Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ THƠ HỮU THỈNH VÀ HÀNH TRÌNH ĐƯỜNG TỚI THÀNH PHỐ

Bình Nguyên Trang thực hiện
Thứ tư ngày 28 tháng 4 năm 2010 7:40 PM

Nữ sĩ Bình Nguyên Trang đi tìm những lời bộc bạch từ tác giả trường ca “Đường tới thành phố” nức danh: “Phải cần đến hàng chục lời hẹn mới gặp được nhà thơ Hữu Thỉnh. Ông bận liên miên với những cuộc họp. Tiếp tôi trong văn phòng Hội, nhà thơ bảo ông cũng vừa “thoát” ra khỏi một cuộc họp, gương mặt vẫn còn chút gì như căng thẳng. Ông nói, chỉ có thể dành cho phóng viên 20 phút thôi. Nhưng rồi ông đã nói nhiều hơn cái mốc 20 phút ông quyết định ban đầu. Hình như trong suốt buổi phỏng vấn ông đã ở trong một tâm trạng dễ chịu nhất, vì ông đang nói về tác phẩm văn học tâm đắc nhất trong cuộc đời cầm bút của mình. Và quan trọng là ông được sống lại với những kỷ niệm thời tuổi trẻ, với những năm tháng ở chiến trường vừa cầm súng chiến đấu vừa làm thơ, trải qua nhiều gian lao, khốc liệt, nhưng cũng thật hào hùng. Trong những phút đọc lại thơ mình, kể lại câu chuyện số phận gia đình mình, đôi mắt nhà thơ rưng rưng…”
 

Nhà thơ Hữu Thỉnh và hành trình “Đường tới thành phố”  
    
@ Thưa nhà thơ Hữu Thỉnh, có thể nói trường ca “Đường tới thành phố” của ông là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của văn học thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ông đã viết tác phẩm này trong hoàn cảnh nào?

Hữu Thỉnh: Sau 1975, Tổng cục Chính trị chủ trương mời các nhà văn chống Mỹ tham gia lớp bồi dưỡng viết văn ở Đà Lạt để tập trung sáng tác những tác phẩm đã thai nghén trong chiến tranh. Trong hai tháng dự lớp sáng tác này tôi đã viết xong 800 câu của trường ca “Đường tới thành phố”. Nhưng rồi đến lúc ngồi đọc lại tôi thấy “nhẹ” quá, cách viết cũ quá. Thế là tôi đốt bản thảo đi.
Quyết định viết lại từ đầu, tôi về làng Khương Hạ (ngoại thành Hà Nội), thuê nhà của một bà cụ, ở đó và âm thầm viết lại tác phẩm mà mình ấp ủ bấy lâu. Đầu tiên tôi viết thử một đoạn, nói về tâm trạng khắc khoải của người phụ nữ chờ chồng ngoài chiến trận. Viết xong tôi đọc cho bà chủ nhà nghe. Bà chủ nhà, vốn không biết chữ, nhưng nghe xong thì ngậm ngùi khóc vì cảm động quá. Tôi mừng lắm, hiểu là mình đã khơi đúng mạch nguồn cần có của tác phẩm rồi. Cái đoạn thơ viết thử đầu tiên ấy, sau này trong bố cục thì nó nằm ở những chương giữa của trường ca. 
Nếu như ở một số trường ca truyền thống thường có cốt chuyện thì ở “Đường tới thành phố” sẽ là không có cốt chuyện. Ở đây, cái tôi trữ tình của tác giả trên nền sự kiện chính là chiến dịch Hồ Chí Minh sẽ là trọng tâm của trường ca. Viết về chiến dịch Hồ Chí Minh nhưng làm sao phải khái quát được quy mô, tầm vóc của cả cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Tôi quan niệm tâm trạng người lính trong “Đường tới thành phố” phải hết sức thật. Đây không phải sự thật báo chí, mà là sự thật tâm hồn của một người lính đi suốt chiều dài cuộc chiến. Một điều khiến tôi suy nghĩ nữa là, các thể loại văn học của chúng ta thời kỳ đó, như tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến trường thường hơi bị khu biệt với địa phương và chỉ nói về các sự kiện là chính chứ ít khi nói đúng, nói trúng tâm trạng thật của người lính. Tâm thức của một thế hệ người lính ra trận dường như cũng chưa được đề cập đến. Tôi nghĩ trường ca của mình phải giải quyết được những vấn đề này. Tôi viết lại tác phẩm trong khoảng 8 tháng, ban đầu đặt tên là “Hành trình qua dây thép”, sau xuất bản đổi thành: “Đường tới thành phố”.
 
@ Được biết, rất nhiều đoạn cảm động trong “Đường tới thành phố” được ông viết từ chính những trải nghiệm cá nhân mình, về số phận của chính gia đình mình. Ông có thể nói cụ thể hơn về điều này?

Hữu Thỉnh: Trong “Đường tới thành phố”, hình ảnh người mẹ quê nhà chính là người mẹ của tôi, quê hương yêu dấu chính là quê hương vùng trung du Phú Thọ của tôi, người chị chờ chồng là chị dâu tôi. Chị bị bệnh tim, thường hay đau ốm, nhưng rất đẹp. Chị lấy anh trai tôi là anh Nguyễn Xuân Đại. Anh Đại nhập ngũ năm 30 tuổi, để lại quê  nhà vợ và 3 con nhỏ.Thế rồi anh tôi đi mãi không về. Anh vĩnh viến nằm lại ở Phan Thiết. Tôi vẫn nhớ những lần về phép thăm chị dâu, tiếp đón các em xong thì chị cô đơn vào buồng ngồi khóc. Hình ảnh ấy cứ ám ảnh tôi mãi. Vì sao trong trường ca “Đường tới thành phố” tôi viết nhiều những câu chuyện ở hậu phương như vậy? Vì chính những câu chuyện trong gia đình mình đã khiến tôi nhận thức một điều rằng, tầm vóc cuộc chiến mà mình đang đi qua không chỉ là người lính hy sinh ở phía trước, mà còn là những mất mát, đau thương, dằn vặt ở phía sau, ở quê nhà. Có những sự hy sinh ta nhìn thấy được, nhưng cũng có những sự hy sinh ta không nhìn thấy mà không kém phần vĩ đại.Tôi không muốn né tránh những mất mát hy sinh không gọi thành tên ấy.
Nói tiếp câu chuyện về gia đình tôi, khi tôi bắt đầu viết trường ca “Đường tới thành phố” thì nhận được tin anh trai tôi hy sinh. Và khi tôi viết xong chương cuối cùng thì cũng là lúc chị dâu tôi ra đi vì quá đau buồn.
 
@  Ban đầu, nhà thơ Xuân Diệu hình như có ý kiến nửa khen nửa chê trường ca: “Đường tới thành phố” của ông, khi tác phẩm được trao giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 1980, nhưng sau đó chính Xuân Diệu lại sửa lại những ý kiến chê của mình. Ông có hài lòng về điều này?

Hữu Thỉnh: Nhà thơ Xuân Diệu khi đọc trường ca “Đường tới thành phố” thì có chê một số  câu thơ tôi viết khó hiểu. Nhưng thực ra tôi viết bằng những trải nghiệm của mình ở chiến trường, còn Xuân Diệu thì không có thực tế của người lính nên “bác” không hiểu thôi. Khi thấy ý kiến Xuân Diệu chê tác phẩm của mình, tôi rất buồn. Tôi tâm sự với nhà văn Tô Hoài: “Sao anh ấy (nhà thơ Xuân Diệu) chê thế này mà tác phẩm lại được giải thưởng” và có ý định từ chối Giải thưởng Hội nhà văn. Nhưng gần đến ngày trao giải thì Xuân Diêu tới gặp tôi và bảo: “Anh hơi quá lời”. Sau đó thì tôi cũng vui vẻ nhận giải thưởng của Hội.
 
@ So với việc làm những bài thơ thông thường thì viết trường ca khó nhất là điều gì, theo ý kiến chủ quan của ông?

Hữu Thỉnh: Trường ca là thể loại dài hơi. Cái khó nhất là làm sao trong mấy ngàn câu thơ anh phải viết thế nào để bạn đọc không chán. Tất nhiên đòi hỏi câu thơ nào cũng hay thì khó lắm. Vậy nên người viết trường ca phải thông minh, phải biết cấu trúc tác phẩm làm sao cho tốt. Nghệ thuật viết trường ca cũng giống như nghệ thuật trồng bóng mát trên đường. Khi người ta đi được một đoạn xem chừng đã thấm mệt, thì anh phải trồng nơi đó một bóng râm cho người ta ngồi nghỉ, thư giãn. Có nghĩa là nhà thơ phải biết bố trí những câu thơ hay trong tác phẩm của mình một cách nào đó để người đọc luôn cảm thấy hứng thú, hấp dẫn. Khi viết “Đường tới thành phố” tôi đọc trường ca của các tác giả như Nguyễn Đình Thi, Thu Bồn, Thanh Thảo để suy ngẫm về cách viết, cách bố cục. Tôi mở lại các nhật ký chiến tranh của mình để có thêm tư liệu, khơi gợi những cảm hứng chân thực về cuộc chiến. Tôi mất cả một tập thơ lẻ gồm 22 bài đã viết trong chiến tranh để “chèn” vào trường ca. Có những bài thơ tôi chỉ “nhặt” được một câu phù hợp với mạch cảm hứng của trường ca. Ví dụ câu: “Sông ơi sông nếu ta phải ra đi/ Bậc thấp xuống cho em ra gánh nước”...trong “Đường tới thành phố” là lấy từ một bài thơ lẻ khác đưa vào.
 
@ Trường ca “Đường tới thành phố”, không còn nghi ngờ gì nữa, là tác phẩm lớn nhất trong cuộc đời Thơ của ông. Nhưng hình như công chúng lại nhớ đến ông nhiều hơn với những bài thơ lẻ. Theo ông, “Đường tới thành phố” nếu còn hấp dẫn bạn đọc trẻ hôm nay- những người không có ký ức về chiến tranh thì ở những điểm gì là cơ bản?

Hữu Thỉnh: Như một lẽ tự nhiên, những bài thơ lẻ thường ngắn, nếu hay, sẽ “nhập” vào công chúng rất nhanh. Còn đọc trường ca lại cần thời gian, trải nghiệm, suy ngẫm và cả...sự kiên nhẫn nữa. Tôi biết rằng “Đường tới thành phố” đã ám ảnh một thế hệ bạn đọc, những người ít nhiều đã trải qua những mất mát đau thương của chiến tranh. Tôi biết có nhà phê bình hay “tỉa tót” tôi nhất thì lại là người có thể đọc thuộc từng chương trong trường ca “Đường tới thành phố” của tôi. Còn bạn đọc trẻ hôm nay ư? Nếu “Đường tới thành phố” còn hấp dẫn các bạn được thì có lẽ chăng là ở điều tôi suy luận sau đây. Chiến dịch Hồ Chí Minh hay nói khác đi hiện thực chiến tranh trong tác phẩm của tôi chỉ là cái cớ để nhà thơ dựng lên một chân dung tâm trạng của người lính trong chiến tranh. Đó là đời sống tinh thần, tâm hồn, tình cảm, trái tim của người lính trong những bối cảnh khốc liệt nhất, từ đó lóe sáng tình yêu của họ về đất nước, quê hương, về con người.
Với nhân vật trữ tình trọng tâm là người lính, “Đường tới thành phố” thực ra là cảm hứng phức hợp, nhiều tầng, là sự cộng hưởng của cái chung và cái riêng, sự đan xen giữa khát vọng và lý tưởng mà tuổi trẻ thời đại nào cũng suy ngẫm.
 
@ Người ta thường nói, vốn sống, kinh nghiệm sống cần cho người viết văn xuôi, còn điều quan trọng nhất đối với nhà thơ là cảm xúc, còn ông thì lại tin: “Thơ là kinh nghiệm sống”. Vì sao vậy?

Hữu Thỉnh: Tôi thấy rằng, con người ta không từng trải với cuộc đời khó mà viết hay. Thơ sẽ rất nhạt nếu đời người cầm bút không trải qua những thăng trầm, thách thức, cam go. Theo tôi, kinh nghiệm cá nhân của người cầm bút là đặc biệt quan trọng. Phải có những kinh nghiệm từ chính số phận mình, sống đến đáy các sự kiện của đời mình mới mong có cái gì riêng, viết cái gì riêng. Nhà thơ không thể tựa vào ai khác ngoài chính mình, cũng như không thể tựa vào kinh nghiệm đám đông mà viết. Tôi viết trường ca “Đường tới thành phố” là từ chính những kinh nghiệm cá nhân của mình. Trong chiến tranh, đã từng có những phút giây tôi sững sờ không hiểu vì sao mình sống sót. Mình đã lặn ngụp đến đáy, đã thấu cảm tận cùng cái bi hùng của cuộc kháng chiến gian khổ. Và từ những máu thịt ấy, mình ngồi trước trang giấy, cầm bút viết. Cho nên, “Đường tới thành phố” không phải là cuộc dạo chơi trong chiến tranh của người lính. Và nó được bạn đọc yêu mến cũng chính bởi điều quan trọng ấy.
 
@ Xin cảm ơn nhà thơ Hữu Thỉnh.
BÌNH NGUYÊN TRANG ( thực hiện)