Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HỮU THỈNH VÀ "TUYỂN TẬP ĐIẾU VĂN"

Nhật Chung
Thứ bẩy ngày 24 tháng 4 năm 2010 5:56 AM
(TNTT>) Nhà thơ Hữu Thỉnh-Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam-có lẽ là một vị chủ tịch đặc biệt nhất trong số tất cả các chủ tịch Hội nhà văn từ trước nay. Sự đặc biệt ấy bắt đầu từ một việc làm cụ thể, một nghĩa cử cụ thể: viết điếu văn.
Nhiều người sẽ thắc mắc: có rất nhiều người trong nước này từng và sẽ viết điếu văn, đâu riêng gì Hữu Thỉnh? Vậy có gì “đặc biệt”? Đúng là có nhiều người đã viết điếu văn, nhưng tôi bảo đảm, ở Việt Nam này, chưa và sẽ không có ai viết được hàng trăm điếu văn như Hữu Thỉnh. Mà không một điếu văn nào giống điếu văn nào. Và chỉ viết điếu văn cho một đối tượng: đó là các nhà văn vừa quá cố.
Sự qua đời của nhà văn, nhất là nhà văn lớn, nhà văn nổi tiếng, hay đơn giản chỉ là nhà văn thôi, thì đối với xã hội đã là một thông tin gây sự chú ý. Có thể hơn cả sự chú ý, là nỗi tiếc thương. Được viết điếu văn cho “đối tượng đặc biệt” ấy không phải chuyện dễ. Anh phải là người, hoặc thân thiết với đối tượng, hoặc có thẩm quyền và có trách nhiệm viết và đọc điếu văn trong đám tang của đối tượng.
Hữu Thỉnh vốn có thói quen quan tâm đến tất cả các nhà văn trong hội nghề nghiệp của mình, nhất là các nhà văn cao tuổi hay các nhà văn bị ốm đau, nên có thể nói, trước khi viết điếu văn về một nhà văn nào đó vừa quá cố, Hữu Thỉnh đã có trước đó những quan hệ chân tình và đầy quan tâm với nhà văn ấy, ít nhất là đủ cho anh có thể viết một cách thật lòng về người quá cố. Phải có cái tình trước đã, thì điếu văn mới không phải là “bản báo cáo thành tích” hay những lời ngợi ca đãi bôi sáo rỗng. Nhà văn, dù đã mất, vẫn chúa ghét thứ ngôn ngữ “phi hành mỡ xèo xèo” này. Chưa kể, còn bao nhiêu nhà văn đi đưa tang đồng nghiệp của mình. Họ chính là một tập thể thẩm định đặc biệt mà không có giọng giả dối nào qua được tai của họ và là một “ban giám khảo” khó tính mà không sự qua quýt hay thiếu chuyên nghiệp nào qua được mắt họ.
Tôi đã nghe rất nhiều nhà văn Việt Nam ở các lứa tuổi khác nhau, mỗi khi nói về những điếu văn của Hữu Thỉnh viết cho đồng nghiệp, thảy đều có những lời khen ngợi thật lòng. Rất nhiều điếu văn của Hữu Thỉnh viết cho các nhà văn quá cố là một quan định luận” về sự nghiệp văn học của nhà văn ấy. Nhiều điếu văn là những bài nghiên cứu thu gọn tuyệt vời. Quả thật, điếu văn nếu viết cho “tới chữ” là một thể loại văn học đặc biệt. Nguyễn Đình Chỉêu chẳng đã từng bất tử với một điếu văn bất hủ “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” đó sao? Đọc những điếu văn của Hữu Thỉnh viết và được đọc trong những đám tang của đồng nghiệp, thấy hiện rõ cái tình thật, cái hiểu thật, cái xúc cảm thật của người viết. Và những nhận xét mang tính tổng kết về tác phẩm cả đời sáng tác của nhà văn cũng được Hữu Thỉnh đưa một cách trân trọng vào điếu văn. Tôi có nói đùa với Hữu Thỉnh là bây giờ anh được các lão nhà văn ủng hộ hết mình, vì lý do gì thì anh đã biết. Dĩ nhiên, các nhà văn trẻ cũng yêu mến Hữu Thỉnh dù không phải vì lý do anh viết…điếu văn hay. Các nhà văn trẻ còn xa với thể loại văn học đặc biệt này lắm.
Hữu Thỉnh có lúc đã tâm sự với tôi là anh muốn xuất bản một “tuyển tập…điếu văn” gồm những điếu văn anh đã viết cho đồng nghiệp để vừa như một kỷ niệm, lại như một lời tri ân về những đóng góp của các nhà văn đã quá cố cho sự nghiệp văn học Việt Nam. Anh cũng muốn, qua những điếu văn chân thành mà mình đã viết, gửi một thông điệp: các nhà văn nói riêng, con người nói chung hãy thương yêu nhau khi đang còn sống, hãy thương yêu nhau trước khi quá muộn. Vì lẽ đó, phần quan trọng nhất của điếu văn, là gửi cho những người còn đang sống, như một thông điệp về tình yêu thương, về lẽ sống ở đời.