Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHIẾN TRƯỜNG XƯA MỘT THỜI TRAI TRẺ

Vinh Anh
Thứ ba ngày 27 tháng 4 năm 2010 10:03 PM
      Tuỳ bút                   

Cảm giác vi vu trên Quốc lộ 1.  Không phải chỉ vì sau ba nhăm năm chiến thắng, được đi trên những con đường lớn “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Mà đây là cảm giác của những người lính trong không khí hào hùng tháng ba, tháng tư cách đây 35 năm. Chúng tôi, những người lính cách đây ba nhăm năm cũng có cảm giác như vậy.
Những ngày này của 35 năm trước, chúng tôi cũng vi vu trên Quốc lộ 1 hoặc trên đại lộ “Tây Trường Sơn”-con đường Hồ Chí Minh sau hiệp nghị Pa-ri đã được gấp rút mở rộng.  Chúng tôi, những cựu chiến binh ngày xưa của trung đoàn Pháo binh 45, toàn hành quân trên đường Trường Sơn, đàng hoàng hành quân ban ngày, hành quân theo tinh thần thần tốc, nên cảm giác vi vu sướng lắm. Khí thế hừng hực của các cánh quân trên đường tiến về Sài Gòn khiến chúng tôi cảm thấy vi vu. Vâng, cảm giác trong thế tấn công hoà với lồng lộng trời đất. Ngày ấy đối với chúng tôi là thế. Chúng tôi vốn còn rất trẻ mà.
 Cái “lồng lộng trời đất” có ở trong tôi là vì trên đường hành quân hầu như không có máy bay địch bắn phá như các chiến dịch trước, để đến nỗi lần đầu tiên, tôi được hành quân ban ngày. Điều đó cho tôi nhận thức: ta đã làm chủ bầu trời. Cảm giác ngọt ngào và thiêng liêng lắm! Chiến thắng lắm!
Nhưng đích của chúng tôi không phải về Sài Gòn. Đích chúng tôi là về với Quảng Trị. Mảnh đất mà hơn một lần tôi đã nghe người Quảng Trị nói: “Quảng Trị không nhiều thắng cảnh, nhưng Quảng Trị lại là nơi có loại di tích nhiều nhất nước, đó là nghĩa trang. Chúng tôi mời các anh đến một trong những nghĩa trang đó, Nghĩa trang đường 9.” Câu nói nghe thoáng thấy bình thường, nhưng ngẫm kỹ lại mà ngậm ngùi, mà đau xót, mà buồn tê tái.
Quảng Trị cách Hà Nội 598km, cách Sài Gòn 1100km. Thành cổ ở trung tâm thị xã, cách Quốc lộ1A 2km về phía Đông. Thành cổ cách sông Thạch Hãn 500m. Được xây dựng từ thời Minh Mạng năm 1827. Đầu tiên là thành đất, sau này được xây bằng gạch cao 4m, chiều dày 1đến 2m. Có 4 cửa thành, chiều dày đến 12m. Chu vi toàn thành 2160m.
Trong những năm chiến tranh, ngoài thời gian của những trận chiến quyết tử, sống còn, ảnh hưởng đến cục diện của cả cuộc chiến tranh, trung đoàn chúng tôi thường về đóng quân trên đất Bắc. Vì vậy khắp chiều dài miền Trung, từ Thanh Hoá đến Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, nơi nào cũng có dấu ấn của trung đoàn chúng tôi. Lính trẻ chúng tôi ngày đó thường nói với nhau “cơm Bắc, giặc Nam” là thế. Kỷ niệm về chiến trường xưa cũng rộng dài là thế. “Một khẩu súng giữ hai trời Nam Bắc/ Một dấu chân in mầu đất hai miền” *
Nhưng sâu sắc nhất, ấn tượng đậm nhất vẫn là Quảng Trị. Từ những ngày Mậu Thân 1968, chúng tôi đã có mặt ở Khe Sanh. Rồi tiếp theo là chiến dịch Đường 9-Nam Lào. Đặc biệt hơn cả là chiến dịch Quảng Trị. Vâng, nói đến Quảng Trị là nói đến cái ác liệt, nói đến sự hy sinh vô bờ của quân và dân ta trên mảnh đất này. Chẳng vậy mà nơi đây, nghĩa trang nhiều như vậy. Hùng ca và tráng ca cũng chính từ mảnh đất nơi đây sản sinh.
Tôi không muốn nói nhiều đến máu đổ và hy sinh, không muốn nói đến ác liệt, sống chết trong gang tấc trong những ngày đạn bom đó. Tôi chỉ muốn nói đến cảm giác của một người sống ở đây những ngày “bảy hai” khi quay trở lại.
Thành cổ Quảng Trị của năm “bảy hai” không còn nữa. Cổng thành được phục chế để giống ngày xưa chứ không phải giống “thời bảy hai” khói lửa. Đương nhiên mùi khét bom khói đạn không còn, đương nhiên đổ nát tan hoang không còn. Nhưng những cái không còn nữa của “ bảy hai” lại làm chúng tôi nhói lại. Yên ả quá, thanh bình quá. Phải! Thời đạn bom đã qua, và như thể… thời của chúng tôi đã qua. Nhưng giá mà, tôi nghĩ, nếu để lại chứng tích của một cổng thành hay nhiều hơn nữa, nơi mà trong 81 ngày đêm, mỗi người lính giữ thành phải chịu đựng 100 quả bom và 200 quả đạn pháo, nơi không còn một viên gạch nguyên lành, thì quý giá biết bao nhiêu!
Dấu vết còn lại nơi thị xã làm chứng tích cho những ngày bom đạn là trường Bồ Đề, gần Thành cổ. Những mảnh đạn, mảnh bom đã  băm vằm xuyên thủng các bức tường tạo ra chi chít các lỗ to nhỏ. Một sự bầm dập toàn thân. Vậy mà tôi vẫn  cứ thấy áy náy làm sao ấy. Tôi đã được đến Von-ga-gơ-rát., trên đường phố cũng lưu lại chứng tích của trận Sta-lin-gơ-rát. Sao tôi lại thấy nó bề thế hơn nơi đây. Tôi những mong nếu có thể, chứng tích của cuộc chiến giữ thành Quảng trị cần to lớn và hoành tráng hơn. Có lẽ nào “thời của chúng tôi đã qua”?
Bây giờ là tháng ba âm. Ngày xuân vẫn còn. Đợt gió lạnh cuối mùa của Nàng Bân hay mầu xanh của Quảng Trị ngày hôm nay làm chúng tôi vừa rạo rực, vừa gờn gợn gai gai. Cảm giác lẫn lộn lạ lắm. Những bãi cỏ non cứ xanh ngăn ngắt và bồng bềnh theo từng con gió còn tôi lại cứ thấy bảng lảng bóng các bạn trong veo  như mây bay trên trời Quảng Trị. Màu xanh của cỏ mướt mát, dịu dàng mang dáng hình và tính nết người con gái phương xa, những bóng hình mà chiến sỹ ta hay mơ về. Ngày đó chúng tôi còn trẻ mà. Quảng Trị bây giờ đẹp quá. Những bãi cỏ xanh mềm mại như bãi cỏ quê ta ngoài kia, chiều chiều thường tha thẩn mấy con trâu gặm cỏ. Những áng mây như con sông vắt qua làng mềm như một dải lụa. Ngày ấy, mấy anh lính non tơ như nhành cỏ đó đâu mấy ai có được một cô bạn gái gọi là thân thiết ở quê nhà. Nhiều bạn bè chúng tôi ngã xuống vẫn chưa một lần được cầm tay một người con gái, được hôn một người con gái, được nói những lời yêu thương.
Có phải vì cỏ đón được những hạt mưa xuân hay trong từng hòn đất nơi đây đều đã nhuốm những dòng máu thanh khiết của các liệt sỹ giữ thành mà cỏ xanh đến da diết như vậy?
 
Tôi nhớ lại những đêm đi đón đạn cho các trận địa. Chúng tôi vác đạn tại điểm tập kết và đưa đến từng khẩu đội. Nơi chúng tôi đón, có hầm hào, dù rất mong manh với bom đạn. Mỗi khi nghe tiếng pháo xoẹt trên đầu là lăn ngay vào hàm ếch khoét bên đường. Cánh lái xe có đêm nào không ở trên mặt đường. Chúng dấn thân gần suốt đêm trên chặng đường dài và luôn bị OV-10 xăm soi hoặc những loạt pháo bắn theo toạ độ đã định sắn trên bản đồ. Thằng Vở bạn tôi, không về nữa trong một đêm trên đường đầy bất trắc như thế. Vở ngã xuống và để lại một cô vợ trẻ mới cưới, chưa được hưởng hạnh phúc bên nhau trọn một tháng.
Nhưng Quảng Trị hôm nay khác xa ngày đó quá. Sự khác biệt này như tạo nên một ranh giới giữa hai thế hệ. Tôi phân vân và ưu tư nhìn mãi gia tài người chiến sỹ giữ thành. Cũng như bao người lính khác trên toàn mặt trận, một khẩu súng AK, một chiếc ba lô, một bi đông nước, một ruột tượng đựng gạo, một chiếc mũ tài bèo, một đôi dép cao su. Đơn giản đến tối thiểu của đơn giản. Và trong cuộc đời đi đây đó của tôi, khoảng chục năm sau cuộc chiến, tôi từng gặp nhiều đồng đội cũ, gia tài vẫn hình như chỉ có thế. Cuộc sống vẫn đơn giản như thế. Hầu như bọn họ khi bỏ tay súng để bước vào cuộc sống đời thường đều với một hành trang như vậy.
Tôi ngẫm ngợi và ưu tư về sự hy sinh. Một sự hy sinh không đòi hỏi, không toan tính. Nó trong trắng và vô tư quá, thơm thảo và cũng thơ ngây khờ dại quá. Tất cả cứ tinh khiết như suối ban mai chảy từ trong sâu thẳm rừng già Trường Sơn. Tất cả những vương víu, gợn đục, nhớp nhơ đã được chắt lọc. Và trong cái nóng, cái nắng cùng sự ác liệt của những ngày chiến tranh, chúng tôi được tắm dòng mát đó, được nuôi dưỡng bằng dòng mát đó.
Quý giá biết bao nhiêu, sung sướng biết bao nhiêu, trách nhiệm thêm bao nhiêu khi được đón nhận sự hy sinh tinh khiết của tuổi trẻ như vậy. Thời của chúng tôi, chúng tôi lên đường trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc với khí thế hào hùng và cũng rất bi tráng như thế.
Cô hướng dẫn và thuyết minh cho chúng tôi về trận đánh 81 ngày với giọng Quảng Trị nhẹ nhàng không lẫn đâu được. Chúng tôi không lạ. Tôi chỉ nghe loáng thoáng những lời cô nói, bởi chúng tôi là người trong cuộc, chúng tôi đã ở đây, trên mảnh đất này những ngày đó.
Và những gì xảy qua trong 81 ngày giữ thành cổ cùng suốt mấy tháng chiến dịch Quảng Trị, lại hiện ra trước mắt tôi. Đây là ngày mở đầu chiến dịch với thắng lợi giòn giã khi pháo của chúng tôi bắn vào căn cứ Đầu Mầu, sau đó là những trận bom và pháo địch bắn trả. Mất mát bắt đầu từ đây. Những lần di chuyển trận địa, những khẩu đội bị bom, nòng pháo gục xuống đất, những chiếc xe bị cháy, bị đổ… Sau này nghe tổng kết, chúng tôi không thể nghĩ rằng mỗi đầu người lính chúng tôi lại có thể chịu đựng số bom đạn như vậy. 330.000 tấn bom và 123.725 quả đạn pháo các loại. Chẳng cần nhiều đến thế đâu. Những ngày đó, nếu không may hay sơ sểnh một chút, chỉ một mảnh bom nhỏ bằng đầu ngón tay út thôi, cũng đủ kết liễu một sinh mạng rồi.
Ai cũng có thể nói đơn giản: “Chiến tranh phải có mất mát, phải chịu hy sinh”. Nhưng nếu tự mình phải chôn những thằng bạn trẻ măng, chưa vợ, cùng tuổi như mình, cùng lăn lộn những ngày gian khổ, cùng chia nhau hơi thuốc lá, nó quặn xót lắm, nó bứt rứt lắm. Tôi đã nghe một tiếng thốt lên đau khổ của một người bạn bên nghĩa trang đường 9: “ Sao không có tên tôi** bên hàng mộ chí?” Cả chiến dịch, chúng tôi đã tiễn biệt bao nhiêu bạn như vậy về với lòng đất Quảng Trị, tôi không nhớ nữa.
Trên đường ra, chúng tôi đến với sông Thạch Hãn. Dòng Thạch Hãn ngày nay rất xanh và êm đềm như muôn đời của nó vẫn thế. Thạch Hãn không cuộn xoáy như những ngày thắng bảy lũ về. Một con sông quê như bao con sông quê uốn khúc chảy qua làng ta. Một dải lụa xanh vắt ngang làng ta. Con sông quê với những buổi sớm, ông bà ta trở dạy đón ánh ban mai, con sông quê với những buổi tắm trưa hè của lũ trẻ nhỏ, con sông quê với những chiều gánh nước của các cô gái, con sông quê với những tối hẹn hò của các cặp uyên ương, con sông quê với những chiếc thuyền câu bé nhỏ như những lá tre lững lờ trôi của những người dân chài lam lũ…
Còn hôm nay, dòng Thạch Hãn với những người lính năm bảy hai chúng tôi là con sông linh thiêng, con sông tâm tưởng, con sông để chúng tôi luôn hoài niệm về một thời hoa lửa. Qua dòng sông này, lính chúng tôi, lớp lớp nối tiếp nhau đi vào bảo vệ Thành cổ. Những ngày ác liệt, mỗi một ngày, chỉ khoảng bốn năm chục chiến sỹ bổ xung vào được đến đích. Rất nhiều người  bạn chúng tôi không kịp sang hết dòng sông, rất nhiều người bạn chúng tôi có qua mà không có về… Dòng sông này với chúng tôi cũng thấm đậm máu và nước mắt. Máu và nước mắt của chúng tôi đã làm nên lịch sử và huyền thoại cho một dòng sông quê.
Chúng tôi thả hoa viếng hương hồn các bạn. Lê Bá Dương, đồng đội của chúng ta, đã thắp nên ngày hội thả hoa cho các bạn đó. Suốt hai chục năm ròng, anh vẫn một mình thầm lặng làm công việc này trong ngày 27-7. Anh cũng là tác giả vần thơ rút ruột lòng mình mà những người tham gia trận Quảng Trị, những khách đến với Quảng Trị đều nhớ: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm / Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”
 
Các bạn ơi, hôm nay chúng tôi đã về đây với các bạn. Dẫu biết rằng cuộc đời có nhiều ngả rẽ, dẫu cuộc đời có nhiều thăng trầm, một khi đã về đến đây, chúng tôi muốn nói với các bạn, chúng tôi luôn nhớ các bạn, muốn cùng các bạn sống lại những ngày hào hùng đầy khí phách của tuổi trẻ mà chúng ta đã làm nên. Có thể những mơ ước ngày xanh của chúng ta chưa thực hiện được trọn vẹn, có thể những toan tính ngày nay làm con người nhỏ đi, nhưng chúng tôi tin chắc rằng, với ý chí những tháng năm sống ở Quảng Trị và đặc biệt những ngày ở Quảng Trị năm bảy hai sẽ là động lực thôi thúc để chúng tôi vượt được những trở ngại trong cuộc đời.
          Vinh Anh
            25/4/10

*Thơ của Lê Bá Dương
**Tên bài thơ của Vũ Thành Chung