(viết theo liên tưởng của một người trẻ tuổi)
Thúy Kiều của Nguyễn Du đã vào Hội Nhà văn (Hội Nhà văn chương) lúc mấy tuổi? Thể thức kết nạp như thế nào?
Trong một bài viết mới đây của tôi, tôi có dùng thành ngữ “cùng hội cùng thuyền” với một văn cảnh nhất định, không hàm ý nói đến tình cảnh bi đát, khổ nhục của những người tài hoa trong xã hội xa xưa nào đó, nhưng có lẽ, mặc dù không trực tiếp, mà lại chi phối nhiều hơn, ấy là không khí báo chí, điểm mạng toàn cầu các loại bàn đến chuyện hội nghề nghiệp văn chương khá nhiều, nên chàng trai trẻ thân thương của gia đình tôi chợt liên tưởng đến “hội đoạn trường” trong Truyện Kiều:
“Hàn gia ở mé tây thiên,
Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu.
Mấy lòng hạ cố đến nhau,
Mấy lời hạ tứ ném châu gieo vàng.
Vâng trình hội chủ (*) xem tường,
Mà sao trong sổ đoạn trường có tên.
Âu đành quả kiếp nhân duyên,
Cùng người một hội, một thuyền đâu xa!
Này mười bài mới mới ra,
Câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời”.
Kiều vâng lĩnh ý đề bài,
Tay tiên một vẫy đủ mười khúc ngâm.
Xem thơ nức nở khen thầm:
“Giá đành tú khẩu cẩm tâm khác thường
Ví đem vào tập đoạn trường
Thì treo giải nhất chi nhường cho ai”.
(câu 195- 210)
Chàng trai trẻ thân thương ấy lại có thêm lời chúc, đại để: Chúc các hội nhà văn chương không phải là HỘI ĐOẠN TRƯỜNG mà là hội nghề nghiệp chính danh của những người cầm bút đồng thời là những công dân tự do, tự chủ và độc lập.
Tôi ngẫm nghĩ, cũng nên viết lại thành một bài phiếm đàm cho vui. Và trước hết, nghĩ ra mấy câu giáo đầu, như một cách “rao bài”, phỏng theo cách của mấy bà rao quà vặt dọc phố: Thúy Kiều của Nguyễn Du đã vào Hội Nhà văn (Hội Nhà văn chương) lúc mấy tuổi? Thể thức kết nạp như thế nào? Lời chúc của chàng trai trẻ thân thương chép trích đoạn Truyện Kiều ấy có chí lí không?
Chưa kịp viết thành bài, có bạn gọi điện thoại thăm hỏi. Nhân thể, tôi đọc trích đoạn Kiều cho bạn nghe. Bạn cho rằng rất vui, thâm thúy, và lời chúc phản đề cũng rất chí lí. Hình như chàng trai trẻ thân thương cũng có nghe cuộc điện thoại ấy, nên hứng chí phân tích cụ thể nhiều điểm. Tôi sắp xếp lại cho mạch lạc, dựa theo mấy câu “nêu” rao bài trên kia:
1) Thúy Kiều của Nguyễn Du vào Hội Nhà văn (Hội Nhà văn chương) vào độ tuổi “xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” (khoảng từ 13 đến 16 tuổi).
Nói theo cách quan niệm ngày nay, Thúy Kiều đúng là thần đồng (tài năng vị thành niên)!
2) Thể thức kết nạp: Thúy Kiều cùng “hồn ma” hội viên Đạm Tiên cảm mến nhau; Đạm Tiên đem tác phẩm của Kiều trình lên hội chủ (chủ tịch hội). Hóa ra, trong danh sách hội viên dự tính kết nạp, vốn được những ai đó (theo tư tưởng xưa, là tiền định) kín đáo đề cử, đã có tên Vương Thúy Kiều! Ngay sau đó, hội chủ liền cử Đạm Tiên đem mười bài thơ đoạn trường mới của các hội viên trong hội cho Thúy Kiều họa, như một cách thử tài, kiểm định năng lực viết lách, sáng tác theo đề tài, thể và vần cố định, trước khi chính thức kết nạp. Và Thúy Kiều đã vượt yêu cầu. Theo nhân định của Đạm Tiên, 10 bài họa thơ của Kiều xứng đáng được trao giải nhất, vượt lên tất thảy các tác giả hội viên trong tập thơ đoạn trường (đoạn trường thi tập).
Thể thức kết nạp rất hay! Phải nói ngay như thế. Nay có thể vận dụng sáng tạo, vì đâu còn là họa thơ, một trong những cách sinh hoạt văn chương cổ truyền, như thuở xưa nữa.
3) Lời chúc phản đề của chàng trai trẻ thân thương tất nhiên là chí lí, vì chúng ta đang sống trong thời đại độc lập, tự do, dân chủ (hi vọng dân chủ nhiều hơn) và bản thân mỗi nhà văn chương đều tự chủ (hi vọng tự chủ nhiều hơn), không một người cầm bút nào lại “đánh đĩ văn chương” (“làm đĩ ngòi bút”) của mình (hi vọng dân quyền, nhân quyền nhiều hơn).
Thúy Kiều sau 15 năm “làm đĩ văn chương – nghệ thuật”, đã được Đạm Tiên trao quyết định khai trừ, đòi lại “Đoạn trường thi tập”, một tuyển tập của toàn thể hội viên: “Đoạn trường sổ rút tên ra / Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau” (câu 2721-2722). Và chính Thúy Kiều cũng oán thơ và âm nhạc của chính mình: “Nàng rằng: ‘Vì mấy đường tơ / Lầm người cho đến bây giờ mới thôi’” (c. 2193-2194); “Nàng rằng: ‘Vì chút nghề chơi / Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu / Một phen tri kỉ cùng nhau/ Cuốn dây từ đấy về sau cũng chừa’” (c. 3211-3214). Sự thể ấy có căn nguyên từ bản chất văn chương, nghệ thuật và quan niệm văn chương, nghệ thuật cũ; mặt khác, trong những chế độ chính trị – xã hội thiếu nhân quyền, dân chủ, thi sĩ, nhạc sĩ chỉ là con dĩ, con hát cho những kẻ “mua dâm lắm tiền”. Nhiều người đã bàn nát nước ra rồi. Ở đây, khỏi bàn lại.
Thật là vui! Mặc dù chàng trai trẻ thân thương cho rằng, “tếu táo cho dzui”, nhưng theo tôi, thế là vui lắm… Tôi cứ cười mãi, có khi bật ra thành tiếng, vì thú vị thật… — thú vị do sự phát hiện mới mẻ.
Cái vui, cái cười này, cái thú vị này xem ra cũng quá tàn nhẫn với người tài hoa bạc mệnh trong xã hội ngày xưa, cái ngày xưa trong Truyện Kiều của Nguyễn Du (một thiên tài thi ca vốn xuất thân từ quý tộc Đàng Ngoài suy vong, ra làm quan cho tân triều Nguyễn, tuy lên đến bậc á khanh vẫn mang nặng tâm trạng hoài Lê luyến Trịnh)!
Dẫu sao, nay cũng đã khác xưa rồi! Các hội nhà văn chương địa phương và hội nhà văn chương toàn quốc nước ta trong mấy chục năm qua cho đến hiện nay hoàn toàn không phải như thế. Và dẫu sao, tôi thấy cũng nên nhắc lại lời chúc đã chép lại trên kia: Chúc các hội nhà văn chương không phải là HỘI ĐOẠN TRƯỜNG mà là hội nghề nghiệp chính danh của những người cầm bút đồng thời là những công dân tự do, tự chủ và độc lập.
TXA.
19-6 HB10 (2010) lúc 3:24 chiều
20-6 HB10 (2010) lúc 5:11 chiều
__________________________
(*) Hội chủ của hội đoạn trường. Cụm từ “hội đoạn trường” vốn có trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:
Lần lần thỏ bạc ác vàng,
Xót người trong hội đoạn trường đòi cơn
(câu 1269-1270).
Mặc dù đoạn tiếp theo còn có sự đay nghiến của Định Mệnh (chứ không phải của hội chủ!), đồng thời khẳng định tác nhân bên ngoài (chứ không phải khuynh hướng bất hạnh tự thân), theo quan niệm cổ xưa “tài mệnh tương đố”, “hồng nhan đa truân”:
Đã cho lấy chữ hồng nhan
Làm cho cho hại cho tàn cho cân
Đã đày vào kiếp phong trần
Sao cho tủi nhục một lần mới thôi
(câu 1271-1274).
Điều đó thể hiện ở các chữ “đã cho”, “làm cho cho …”, “sao cho” …