Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÀN VỀ TƯ CÁCH

Đỗ Trọng Khơi
Thứ năm ngày 29 tháng 4 năm 2010 8:02 PM
 

          Vẫn biết ở đời này hai tiếng Tư cách là vấn đề quan thiết lắm. Song sách báo xưa nay thường bàn về Tư cách ở tầm vóc lớn, như Tư cách quốc gia, Tư cách của những người có vị thế trong xã hội. Còn Tư cách ở những người thấp kém thì ít được bàn tới. Hơn thế, Tư cách của loài vật, đồ vật có không? (Dĩ nhiên loài vật, đồ vật đặt trong tính tương tác tương giao với đời sống xã hội con người). Hẳn là phải có, vì nó ít nhiều phản ánh về gương mặt con người sử dụng nó.
          Bài viết này đề cập đến khía cạnh Tư cách ở những phương đời thâm thấp, be bé ấy. Chuyện có liên quan đến một số người thân của tôi.
          Chuyện thứ nhất. Thuở tôi 9, 10 tuổi, quãng năm 1970 – 1971 ao hồ các ở các làng quê còn là của Hợp tác xã. Bọn trẻ con chúng tôi có một cái thú là đi câu các loại cá chuối, trê, rô, diếc... nghĩa là các loại cá không do ai nuôi thả. Tôi rất khoái câu tổ thồng rồng (loai cá chuối đang nuôi con). Cá chuối thịt rắn, thơm. Cá chuối mẹ thì rất say con và rất “cáo”. Cá chuối mẹ càng to càng không dễ bị lừa mồi nên phải rình rập, vất vả mới câu được. Những lần câu được cá thì sướng lắm. Ông nội tôi thường đợi ngày rằm ngày tuần huặc ngày có việc mới cho làm thịt cá. Ông bảo, “Cá chuối đắm đuối vì con. Nó mắc câu cũng bởi cái bản năng sinh tồn, tình nghĩa. Do vậy cũng phải ăn thịt nó một cách trân trọng, cháu ạ”. Tôi vẫn nhớ, ông làm cá một cách khá cầu kỳ. Thịt cá được rửa bằng rượu, xát gừng, tẩm ướp muối mắm, gia vị và cái mật cá thì bóp giập. Cả đến bộ lòng cá cũng được ông tỉ mỉ làm sạch. Sau khi đã rán hoặc nấu ám, ông đặt cá lên ban thờ thắp hương cúng tổ tiên. Tôi tự hỏi: Đấy là cách hiến xác của cá chuối ư ? Là cách tôn trọng mà loài người cao quý dành cho loài vật nghĩa tình ư ? Chao ôi! Những loài sinh ra để hiến xác nuôi người thì nhiều vô kể mà riêng loài cá chuối lại nhận được lời khen đắc tình (cũng là để nhắc nhớ lại chính con người) : Cá chuối đắm đuối vì con! Được lời ấy, chẳng cũng coi như đạt tới được một tư cách sống đó sao!
          Chuyện thứ hai. Về đồ vật. Nhà tôi trước là một ngôi nhà năm gian bằng gỗ xoan. Đồ vật trong nhà có đôi giường rẻ quạt, bộ bàn ghế ba đai và một chiếc hòm vừa dùng để đựng thóc vừa để lập ban thờ, cũng bằng gỗ xoan cả. Khi đồng tiền dư dật, anh em chúng tôi đi mua về một số đồ vật mới : giường môđét, bàn ghế xalông, tủ gương... toàn bằng lim với lát hoa, đầy vẻ hào nhoáng, lịch sự. Vậy mà ông tôi lại tỏ ý không ưng. Một bận, ông bảo tôi: “Đồ vật tưởng nó vô tri nhưng nó có hồn của nó. Có câu, dụng nhân như dụng mộc, là vì thế. Hơn nữa, qua cách sử dụng đồ vật mà thấy tư cách của người dùng. Ví như nếp nhà ta, nhà nhỏ, thấp,  lại làm theo lối cổ, vậy thửa lấy cái tủ chè, sập gụ nhỏ nhắn như vậy, hợp hơn. Dụng đồ vật mà không đắc ý, dễ bị chê trách là kệch cỡm, khoe mẽ...”.
          Gần đây sách báo, ti vi đề cập nhiều về việc mua sắm đồ dùng và trang trí nội thất. Mỗi lần xem tôi không khỏi ngậm ngùi nhớ ông nội tôi.
          Chuyện thứ ba. Về con người. Tôi có anh bạn thân và anh là một người rất có tư cách. Nhưng câu chuyện này tôi nói về cô bé giúp việc trong nhà anh. Cô có cái tên thuần quê: Chít - Đoàn Thị Chít. Chít khoảng 14,15 tuổi, chăm ngoan, trung thực và kín lời. Cửa nhà có Chít, vật nào chỗ ấy, cơm dẻo canh ngọt. Con cái anh bạn tôi có Chít như có người chị gái thảo hiền. Chít được gia chủ thương quý, tin cậy giao cho quán xuyến mọi công việc trong nhà. Không chỉ hàng xóm láng giềng mà cả những người bán hàng quán quen biết Chít một hai lần đều phải khen ngợi nhắc nhỏm. Tuy thế, do thiên tính tự nhiên hay là do sự tự ý thức nào đó, Chít chu toàn tận tụy trong công việc nhưng lại rất nghiêm khắc với bản thân mình. Trong mọi quan hệ thường nhật Chít luôn tự đặt ra một rào chắn, không cho phép vượt qua. Tỷ như, Chít không bao giờ ăn quà bánh vặt hay nhận tiền cho thêm của gia chủ. Tỷ như nhà có khách ( dù là chỗ rất thân quen), Chít vẫn không bao giờ ngồi ăn với mọi người, dẫu gia đình tỏ ý mong muốn ngồi ăn cùng cho thân mật. Tỷ như, nếu thấy công việc của mình không được hoàn thành theo ý muốn, Chít tự phạt mình bằng cách... nhịn cơm. Thế nên, vợ chồng gia chủ đi xa về gần có quà bánh cũng không dám cho con ăn ngay, sợ con ăn quà sẽ không ăn được nhiều cơm và như thế Chít sẽ lại tự phạt nó bằng cách bỏ cơm theo! Thậm chí, có lần bị ốm, Chít lặmg lẽ về quê, ra trạm xá khám bệnh mua thuốc mặc dù anh bạn tôi và hàng xóm đều làm nghề y cả. Còn vô vàn những cái “tỷ như” như thế... Sự giữ mình của Chít vì thế nó nghiêm ngặt, chắc nình nịch, khiến nhà anh bạn cùng hàng xóm chung quanh vừa nể phục, vừa phải đặt câu hỏi: Liệu có khắc kỷ quá không? Cái rào chắn mà Chít tự đặt ra ấy, rút cục nó mang lại gì? Thói thường, ở vào hoàn cảnh ấy có vơ véo một tý, tranh thủ bồi bổ lấy tấm thân một tý thì cũng dễ được cảm thông. Song đúng là cứ ngẫm kỹ mới thấy, Chít đã được đấy, được điều rất căn bản nữa là khác. Nhờ cái rào chắn vô hình ấy, Chít tránh xa được nẻo ngộ nhận, lối lắt léo lợi dụng mà bước đời vốn dễ dấn nhầm sang bên kia bờ Tư cách. Một cô bé nhà quê, không bằng cấp, địa vị mà đã sống để cho những người có bằng cấp, địa vị, có Tư cách cao sang phải thốt lời “cảm phục và nể sợ”, há phải ai cũng làm được?! Thấy câu lành cho sạch – rách cho thơm, thật trúng với Chít quá. Sướng thay cho Chít, sướng thay cho những phận người thấp bé mà vẫn giữ được tư cách tốt đẹp trong cõi đời này!..
          Qua câu chuyện thêm thấy, lòng yêu thương, trách nhiệm, tính cách trong sáng, tinh thần trọng người và tôn giữ lấy mình chẳng phải là sự học căn bản bậc nhất cần đạt được ở cõi đời này, cho thảy mọi lớp người đó sao!
         
ĐTK