Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HÀO KHÍ ĐÔNG A

Đặng Thành Vân
Thứ tư ngày 28 tháng 4 năm 2010 4:58 AM
Nhà Lý đến đời vua Lý Huệ Tông thì suy vong. Nhà Trần thay thế, và đây là một lựa chọn mang giá trị lịch sử to lớn.
Sử sách Việt Nam ghi lại nhiều sự kiện quan trọng trong cuộc "bàn giao" triều đại Lý - Trần. Đó là một sự chuyển giao hiếm gặp trong lịch sử - Chuyển giao của hai triều đại lớn mà không xảy ra đại nạn binh đao. Xét trên bình diện lịch sử khách quan thì sự chuyển giao này là một đòi hỏi tất yếu, về lợi ích dân tộc thì đó là điều may mắn lớn. Xây dựng một vương triều mới, nhà Trần đã thực sự làm rạng rỡ giống nòi, tạo nên vầng  Hào khí Đông A lẫy lừng với ba lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông, một đội quân thiện chiến khét tiếng mà gót giày xâm lược đang ngự trị khắp Á, Âu thời đó.
Một thực tế nghiệt ngã có thể gọi là một quy luật, mỗi khi nước Việt gặp biến cố, suy thoái thì y rằng người Trung Quốc lấy cớ để o ép hoặc đem quân  thôn tính. Sự thèm khát đất đai, mở rộng biên địa không có dân tộc nào tham lam và kiên trì như người Trung Quốc. Bằng chứng là các nước láng giềng nhỏ bé xung quanh lần lượt bị thôn tính, đồng hóa với mọi thủ đoạn độc ác, man rợ, kể cả việc sát phu hiếp phụ. Từng nếm trải đoạn thời gian ngàn năm Bắc thuộc vua tôi nhà Trần quá thấu hiểu điều đó. Và lần này, cỗ xe chiến tranh xâm lược Đại Việt được phát động từ một đạo quân hùng mạnh bậc nhất, với tinh thần xâm chiếm được hun đúc từ hai dòng máu hung hãn cũng bậc nhất, dòng máu Đại Hán và Mông Cổ, gọi là giặc Nguyên - Mông. Vó ngựa quân Nguyên - Mông lướt đến đâu thì nứơc mất nhà tan. Châu Âu sụp đổ ngỡ chỉ trong thoáng chốc. Châu Âu chỉ còn như một cái xác không hồn. Các tướng lĩnh người Âu bị bắt, thân thể bị dùng làm ghế cho chúng ngồi uống rượu mừng chiến thắng... Kể vậy mới hay sức mạnh và sự ngạo mạn của đội quân xâm lược này ghê gớm tới mức nào.
Sau khi đã "làm cỏ" phần lớn lãnh thổ Âu, Á quân Nguyên - Mông đầy khí thế hướng tiếp mũi tấn công sâu về phương Đông Nam Á và Nam Á. "Các con mồi" tiếp theo được đặt lên bàn tiệc của chúng là Nhật Bản, Triều Tiên, Đại Việt… Người Nhật lo lắng chuẩn bị chiến tranh. Họ tổ chức đổ dầu ra biển hòng đốt cháy ngăn chặn chiến đoàn thủy quân Nguyên - Mông. May thay cho nước Nhật, chuyến thuyền của quân Nguyên Mông gặp gió bão nên cuộc thôn tính không thành. Sau sự cố này quân Nguyên - Mông chuyển sang tấn công Đại Việt, ý đồ nếu chiếm được Đại Việt chúng sẽ quay lại tấn công Nhật Bản và Triều Tiên. Thật khó tưởng tượng nước Đại Việt nhỏ bé laị có thể chống chọi được sức mạnh của quân Nguyên - Mông. Có thể nói, một số phận cay đắng và vinh quang đặt lên vai nước Đại Việt và lực lượng được giao trách nhiệm lịch sử tổ chức và chỉ huy chiến tranh chống quân Nguyên - Mông không ai khác là vua tôi nhà Trần, một triều đại vừa được thành lập.
Cũng như mọi quốc gia, người Đại Việt cũng biết rõ sức mạnh tàn bạo của đội quân Nguyên - Mông nên không thể không lo sợ. Cụ thể trong nội tộc nhà Trần đã xuất hiện mâu thuẫn, chia rẽ, có những hoàng thân đã đầu hàng giặc ngay khi vó ngựa của chúng vừa chạm tới bờ cõi. Đó là Trần Ích Tắc, Trần Kiện, Trần Quốc Khang... Trong tình thế lịch sử ấy, vị chủ soái Trần Thủ Độ đã rất vững vàng, khảng khái tâu với vua Trần Thái Tông: "Đầu tôi chưa rơi thì bệ hạ đừng lo". Tinh thần "sát thát" được khơi dậy mạnh mẽ. Vị thân vương nhỏ tuổi Trần Quốc Toản cũng tự chiêu binh, thành lập đội quân với hiệu lệnh thêu trên lá cờ chiến, sáu chữ vàng: "Phá cường địch, báo hoàng ân". Cuộc chiến lần thứ nhất, dưới sự chỉ huy của Thái sư Trần Thủ Độ. Hai lần sau cuộc chiến do Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy.
Và thật lạ lùng, thật kinh ngạc vô cùng trong hoàn cảnh tưởng ngàn cân treo sợi tóc thì vị Đại vương Trần Hưng Đạo lại nói với nhà vua một câu thật thảnh thơi, bình dị rằng: "Năm nay thế nước đánh giặc nhàn". Lời bình dị đó thốt ra từ vị thống lĩnh thiên tài là lời mang âm hưởng, khí thế khơi từ sâu xa tinh thần, tình cảm dân tộc và khi đã nắm chắc tình trạng quân giặc trong thế trận sông núi nước nhà. Qủa thực đó là một câu nói đầy linh ứng, như tiếng sấm truyền có tác dụng vỗ về, trấn an lòng người vô cùng hiệu lực. Quân Nguyên đại bại. Tướng giặc kẻ bỏ thây, kẻ phải chui vào trống đồng chạy trốn. Những tên tướng Toa Đô, Tích Lệ Cơ... lừng danh khét tiếng trên chiến trường châu Âu đã bị bắt sống và làm vật tế tổ, trước thái miếu nhà Trần.
Ba lần chiến thắng quân Nguyên - Mông là những mốc son chói lọi, độc nhất vô nhị của quân dân Đại Việt. Ngay cả các sử gia của kẻ đi xâm lược cũng không cắt nghĩa nổi vì sao họ đại bại. Trong bảo tàng thư của người Mông, ghi đại loại, có một nước nhỏ bé, dân cư thưa thớt ở phương Nam xa xôi đã không chịu khuất phục, đã chiến đấu và đã chiến thắng đội quân bách chiến bách thắng của họ cả ba lần...
Một tâm niệm đầy kiêu hãnh, tôn vinh sẽ mãi ngân vang trong tâm hồn người Việt, với giai đoạn lịch sử một triều đại, không quá dài mà đã sinh ra những con người tài trí đa dạng, vô song như các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông cũng như các vị thân vương, tướng lĩnh Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng... Các gia tướng Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng… là sao?  Thật là một điều thiêng bí ẩn của lịch sử, của hồn linh sông núi nước Việt!
Hào khí Đông A mãi còn kia, luôn chia sẻ, đồng hành với thời gian lịch sử người Việt. Và sự tri ân này còn được người Nam Á ghi nhận. Nếu không có ba lần quân Đại Việt thắng Nguyên - Mông thì rất có thể các nước Nhật Bản, Triều Tiên khó thoát khỏi hoạ ngoại xâm.
Hai chữ Đông A - Hào khí Đông A bắt nguồn từ địa danh A Sào, Long Hưng - nay là xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà và huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình – đã trở thành địa danh nổi tiếng được công nhận là nơi phát tích, khởi nghiệp vương triều Trần hiển hách bậc nhất trong lịch sử nước nhà.
Hào khí Đông A – tinh thần chống ngoại xâm và đã dành được những chiến thắng lẫy lừng mãi mãi là một niềm kiêu hãnh vô song của non sông Đại Việt.
Ngày nay biên cương hải đảo đang âm i sóng dữ, soi gương cha ông xưa gặp tiếng sóng Vân Đồn, Hàm Tử, Bạch Đằng vẫn trào sôi nhắc nhớ, lòng mỗi người dân Việt Nam càng thêm tự tin, tự tại, tự hào về thế trận núi sông, về hồn thiêng tổ tiên nòi giống!
  
ĐTV