Nói đến thơ trước hết là nói đến nghệ thuật sử dụng chữ. Tác giả muốn tạo một hệ chữ riêng, nghĩa là phép lập hình vận nhịp của chữ trong kết cấu, trình bày thì cần rất nhiều khổ luyện, sáng tạo mới mong có được. Dĩ nhiên chữ không dời nghĩa. Chữ thơ là loài chữ có trọng lực, nội lực nhất. Chữ thơ khi giàu tính ý tưởng, biểu tượng, đa thanh là chữ có khí, đồng nghĩa chữ sống. Chữ thơ cũng như người thơ cần đắc khí mới tồn tại và lớn lên được. Dứt khí thì chết. Chữ thơ vô khí là vô lực, là trơ lì, bẹp dí. Chữ muốn thụ khí trước phải đạt tinh. Có tinh (tinh luyện tinh tế ) thì đạt khí, và có được tinh rồi mới vọng tưởng tới bậc thần chữ được. Tinh - Khí –Thần chính là cái tam bảo, là chúa ba ngôi của cõi thiêng Thơ ca. Trong nghệ thuật Thơ đạt tinh đã khó, song sự thật khi mới có sự khổ công tinh luyện và viết được mấy cái tinh tế thì thứ thơ ấy cũng chưa vượt qua ngưỡng thợ thơ là bao. Khi cái tinh đã hoá khí, hoá sự sống rồi mới thực là lập chữ, là Thơ nghệ thuật. Còn khi chữ đạt tới bậc thần hiển nhiên ấy là thơ của bậc chân tài, đại tác gia. Kẻ làm thơ trong nghiệp thơ có được dăm ba câu chữ thần kể cũng lấy làm mãn nguyện. Khi có được câu thơ thần, nói như ông Kim ThánhThán “đủ bước một mình trong một thời, chiếm giữ lấy ngàn năm ...”
Ông J.P.Satre trong cuốn Văn học là gì, viết “nhà thơ là người chối bỏ ngôn ngữ ”. Ý này cũng tương hợp với câu trong Tỳ bà hành, thi hào Bạch Cư Dị, viết “Tiếng tơ lặng ngắt bây giờ càng hay”. Trong các hình thức thờ Phật, có phái đạo Vô ngôn... Những dẫn dụ này đều rất xác đáng với thơ. Song cũng cần hiểu cho sáng tỏ, như vậy không có nghĩa nhà thơ đoạt tuyệt với ngôn ngữ. Nhà thơ mãi mãi cần phải mượn ngôn ngữ để kí thác và truyền bá tình mình. Hướng tới sự “vô ngôn, lặng ngắt...”, là hướng tới cái khí sắc. Ví như mặt đất, mùa màng chỉ cần tới ánh chiếu, sức ấm lạnh của Nhật – Nguyệt mà không cần phải biết tới hình khối vật chất của đôi vầng ấy. Nhưng với bản thân đôi vầng Nhật – Nguyệt ấy để toả khí sắc được trước hết cần phải có hình khối vật chất. Con ngưòi mang bản thể vũ trụ, đời sống mà soi tìm lấy cái bản ngã, cái chân thân mình. Thơ ca để đạt được hồn chữ, sắc chữ trước hết nhà thơ phải luyện chữ sao cho chữ có vóc hình ngời toả lung linh. Phải đạt “Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu” trước đã thì mới mong đạt được cỡ “Kinh không chữ mới là chân kinh”.
Thơ ca là bản trùng giao phức hợp giữa hồn người với hồn thiên nhiên trời đất. Thiên nhiên vốn đa tâm, đa tính mà lại vô ngôn. Con người vốn đơn tâm, độc tính mà lại hữu ngôn. Vậy thiên nhiên phải sở cậy đến cái hữu ngôn của con người, còn con người phải mượn cái đa tâm, đa tính của thiên nhiên. Khi ngưòi - thi nhân xuất hiện là khi sự thông cộng, phối hoà giữa người - trời đất thiên nhiên được hiển ngôn, hoá linh trong cõi sống mang danh gọi: Thơ ca. Bởi thế mới nói, tuổi Thơ bằng bặn tuổi tình nhân loại.
Thơ lấy chí tình làm cương vực, lấy thần cảm làm khí huyết. Tác giả khi có được một hệ chữ riêng là xác lập được cương vực độc hữu, bất khả xâm hại. Một dân tộc - đất nước khi có được những tác giả, tác phẩm Thơ tuyệt tác là xác lập được cương thổ ngôn ngữ, văn hoá - tinh thần, dân tộc ấy sẽ chói lọi lên một nhật - nguyệt mang sức chinh phục vùng ảnh hưởng của riêng mình.
**************
ĐỊA CHỈ: Nhà 10, ngõ 329, tổ 11,
phường Phú Khánh, TP Thái Bình