Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GÓP Ý VỚI BÁO NHÂN DÂN, NHÂN ĐỌC BÀI THƯ NGỎ GỬI ÔNG TBT BÁO NHÂN DÂN

Nguyễn Hữu Quý (ĐL)
Thứ tư ngày 23 tháng 6 năm 2010 3:31 PM
Đã từ lâu lắm, phải có đến hơn 20 năm tôi không đọc đến báo nhân dân; tuy nhiên, không đọc không có nghĩa là không thấy.
Đối với những người thuộc thế hệ U50, có lẽ tờ báo nhân dân là quen thuộc nhất, bởi vì, ngày còn nhỏ và đến tuổi trưởng thành đã được nhìn thấy báo nhân dân (ở miền Bắc, bưu điện đến cấp xã); đặc biệt, trong những năm 1970-1980 số lượng các đầu báo ở nước ta còn rất ít, thông tin chủ yếu là từ Radio (cũng rất hiếm) và báo nhân dân.
Đã có đâu đó đôi lần đọc được những phân tích về nhược điểm của báo ND trên các tờ báo điện tử, rõ ràng là, nếu như không được nuôi bằng nguồn sữa mẹ “ngân sách” thì có lẽ, báo ND đã trở thành “kỷ niệm” trong làng báo nước nhà từ lâu lắm rồi!
Đến hôm nay, lại được biết thêm “Lâu nay dư luận nói Báo Nhân Dân không bán, chỉ “phân bổ”, mà dẫu có bán cũng không có người mua, người đọc” (lời trong bài).
Nếu bỏ qua về nội dung (sự quyết định để một tờ báo tồn tại); thì báo ND có một sự “cố hữu” không thay đổi trong suốt gần 50 năm qua, đó là: kích thước của tờ báo (được biết có tăng số trang), và đây là nhược điểm lớn nhất dễ nhận biết; có thể nói, báo ND là tờ báo có kích thước (khổ báo) lớn nhất trong tất cả các báo xuất bản hiện nay (hầu như còn cả báo Lao động nữa thì phải?);
Nếu như ngày nay, báo ND chỉ để “phân bổ” cho các tổ chức, thì không khó để đoán rằng, các cơ quan nhận “phân bổ” sẽ là: UBND các cấp, các hội đoàn, tổ chức... trong hệ thống chính trị nước ta ở các cấp (cấp uỷ Đảng, hội Cựu chiến binh, UBMTTQ...).
Hãy tưởng tượng, một người cao tuổi (đối tượng phục vụ chủ yếu của báo ND hiện nay), khi đọc một bài báo trong báo ND ở trang 1 và (xem tiếp trang 6), thì phải dang “cánh tay” rộng cỡ nào để tìm phần còn lại của bài báo (ở trang 6), trong khi tờ báo không được đóng cẩn thận (dễ bị rơi khi tìm trang), người cao tuổi lại cử động chậm chạp v.v..! tất cả điều đó, làm cho báo ND “mất giá” cho dù có được “phân bổ”, hay biếu không đi chăng nữa!
Đảng ta đã tiến hành “Đổi mới” từ năm 1986, nhưng riêng báo ND thì không; công cụ hàng ngày của Đảng tiếp xúc với quần chúng, nhân dân mà trì trệ như vậy, liệu hỏi rằng, sức mạnh tuyên truyền có phát huy tác dụng (chưa nói đến nội dung)? câu hỏi này dành cho TBT tờ báo và đội ngũ phóng viên rất hùng hậu và có trình độ của tờ báo (thông cảm với TBT hiện nay, vì đã trì trệ từ mấy chục năm rồi).
Sự trì trệ của tờ báo ND phản ảnh sự trì trệ của...hệ thống!
Nếu như chỉ để “phân bổ”, trong khi số lượng SX lớn, thì rõ ràng hàng năm ngân sách nhà nước phải “bao cấp” cho quý báo ND ước khoảng 45-50 tỷ (SX báo, trả lương độ ngũ quản lý, phóng viên, chi nhánh ở các tình thành, cơ sở hạ tầng khác...), đây là một số tiền rất lớn.
22.6.2010
Nguyễn Hữu Quý