Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ THƠ TRƯƠNG NAM HƯƠNG VỚI ĐỀ TÀI HÀ NỘI.

Hàng Chương thực hiện
Thứ ba ngày 1 tháng 6 năm 2010 12:05 PM
Trương Nam Hương-Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam-Từng là nhà thơ trẻ sớm thành danh, được tặng nhiều giải thưởng văn học danh giá. Từ phương Nam , anh luôn luôn hướng về quê hương  tuổi thơ Hà Nội và vùng Kinh Bắc( quê mẹ) thể hiện qua những bài thơ tâm đắc. Hiện anh là Ủy viên BCH, Phó chủ tịch Hội đồng thơ, Trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TP HCM. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với anh thật ấm cúng và chân tình. Xen vào lời kể có những giọt cà phê đen sánh và những câu thơ tâm đắc, những tình tiết đời thường đến giờ mới được nhà thơ hé mở…
 
MẸ , BÀ VÀ NHỮNG GIẤC MƠ THỜI THIẾU NỮ…
 
• Trong thơ, thấy anh đa tình đa mang với người, với đất. Nhiều câu thơ dính dấp như keo với Bắc Ninh, Hà Nội, với Huế mộng mơ rồi với Sài Gòn khoáng đạt. Vậy rốt cuộc, nhà thơ khai sinh ở đâu trong thực tế?
- Nhà thơ Trương Nam Hương: Đúng là cả một câu chuyện. Tôi sinh 23 tháng 10 năm 1963 trên một chuyến tàu từ Hà Nội về Hải Phòng - nơi ông bà ngoại tôi đang sinh sống. Vài hôm sau được làm giấy khai sinh tại Hải Phòng là vì thế. Một tháng sau thì theo mẹ trở lại Hà Nội. Và sống suốt tuổi thơ ở Hà Nội- bên cạnh khu tập thể Xưởng phim truyện Việt Nam. Nhà tôi là chỗ hàng xóm với các nghệ sĩ như NSND Quốc Hương, Trà Giang, Khánh Dư…
• Anh còn nhớ kỷ niệm gì với các nghệ sĩ đó?
- Một lần có đám cưới nhà hàng xóm, bàn ghế sơ sài, người ta kê chiếc ghế băng để nghệ sĩ Quốc Hương đứng lên hát. Dù  không có micro và sân khấu, Quốc Hương vẫn hát bằng tất cả tâm hồn. Hình ảnh người nghệ sĩ như thế thật cao đẹp, tôi cứ ấn tượng mãi! Lúc đó, tôi chừng tám tuổi…
• Và cuộc đời anh hẳn cũng nhiều“dịch chuyển” kiểu Nguyễn Tuân?
- Vâng, đúng là phải dịch chuyển nhiều vùng, miền theo những điều kiện, hoàn cảnh công tác của cha tôi: Hà Nội, Huế, Biên Hòa rồi TP HCM. Những năm chiến tranh, anh em tôi phải sơ tán về vùng Tiên Sơn - Bắc Ninh rồi chùa Thầy - nơi ấy toàn nhà đá hộp, mùa đông lạnh buốt. Tôi có hai vùng quê để nhớ: Quê mẹ ở cửa Bắc, thị xã Bắc Ninh -  một vùng quê yên bình, trù mật, vườn nhà ngoại trồng nhiều hoa. Viết về quê mẹ, bài Thời nắng xanh có câu:
Vườn đầy hoa đồng tiền thế mà không vay được
Bà cắt mớ đem đổi về bánh đúc
Tôi lớn cùng kẹo bột với gà con…
Quê cha là làng Hà Thượng - có lẽ là một làng nghèo nhất Huế, toàn cát trắng.
Bước ra đã chạm cát rồi
Nhói lòng tôi trước đất trời trắng phau
Quanh năm bão dập trên đầu
Mẹ ơi hạt thóc tìm đâu đất trồng.
(Làng cát)
• Thế còn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh?
- Đó là hai miền đất tôi yêu, luôn khắc khoải mong về: Hà Nội là quê hương tuổi thơ của tôi và TP HCM là quê hương tuổi thơ của các con tôi.
• Về con người, đâu là những người khiến anh phải nặng lòng nhất?
-  Đó là bà và mẹ! Thật ấn tượng khi bà ngoại ở tuổi 94, mỗi lần tôi về thăm, bà ngồi tựa gối cao, thích gác chân lên vai cháu, vừa gúc gắc vừa chuyện vãn. Bà ở với dì trên một căn hộ chung cư trên đường Chùa Bộc. Khi tôi tạm biệt vào lại Sài Gòn, bà vẫn dặn: “Cháu đi tàu điện cẩn thận, nó móc túi đấy!” (bà tôi tưởng Hà Nội vẫn còn tàu điện như mấy chục năm trước).
Tôi 12 tuổi thì mẹ mất vì bệnh tim. Trước đó, tôi đã theo mẹ đi khắp các bệnh viện – những nơi mẹ tới điều trị. Hà Nội vì thế, với tôi thật buồn. Buồn, đẹp và trong trẻo biết bao! Tuổi thơ Hà Nội của tôi chỉ có những quả bàng, quả sấu, hoa sữa… Những thứ đó là không phải xếp hàng (cười). Hà Nội thời tôi sống là những năm tháng thương khó, lo  toan:
Một thời Hà Nội lo toan
Gạo ngô thì thiếu, hoa xoan lại thừa
Một thời, ôi, một thời xưa
Áo phong phanh gió bốn mùa buồn vui
Tạ ơn Hà Nội ngọt bùi
Nuôi tôi thương khó. Tôi thời trong veo…
(Hà Nội một thời)
• Anh hẳn có nhiều những kỉ niệm với Hà Nội - nơi lưu giữ tuổi thơ của mình?Anh có theo dõi và tham gia cuộc thi về Hà Nội do báo Văn nghệ và ĐPTTH Hà Nội tổ chức?
- Thăng Long - Hà Nội luôn là chốn tìm về của biết bao thi sĩ xưa nay. Có thể nói, không một nhà thơ nào lại không có ít nhất 1 bài thơ về Hà Nội. Nhưng hình như có viết bao nhiêu về Hà Nội cũng không đủ, không hết được. Hà Nội mang trong mình những vẻ đẹp sâu lắng của lịch sử, văn hóa, tâm hồn dân tộc, do đó không dễ gì một nhà thơ khai mở hết. Cuộc thi thơ về Hà Nội do Báo Văn nghệ và ĐPTTH Hà Nội tổ chức nhân đại lễ ngàn năm Thăng Long-Hà Nội cũng là tiếp tục “sứ mệnh” khai mở ấy để góp thêm vào kho tàng thơ về Hà Nội những bài thơ hay. Tôi cũng mong viết được đôi bài thơ hay về Hà Nội để có thể tham gia cuộc thi đầy ý nghĩa này.
 Trong trường ca còn đang dang dở về Hà Nội, Trương Nam Hương có nhiều tìm tòi trong thể thơ ba câu (3 câu mỗi khổ) với cách gieo vần đặc biệt - là một trong những thể nghiệm của anh. Trương Nam Hương đã đọc một đoạn trong sáng tác mới toanh này:
Heo may gánh hoa lơm thơm phố sớm
Xôi khúc ủ vênh nắp vò rét đượm
Vỉa hè ngơ ngác Ngọc Hà sấu non
Thuở mẹ cõng em ngược đê Yên Phụ
Bom dội Gia Lâm còi không ngớt hú
Thập thò tiếng dế lóe đầy nắp diêm
Lá sen gói nghiêng cả hồ Trúc Bạch
Nhìn ai nhón cốm thương cổ tay tròn
Ta vào Bách Thảo nhớ đền Ngọc Sơn
Bóng cha đèo rơm nhuềnh nhoàng Cổ Nhuế
Nong mẹt ngồi thiu rễ tre chổi sể
Dọc mùa đông ấy bánh tàu nghiến đêm
Chị lội hái cần sông Tô cá lẫy
Vón vén niêu riêu thìa là đắp đậy
Mưa cua Đội Cấn váng đầy Liễu Giai
Anh lên núi Bò nhặt từng mủng lá
Bếp lửa ngún veo những ngày vất vả
Khoai hà xòa xuýt đít nồi xít xoa
Cò cử xẩm xoan buồn tơi cơm nguội
Tàu điện chất chen quang thùng xuống Bưởi
Mặt người nhòa nhợt mặt đồng năm xu
Tiếng ai chảnh choe nguýt ngoa lưỡi ớt
Củ tỏi dong riềng mắm tôm ngọt xớt
Ngồi tòe lá mít mắt xòe lá xoan
   
   Rồng rắn xô thùng nhích đêm bòn nước
Va phải môi cong văng cầu… Thê Húc
Ta sờ xem phải mặt mình nứt không!
Se thắt một thời phiếu tem ngoe nguẩy
Hoa sữa thơm dư cho người cả đấy
Thấy mình giàu đến cuối đường Nguyễn Du
 …
• Những kỷ niệm đáng nhớ của anh về mẹ?
- Mẹ tôi hát quan họ hay đến nỗi cha tôi từ xứ Huế tập kết ra, mê mệt ngay giọng ca của mẹ,- Trương Nam Hương tỏ ra rất đỗi tự hào. Đâu thời còn ở Hải Phòng, nhà thơ Hoàng Tố Nguyên cũng thầm lặng quý mẹ tôi. Dì ruột tôi vẫn còn nhắc: “Ngày xưa, bác Nguyên quý mẹ cháu lắm, thỉnh thoảng làm thơ tặng mẹ cháu đấy”. Thế nên bây giờ, tôi và luật sư Hoàng Nguyên Đán - con trai của bác Hoàng Tố Nguyên rất thân nhau.
• Ngoài di ảnh phụ mẫu trên bàn thờ, anh còn lưu giữ trân trọng bài thơ  và chiếc áo của cha cùng đôi guốc nhựa của mẹ. Anh có thể nói rõ thêm về việc này?
-  Bên cạnh kỷ vật của cha, kỷ vật của mẹ tôi là đôi guốc nhựa Tiền Phong (đã chôn theo khi  mẹ mất). Mười mấy năm sau, khi gia đình bốc mộ mẹ tôi để đưa về chùa, đôi guốc nhựa ấy vẫn còn nguyên. Trong bài thơ  Băn khoăn, tôi đã viết về điều này:
Đưa mẹ vào tháp cốt
Quay về, con bần thần
Quên hoá vàng đôi guốc
Lên đó Người lạnh chân!
Cả chủ và khách đều rưng rưng xúc động. Trương Nam Hương lấy ra tấm ảnh đã vàng ố thời gian. Trong ảnh là một cô gái 18 tuổi với nụ cười thật trong trẻo, dịu dàng. “Mẹ tôi ngày xưa đấy” - Trương Nam Hương nói rồi anh thổn thức đọc:
Người trong ảnh trẻ hơn ta nhiều tuổi
Ngỡ thời gian chưa dốc trận bão lùa
Nâng tấm ảnh đã nhoà như sương khói
Ta hôn về cô gái – mẹ ta xưa!
   (Tấm ảnh)
Không phải ngẫu nhiên mà thơ Trương Nam Hương mang một điệu buồn trong lành mà réo rắt, diết da đến vậy. Có hiểu và chia sẻ với cuộc đời thực của Trương Nam Hương, đọc thơ anh với tư cách của một người bạn, với sự đồng cảm, người ta sẽ thấy những câu thơ đó như là của mình, một vạt nắng buồn trong lóe bên chiều se lạnh, chừng đang sưởi ấm lại lòng mình.
Có như thế, ta mới hiểu vì sao trong thơ Trương Nam Hương, trở đi trở lại hình ảnh những người phụ nữ. Cảm xúc mồ côi mẹ khiến cho tác giả có thiên hướng muốn tìm ở tất cả những người phụ nữ, kể cả những người tình, một chút an ủi vỗ về của “mẹ ta xưa”. Ngược lại, vì mẹ ra đi khi còn son trẻ, nên nhìn tấm ảnh “đã nhoà sương khói”, thi sĩ ngỡ đang hôn một cô gái ước mong. Cũng như Lá diêu bông của Hoàng Cầm, Tấm ảnh cũng như ở nhiều câu thơ, bài thơ khác của Trương Nam Hương, cảm xúc “lưỡng hợp” (Cô gái/Mẹ) từ bản năng vô thức đã ùa ra, tạo nên một vẻ đẹp khó tả, một sắc thái khác thường, một hấp dẫn mang “mặc cảm Eudip” trong gần như toàn bộ thơ trữ tình Trương Nam Hương. Trên thi đàn chính thống hai thập niên nay, tài năng kể cũng nhiều nhưng thật ít những giọng thơ đa tình một cách hồn nhiên đến vậy.
 
SẼ THẬT BUỒN NẾU HỌ VIẾT NHƯ TÔI…
 
Năm 1990, Trương Nam Hương nổi lên như là một hiện tượng với tập thơ đầu tay Khúc hát người xa xứ được trao giải thưởng thơ Hội Nhà văn Việt Nam. Nhớ lại những năm đó, chàng thi sĩ từng là “hội viên trẻ nhất Hội Nhà Văn Việt Nam”  chân thành kể lại:
- Hương làm thơ khá sớm, từ những năm học cấp 3. Đầu những năm 80, khi đang là sinh viên khoa Văn Trường ĐH Tổng hợp Tp HCM, Hương đã có thơ in trên Văn nghệ. Thời ấy in được ở Văn nghệ là oách lắm đấy- Hương cười rất tươi. Để có giải năm 1990, Trương Nam Hương đã xuất hiện 10 năm trên các báo.
• Đâu là những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời liên quan đến những câu thơ của anh?
- Cuộc sống có những chi tiết rất nhỏ nhưng cứ ám ảnh tôi mãi. Chẳng hạn, có lần mẹ đưa tôi đi chơi, mua que kem Tràng Tiền, tôi chợt thấy sóng trắng dâng giữa hồ sao mà giống tóc mẹ tôi đến thế. Sau này trở lại Hồ Gươm, tôi viết:
Nhớ lặng thầm thôi không dám gọi
Sợ làm tóc mẹ giật mình rơi
Bao nhiêu sợi trắng dâng như khói
Thảng mặt Hồ Gươm lạnh bốc hơi
(Nhớ mùa đông Hà Nội)
Anh ra đền Ngọc Sơn ngồi
Lá si lựa chỗ không người để gieo
( Viết ở Hồ Gươm)
• Ngoài sáng tác, anh còn tham gia dịch thơ và có giải thưởng. Động cơ nào thúc đẩy anh phải tham gia vào một việc khá“trần ai”như vậy?
- Hồi học đại học, tôi và Quốc (nhà thơ Lê Minh Quốc) là hai tên lười học tiếng Nga nhất lớp. Trước ngày thi, hai đứa phải nhờ một bạn giỏi tiếng Nga “thỉnh  giảng” thêm. Cô Thu Dung – giảng viên tiếng Nga rất “dị ứng” với hai tên “lười”này. Bọn tôi phải phát huy sở trường “thơ” của mình: Chúng tôi dịch những bài thơ tình của Pushkin đưa tặng cô, lại được cô khen. Từ đó đến giờ cô rất quý hai đứa tôi.
Sau này, trong một lần giảng bài thơ Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng (thơ Lý Bạch) trong SGK cho con, tôi thấy bản dịch thơ của cụ Ngô Tất Tố đã rất tín và đạt nhưng hình như vẫn thiêu thiếu sự gắn kết của cảm xúc mà một sáng tác thơ cần phải có. Tôi bèn bảo con: “ Thôi, để bố dịch lại”:
Từ  tây lầu Hạc- người xa
Tháng Ba hoa khói xuôi nhòa Dương Châu
Chấm buồm hút thẳm xanh sâu
Thấy Trường Giang vắt ngang bầu trời, trôi…
Nhân đó, tôi đọc lại và dịch một loạt những bài thơ Đường tôi thích và in thành tập Đường thi ngẫu dịch( NXB Thanh niên-2007). Tôi chỉ muốn thêm một cách nhìn, một cảm xúc mới hơn – điều mà các cụ xưa vì nhiều nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan, chưa nói hết được
• Là Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ, Trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TPHCM, anh có nhận xét gì về các cây bút trẻ hiện nay?
-  Vấn đề thế hệ là chuỗi tiếp nối liên tục. Mỗi thế hệ có những “sứ mệnh” riêng. Đặc trưng chung của thế hệ trẻ là họ không bị hệ luỵ như các thế hệ đàn anh; họ tiếp nhận nhiều cái mới mẻ hơn, đa chiều hơn. Chưa nói hay đến đâu nhưng mới và khác trước.
Họ đang trên hành trình tìm tòi, sáng tạo(không ai sốt ruột bằng chính người sáng tác), chúng ta cần bình tĩnh, kiên nhẫn và chờ đợi. Mọi sự cổ xuý thổi phồng hoặc trù dập thái quá đều không tốt. Sáng tạo là đổi mới không ngừng. Sẽ thật buồn nếu các nhà thơ trẻ ngày nay lại viết như thế hệ chúng tôi cách đây 20 – 25 năm.
• Anh có nhắn nhủ gì với các bạn trẻ?
- Mới rồi  tiễn bạn thơ trẻ ghé chơi chúc Tết, nhà thơ trẻ nói với tôi: Văn chương là một cuộc chơi anh ạ. Tôi thêm:-Ừ thì là “cuộc chơi”, nhưng phải chơi hết mình và chơi đẹp!
Văn học rất cần sự đa dạng về phong cách. Mỗi tác giả một phong cách sẽ góp phần làm cho nền thơ, nền văn học thêm phong phú. Mọi phong cách đều bình đẳng. Điều đó là lành mạnh và bạn đọc sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn trong tiếp nhận, thưởng thức.
• Cám ơn nhà thơ đã nhiệt tình trao đổi. Chúc anh có thêm nhiều tác phẩm trong năm 2010.

Xuân 2010
HÀNG CHƯƠNG thực hiện
• Một phần bài phỏng vấn này đã được trích đăng trên Văn Nghệ số 15( 10/4/2010)