Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MẤY SUY NGHĨ VỀ BÀN GIAO QUYỀN LỰC

Đắc Trung
Thứ tư ngày 28 tháng 4 năm 2010 5:26 AM

  Quyền lực hữu hạn với bất kỳ chủ thể nào. Có nghĩa mọi chủ thể quyền lực đều phải thoái quyền để chủ thể khác kế quyền. Tuy nhiên thoái quyền thế nào và kế quyền ra sao lại là vấn đề mà khoa dụng quyền phải nghiên cứu vận dụng.

   Thoái quyền :  người hiểu mình, hiểu đời lắm mới biết thoái quyền đúng mục đích, đúng cách, đúng lúc. Biết bao kẻ vì không nhận rõ điều ấy mà thân bại, danh liệt. Cổ nhân đã dạy : « Khi thượng phong phải nghĩ tới lúc hạ mạt ». Biết lên không được, ở lại không được, chờ thời để tiến cũng không được thì phải tìm cách thoái lui.

      Học thuyết Lão Tử (nhà tư tưởng lớn Trung Hoa thế kỷ 6 trCN) lấy  Vô vi  làm gốc. Cơ sở để đạt được Vô vi là : « Vô dục » (Không để dục vọng và tham vọng chi phối mình). « Vô tranh » (Không tranh giành với ai thì cũng không ai tranh giành với mình), « Tri túc » (Phải biết thế nào là đủ để dừng) và « Thủ thế » (Biết lấy lùi để tiến). « Kế tẩu vi thượng » trong « Binh pháp Tôn Tử » dạy :  « Nếu biết không thể thắng sẽ có ba cách : đầu hàng, cầu hoà và lùi. Đầu hàng là thất bại hoàn toàn. Cầu hoà là thất bại một nửa. Lùi là mấu chốt bất bại để tất thắng ».

      Bởi thế, trước hết phải xác định mục đích thoái :  « Lui » hay « Lùi » ?

      « Lui » là rút để nghỉ.  « Lùi » là dừng để tiến. Hãy lựa chọn !

      Có hai cách thoái quyền : « Chủ động » và « Bị động » . Hãy lựa chọn !

      Có ba thời điểm thoái quyền : « Nên thoái », « Cần thoái » và « Phải thoái ». Hãy lựa chọn !

      Người hiểu mình, hiểu đời thì chắc chọn cách « Chủ động » vào thời điểm « Nên thoái » chứ không để đến khi « Bị thoái » hoặc « Phải thoái ».

      Ở đời những kẻ cố bám quyền thì nhiều, nhưng tỉnh táo sáng suốt biết thoái quyền rất ít. Mấy ai được như Phạm Lãi thời Xuân Thu biết thoái đúng lúc, đúng cách, đúng mục đích vừa tránh được tai họa vừa lưu danh muôn thuở. Là mưu thần kiệt suất giúp Việt vương Câu Tiễn bình Ngô diệt Phù Sai. Sau khi thắng lợi, nhận rõ bản chất Câu Tiễn thuộc loại tham quyền ích kỷ, chung hoạn nạn chứ không cùng hưởng vinh quang, trước sau cũng thành bạo chúa diệt công thần thâu tóm quyền lực, Phạm Lãi tự nguyện rút khỏi mọi quyền chức, mau chóng rời nước Việt sang nước Tề, thay tên đổi họ, kinh doanh buôn bán, dùng tiền giúp bạn bè và những người nghèo khổ, được đời sau tôn vinh là « Thánh Đào Chu Công ». Trái lại Văn Chủng cũng là bậc đại phu vì không nghe lời khuyên của Phạm Lãi vẫn trung thành phò tá Câu Tiễn, rút cuộc bị Câu Tiễn giết hại. Giống Phạm Lãi, Trương Lương giúp Lưu Bang diệt xong Tần lập ra nhà Hán liền bỏ đi ở ẩn. Trần Hưng Đạo dẹp tan giặc Nguyên Mông rời Kinh Đô về Kiếp Bạc làm nghề nông, trồng cây thuốc chữa bệnh cho dân và viết « Binh thư ». Nguyễn Trãi giúp Lê Lợi đánh xong giặc Minh ẩn dật nơi Côn Sơn làm thơ viết sách...

   Tuổi trẻ có chí.Trung niên lập công. Cuối đời mắc sai lầm. Dường như đó là quy luật đối với các bậc đế vương. Tần Thuỷ Hoàng. Hán Võ đế Lưu Triệt, Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương cũng thế. Còn trẻ vào sống ra chết tạo dựng giang sơn. Nhưng cuối đời chỉ lo củng cố quyền lực giết công thần, sống sa đoạ vô độ. Khang Hy khi còn trẻ lập nhiều công lớn, nổi tiếng là bậc minh quân. Cuối đời cũng sa vào hưởng lạc trác táng khiến quốc gia suy vong.

   Những bài học sâu sắc trong lịch sử cho thấy tuổi già mà vẫn cố nắm quyền lực thường rất dễ sai lầm làm tổn hại đến xã tắc. Bởi thế ở nước ta, triều Trần, mười bốn đời vua kế tiếp nhau đều chủ động nhường ngôi khi tuổi đời còn trẻ để làm Thái Thượng hoàng. Từ lập quốc chỉ đến triều Trần mới có chế độ Thái Thượng hoàng. Tuổi bình quân các vua Trần khi thoái quyền nhường ngôi làm Thái Thượng hoàng là 38,5 và tuổi đời bình quân của các vua Trần khi tiếp nhận ngôi báu là 17,8. Làm Thái Thượng hoàng nhưng vẫn nắm chắc tình hình đất nước và kèm cặp vua trẻ điều hành xã tắc. Một quốc gia, Thái Thượng hoàng tuổi bình quân xấp xỉ 40, vua trực tiếp quản lý giang sơn tuổi bình quân xấp xỉ 18, quốc gia ấy nhất định hùng mạnh và thực tế đúng như vậy.

      Năm 1814, Napoleon sau thất bại nặng nề trên chiến trường Nga và trước áp lực của « Liên minh Châu Âu », ông ta nhận ra rằng không thể tiếp tục ngôi Hoàng đế. Cố bám giữ quyền lực tối cao ấy tất sẽ bị tiêu diệt. Mục đích lúc này là tồn tại. Tồn tại được thì còn. Bị tiêu diệt là hết. « Binh pháp Tôn Tử » dạy : « Phải tìm cách không cho địch thắng để đợi thời cơ thắng địch ». Tỉnh táo sáng suốt phân tích thời cuộc cả quân sự,chính trị, ngoại giao, cả thực tế và xu thế, Napoleon biết rằng thời cơ còn, bởi thế ông ta quyết định thoái vị và chấp nhận bị lưu đầy tại đảo Elbe cùng với 1000 lính (6-4-1814). Tuy rời ngai vàng, nhưng ông ta vẫn theo dõi mọi biến động chính trị. Ở Pháp nhân dân luyến tiếc chế độ tự do dân chủ dưới thời Napoleon, phản ứng quyết liệt chế độ tập quyền phong kiến hà khắc của vương triều Bourbon khi quay lại thống trị. Còn các nước trong « Liên minh Châu Âu » thì mâu thuẫn gay gắt với nhau khi phân chia quyền lợi. Thời cơ phục quyền đã tới. Ngày 1-3-1815 Napoleon dẫn hơn 1000 quân rời đảo Elbe đổ bộ lên Cane và tiến thẳng về Paris. Vốn là một Hoàng đế tài giỏi uy danh lừng lẫy, tới đâu ông cũng được nhân dân và quân đội ủng hộ. Louis XVIII hốt hoảng bỏ thạy sang Anh. Ba tháng sau Napoleon chiếm lại ngai vàng.

      Phạm Lãi, Trương Lương, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi và các vua Trần đã để lại cho lịch sử những bài học về  thoái lui quyền lực. Đó là những người thoái quyền đúng mục đích, đúng cách, đúng thời điểm và mãi mãi được lịch sử tôn vinh. Rất tiếc vẫn có không ít kẻ đầy tham vọng cố bám quyền một cách mù quáng gây tổn hại cho cộng đồng và xã hội để rồi phải nhận kết cục thảm hại, bị lịch sử lên án và hậu thế chê trách.

      Cùng với thoái quyền là thực thi kế quyền. Biết bao gia đình tan nát, cơ quan sụp đổ,doanh nghiệp phá sản, quốc gia suy vong bởi không chọn được chủ thể kế quyền xứng đáng. Đây là việc phải làm liên tục, rất quan trọng, rất công phu, rất khoa học, đặc biệt phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, tuyển chọn và sử dụng nhân tài. Mọi cấp, mọi nơi, mọi ngành, mọi nhà, mọi người phải cùng lo việc đào tạo nhân tài mới có nguồn để tuyển chọn cho kế quyền ở mọi cương vị, mọi lĩnh vực. Cốt lõi của tuyển chọn là dùng người. Cốt lõi của dùng người là hiểu người. Hiểu đúng, đánh giá đúng, chọn kế quyền đúng thì hưng. Hiểu sai, đánh giá sai, chọn kế quyền sai thì vong.

      Trung Hoa là quốc gia có nền văn minh lâu đời. Lịch sử kế quyền đã trải qua từng giai đoạn. Thời kỳ mẫu hệ được thực hiện theo chế độ truyền đệ, anh nhường quyền cho em cùng mẹ. Đến thời Nghiêu - Thuấn – Vũ việc kế vị được thực hiện theo chế độ  truyền hiền nghĩa là chọn người có đức tài ( thật ra Nghiêu - Thuấn – Vũ chỉ là các tù trưởng được các bộ lạc bầu lên ). Đến khoảng giữa triều nhà Thương, khi đó là chế độ phụ hệ và quản lý điều hành xã hội đã bước đầu hình thành bộ máy nhà nước thì việc nối ngôi được thực hiện theo chế độ  truyền tử , cha nhường cho con. Từ đó thành lệ cho các triều đại sau. Tới khi kết thúc chế độ quân chủ bằng cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911) chế độ dân chủ được xác lập thì việc kế quyền thực hiện qua tuyển cử để chọn nhân tài. Chế độ truyền đệ thời kỳ mẫu hệ và  truyền hiền thời Nghiêu - Thuấn – Vũ chỉ thích hợp với trình độ xã hội còn quá sơ khai và quy mô dân số ít. Chế độ  truyền tử  thời phong kiến quân chủ thì chỉ có lợi là đảm bảo tính liên tục, nhưng hại nhiều. Một triều đại mươi lăm đời vua may lắm vài ba ông là có đức tài hết lòng vì nước, thương dân còn đa số ngu dốt, vô trách nhiệm, sống cuồng lạc, tranh gìanh quyền lực khiến quốc gia suy vong. Chế độ tuyển cử  tiến bộ hơn nhiều, nhân tài trong thiên hạ được biết đến và được sử dụng, trí tuệ và nhân lực toàn xã hội được phát huy triệt để. Tuy nhiên việc đó chỉ hữu hiệu khi  tuyển cử  phải thực sự dân chủ, công bằng, minh bạch, không mặc cảm thành phần xuất thân, không gian lận, không chiêu bài giả hiệu, không bị chi phối bởi tình thân thuộc hoặc tiền bạc... Nếu không  tuyển cử sẽ biến thành  tình cử, tiền cử  hoặc chỉ có cử mà không có tuyển và như thế thì đại loạn tất không thể tránh khỏi.

      Năm 626, Hoàng đế nhà Đường là Lý Uyên thoái vị, không chọn con cả kế quyền mà chọn con thứ là Lý Thế Dân. Bởi ông hiểu Lý Thế Dân là người có tâm sáng, lòng rộng, chí lớn, văn võ song toàn, biết quản lý điều hành xã tắc. Ông đã chọn đúng. Lý Thế Dân tiếp nhận vương quyền, rút kinh nghiệm hưng vong của các triều trước, vi hành khắp thiên hạ để khảo sát dân tình và tiến hành hàng loạt cải cách lớn xây dựng nhà Đường thành quốc gia hùng mạnh, nước thịnh, dân an, mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài tạo thanh thế.

      Thời Tam Quốc, đánh giá đúng bản chất Gia Cát Lượng một người tài đức vẹn toàn Lưu Bị giao toàn quyền cho ông. Có thế quyền lại có thực quyền kiệt suất Gia Cát Lượng ổn định nội bộ, hoạch định chiến lược cho xã tắc mà không cướp ngôi đoạt quyền như Tào Tháo, Tư Mã Ý. Đó là trao quyền cho người thật xứng đáng và tin cậy. Về kế phân quyền thì Lưu Bị quả là giỏi, kết hợp cả dụng quyền, phân quyền với dùng người. Bí quyết dùng người là phải hiểu người. Hiểu người qua tướng, số (tử vi).Tướng gồm : diện, dáng, ngôn, tự (tỷ mỷ chi tiết từ hành tướng, toạ tướng, ngoạ tướng, nhãn tướng, nhĩ tướng, khẩu tướng, nhân trung, lưỡng quyền, môi, trán, tóc...giọng nói, cách nói, nội dung lời nói...kiểu chữ, nét chữ...) ; Hiểu người qua đối đáp, qua thử thách khi giao những việc cụ thể từ đó biết có trí, có nhẫn, có trung, có dũng, có liêm, có mưu lược, có nham hiểm thủ đoạn, có tận tụy, có đam mê tửu sắc ? ... Từ đó mà biết có tin được và dùng được hay chỉ dùng mà chưa tin, hoặc không tin, hoặc không thể tin cũng không thể dùng. Hiểu người mới trao việc thì kiểm soát được cả việc, cả người và ngược lại. Khi giao quyền phải xác định rõ quyền và hạn, trách và nhiệm, không chung chung. Khiến người được giao biết mình phải làm gì, phải đạt mục tiêu gì, nếu không làm được phải chịu trách nhiệm thế nào, không thể trốn tránh cũng không thể tranh công đổ lỗi được. Làm sao giữa chủ thể quyền lực với cấp dưới luôn có sự ràng buộc chặt chẽ nhưng không vướng cản nhau, tuyệt đối không được tạo ra khoảng trống mà quyền lực không tới.

      Thời Xuân Thu, Tề Hoàn Công nhờ chọn Quản Trọng làm quân sư mà nước Tề từ yếu trở nên siêu cường. Quản Trọng bị bệnh nặng, Tề Hoàn Công lo lắng hỏi: « Nếu bá phụ mệnh hệ nào thì ai có thể thay thế ? ». Quản Trọng đáp: « Hiểu con không ai bằng cha. Hiểu bề tôi không ai bằng vua. Vậy theo Bệ hạ thì ai có thể thay ? ».Tề Hoàn Công hỏi: « Dịch Nha được không ? ». Dịch Nha là cận thần. Có lần nghe nhà vua than : « Sơn hà hải vị ta trải cả rồi, giờ chỉ thèm thịt trẻ em xem mùi vị ra sao ». Dịch Nha về cắt thịt đùi đứa con út của mình dâng vua. Nhà vua cho rằng Dịch Nha lòng trung không ai có, coi vua hơn sự sống con mình. Quản Trọng lắc đầu : « Giết con mình để lấy lòng vua là trái đạo từ, thất nhân tâm, không chỉ ông ta mang tiếng ác mà gieo cả điều ác cho Bệ hạ. Không thể được ». Vua lại hỏi: « Khai Phương thế nào ? ». Khai Phương là người nước Vệ, hầu hạ Tề Hoàn Công suốt mười lăm năm không về thăm cha mẹ. Tề Hoàn Công cho rằng Khai Phương coi vua hơn cả người sinh ra mình, đó là bậc trung thần. Quản Trọng lắc đầu: « Cam tội bất hiếu để được lòng vua là không hợp đạo làm con. Tự mang tiếng xấu còn làm tổn hại đến lòng nhân từ của vua . Người này cũng không được ». Vua lại hỏi: «  Vậy Thụ Điêu thì sao ? ». Thụ Điêu biết Tề Hoàn Công háo sắc nên đã tự thiến mình làm quan hoạn (đại nhục như tội hình) để được phục vụ vua với các mỹ nữ. Nhờ thế vua rất tin cậy. Quản Trọng lắc đầu: « Đến bản thân mà hắn còn không thương tự huỷ hoại thì hắn còn biết thương ai. Loại này càng không được. Cả ba người ấy đều không đủ tín, đức, uy để yên lòng dân, để quần thần tâm phục, khẩu phục và để giữ bang giao với các nước ». Vua lại hỏi: « Vậy ai được ? ». Quản Trọng đáp: « Thập Bằng được. Đó là người bên trong thì bản lĩnh, bên ngoài thì liêm khiết, không để tham vọng, dục vọng lôi kéo, là gương sáng để thu phục lòng dân, làm được việc lớn, giữ được hữu hảo với các nước lân bang ».

      Tiếc thay Quản Trọng chết, vua không dùng Thập Bằng mà chọn Thụ Điêu. Thụ Điêu thâu tóm quyền lực cấu kết với Dịch Nha và Khai Phương làm phản. Tề Hoàn Công bị bắt, bị bỏ đói và chết thê thảm trong ngục tối. Trước khi chết ông ta tự trách mình không nghe lời khuyên của Quản Trọng, dùng người không suy xét kỹ mọi mặt mà chỉ theo ý mình nên phải nhận nỗi nhục này.

      Bàn giao quyền lực quan trọng là thế là thế. Đúng – Sai liền với Phúc - Họa.