Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VÂN LONG THI PHẨM

Vân Long
Thứ hai ngày 26 tháng 4 năm 2010 8:44 PM
TNc giới thiệu

Sáng nay chủ nhật nghe tiếng chuông, tôi vội ra mở cổng. Không ngờ vị khách là nhà thơ Vân Long dắt con hai bánh già như chủ vào sân mà vẫn thẳng thớm, nhanh nhẹn như ở tuổi 50. Ông tặng tôi tập Vân Long tác phẩm. Nhớ hồi tôi vừa quê ra Hà Nội vào năm 1956 gì đó tôi đã đọc thơ ông trong tập Đường vào tim in chung với Lê Tám, Giang Quân đã mê tít thò lò. Không ngờ sau hơn 50 năm chính tác giả mình ngưỡng mộ lại mang thi phẩm đến tặng. Thật là vui, thật là sướng vì được ông coi như người bạn vong niên. Tôi thích cái Vân Long thi phẩm nên điều chỉnh tí chút. Xin cám ơn thi sĩ Vân Long và giới thiệu cùng các bạn.
 
Nhà xuất bản Hội nhà văn vừa phát hành Vân Long tác phẩm. Cuốn sách dầy 520 trang, bìa của Thành Chương, bắt mắt với tính biểu tượng đa nghĩa, khiến người yêu sách không khỏi bật ra câu hỏi: Tác phẩm của Vân Long, nhưng là thể loại gì? Người đọc đã quen tên nhà thơ Vân Long, nhưng gần đây ông lại hay viết chân dung văn học, hồi ức về các bạn văn, rồi bình thơ…hay cuốn này ông tập hợp cả những thể loại khác nhau ông từng viết?
 Bao gồm 269 bài thơ chọn lại trong 55 năm lao động sáng tạo (1954-2009) của tác giả, phần Phụ lục trên 100 trang, tập hợp những bài viết của các nhà phê bình, các bạn thơ viết về thơ ông, bài viết và trả lời phỏng vấn của Vân Long với các báo để giải trình những giải thưởng thơ do ông góp phần khẳng định vị trí của chúng…mà ông quy tụ trong hai phần nhỏ là Trong lòng bè bạn & Hoạt động và suy nghĩ. 
 Cuốn sách có Đôi dòng tự bạch, có lẽ ta nên nghe tác giả tâm sự đôi lời:

 Đôi dòng tự bạch
 
Đọc những bài phần đầu tập thơ này của tôi, hẳn nhiều độc giả không    khỏi mỉm cười: À! Có một thời như vậy! Có một niềm tin ở cuộc đời trong sáng đến thơ ngây !
 Bằng cách nhìn hôm nay, tôi đã gỡ bỏ chúng một phần, kể cả nhiều bài  những phần sau. Nhưng tôi không thể gỡ bỏ được số phận, cũng như không thể sống lại một cuộc đời khác! Và những gì thời cuộc đã nâng bước tôi, đã ám vào tôi, tôi đều phải chịu trách nhiệm về chúng, không thể đổ thừa cho ai! Chúng là những đứa con của tôi, chúng cũng là những đứa con của cộng đồng đã chấp nhận chúng, vào những thời điểm ấy…
 Có một thời, những vui buồn riêng tư của nhà thơ được cất giấu, người làm thơ xưng ta, nói thay cho cả cộng đồng mà không thấy cộng đồng ấy cũng là tập hợp những cá thể có buồn vui tâm trạng.
 Không phải không có những lúc cái Ta vang lên chứa đựng rất nhiều    cái tôi  của bản thân. Như ở giai đoạn “Chào 61 đỉnh cao muôn trượng… Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu “ (Tố Hữu). Năm ấy, tôi còn là một nghệ sĩ vĩ cầm non trẻ. Dịp kỷ niệm Quốc Khánh năm 1961, tôi tham gia dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và đệm nhạc cho đoàn hợp xướng vừa thành lập, xuống biểu diễn ở quảng trường Nhà hát lớn Hải Phòng. Xen giữa những bản nhạc Giao hưởng quốc tế, những bản hợp xướng Trường ca sông Lô, Điện Biên hoành tráng, nghệ sĩ ngâm thơ Tường Vi đã ngâm bài thơ trên của nhà thơ Tố Hữu. Đúng đến câu thơ vừa dẫn, tôi cảm nhận một luồng sáng kỳ lạ loáng trên biển người như là sự cộng hưởng của hàng vạn ánh mắt khán giả trên quảng trường, đặc biệt là ở khu vực ngót nghìn kiều bào ta ở Thái Lan vừa cập bến Hải Phòng, hồi hương để được sinh sống trong một đất nước độc lập mà khi họ ra đi còn lầm lũi trong hờn tủi. Lần đầu tiên tôi thấy hiệu ứng một câu thơ quảng trường được sự đồng cảm của cộng  đồng đến vậy!  Không thể phủ nhận những giờ phút thăng hoa của niềm tin đã cho ta tư thế ngẩng cao đầu mà bước tiếp! Những khó khăn tiếp đó là chuyện bên lề…
 Cái Ta của tôi cũng rất chân thực khi tôi được dự lễ đổ móng lò cao số Một khu gang thépThái Nguyên, rồi thăm cô em gái lớn bồng lên ở khu công nghiệp Việt Trì…Cái tôi cũng góp phần tận hiến đôi chút hạnh phúc riêng tư cho cái Ta chuỗi ngày bom đạn: Để lại người vợ trẻ cuới chưa đầy tháng ở Hà Nội, mang theo cây đàn cùng với hồn thơ, hòa vào nhịp sống của một thành phố Cảng với những con người cần lao trong bom đạn suốt cuộc chiến chống Mỹ với bom nổ chậm khu đông dân, thuỷ lôi vây phía biển…
 Rồi những năm ghé vai cùng các bạn văn Trần Lê Văn, Phượng Vũ, Bế Kiến Quốc…chăm bón một vùng văn học xứ Đoài !
 Tuổi trẻ của mình như vậy là không trôi qua vô ích với cộng đồng!
 Nhưng có điều mất mát không nhỏ vẫn day dứt tôi, phải chăng tôi đã  không thể hiện được cái tôi với cả những trăn trở băn khoăn khi niềm tin bị   thử thách…,những giây phút trĩu buồn, nỗi cô đơn cùng cực “Một đầu đường không có ai trông ngóng - một buổi chiều không biết cất vào đâu” như câu thơ của Thi Hoàng!
    Thời điểm ấy, tôi cho rằng viết những điều đó ra chẳng ích gì cho ai, khi mọi người đang bận những điều lớn lao hơn nhiều, như sự sống, cái chết, đứa trẻ khóc ngằn ngặt, thiếu sữa do bà mẹ thiếu ăn…Nhưng sao tôi phải mượn thơ bạn nói hộ lòng mình nỗi niềm chống chếnh? Những câu thơ như vậy đâu phải là không có ích! Chưa nói đến sự cô đơn con người được thăng
hoa thành Thơ, có thể thách thức cả sự huỷ diệt của một thời bom đạn!
 Thi hào Nguyễn Du đã tô đậm chữ Tâm bên cạnh chữ Tài. Ta vẫn hiểu phần đậm nhất ấy là tâm đức, cái tâm nhân hậu, hướng thiện. Ngày nay, tôi hiểu cần tăng nghĩa chữ Tâm cho Thơ, không chỉ tâm đức, mà cần cả tâm trạng và tâm linh (tạm nói gọn về lẽ huyền nhiệm ngôn ngữ tự tại của Thơ,    nếu coi ngôn ngữ thơ như ngôn ngữ âm nhạc, ngôn ngữ hội họa, vũ điệu…).
 Ngộ ra chân lý của cõi Người, của cõi Thơ như trên để có một thời gian bù đắp thiếu hụt. Có lúc tôi ngỡ đã mon men tới ngưỡng của chân lý ấy. Nhưng thời gian còn lại quá hữu hạn, dặm đường truớc mặt thì diệu vợi không cùng, nhất là khi tuổi trẻ sung sức, tham vọng “vá trời” đã ở phía sau. Tôi đành nghe lời khuyên của bậc đàn anh Chế Lan Viên:
                                 Hễ nó cạn dòng thì anh đừng viết nữa
                          Kẻo lắm khi con sông chết rồi thi sĩ cứ đi bên!
                                                 (Dòng sông của những nhà thơ)
 Đã ngoài vòng thất thập cõi nhân sinh, tôi tự coi như mình đã …chơi xong cuộc chơi thơ, xin đóng gói lại cả những thiếu hụt, ước mơ lẫn những gì làm được, mong độc giả có người hiểu được mình mà lượng thứ!
 Ngoài 7 tập thơ được lọc lại, còn tập Đỉnh gió chưa in riêng, tôi cũng gói gọn vào đây, nhân được NXB Hội nhà văn (nơi tôi làm việc trước khi nghỉ hưu) tài trợ cho xuất bản tập thơ này. Xin chân thành cảm tạ tình đồng nghiệp, các bạn văn đang tại chức đã ưu ái với tôi như một kỷ niệm vô giá tôi không bao gìờ quên!
Cuối mùa thu 2009
V.L    

Chùm thơ Vân Long
                                                        
               Thu cảm
 
Mở cửa đường thơm hoa sữa gọi
Phải bùng ra phố, phải đi thôi!
Hà nội trời xanh màu cốm mới
Tôi nhập vào thu với mọi người
Mùa thu, thu đến từng hơi thở
Thu đến từng thi tứ chín cây
Ai may áo mới cho Hà nội
Vồng ngực ai căng đợi tỏ bày
Em như con gió thổi qua ngang
Trẻ đến làm đau cả lá vàng
Lá phượng vụng về rơi mái tóc
Lại thành hoa rắc em mang

Như người chưa bao giờ được trẻ
Tôi bâng khuâng với mặt hồ đầy
Bước vào khoảng không em để lại
Một lần thêm trống trải nước mây
Bất giác đưa tay lên hất tóc
Bỏ quên đâu mái tóc xanh dầy  
Xòe ra đôi sợi mang màu nắng
Bắt chợt mùa thu vương kẽ tay !
                                                        
             Vào thu
                                                                
Nắng như sánh hơn                                                        
Lá cây trong hơn
Tưởng nghe được mùa thu nhẹ bước
Lao xao trên thảm cỏ mềm
Một gánh ổi thơm vào phố
Chùm nhãn đung đưa tay trẻ nhỏ
Trái thị vàng một sắc dân gian
Gặp mùa thu lòng mình
Nửa thế kỷ - gánh trên vai cái tuổi
Mùa thu vầng trán trầm tư
Lượng trời rộng sao lòng mình hẹp
Thiên nhiên không bíết cũ già
Lá biếc nghìn năm vẫn biếc
Tàn nở nghìn năm - vẫn hoa

Trận mưa thu ào qua
Nắng lại xòe diêm đầu lá ướt...

             Tản mạn
 
Tôi cứ hát, chẳng có làn điệu sẵn
Những xôn xao tự xếp thành lời
Tôi nghĩ về em, vượt mọi buồn vui
Mùa thu lan ra như khói
Lá sấu chiều tím bầm mái ngói
Những người con gái yêu mình
                                mất hút
Vào những mùa thu rất xa…
Thời gian lừng lững
Chà lên và bước qua…
Mình đã bửa cuộc đời ra bán lẻ
Những niềm riêng nhỏ bé
Còn lại gì đâu?
Còn lại gì chăng?
Đêm vô tội bị dằn vặt
Nắng vô tư bị bóp nhàu
         Mùa thu đến !
                                                 
            Ngõ Tràng An
 
Tôi thả bước lơ ngơ
Trưa vàng
                ngõ cũ
In một bước tình cờ
lên dấu chân ngày nhỏ
Chùa - vẫn ngôi chùa cổ
                  Khói nhang xưa
Tôi lại gặp tôi
luồn cột đèn đầu ngõ
Chiếc tàu bay giấy lượn lờ
                   suốt năm mươi năm
Năm mươi năm
Cô bạn nhỏ chưa khô giọt lệ
giận tôi vì một trái bàng!
Thêm dẫy nhà hai tầng
Ngõ đất thành ngõ gạch
Ngôi chùa càng chìm sâu
Bóng mít, bóng cau
Chìm sâu thời thơ bé
Hoa đại đầu thế kỷ
rụng vào tôi-bây-giờ...
                                                           
             Núi Ngũ Hành

Huyền Không động
Trời ở đây cực hiếm
Vệt nắng xuyên tuyệt bút của thiên nhiên
Đá cắt trời như trẻ con cắt giấy
Đứng bên ngoài: Núi Thuỷ cũng thường thôi
Vào lòng núi, bỗng sa mê hồn trận
Đá ẩn hiện, đá thở và đá sống
Tự làm một cõi đời riêng.
Người ở đây nom cũng thường thôi
Mà bão đạn, bão trời mặt người không biến sắc
Sừng sững trước biển Đông
Mặt người như đá tạc!   
  
          Đêm sông Hương
Đò cứ trôi, trôi vào vô định
Biết đâu Cồn Hến hay Kim Long
Cô áo đỏ: Bài thơ thôn Vỹ
Cho tôi chết đuối giữa dòng trong
Bềnh bồng, bềnh bồng...đò bềnh bồng
Gió đêm nhẹ, đò trôi như không
Cô áo tím vớt tôi - tiếng hát
Huế hiện lên từ cõi ước mong!
Mưa Huế sập sùi trên mái liếp
Sông, mưa phong kín cả con đò
Tôi che mưa hắt cho em đó
Kẻo ướt tâm tư một tiếng hò!
Dẫu không được chết, xin được sống
để nhớ để thương cùng tháng năm
Say câu Cổ Bản, Tương tư khúc
Huế một đời tôi, em biết chăng?
                                                               
               Vào tranh
                                                
   tặng hoạ sĩ Thọ Vân
                                   
Cái nhìn trầm tư của bạn
Tạo nên Tam Bạc mờ sương
Trên tranh, dòng sông ẩn hiện
Trên sông, xao một tâm hồn
Mái rêu loi thoi gấp khúc
Như bao vất vả lo toan
Thuyền đậu lô xô mui liếp
Bão giông chèo chống bao lần
Phố cong một vành trăng khuyết
Tháng năm mơ ước chưa đầy
Tôi trong chiêm bao lẽo đẽo
Đi về thương nhớ khôn khuây
                                                                                 
Bạn bè của tôi ở đấy
Mỗi thằng một dạng lo toan
Lật trang sách tiếng cá quẫy
Đêm rơi đầy chiếc gạt tàn
Một góc đời tôi ở đấy
Phố ôm tha thiết vòng tay
Một quán nước nghèo bến ấy
Bao nhiêu tâm sự vơi đầy
Bạn vẽ lên tranh sương khói
Con sông lam lũ dáng thuyền
Bạn vẽ lòng tôi khắc khoải
Một vùng sóng nước không yên...                             
                      
           Ngọn cây
 
Những ngọn cây
Những ngọn cây cao
Cứ sục tìm chi khoảng biếc
Nõn lá tủa ra quyết liệt     
Rồi cũng đến tầm ấy thôi
Làm sao có thể thành mây
Bay tới những miền chưa biết!
Lên đó để mà ngơ ngác
Lên đó để mà cô đơn
                  để mà run rẩy
Từng cơn lạnh thấu linh hồn...

           Nỗi buồn nhà mới
         
Mọi điều thay đổi
Cả điều mình mong mỏi
Đều mang nỗi buồn
(Tout changement, même le plus
souhaité a sa mélancolie)
Anatole France

Em thì vắng, bạn bè xa ngái
Mưa thu bủa lưới thuỷ tinh
Trời chật, nỗi buồn rộng rãi
Nhớ nhau, mình lại thăm mình    
                        
Hoa mướp cứ vàng tươi trước ngõ
Mưa nào ướt sắc vàng thu
Ánh nắng một thời trẻ tráng
Đủ soi năm tháng sau xưa        
Đất hàng xóm chưa xây mọc đầy lau cỏ
Cỏ lau làm hàng xóm hai bên
Kiến chạy lụt trú nhờ kệ sách
Chữ thừa như kiến ngập trang in
Chú nhện đã giăng mùng vách mới
Thạch sùng khảm mình thêm nét phào cong
Kíp thợ xây lại phương nào đổ móng
Xây vui buồn nhận công xá long đong
Gồng gánh hết đời xây lấy một căn
Tự lọt lòng ta đã là khách trọ
Có giống nỗi buồn chú hoàng tử nhỏ
Những tinh cầu chú đã đặt chân
Một ly buồn đặt xuống
                              lại nâng…
  
              Hoa mười giờ
Từ khi có chậu hoa 10 giờ
Tôi bận hay về muộn
Hoa đồng hồ mệt mỏi số 12
Hoa đã thắm không tôi
Tôi giữa nắng không hoa
Như hai nửa một mối tình lận đận
Cái màu hoa dọc đường tưởng tượng
Có thắm hơn hoa đợi hiên nhà?
Mong thanh thản giữa vịệc đời bề bộn
Tôi phóng về em tốc- độ- hoa...
.