& ÁNH SÁNG MỚI
I. Công cuộc Đổi mới và sự “cởi trói” cho văn nghệ, học thuật
II. Một trong những hướng mở: Viết về phân số nhân dân không và chưa có thể toàn tâm hoà nhập vào tiến trình Cách mạng và Đổi mới
1. Nghĩ về đề tài
2. Nghĩ về hình tượng trung tâm
3. Nghĩ về lí tưởng thẩm mĩ
III. Văn chương, tiếng nói của hoà giải và đoàn kết
I.
Công cuộc Đổi mới và sự “cởi trói” cho văn nghệ, học thuật
Văn chương đích thực là tiếng nói nghệ thuật, tiếng nói học thuật xuất phát từ tâm thái tự do, được soi sáng và điều chỉnh bởi trí tuệ của chính người viết. Nếu được viết với tâm thái, với trí tuệ đó, trong điều kiện xã hội không trói buộc về xuất bản, phát hành, chắc hẳn người cầm bút không còn mơ ước gì hơn.
Như vậy, trước hết, đó là sự trả lại sáng tác văn chương, khoa học về văn chương cho chính nó, đúng với chức năng phản ánh trung thực, một chức năng cao đẹp, hàng đầu (trước cả thiện và mĩ) vốn đã được xác lập từ xưa, lại được khẳng định trong nhiều thập niên thuộc thế kỉ XX mới đây: Văn chương là tấm gương trung thực phản ánh hiện thực xã hội. Tất nhiên hiện thực xã hội ấy luôn luôn ở trong tiến trình vận động một cách biện chứng, không đứng yên, chết cứng.
Để tác phẩm đạt được phẩm chất chân thực, để người cầm bút được quyền giữ gìn, phát huy đức tính trung thực, thật không dễ dàng gì, trong điều kiện đất nước chiến tranh, nhất là trong thời hậu chiến, người cầm bút bị đe doạ, bị mua chuộc, hoặc do cái tâm, cái trí của cá nhân nào đó chưa sáng.
Không kể đến những người cầm bút thiếu sĩ khí, thiếu lương thiện (thiếu đức tính trung thực), ở đây, chúng ta bàn đến điểm chung nhất. Khi bàn đến vấn đề chung nhất của văn chương, gồm sáng tác và lí luận - phê bình văn chương, không thể không thấy sự bức xúc đến mức phẫn nộ hoặc trầm uất về tự do sáng tác, tự do học thuật, trước Đổi mới. Do đó, cùng với đổi mới về kinh tế, về các mặt khác thuộc nhiều lĩnh vực trong xã hội, đó là sự “cởi trói”, để văn chương, nghệ thuật và học thuật về văn chương có thể khai phá, đi sâu, mở rộng vào nhiều đề tài...
Một trong những hướng mở sau khi được “cởi trói”, phải chăng là khơi sâu, mở rộng dòng văn chương, học thuật thuộc thời đoạn tạm thời xác lập là từ 1986 cho đến nay, viết về một phân số đông đảo nhân dân Miền Nam, vốn từ trước 1975, không hay ít chịu ảnh hưởng của Cách mạng? Tôi xin được nhấn mạnh: đó là một trong những hướng mở.
Đây không phải là một vấn đề đương nhiên, không cần bàn đến, vì nhiều người cứ ngỡ rằng một khi khẳng định như kinh nhật tụng, “văn học phản ánh hiện thực”, mà hiện thực thì muôn vẻ, đa dạng, nhiều màu sắc chính kiến, nên đương nhiên là cuộc sống, tư tưởng, tâm trạng cá nhân thuộc bộ phận xã hội cho dù không hoặc chưa toàn tâm hoà nhập vào tiến trình Cách mạng, Đổi mới cũng đã được phản ánh rồi, từ trước đến nay không ai cấm đoán.
Thật ra, không đơn giản như vậy.
Tham luận này nêu ra vấn đề ấy cũng chỉ với chủ đích là để nền văn chương, học thuật nước ta ngày mỗi phong phú, đa dạng, toàn diện hơn, và chân thực hơn. Đó cũng là tiền đề của tính lương thiện, tính thẩm mĩ. Ở phương diện khác, đó chính là yêu cầu của một phân số khá lớn nhân dân và của tất thảy mọi người đọc, đặc biệt là những người đọc vốn trọng tính trung thực.
II.
Một trong những hướng mở: Viết về phân số nhân dân không và chưa có thể toàn tâm hoà nhập vào tiến trình Cách mạng và Đổi mới
1. Nghĩ về đề tài:
Viết về cuộc sống, tư tưởng, tâm trạng cá nhân thuộc một bộ phận xã hội không hoặc chưa toàn tâm hoà nhập vào tiến trình Cách mạng, đó là một đề tài không phải mới mẻ, chưa từng có ai viết, hay chưa được các toà soạn, các nhà xuất bản chấp nhận cho đăng tải, ấn hành. Trong thời chiến tranh chống Pháp ở Bắc bộ, đã từng có truyện ngắn “Đôi mắt” của nhà văn Nam Cao (hình như viết về nhà văn Vũ Bằng); một phần quan trọng trong bộ tiểu thuyết hai tập “Vỡ bờ” của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Thời chống Mỹ, trong những vùng giải phóng, ở Miền Nam, nhiều đội văn công chuyên nghiệp hay quần chúng đã dựng vở kịch ngắn “Chứng chỉ sức khoẻ” của nhà viết kịch Nguyễn Vũ; với bối cảnh đô thị, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã có truyện kí “Như con sông từ nguồn ra biển” (hình như viết về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có trường ca “Mặt đường khát vọng”... Sau ngày đất nước thống nhất, trước Đổi mới, cũng đã có “Khoảng cách còn lại”, “Đứng trước biển” của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn... Ngoài ra, cũng về đề tài này, nhưng thuộc hiện thực cách mạng ở Liên Xô cũ, chúng ta còn đọc được bộ ba tiểu thuyết “Con đường đau khổ” của nhà văn Aleksei N. Tolstoi (1883-1945)...
Tuy vậy, mặc dù hầu hết đó là những tác phẩm được viết với phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, theo sự vận dụng riêng, có sáng tạo mới của mỗi tác giả (chẳng hạn như có tác phẩm được tăng cường những yếu tố thuộc hiện thực phê phán), nhưng không phải tác phẩm nào cũng được nhắc đến, chưa nói là được đánh giá đúng mức hay không.
Thậm chí, tiểu thuyết “Một thời dang dở” của nhà văn Trần Thanh Giao, có nhân vật trung tâm là Ba Trí (sinh viên Miền Nam, trưởng thành trong phong trào đấu tranh đô thị, lên rừng tham gia kháng chiến chống Mỹ, về lại TP.HCM. để xây dựng, gặp phải những trói buộc của cơ chế, khao khát được “bung ra”), cũng phải rơi vào sự lạnh nhạt của những trang phê bình trên báo chí chính thống.
Tuy vậy, một phần do sự cưỡng bức vô thức của cuộc sống xã hội đối với vô thức của người cầm bút, một phần do thôi thúc của nội tâm, trong đó có lương tâm, họ đã vượt lên những rào cản, trói buộc có tính chất “định chế” sáng tác, để rồi được tháo gỡ, cởi trói. Sau Đổi mới, thật sự đã có sự mở rộng, đào sâu “mặt trái” của hiện thực xã hội theo đề tài này, để văn chương ta không còn phiến diện, hiện thực phản ánh trong tác phẩm không còn là hiện thực “bị cắt xén”, “gọt chân cho vừa giày” hay “cắt đầu cho vừa giường”. Có thể nói, ít nhiều cũng đã có những tác phẩm viết về “vết thương” chiến tranh, hậu chiến, kể cả “vết thương” không chỉ do các thế lực ngoại xâm hay phản cách mạng gây ra, mà tác nhân chính là Cách mạng. Trên văn đàn, báo chí chính thống ở nước ta, hầu như chỉ những người cầm bút Miền Bắc hay gốc Bắc vào Nam sau 1975 viết về đề tài “vết thương” này, nên hiện thực và nhân vật là Miền Bắc, chứ không phải Miền Nam, như nhà văn Bảo Ninh với “Nỗi buồn chiến tranh”, đặc biệt là nhà văn Tô Hoài với “Ba người khác”, và gần đây, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng với “Nước mắt một thời” (rất tiếc là tôi chưa đọc trọn vẹn tiểu thuyết này) (1) (2)... Cũng trên văn đàn, báo chí, những người cầm bút Miền Nam, kể cả những người vốn sinh trưởng ở Miền Nam trong giai đoạn 1954-1975, hầu như hoàn toàn vắng bặt, không có tác phẩm nào viết về “vết thương”, cho dù chỉ là “vết thương” do lịch sử gây ra. Sự thể này cũng có cơ sở của nó. Đó là tâm lí tự co rút, và không có điều kiện để mạnh dạn. Mặt khác, phải chăng câu nói này phản ánh tâm lí của người kháng chiến: “Ta phê phán ta, chứ thằng địch cũ có quyền gì mà phê phán ta!”...
Riêng tôi, ngoài những tập thơ (1973-1998), trong thời Đổi mới, bản thân tôi cũng đã viết đến 4 tiểu thuyết, khẳng định thành tựu chung song song với thể hiện nỗi đau không riêng ai: “Mùa hè bên sông” (Nỗi đau hậu chiến), “Có một nơi lá mãi xanh”, “Ngôi trường tháng giêng”, “Sen đỏ, bài thơ hoà bình” (có thể kể thêm tập truyện ngắn liên hoàn “Nước mắt có vị ngọt”...). Trong đó, có 3 tiểu thuyết đã được Nxb. Hội Nhà văn và Nxb. Thanh Niên cấp phép ấn hành.
Tiểu thuyết “Mùa hè bên sông” (Nỗi đau hậu chiến, 1997 & 2003) của tôi có chủ đích “phẫu thuật vết thương Bến Hải, vĩ tuyến 17” – một “vết thương” phần lớn là do sự xâm lược của Pháp và “tả đạo” trong Thiên Chúa giáo, rồi “tả đạo” được sự hà hơi tiếp sức của Mỹ, gây ra, cũng chưa được chính thức xuất bản qua một nhà xuất bản nào trong nước.
Hiện thực cuộc sống Miền Nam, đặc biệt là trong giai đoạn 1975 đến nay, 2010, đã và đang kêu đòi phải chấp nhận sự tồn tại, hiện hữu của nó trong các tác phẩm văn chương, một cách trọn vẹn, toàn diện, cả mặt ánh sáng cũng như mặt bóng tối. Câu hỏi lớn đã, đang và sẽ trầm thống vang lên, dõng dạc vang lên cho đến mãi ngàn sau: Sau Ngày Giải phóng, Thống nhất Đất nước, 30 tháng 4, 1975, đến 2010, xã hội Miền Nam phát triển hay trì trệ như thế nào, nhân dân Miền Nam sống ra sao; đâu là hình ảnh xã hội và con người Miền Nam chân thật, thuộc thời đoạn ấy, trong văn chương?
Quả thật đây là một đề tài không mới mẻ, nhưng chưa được khai thông, đào sâu, mở rộng, gồm cả hai mặt của một thực thể hiện thực xã hội Miền Nam: ánh sáng mới và “vết thương” chiến tranh, hậu chiến...
2. Nghĩ về hình tượng trung tâm:
Một trong những nguyên nhân của sự thiếu mặn mà đối với các tác phẩm viết về đề tài này, cho dù các tác giả đã chấp nhận một số hạn chế nhất định (chẳng hạn như phải chọn lựa mảng hiện thực nào, nhân vật loại nào, quá trình phát triển tính cách ra sao, đặc biệt là viết dưới ánh sáng nào...), là bởi người ta còn bị vướng víu, mắc mứu vào một vài điểm như hình tượng nhân vật trung tâm của tác phẩm, hiện thực với hoàn cảnh điển hình được tác giả chọn lựa để phản ánh...
Trên phương diện lí thuyết chính thống trước đây, hình tượng trung tâm luôn luôn được đề nghị phải phản ánh, xây dựng, khắc hoạ là nhân vật điển hình và hoàn cảnh điển hình thuộc về lực lượng nòng cốt của Cách mạng, thuộc về hiện thực kháng chiến và cuộc sống mới trong xã hội mới. Như đã nói, con người mới, cuộc sống mới vốn đã được nhận thức một cách biện chứng, không chỉ con người mới được sinh ra, trưởng thành, đào tạo trong ánh sáng mới, và cuộc sống mới với phương thức sản xuất mới, mà còn bao gồm cả con người cũ và cuộc sống cũ trong tiến trình được cải tạo để trở nên mới.
Trước Đổi mới không lâu, nhất là sau Đổi mới, trên báo chí, đã có những câu hỏi nêu ra: Tìm và xác định hình tượng trung tâm của tác phẩm văn chương, nghệ thuật cũng như học thuật (lí luận, phê bình) trong bối cảnh xã hội từ bấy giờ cho đến nay. Tuy nhiên, hình như văn chương đã tự vận động theo những chiều hướng thoát khỏi phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Dẫu thực tế của dòng chảy văn chương, học thuật là vậy, nhưng hình như ở đâu đó, cả ở mỗi người trong chúng ta, vẫn còn vướng víu, mắc mứu khá nặng bởi ý niệm hình tượng trung tâm được lí thuyết chính thống đề nghị như một ưu tiên.
Cũng giống như trong kinh tế, cho dù chấp nhận kinh tế nhiều thành phần, nhưng thành phần kinh tế chủ đạo vẫn phải được xác định, do đó, hình tượng trung tâm, giữ vị thế chủ đạo trong văn chương, học thuật phải là con người, cuộc sống đã kinh qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, bước vào công cuộc xây dựng mới, trước và sau Đổi mới. Vì vậy, con người cũ, cuộc sống cũ Miền Nam cho dù vẫn vận động theo tiến trình cách mạng và Đổi mới, vẫn là “thành phần phụ, thứ yếu”. Và ngay trong phân số “con người cũ, cuộc sống cũ” đang vận động theo thời gian, theo tiến trình chung ấy, còn có những số phận thuộc loại “nạn nhân chiến tranh”, “tàn dư” thuộc chế độ cũ (có người đã là phượng hoàng bay lên từ tro than trong kinh tế Đổi mới hay vẫn lầm lũi như loài giun trong bùn đất hiện nay), tất nhiên họ chỉ là những chiếc bóng mờ nhạt.
Tuy nhiên, tác phẩm văn chương với hình tượng trung tâm nào đó, phải chăng là yếu tố chủ yếu để định giá là tác phẩm có giá trị, là tác phẩm lớn hay không; tác phẩm lí luận – phê bình chủ yếu đề cập đến loại tác phẩm văn chương với hình tượng trung tâm như thế nào, phải chăng là căn cứ để đánh giá là có giá trị hay không?
Sau khi nghiền ngẫm đủ loại lí thuyết soi sáng, dẫn đường cho sáng tác hay đúc kết từ sáng tác, sau khi vận dụng đủ loại thi pháp văn chương với các thủ pháp cụ thể từ nhiều tác phẩm đông tây kim cổ, mỗi người cầm bút trong chúng ta đều đã thoát ra, để hồn nhiên suy nghĩ, sáng tạo mới một cách độc lập. Nếu chúng ta đã từng phấn chấn trước những hình tượng anh hùng trong hiện thực kháng chiến xưa nay, thì chắc chắn chúng ta cũng từng rơi nước mắt (nước mắt thanh tẩy và nâng cao tâm hồn chúng ta), trước những hình tượng nhân vật bi kịch, tình huống hiện thực bi kịch, nhưng không sa vào “thú đau thương” (nghiện ngập bi kịch), khiến cuộc sống, con người trong xã hội càng bi kịch thêm... Trên đời và trong văn chương, có biết bao cung bậc, sắc độ của cảm xúc trước vô vàn hình tượng trung tâm được phản ánh.
Phải chăng là như vậy? Xin được nêu vấn đề như thế, trong chiều hướng khơi sâu, mở rộng dòng văn chương viết về nhiều số phận mang nặng các “vết thương” chiến tranh, hậu chiến và tiếp nhận ánh sáng mới của cách mạng, Đổi mới.
Nói như vậy, không có nghĩa là không thừa nhận vai trò quan trọng của dòng văn chương “chủ đạo”. Và cũng cần nói lại, “chủ đạo” hay không “chủ đạo” không phải là mấu chốt, mà vấn đề là chất lượng của tác phẩm.
3. Nghĩ về lí tưởng thẩm mĩ:
Lí tưởng thẩm mĩ cũng là một vướng víu, mắc mứu của nhiều người, đặc biệt là những người nắm giữ chức quyền, trước việc đăng tải, xuất bản sách in giấy, phát hành, giới thiệu, phê bình, quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng một tác phẩm nào đó.
Thế nào là lí tưởng thẩm mĩ? “Từ điển bách khoa Việt Nam” hẳn đã có định nghĩa chính xác về vấn đề lí thuyết này: “Lí tưởng thẩm mĩ tồn tại như một sự định hướng của con người trong quan hệ thẩm mĩ nhằm đưa tới cái đẹp mong muốn nhất. Lí tưởng thẩm mĩ bao giờ cũng bị chi phối về mặt xã hội và lịch sử, và ở trong mối tương quan trực tiếp với lí tưởng xã hội, chính trị, đạo đức, vv. Lí tưởng thẩm mĩ được biểu hiện một cách đầy đủ nhất, hữu hiệu nhất trong nghệ thuật. Một mặt, qua trung gian của phương pháp sáng tác, lí tưởng thẩm mĩ quyết định những nguyên tắc về tư tưởng và tình cảm thẩm mĩ của người nghệ sĩ đối với hiện thực. Mặt khác, qua những tác phẩm nghệ thuật, lí tưởng thẩm mĩ góp phần vào việc hình thành những tiêu chuẩn của thị hiếu cho một thời kì lịch sử nào đó” (3).
Nói một cách giản dị, và trong giới hạn về lĩnh vực, lí tưởng thẩm mĩ chính là quan niệm về cái đẹp như mong ước cao nhất của người sáng tác văn chương đối với hiện thực, ở các bình diện vật chất cũng như tinh thần (đạo đức, nhân sinh quan, thế giới quan, bản sắc văn hoá dân tộc...), thể hiện qua hình tượng tác phẩm, đặc biệt là hình tượng nhân vật mà tác giả yêu quý nhất. Cũng có những tác phẩm không có nhân vật “lí tưởng”, nhưng xét trên tổng thể hình tượng tác phẩm (viết về cái hiện có), lí tưởng thẩm mĩ của tác giả vẫn thể hiện ở khuynh hướng của tác phẩm (hướng tới cái nên có).
Lí tưởng thẩm mĩ chính là giá trị chân (thật) thiện (tốt) mĩ (đẹp) ở mức cao nhất của hoài bão người cầm bút, thể hiện, kết tinh trong tác phẩm văn chương.
Điều ngộ nhận ở một số người, khi họ nghĩ rằng hình tượng trung tâm (luôn được lí thuyết chính thống đề nghị là thành phần nòng cốt của cách mạng) một khi đã là chủ đạo của nền văn chương, thì lí tưởng thẩm mĩ do đó không thể là những biểu hiện, kết tinh ở những nhân vật trung tâm không phải là loại chủ đạo trong những tác phẩm viết về đề tài, chẳng hạn như, nhiều số phận mang nặng các “vết thương” chiến tranh, hậu chiến và tiếp nhận ánh sáng mới của cách mạng, Đổi mới... Tất nhiên đó là một ngộ nhận không thể không nói là thô thiển, tai hại. Thực chất, đó là một định kiến có nguồn gốc từ chủ nghĩa thành phần, chủ nghĩa lí lịch máy móc, thiếu tính biện chứng, thậm chí xuất phát từ sự đối lập hẳn những giá trị cách mạng với giá trị truyền thống, mang bản sắc dân tộc và cả giá trị có tính nhân loại. Nói trắng ra, theo những người ấy, đã là người Miền Nam thuộc chế độ cũ, thì không thể là thật, là tốt, là đẹp, cho dù đã tiếp nhận ánh sáng mới của cách mạng. Họ quên đi mẫu số chung Việt Nam bốn ngàn năm ở con người cũ, trưởng thành tại Miền Nam!
Một điểm khác, mặc dù viết về đề tài “vết thương” chiến tranh, hậu chiến ở Miền Nam, nhưng chính ánh sáng của lí tưởng thẩm mĩ đã giúp cho cái nhìn của người cầm bút góp phần tương tác với hình tượng trung tâm (nhân vật và hoàn cảnh), để “trăm sông cùng chảy về một biển lớn”, và chính tác phẩm cũng góp phần hình thành lí tưởng thẩm mĩ cho bao nhiêu người đọc khác, kể cả người đọc bảo thủ nhất với thứ định kiến thành phần chủ nghĩa, lí lịch chủ nghĩa máy móc nhất.
Nhà văn Aleksei N. Tolstoi không hết lòng yêu thương, trân trọng bốn nhân vật vốn là trí thức cũ, thậm chí là sĩ quan bạch vệ, từng bước thừa nhận vai trò của chính quyền xô-viết đó sao? Đó là ở một cực, các nhân vật ấy có thể là tinh hoa của xã hội Nga sa hoàng, sau Cách mạng Tháng mười Nga. Một cực khác, dưới đáy xã hội Sài Gòn cũ: Nhà văn Trần Thanh Giao không hết lòng yêu thương, trân trọng nhân vật Ly Ly, một cô gái thuộc thành phần có tiền sự, phải chịu cải tạo ở một trường học lao động cũng là nông trường đó sao, cho dù cuối cùng thì Ly Ly cũng bỏ trốn để vượt biên rồi bị chết bởi cá sấu (biểu tượng cái ác của quy luật rừng xanh có tính xã hội), nhưng tâm thức cô dẫu sao cũng đã được cảm hoá, khơi sáng?
Lí tưởng thẩm mĩ không chỉ thể hiện ở thái độ yêu thương, trân trọng loại nhân vật này mà còn là châm biếm, thậm chí là căm ghét đối với loại nhân vật khác, kể cả các biểu tượng của quy luật rừng xanh có tính xã hội, như Sấu Bông của nhà văn Trần Thanh Giao.
III.
Văn chương, tiếng nói của hoà giải và đoàn kết
Văn chương, bao gồm cả lí luận - phê bình văn chương, không phải là sử kí ghi chép về lịch sử chính trị, xã hội, kinh tế... Tỉ lệ số lượng tác phẩm văn chương hư cấu bao giờ cũng cao hơn gấp bội so với loại văn chương phi hư cấu. Dẫu vậy, văn chương vẫn mang bóng dáng của sự thật lịch sử, đặc biệt là lịch sử có tính nhân dân, quần chúng, chứ không chỉ là lịch sử về các vua quan cùng các nhân vật lịch sử nổi trội trong nhân dân, không chỉ là lịch sử về các lãnh tụ chính trị, chính khách, những nhân vật chính trị - xã hội nổi tiếng. Nói chung là như thế. Đặc biệt, đối với các tác phẩm thuộc trường phái hiện thực chủ nghĩa nghiêm ngặt, sự thật lịch sử ở bình diện rộng, tức là xã hội, còn được phản ánh, khái quát hoá thông qua việc xây dựng hình tượng tác phẩm, cụ thể, sinh động, bằng phương thức hư cấu (4).
Vì vậy, việc tham khảo, đóng góp vào những thành tựu mới trong nghiên cứu sử học ở giai đoạn cả nước đang tiến hành công cuộc Đổi mới hiện nay, là một yêu cầu tự thân người cầm bút và của cả xã hội Việt Nam chúng ta.
Những vấn nạn tôi đã tự đặt ra và đã viết thành tiểu thuyết, thành khảo luận: Tại sao dân tộc ta phải trải qua cuộc chiến tranh chống xâm lược suốt 117 năm (1858-1975) hay 131 năm (1858-1989)? Tại sao có phong trào Văn thân, Bình Tây sát tả? Tại sao có chiến tranh lạnh giữa hai khối? Tại sao có cải cách ruộng đất? Tại sao có “vết thương” Bến Hải, vĩ tuyến 17? Tại sao có phong trào chống tả đạo Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu? Tại sao có vấn đề Hoàng Sa rồi sau đó là Trường Sa? Tại sao có cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh sau Ngày Thống nhất? Tại sao có Đổi mới? Và dẫu có những sai lầm lớn, rất đỗi nghiêm trọng đi nữa, thì sự thật kháng chiến chống Pháp, chống Nhật, kháng chiến chống Mỹ và chống bành trướng Bắc Kinh – Kh’Mer Đỏ thắng lợi đã là một chuỗi sự thật lịch sử hào hùng, vĩ đại không ai có thể phủ nhận được. Sự thật còn là công cuộc cả dân tộc ta đã và đang chống lại sự xâm lược của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hiện nay...
Ở đoạn trên, tôi cũng đã viết: Câu hỏi lớn đã, đang và sẽ trầm thống vang lên, dõng dạc vang lên cho đến mãi ngàn sau: Sau Ngày Giải phóng, Thống nhất Đất nước, 30 tháng 4, 1975, đến 2010, xã hội Miền Nam phát triển hay trì trệ như thế nào, nhân dân Miền Nam sống ra sao; đâu là hình ảnh xã hội và con người Miền Nam chân thật, thuộc thời đoạn ấy, trong văn chương?
Sự thật lịch sử một khi được nhìn nhận lại cho đúng thực chất, trên cơ sở nghiên cứu thấu đáo, có nhân chứng và có tư liệu được giám định khoa học, có nghĩa là tiếng nói của hoà giải cũng được cất lên. Chính sự thật lịch sử lên tiếng nói hoà giải có sức thuyết phục nhất, chứ không ai khác.
Văn chương không chỉ là bóng dáng lịch sử hay phản ánh lịch sử (hiện thực con người, xã hội trong một giai đoạn nhất định). Văn chương còn là thế giới hình tượng sống động, lịch sử - cụ thể, với tiếng nói trữ tình, phản ánh tư tưởng, tâm trạng, khát vọng, tình cảm ở nhiều cung bậc, sắc thái, vừa bao trùm, vừa vi tế.
Một khi văn chương phản ánh thật trọn vẹn, toàn diện hiện thực, trong đó có nhiều số phận mang nặng các “vết thương” chiến tranh, hậu chiến và tiếp nhận ánh sáng mới của cách mạng, Đổi mới, thì văn chương mới thực hiện đầy đủ chức năng cao quý của nó: chữa lành những “vết thương” chiến tranh, hậu chiến, hoà giải và đoàn kết dân tộc.
Với trí tuệ và tri kiến sáng suốt, với cái tâm và tấm lòng cao đẹp của người cầm bút, văn chương có khả năng kì diệu, có thể nói là mầu nhiệm của nó...
TRẦN XUÂN AN
Khởi viết từ 10:00, ngày 02-02 HB10 (2010)
Viết xong lúc 06:28, ngày 03-02 HB10
Sửa chữa xong, lúc 09:02, cùng ngày
_______________
(1) Mãi đến những ngày gần đây, đầu năm 2010, sau Hội nghị quốc tế Quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, trên báo điện tử Tuần Việt Nam (tuanvietnam net), mới có bài viết của Hoàng Hường về “Văn học vết thương”. Trong bài báo, có trích lời nhà lí luận – phê bình văn chương Phong Lê và dịch giả người Trung Quốc Chúc Ngưỡng Tu, với ý tán thành và đề nghị mở rộng dòng văn chương “vết thương”. Có thể xem bài viết này trên mạng liên thông toàn cầu (internet).
(2) Trong lĩnh vực văn học dịch, những tác phẩm vốn bị cấm ở Liên Xô cũ trước đây cũng đã được in lại, như tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago” của nhà thơ Boris Pasternak (1890-1960), cùng một loạt tác phẩm sau Cải cách ở Trung Quốc viết về Cách mạng Văn hoá...
(3) Trung tâm Từ điển bách khoa Việt Nam, TĐBKVN., t.2, Nxb. TĐBK., 2002, tr. 691.
(4) Ở phần III này, tôi chỉ nói đến sáng tác, lí luận – phê bình văn chương hư cấu, vì để phản ánh hiện thực xã hội – nhân dân – quần chúng và bình luận về sáng tác phẩm loại ấy, chỉ có văn chương hư cấu là có tính khái quát – cụ thể cao nhất, tinh tế và sống động nhất. Truyện – kí không hư cấu về danh nhân xuất chúng, về một số cá nhân điển hình tiên tiến thì chỉ điển hình cho một nhóm người xuất chúng, tiên tiến mà thôi. Tôi cũng muốn nói, viết văn chương hư cấu cũng phải có cơ sở tham khảo, nghiên cứu sử học, chứ không thể tuỳ hứng, tô hồng hay bôi đen một cách chủ quan.