Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ÔN CỐ TRI TÂN

Tống Trung
Chủ nhật ngày 20 tháng 6 năm 2010 6:20 AM
   
CHUYỆN I.
Thầy Mạnh Tử hỏi vua Tuyên Vương nước Tề rằng:
- Giả sử có người bầy tôi nhà vua, đem y thực của vợ con ký thác cho người bạn thân, nhờ trông nom giúp để sang chơi nước Sở có việc, kịp đến lúc về, mới biết bạn để cho vợ con đói rét thì người ấy nên xử với bạn thế nào?
Vua nói:
- Nên tuyệt giao.
Thấy Mạnh Tử lại hỏi:
- Giả sử có người làm quan sĩ sư không trông nom nổi được thuộc viên, để cho hình ngục sai nhầm, công việc phế khoáng, thì nhà vua nên xử thế nào với viên quan ấy?
Vua nói:
- Nên bãi đi.
Thầy Mạnh Tử nhân đấy, hỏi luôn câu nữa:
- Thế thời làm vua một nước mà không sửa sang việc chính trị, việc giáo dục để đến nỗi trong nước không được bình trị, thì trách nhiệm tại ai và nên xử trí như thế nào?
Vua nghe thế thì lặng im không biết đáp sao.
*****
CHUYỆN II.
Văn quân đất Lỗ Dương bảo Mặc Tử:
- Có kẻ nói với ta rằng: Trung thần là người bắt cúi thì cúi, bắt ngửng thì ngửng, để thì im, gọi thì thưa, như thế có coi là trung thần được không?
Mặc Tử nói:
- Bắt cúi thì cúi, bắt ngửng thì ngửng, như thế khác gì cái bóng? Để thì im, gọi thì thưa như thế khác gì tiếng vang? Quan lớn mà dùng đến những kẻ như cái bóng, như tiếng vang thì còn được ích gì? Trung thần, phải là hạng người nhục hay vinh lòng vẫn không thay đổi. Khi vua giao cho việc nghĩa thì chết cũng không từ nan. Khi vua phạm điều trái nghĩa thì chết cũng phải can dán. Thà sống cô độc như thân núi giữa rừng sâu, biển cả chứ quyết không kết bè kéo cánh để làm đám dây leo dây bám vô giá trị bên vua. Người được những đức tính ấy mới dám sống bên vua làm bậc trung thần được. 
LỜI BÀN:
Bạn bè thân thiết, được "ủy nhiệm" việc trông nom con cái giúp mà không "hoàn thành nhiệm vụ" thì vẫn "nên tuyệt giao". Làm quan không trông nom được thuộc viên (người dưới quyền), công việc phế khoáng (không hoàn thành hoặc không hoàn thành tốt), cũng nên bãi nhiệm… Hai câu trên thì có nhẽ con trẻ cũng biết trả lời đúng đắn. Dễ ớt! Con câu hỏi: Làm vua một nước mà không sửa sang việc chính trị, việc giáo dục để đến nỗi trong nước không được bình trị thì trách nhiệm tại ai và nên xử lý thế nào? Ôi chà chà! Thầy Mạnh Tử hỏi câu này thì quả thày làm khó cho người ở ngôi vua chúa thời... xưa quá lắm!
Lại còn như, bảo đứng thì đứng, bảo cúi thì cúi, bảo giơ tay thì giơ tay biểu quyết… và được cho là "trung thần" thì dẫu xét theo tiêu chí dân trí thời Chiến quốc xửa xưa cũng khó cho là ổn được. Loại người ấy một là ngu xuẩn, hai là xiểm nịnh. Người ngu xuẩn thì hiển nhiên chẳng thể làm nên cơm cháo gì rồi. Còn loại người xiểm nịnh thường là loại khôn ngoan, gian ngoan. Loại người này thì khi thời cơ cần “giơ tay biểu quyết” phế truất vua hẳn nó sẽ ôkê ngay tắp lự, miễn nó có lợi! Hỡi ôi, điều tưởng như sáng choang dễ tỏ thế mà sao chính sự ngàn năm vẫn cứ còn đấy bao nhiễu nhũng khó dứt? Kẻ ngu xuẩn vẫn vênh vang với bằng nọ, vị kia. Kẻ nịnh hót, gian ngoan thì vẫn “Ghế cao nhẩy tót lên ngồi” để vị nhóm lợi ích của riêng mình toan tính chuyện dự án này, kế hoạch nọ nhằm làm... nghèo đất nước!..
Đạo làm vua, nói cụ thể ra là đạo dùng người, phải biết kén những người tài không có lòng tư, loại bỏ kẻ bất tài vị tư khư khư giữ chức. Hoặc rộng lớn hơn nữa, một triều đại để được lâu bền, thịnh trị thì ngay cả ngôi vua mà nhu nhược, bán nước vinh gia càng không được phép chậm chễ, phải cắt phăng teo ngay.
Thiết nghĩ, một triều đại thực sự được xây dựng trên cơ sở Chí Công Vô Tư thì lo gì không có ngày Sánh vai với các cường quốc năm châu, lo gì không đạt điều Chân - Thiện - Mỹ!