Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MẤY SUY NGHĨ VỀ CỦNG CỐ QUYỀN LỰC

Đắc Trung
Thứ bẩy ngày 24 tháng 4 năm 2010 5:31 PM
 

   Đạt được quyền lực khó, nhưng giữ được còn khó hơn. Lịch sử không thiếu người giỏi thao túng quyền lực nhưng củng cố được quyền lực trọn vẹn đến cùng hầu như chẳng có mấy. Bởi thế củng cố quyền là kế không thể coi nhẹ, không thể thiếu đối với mọi chủ thể dụng quyền. Việc củng cố phải được thực hiện cùng lúc cả thực quyền và thế quyền. 

      Với thực quyền: không ngừng trao dồi học vấn, đọc thiên kinh vạn quyển, tổng kết các bài học từ sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử, tổng kết kinh nghiệm, đặc biệt trang bị khoa học tư duy. Đó là khoa học cực kỳ quan trọng, bởi nó có vai trò định hướng, dẫn dắt cả suy nghĩ và hành động đồng thời tu dưỡng đạo đức nhân cách. Phải thật sự có năng lực để điều hành quyền lực. Học vấn không nhất thiết phải qua trường lớp, hoặc nhiều bằng cấp mà cái chính là tự học và suy ngẫm, là rút ra những bài học quý từ mình, từ đồng nghiệp, từ tiền nhiệm, từ thành công và thất bại, từ quá khứ và hiện tại, từ trong và ngoài đường đời. Trí tuệ siêu phàm, đạo đức thánh nhân như Khổng Tử, hoặc Hồ Chí Minh chủ yếu là kết quả của tự học, tự tu dưỡng. Mặt khác phải biết chiêu hiền đãi sĩ, thu phục và sử dụng nhân tài khắp thiên hạ. Có như thế quyền lực mới được củng cố. 
                          
       Với thế quyền: cần làm cho các chủ thể quyền lực cả cấp trên và cấp dưới nhận biết, khẳng định đúng thực quyền của mình, qua đó càng tin cậy, giao phó, uỷ thác trọng trách xứng đáng. Không chấp nhận mọi hành vi gian trá, lừa lọc, mỵ dân để có thực quyền. Đó là thực quyền giả. Không chấp nhận mọi hành vi chạy chọt, đút lót, bè cánh lôi kéo để có thế quyền. Đó là thế quyền giả. Chân lý cuộc sống không dung nạp đồ giả dù che đậy tinh vi đến đâu trước sau cũng bị phơi bày và chịu hậu họa. Dùng quyền lực giả quả báo sẽ khôn lường.

      Lịch sử chứng minh các triều đại, các tổ chức, cá nhân quyền lực, hoặc không lo củng cố quyền, hoặc không củng cố quyền bằng tâm, nhân, trí, đức bằng văn hoá, trái lại dùng thủ đoạn để lừa gạt, dùng độc tài để trấn áp, bất chấp luật pháp và đạo lý đều phải chuốc bại vong thê thảm.

      Triều nhà Thương, Trụ Vương nổi tiếng xa xỉ, dùng ngà voi làm đũa. Cơ Tử thấy vậy lo lắng than rằng: « Dùng ngà voi làm đũa rồi sẽ dùng sừng tê giác, bảo ngọc làm bát, rồi sẽ đòi ăn bao tử con báo, con sư tử và thịt động vật quý hiếm. Rồi sẽ không chịu ở nhà gỗ, mặc quần áo vải thô mà phải ở lâu đài cung điện , mặc nhung y gấm vóc. Ta sợ kết cục diệt vong của Trụ Vương bắt đầu từ đây ». Quả nhiên năm sau Trụ Vương vơ vét quốc khố bắt dân lao dịch xây Nhục Viên (nơi hành lạc), ăn chơi truỵ lạc, cuối cùng bị Thành Thang cùng quần thần nổi lên giết chết.

      Khác Trụ Vương, Hán Văn đế Lưu Hằng là nhà vua hiền minh và nổi tiếng sống giản dị, liêm chính. Ông đề xướng và làm gương trăm họ, quần thần. Ngoài triều ngự ra chỉ mặc quần áo bình thường, Hoàng hậu cũng không mặc váy dài quét đất để tránh lãng phí, không đồ trang sức quý, giường tủ, bàn ghế, chăn đệm trong cung cũng không chạm trổ, thêu thùa cầu kỳ. Nhà vua sống giản dị nên quần thần cũng theo gương không dám sa hoa. Cho đến khi mất Hán Văn đế vẫn giữ được nếp sống ấy, thậm chí trước khi qua đời nhà vua di chúc lại cặn kẽ lễ tang của mình: « Vạn vật trong thiên hạ không tránh khỏi cái chết. Đó là quy luật. Tại thế ta chưa làm được bao nhiêu điều tốt cho trăm họ, nếu chết rồi lại để trăm họ phải phục vụ tang ta tốn kém, vất vả thì càng làm tăng thêm tội của ta. Vì vậy ta ra lệnh cho bá quan, trăm họ sau khi an táng ta ba ngày đều bỏ tang. Khăn tang không quá ba tấc, không dùng linh sa, binh khí, không điều động trăm họ đến dự lễ. Sau khi ta chết, trừ phu nhân, còn tất cả cung nữ đều được trở về quê nhà sinh sống ». Nhờ gương sáng của Hoàng đế mà bách nghệ được khôi phục, phát triển, mọi người quan tâm đến lễ nghĩa, sống cần kiệm, cần cù chăm chỉ, đất nước phồn thịnh. Những người kế vị noi theo đức độ của Tiên vương tận tâm với xã tắc, hết lòng thương yêu trăm họ, nhờ thế triều chính ngày càng được củng cố vững vàng.

      Ngô Khởi người nước Vệ. Ở nước Vệ không có đất thi thố tài năng liền bỏ sang nước Lỗ theo học Tăng Tử (Tăng Tử là học trò Khổng Tử). Mẹ ở nước Vệ chết, Ngô Khởi không về chịu tang, can tội bất hiếu. Đó là điều tối kỵ của Đạo Nho nên Tăng Tử tức giận đuổi không cho học. Ngô Khởi bỏ văn, học võ. Được Tướng quốc nước Lỗ là Công Nghi Hưu trọng dụng tiến cử làm quan Đại phu. Nước Tề bành chướng cất quân đánh nước Lỗ. Công Nghi Hưu muốn cử Ngô Khởi làm Đại tướng quân song còn e ngại bởi vợ Ngô Khởi là con gái một quan Đại phu nước Tề sợ lâm trận Ngô Khởi không quyết đoán. Ngô Khởi biết, đã đang tâm giết vợ, sẵn sàng can tội bất nghĩa để tỏ lòng trung thành với vua Lỗ. Được làm Đại tướng cầm quân đánh thắng Tề, song việc làm phi đạo của Ngô Khởi khiến mọi người lên án và vua nước Lỗ thấy không thể trọng dụng liền thu hết binh quyền, không luận công thăng thưởng. Kết cục Ngô Khởi phải rời nước Lỗ sang nước Ngụy. Ngô Khởi được Ngụy Văn Hầu phong Đại tướng quân, lập nhiều chiến công hiển hách đánh Tề, Tần ... Công nhiều lắm kẻ ghét, hơn nữa với nhân cách ấy Ngô Khởi bị quần thần khinh bỉ và vua Ngụy Vũ Hầu (kế vị Ngụy Văn Hầu) cách chức phải rời bỏ nước Ngụy ra đi như kẻ mạt vận. Ngô Khởi tới nước Sở, được Sở Điệu Vương phong làm Tướng quốc. Với tài năng xuất chúng, ông tiến hành những cải cách lớn đưa nước Sở hùng mạnh rất nhanh, song cũng gây biết bao thù oán, nhất là với giới quý tộc. Năm 381 trCN Sở Điệu Vương qua đời . Bọn quý tộc phản công, Ngô Khởi bị giết chết. 

      Ngô Khởi là người vừa có tài thao lược vừa giỏi quản lý đất nước. Thực quyền và  thế quyền  đều lớn . Nhưng không  biết lo  củng cố quyền  bằng sự tu dưỡng rèn luyện, sống bất nhân thất đức nên phải nhận kết cục bi thảm.
      Một khía cạnh khác của củng cố quyền là đối nội cần ổn định. Muốn ổn định phải đoàn kết. Trong tất cả việc quan trọng thì ổn định và đoàn kết là quan trọng nhất. Mất đoàn kết nội bộ, sự tàn phá gấp nhiều lần hiểm họa từ bên ngoài và tiêu vong sự nghiệp nhanh nhất.Về đối ngoại là mở rộng bang giao thân thiện bình đẳng và có nguyên tắc. Đồng thời phải lường tính hết mọi phản quyền để chủ động lập kế hoạch phòng ngừa để giải toả và đối phó sớm nhất.