỉnh thoảng gọi em là “nhà văn”, khiến em ngượng quá. Đối với em, Hội Nhà văn cao vòi vọi, cỡ như em chỉ dám ngước nhìn, chứ không nghĩ Hội Nhà văn lại có một cửa nhiều ngách đâu.
          Thưa hai bác! Vừa rồi đọc bài “Cần dứt khoát đổi mới tổ chức Hội” của nhà thơ Bùi Minh Quốc và bài “Tôi có ý kiến” của bác Trần Nhương bàn về tổ chức Hội Nhà văn. Em là kẻ “ngoại đạo”, nên không dám thóc mách chuyện Hội của các bác. Khi đọc xong hai bài viết đó, theo thiển ý em, thấy Hội Nhà văn chẳng ra hội Chính trị, xã hội, nghề nghiệp cũng chẳng ra hội Xã hội, nghề nghiệp, cứ “dở dơi dở chuột”. So với các hội Chính trị khác, như: Hội Thanh niên, Phụ nữ…thì Hội Nhà văn “lép vế” mọi đằng, chỉ hơn Hội Làm vườn, Hội Nuôi ong…ở chỗ: Không hiếm hội viên các bác uống rượu khiếp quá, nhếch nhác khiếp quá và bị khinh thường khiếp quá. Xin kể với hai bác chuyện này: Có ông nhà văn đi cơ sở, mấy ông lãnh đạo địa phương nghe danh nhà văn cứ ớ ra, chả hiểu nhà văn nghĩa là sao. Tới bữa ăn thì nhà văn đó uống rượu nhiều khủng khiếp, nói năng bạt mạng, sau đó thì nôn mửa khắp nhà, nhưng lại cứ đòi uống nữa. Khiến mấy ông lãnh đạo địa phương nhìn cái ông nhà văn kia với con mắt vừa lạ lẫm vừa khinh miệt. Họ hỏi ỡm ờ: Sản phẩm ông nhà văn vừa thổ trong mồm ra là tác phẩm văn học à? Đấy chỉ là trường hợp cá biệt, đâu phải tất cả những nhà văn hả bác? Em bảo với họ: Nhà văn cũng là người, là người thì mỗi người một tính, có người thế nọ, người thế kia đừng đánh đồng các nhà văn, nhà thơ với đám nát rượu. Tôi ước được là nhà văn, nhà thơ mà chả được đấy….
Em cứ lẩn thẩn thế này, nếu Hội Nhà văn là hội Chính trị, xã hội, nghề nghiệp thì đại diện của Hội Nhà văn phải có trong cấp uỷ ở địa phương, Trung ương uỷ viên như nhiều hội Chính trị khác. Nhưng đằng này, họ coi Hội Nhà văn Việt Nam (ở Trung ương) Hội Văn học- Nghệ thuật (ở địa phương) có ra gì đâu? Nhà thơ Tố Hữu và Nguyễn Khoa Điềm được bầu vào Bộ Chính trị, không phải với danh nghĩa là đại diện của giới văn nghệ sĩ, mà hai ông này là lãnh đạo của Ban Tư tưởng- Văn hoá Trung ương. Thành ra, như điều bác Trần Nhương đã viết: Bên Đảng thì bảo Hội Nhà văn Việt Nam là hội Chính trị, xã hội, nghề nghiệp còn bên Chính phủ thì coi Hội Nhà văn giống như Hội Nuôi ong, hội Răng hàm mặt…Nói như thế, nếu em là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì em tủi thân lắm. Ai lại ví những nhà văn, nhà thơ sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật để đời như hội viên Hội Nuôi ong, những tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ ngang bằng những “tác phẩm” của họ là những đõ ong (trát phân trâu vào những khe nứt chống gió mùa đông) hay sao? Buồn tê tái. Ngẫm đi, ngẫm lại thì đúng như thế các bác ạ. Văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận Tư tưởng-Văn hoá, mà coi hội của họ như Hội Nuôi ong, Hội Răng hàm mặt thì bỉ mặt cái Hội Nhà văn quá, bỉ mặt giới văn nghệ sĩ quá. Nói đi là vậy, nói lại thì Hội Nhà văn các bác đã làm những gì để Đảng, Chính phủ coi trọng? Mà em hỏi thật nha, các ông Lép Tônxtôi, Đôxtôiepxki (Nga), Đuyma (cha) Đuyma (con), Vichto Huygô (Pháp)… ở  trời Tây, còn ở Việt Nam có các nhà thơ: Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, rồi Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương…họ sinh hoạt ở Hội Nhà văn nào nhỉ? Vậy mà tác phẩm của họ vượt cả thời gian, mấy trăm năm rồi vẫn cứ mê hoặc lòng người. Nhiều tác phẩm của hội viên Hội Nhà văn các bác xuất bản với sự tài trợ của quĩ nọ quĩ kia, chủ yếu để “kính biếu”, “kính tặng”. Em không tài nào đọc nổi, nhân vật cứ giả giả thế nào ấy, chẳng khác đồ giả là mấy. Có người nói vui: “Tác phẩm sản xuất theo đơn đặt hàng ấy mà…” Nhiều sản phẩm sản xuất theo đơn đặt hàng như cá ba sa xuất khẩu sang Mỹ, nếu có dư lượng hoá chất thì bị trả về ngay. Cũng là sản phẩm theo đơn đặt hàng sao họ đòi hỏi chất lượng cao thế, còn văn chương của ta sản xuất theo đơn đặt hàng lại là đồ giả (ít thôi) nhỉ? Người đọc Việt Nam có lẽ quen sài đồ giả nên họ cũng chẳng cần đồ thật làm gì, chẳng trách văn chương của ta chỉ có thế thôi.
Thưa hai bác! Em là kẻ “ngoại đạo”, đôi lúc lẩn thẩn nghĩ rằng: Không có Hội Nhà văn có khi lại có những tác phẩm lớn, ví như cụ Nguyễn Du, cụ có sinh hoạt ở cái hội nhà văn nào đâu, thế mà Truyện Kiều của cụ lại trường tồn. Tác phẩm văn học sinh ra tự thân mỗi tác giả, sinh hoạt hội hè chỉ để vui thôi. Cách đây mấy năm, em nghe chuyện hội viên các bác lôi nhau ra giữa Hội trường Ba Đình để xỉ vả nhau, ví nhau là cái “ca bốt lành”, “ca bốt rách”…khiến em kinh hãi quá. Chính vì thế, em càng không dám mon men tới cổng Hội Nhà văn. Lại nghe nói ông nhà văn nọ lấy nguyên mẫu ông nhà thơ trước kia là thủ trưởng của mình để viết một cuốn tiểu thuyết gì đó, khiến thiên hạ bàn tán xôn xao…Sao các bác không lôi bọn quan tham ra chửi cho dân hả hê, mà các bác lại lôi nhau ra giữa bàn dân thiên hạ để chửi chẳng khác chi hội rượu của đám bợm nhậu?
Từ đó em thấy ý của hai bác là xoá bỏ Hội Nhà văn Việt Nam đang hoạt động như hiện tại “không để Nhà nước phải chăm nuôi nửa vời như hiện nay tốn thêm tiền thuế của nhân dân”. Em thì có ý kiến khác, cứ để Hội Nhà văn do Nhà nước nuôi, gọi là tổ chức Chính trị, xã hội, nghề nghiệp để viết những tác phẩm theo đơn đặt hàng của Nhà nước. Bên cạnh đó có Hội Nhà văn là tổ chức xã hội, nghề nghiệp “hoạt động theo phương châm Tự nguyện, Tự chủ, Tự quản”  trong khuôn khổ của luật pháp, hội viên tự giải phóng mọi sự chi phối, họ viết không dưới cái gậy chỉ huy nào, hướng dẫn ngòi bút của họ là tình yêu Con Người, Tổ quốc và dân tộc Việt Nam. Như vậy, biết đâu văn học nước nhà lại phát triển, có những tác phẩm lớn?
Thưa bác Trần Nhương và Bùi Minh Quốc! Em là kẻ “ngoại đạo”, đôi lúc cũng được nghe chuyện Hội Nhà văn các bác, nay thấy hai bác bàn chuyện tổ chức hội, em ngứa mồm tham gia vài câu, như đứa trẻ con hóng hớt chuyện của người lớn, nếu không phải thì mong hai bác và các hội viên bỏ ngoài tai. Kính chúc hai bác mạnh khoẻ, thơ hay.
Thái Sinh (báo Nông nghiệp Việt Nam)