Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐÔI LỜI THƯA LẠI ...

Trần Đăng Khoa
Thứ hai ngày 30 tháng 5 năm 2016 8:20 AM



TNc: Bài viết của nhà thơ Chử Văn Long lên trang được một ngày. Tờ mờ sáng nay Trần Đăng Khoa đã ơi ới bảo em gửi bài trao đổi lại. Ô nhà thơ chúng ta đối thoại với nhau bình tĩnh và sòng phỏng ghê, không như một số cơ quan công quyền "Im lặng là vàng" hoặc "chụp cho cái mũ"....

 


 

Nhà thơ Chử Vân Long có qua Hội Nhà văn, gặp tôi, trao cho tôi bài viết của anh, với gương mặt rất buồn và bực dọc. Tôi hiểu và rất cảm thông với anh, càng quý anh hơn vì anh rất yêu Xuân Diêu. Tôi cũng rất yêu Xuân Diệu. Ngoài tình yêu của một độc giả yêu thơ ông, với tôi, ông còn là một ân nhân. Nhưng cách yêu Xuân Diệu của tôi với nhà thơ Chử Văn Long có phần hơi khác nhau, nên mới có nỗi buồn này. Tôi luôn coi Chử Văn Long như một người anh của mình, vì anh còn là bạn thân của anh trai tôi, nhà thơ Trần Nhuận Minh, cùng trưởng thành từ vùng mỏ Quảng Ninh, nên tôi thường chỉ đến với anh khi anh gặp bất hạnh... Còn bình thường, anh em ít gặp nhau. Tôi chỉ được biết sau đó anh có hạnh phúc mới và sống rất hạnh phúc. Thực sự trong thâm tâm, tôi rất mừng cho anh.

Bây giờ chứng kiến nỗi bực dọc của anh, tôi vừa thương anh vừa buồn. Nói thực, nếu biết bài viết của mình làm cho anh bực bội đến thế, chắc tôi chả viết làm gì. Anh Long nghĩ tôi bài binh bố trận, dựng một vở kịch có lớp lang để “hạ bệ Xuân Diệu”, vào đúng dịp “cả nước đang kỷ niệm cuộc đời và nhân cách văn chương của ông” nhân kỷ niệm 100 ngày sinh của nhà thơ. Vậy là anh nhầm rồi. Ngày ấy cũng chính là ngày tôi cùng các nhà văn ở Hội Nhà văn và gia đình Xuân Diệu đến dâng hương ông ở nghĩa trang Mai Dịch, điều hành cuộc Hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp của ông ở Hội Nhà văn, sau đó lại về tận Hà Tĩnh, tưởng niệm ông ở quê nhà. Tấm lòng tôi với Xuân Diệu, tôi rất tin là bạn đọc hiểu tôi. Bài bàn về hai câu thơ ấy của ông, tôi viết cách đây đã 14 năm ( năm 2002), dĩ nhiên lúc ấy tôi chưa phải là Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam như anh nói. Về hai câu thơ Xuân Diệu: “Trái đất ba phần tư nước mắt/ Đi như giọt lệ giữa không trung”. Quả thật, tôi rất phục hai câu thơ này, nên tôi đã viết như các bạn đã biết , để đề cao kỹ nghệ đưa thực tế đời sống vào thơ mà trong các nhà thơ chỉ có Xuân Diệu là làm theo cách ấy: “Chân chân chân, thật thật thật”. Đó là việc nhà nghề, như Xuân Diệu nói “Nghề thơ cũng lắm công phu”, chứ không phải kỹ thuật hoá nghề làm thơ như anh Long nghĩ. Xuân Diệu từng viết về việc khai thác than, phải lọc bao nhiêu tấn đất đá cụ thể, với tỉ lệ như thế nào mới chọn ra được một tấn than. Rồi chuyện đóng hộp dưa chuột. Ông kể rất tỉ mẩn là phải chọn loại dưa như thế nào, hình dáng kích cỡ ra sao, dưa không được vẹo vọ hay sứt sẹo, rồi rửa dưa thế nào, không được để lẫn một hạt cát khi đóng hộp… Tôi không muốn nhân lời của anh mà dẫn ra những câu thơ chỉ toàn có thực tế mà không có thơ của Xuân Diệu, có thể lại làm anh phiền lòng thêm và hiểu lầm tôi thêm. Dĩ nhiên đây không phải là toàn bộ thơ Xuân Diệu sau cách mạng như anh nói. Tôi nghĩ : Chiêm ngưỡng Xuân Diệu một cách khách quan và sòng phẳng như thế, để chia sẻ nỗi vất vả cực nhọc trong công việc sáng tạo thi ca với ông, đồng thời cũng là tiếp thu tinh thần khắt khe với nghệ thuật của ông, mà ông đã viết trong rất nhiều bài phê bình thơ mà tôi không muốn nhắc lại.

Thế thì việc chi phải băn khoăn về hai câu thơ với một bài viết luận bàn về bếp núc sáng tác chỉ phong phanh có mấy trăm chữ? Khen hay chê đối với tác phẩm hay tác giả cũng là chuyện bình thường. Cũng như Xuân Diệu từng chê Nguyễn Du, trong kiệt tác Truyện Kiều, có câu thơ lởm khởm: “ Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê”, hay có câu rất lười biếng cẩu thả: “Bộ hành một lũ theo liền một khi”… đã bao nhiêu năm nay. Có ai kêu Xuân Diệu là “hạ bệ” Nguyễn Du, đại thi hào cỡ thế giới đâu.

Trở lại với hai câu thơ Xuân Diệu. Như tôi đã nói. Tôi đề cao hai câu thơ ấy là rất thật lòng. Một nhà thơ mà tôi rất nể trọng, gần đây nói với tôi: “Khi Xuân Diệu viết: “Trái đấy ba phần tư nước mắt / Đi như giọt lệ…” Ý trái đất ba phần tư là nước, đã có trong sách địa lí, còn “nước mắt” mà lại “như giọt lệ”… thì bút pháp đâu phải đã cao cường như Khoa khen…” Thì tôi bất ngờ nhận ra cái còn cảm tính của mình. Cùng với tâm sự của nhà thơ Chử Văn Long và lời nhận xét rất tinh về nghề kia, tôi đều trân trọng tiếp thu và sẽ điều chỉnh lại bài viết... mấy năm trước, có một nhà phê bình cũng có bàn với tôi. Anh thích chữ “trôi” mà anh đưa ra hơn là chữ “đi”của Xuân Diệu.Tôi tôn trọng cách cảm nhận của anh. Nhưng tôi vẫn bảo vệ chữ “đi” cho Xuân Diệu, vì đó là cái tài của câu thơ. Cuộc bàn luận này cũng đã hơi om sòm từ mấy năm trước đây, chắc nhiều bạn đọc còn nhớ.

Năm 2002, Đại tá, nhà thơ Trần Anh Thái có mở chuyên mục mới trên báo Quân đội Nhân dân, đó là chuyên mục trò chuyện với văn nghệ sĩ. Anh có nhờ tôi đưa anh đến phỏng vấn Huy Cận về Hàn Mặc Tử. Sau khi nhà thơ trả lời phỏng vấn xong, chúng tôi ngồi lại với nhau rất lâu. Tôi bộc lộ nỗi băn khoăn với Huy Cận về hai câu thơ ( đã nêu trên) mà tôi ngờ là của Huy Cận. Huy Cận đột ngột kêu lên: "Trời ơi, sao cậu biết chuyện đó? Ai nói với cậu thế? Câu thơ ấy đúng là của mình. Mình viết năm 1940 ở Huế. Xuân Diệu rất thích nên mình tặng Diệu. Bây giờ, thì mình thấy câu thơ ấy chính là của Diệu chứ không phải của Cận". Tôi thấy tình bạn của hai ông đẹp quá. Cũng như Huy Cận từng khoe Xuân Diệu đã chữa cho ông câu thơ “Trên thành son nhạt chiều tê tái sầu”, thành “Trên thành son nhạt chiều tê cúi đầu”, để tránh sự mòn sáo. Tôi nghĩ trong nghề, điều ấy là rất tình nghĩa. Cũng như nhà thơ Tế Hanh từng viết bài, đăng báo Văn Nghệ, “khoe” rằng bài thơ Liễu rất nổi tiếng của ông là do Chế Lan Viên cho. Ông đưa vào tập thơ Gửi Miền Bắc, tập thơ theo tôi là hay nhất của Tế Hanh, thì sau khi Tế Hanh đã thật thà nói thế, bài thơ Liễu vẫn “ mãi mãi là của Tế Hanh” chứ có phải của Chế Lan Viên nữa đâu. Cũng như Xuân Diệu đã chữa cho tôi một chữ rất hay. Tôi tả ông Bụt trong đêm ở chùa Côn Sơn: “Sợ gì, ông vẫn ngồi yên lưng đền”, thành “Nghĩ gì ông vẫn ngồi yên lưng đền”. Chữ “Nghĩ ” cũng mãi mãi là chữ của tôi, có phải không? Ở trường hợp Xuân Diệu cũng thế, đúng như anh nói thôi. Tôi thấy cảm động lắm về tình bạn của hai ông. Và vì thế mà tôi kể lại câu chuyện này. Bài viết in từ năm 2002 ở báo Phụ trương Văn nghệ Quân đội. Tôi đã mang tặng Huy Cận cùng với tờ Quân đội Nhân dân in bài của nhà thơ Trần Anh Thái phỏng vấn ông. Sau đó nhiều tờ báo in lại như: Thế giới mới, Văn học và tuổi trẻ, Nông nghiệp Việt Nam, Hồn Việt…Nhân dịp kỷ niệm Xuân Diệu, báo Văn nghệ in lại bài này. Đây là bài viết đã cũ, cho thêm một góc nhìn khác về vẻ đẹp của tình bạn Xuân - Huy. Nếu bài viết “phủ nhận Xuân Diệu”, hay “hạ bệ Xuân Diệu” như anh nói, tôi tin anh em báo Văn Nghệ chẳng bao giờ lại in trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Và các báo khác, đặc biệt tạp chí Hồn Việt, anh em biên tập viên đều là những học giả rất có uy tín, những người rất thân thiết với cả Huy Cận và Xuân Diệu chắc chẳng in làm gì.

Anh Chử Vân Long bảo rằng: “Sao Trần Đăng Khoa không công bố khi Huy Cận còn sống?”. Tôi cũng xin thưa với ông anh quý mến của tôi rằng: Tất cả những bản in này, tôi đều tặng Huy Cận. Cuộc trao đổi của tôi với Huy Cận, có nhà thơ Trần Anh Thái cùng dự. Anh Thái hiện vẫn đang là nhà thơ rất sung sức. Anh Thái cũng là bạn của anh mà…