Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NỖI NIỀM ĐỖ VIỆT KHOA

Hoàng Quảng Uyên
Thứ ba ngày 1 tháng 6 năm 2010 11:44 PM
 

 Bút ký
Bước vào năm học 2006 - 2007, trong một tình thế không thể đừng được, Bộ Giáo dục - Đào tạo tung ra phong trào Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích. Một câu hỏi được đặt ra là: Nếu không có sự kiện thầy giáo Đỗ Việt Khoa với những bằng chứng không thể chối cãi, bày ra trước bàn dân thiên hạ vụ Loạn thi ở trường Trung học phổ thông Phú Xuyên A (huyện Phú Xuyên - Hà Tây) thì liệu Bộ Giáo dục - Đào tạo có phát động phong trào ấy không ?  câu trả lời chắc chắn là không ! Vậy thì, thầy Đỗ Việt Khoa xứng đáng được phong anh hùng (cùng với Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam Đinh Đình Phú trong vụ phanh phui các quan Đồ Sơn ăn đất) như ý kiến  của nguyên thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt - có thể đó là một ý kiến thái quá! Nhưng thầy Đỗ Việt Khoa, ông Đinh Đình Phú và trước đây gần hai chục năm là nhà văn Phùng Gia Lộc (người dám đưa ra trước công luận cảnh thúc thuế, bóp dân của đám cường hào, ác bá mới ở nông thôn Thanh Hóa trong thiên phóng sự đăng trên báo Văn nghệ: cái đêm hôm ấy, đêm gì ?) chắc chắn không bao giờ được phong anh hùng hoặc bất cứ một danh hiệu nào khác. Hỏi, tại sao thế ? Trả lời: Việt Nam mình thế! Đơn giản vậy thôi.
Vấn đề được phong hay không được phong không phải là điều tôi nhắm tới khi bàn lại sự kiện Đỗ Việt Khoa - một sự kiện đã trở nên nguội lạnh. Cũng không phải tôi coi Khoa như một thần tượng chống tiêu cực trong ngành giáo dục để tìm đến chiêm ngưỡng và viết bài ca ngợi. Báo chí đã cày nát ra rồi. Điều tôi muốn tìm hiểu là tiêu cực trong thi cử đã diễn ra từ lâu ở mọi nơi, mọi cấp học, ngành học, không ai là không biết làm sao phải chờ đến sự xuất hiện của Đỗ Việt Khoa, mọi việc mới được phơi bày ? Tại sao thầy Đỗ Việt Khoa làm được điều mà chưa ai làm được là chọc cho vỡ tung cái ung nhọt nằm trong cơ thể ngành Giáo dục - Đào tạo đã mấy mươi  năm ?. Nhăm nhăm từ  lâu, mãi đến một ngày đầu tháng 10  - 2006, từ Cao Bằng tôi mới đến thị xã Hà Đông cùng nhà giáo ưu tú Chu Mạnh Vân đi tìm Đỗ Việt Khoa.
Xã Vân Tảo, nằm bên rìa thủ đô Hà Nội đang trong quá trình từ làng lên phố với các nhà máy: Bia Tegơ, may Việt Hưng, nhà máy chế biến Cao Su, nhà máy cáp điện Thiên Phú.v.v.... Xuống xe buýt tại bến xe Thường Tín, rẽ bên trái theo đường đê (đã được rải nhựa), đi  khoảng 3km là đến trung tâm xã Vân Tảo, đi thêm 500m nữa là đến nhà thầy Đỗ Việt Khoa ở ngay mặt đường rất dễ tìm bởi phía ngoài có kẻ hàng chữ to : Nhiếp ảnh Khoa - Ngà. Gian ngoài của ngôi nhà là quán Intenet  kiêm lớp học vi tính, gian trong là một lớp học với chiếc bảng đen nhỏ treo trên tường và mấy chiếc bàn học sinh cũ đủ các kích cỡ.  Hóa ra, ngoài dạy học ở trường thầy Khoa còn kiêm thêm nghề  chụp ảnh, dạy thêm và mở lớp dạy vi tính. Đỗ Việt Khoa tiếp tôi và nhà giáo  Chu Mạnh Vân bên mấy cái bàn học. Rất  khác với những tưởng tượng ban đầu, trước mặt tôi là một thầy giáo  người thấp nhỏ, ăn mặc tuềnh toàng, mắt nheo nheo như là bị chói nắng, đặc biệt là hay nghiêng tai về phía người nói chuyện. Làm cách nào Khoa chọc được vào cái ung nhọt để nó vỡ toang ra thế ? tôi hỏi. phải có bằng chứng cụ thể - Khoa trả lời - mấy năm trước em đã cảnh báo rồi mà có ai nghe đâu. Lúc đầu em quay cảnh loạn thi bằng máy quay Sony nhỏ, được một đoạn thì tắc, em mượn máy ảnh kỹ thuật số của một cô giáo trong trường cũng chỉ chụp được vài kiểu, sau cùng em mượn điện thoại di động để quay. Tất cả các dữ liệu thu được em dồn cả vào đĩa gửi lên Bộ Giáo dục - Đào tạo và chuyển cho báo chí... Khoa kể tỷ mỉ công việc 3 ngày coi thi và quay phim, chụp ảnh ở trường Phú Xuyên A, công việc tốn nhiều công sức. Tôi chợt nhận ra rằng để thu thập được các tang chứng ấy thật vất vả và nguy hiểm, phải dũng cảm và có nghề mới làm được. Giả sử Đỗ Việt Khoa không có nghề chụp ảnh và trình độ vi tính không ở mức siêu (Khoa tốt nghiệp khoa toán - tin trường Đại học khoa học tự nhiên năm 1999  đó là văn bằng 2, văn bằng 1 là tốt nghiệp khoa địa chất, trường Đại học tổng hợp Hà Nội ) thì không thể quay phim, chụp ảnh, lên mạng một cách ngon lành như vậy. Điều này cho thấy phanh phui các vụ việc tiêu cực bây giờ phải rất có nghề mới mong có kết quả. Ngẫm lại mới hay, xưa bên Trung Quốc, Bao Công đưa ra những kết luận tâm phục, khẩu phục trong các vụ án lớn, phức tạp một phần là nhờ vào những tang chứng mà Triển Triêu thu thập được. Cần có nhiều Triển Triêu trong đấu tranh chống tiêu cực. Điều mà hiện nay đang rất thiếu.
Thầy Khoa mạnh mồm - Đó là nhận xét của nhiều người và tôi cũng nhận thấy thế. Khoa bảo: sau khi vụ việc được đưa lên Bộ và báo chí hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Vân Tảo (chủ tịch hội đồng thi Phú Xuyên A) Từ Ngọc Lĩnh cho  người đến điều đình, xin tha, em bảo : ông ấy hư đốn quá rồi, phải cho ra khỏi ngành thôi ! Đỗ Việt Khoa kể tiếp: ngày 31 - 7 - 2006, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân mời em cùng vào thành phố Hồ Chí Minh để phát động phong trào nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích, sau này em bảo với Bộ trưởng: phát động phong trào mạnh mẽ, cách tổ chức có bài bản nhưng thiếu một điều rất quan trọng ấy là, nếu không thực hiện theo những điều đã cam kết thì sao ! Thiếu kiểm tra, thiếu giám sát, không có hình thức kỷ luật, răn đe có hiệu lực thì khó mà có kết quả  - các giám đốc Sở Giáo dục đều ký cam kết cả đấy nhưng họ  không làm (như ở Bắc Ninh, ở Cần Thơ vẫn ép giáo viên thực hiện chỉ tiêu mà có sao) ! họ lý giải: Nếu thực hiện đúng như cam kết thì lấy đâu học sinh để mà dạy. Bộ trưởng tốt tính, thẳng thắn, hào hiệp, không né tránh, không dấu diếm tiêu cực, nhưng cơ chế chưa cho Bộ trưởng đủ quyền lực xử lý lại bị ngập trong đống vụ việc tố cáo. Mệt mỏi, buông xuôi. Tôi hỏi thẳng: Ai  mệt mỏi, ai buông xuôi ?. à, em cảm thấy thế. Bộ trưởng tuyên bố, nếu 2 năm không giải quyết được sẽ xin từ chức. Nếu các hiệu trưởng không ủng hộ thì bộ trưởng thua mất ! Đỗ Việt Khoa chợt thở dài, nhìn trân trân lên tấm bảng đen. Tôi đọc được vẻ mệt mỏi trên gương mặt của Khoa. Hẳn là Khoa đã mở mắt sau cuộc chiến chống tiêu cực tổn hao tâm lực mà kết quả dường như chưa thấy đâu. Cuộc chiến này quả không đơn giản vì bệnh đã ăn vào lục phủ, ngũ tạng rồi. Có bao nhiêu nguyên nhân  có thể dẫn đến thất bại: Do cơ chế, do thời thế, do nhận thức và chủ yếu là do lòng người. Cái thời Phùng Gia Lộc tố cáo tiêu cực, bí thư  tỉnh ủy Thanh Hóa mất chức. Thời Đỗ Việt Khoa tố cáo loạn thi thì chủ tịch hội đồng thi chỉ bị đẩy sang làm phó giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên ! 4 học sinh quay cóp nghiêm trọng bị hủy bài! Luật pháp đã bị mềm hóa đi rất nhiều.
Đỗ Việt Khoa nhìn đồng hồ, đã đến giờ lên lớp buổi chiều, chiều nay Khoa có 3 tiết dạy. Khoa mở tủ lấy cặp chuẩn bị lên lớp nhưng dường như thấy tôi nấn ná chưa muốn về, Khoa lại ngồi xuống ghế: bây giờ em quá mệt, chỉ lo làm giám đốc gia đình thôi. Bộ trưởng khuyên em: Tiêu cực giờ nhiều lắm, Khoa không thể tham gia hết được, vụ nào khó chuyển lên Bộ, Khoa làm được một  giáo viên tốt là được rồi ! Mình em thì kể gì, nhưng bao nhiêu thư từ, bao nhiêu cuộc điện thoại, bao nhiêu  người tìm đến  em mong em tư vấn, giúp đỡ mà em đã giúp được gì cho a! Có lẽ văn hóa của ta bây giờ là văn hóa Lờ. Buồn quá, binh tình này khéo Bộ trưởng thua mất.. Nói rồi Khoa bắt tay tạm biệt, hẹn tôi vào một buổi khác. Tôi bảo, tôi ở Cao Bằng ít có dịp xuống Hà Nội. Khoa cho tôi địa chỉ trang Web của Khoa để tiện trò chuyện. Tôi nhìn theo bóng của Khoa đi về trường Vân Tảo mà không ngờ được một người dũng cảm, dám đương đầu với hiểm nguy, mạnh mẽ, bạo mồm lại có thể chán nản, buông xuôi như thế. Nhưng xét cho cùng Khoa cũng chỉ là một thầy giáo bình thường thấy bất bình không tha chứ không có ý gây náo loạn để được nổi tiếng. Khoa cũng như mọi người đều muốn mọi tiêu cực phải được quét sạch, được giải quyết triệt để, nhưng muốn là một chuyện còn thực tế lại là một chuyện khác ! Ngẫm ra cái từ mà Khoa hay dùng để chỉ tiêu cực trong thi cử là loạn thi đâm hay. Ai sẽ dẹp loạn, dẹp như thế nào, bao giờ dẹp được? Cách đây 20 năm đã có những việc cần làm ngay: Nói và Làm. Lịch sử liệu có lặp lại? Nhưng chỉ là Nói không với tiêu cực còn  làm như thế nào để chống tiêu cực thì dường như chưa định hình được.  Trước mắt còn bao nhiêu  khó khăn phải vượt qua nhưng không phải vì thế mà bi quan. Công việc chống tiêu cực đang đi đúng quỹ đạo với những vụ việc xử lý đúng luật, mạnh tay, hợp  lòng dân (như việc  khen thưởng thầy giáo Lê Đình Hoàng ở Nam Đàn - Nghệ An chẳng hạn) . Bộ Giáo dục - Đào tạo đang có những người cầm lái để mà hy vọng. Hãy làm được một thầy giáo tốt. Lời tâm tình của Bộ trưởng không chỉ riêng đối với Đỗ Việt Khoa. Nếu như Bộ trưởng nhận được sự đồng cảm, đồng tình từ đại đa số cán bộ giáo viên trong ngành thì thời gian 2 năm không phải là quá ngắn để tạo được một bước chuyển thật sự ấn tượng, thật sự có ý nghĩa. Hãy nhìn sự vật tỉnh táo, công tâm. Mọi việc đang ở phía trước mà kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm học 2006 - 2007 sẽ cho câu trả lời. Khoa ơi, đừng ngã lòng./.
 Cao Bằng, ngày 19 tháng 10 năm 2006

 Hoàng Quảng Uyên