Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VÀI LỜI VỀ RƯỢU GIỖ TỔ

Trọng Hưng
Thứ sáu ngày 23 tháng 4 năm 2010 10:57 PM
 
Vừa rồi nhân chuyện có một hãng rượu dâng cúng Vua Hùng nhân ngày giỗ Tổ những chai rượu hàng nghìn lít. (http://vietnamnet.vn/xahoi/201004/Cung-tien-Gio-to-Hung-Vuong-chai-ruou-khong-lo-905009/ ) Phải công nhận rằng những chai rượu đó to có thì có thật là to và cũng thật là hoành tráng. Nào là kỉ lục này, kỉ lục nọ, nào là nhất thế giới…. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại nó cứ có vài chút gợn trong lòng. Mà không viết ra, không nói ra cho bản thân và (có thể) với những người bao nhiêu năm nay tâm huyết với dòng rượu truyền thống, đang dồn sức và tâm huyết để cho Việt Nam mình có một dòng “Quốc tửu” nổi tiếng thế giới giống như Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm được, thì bản thân tôi cũng cảm thấy rất xấu hổ  trong lòng.
            Bản thân sản phẩm của  hãng rượu đó là 1 hãng rượu chuyên về dòng rượu Vodka. Mà công nghệ sản xuất rượu Vodka là từ Cồn thực phẩm và nước tinh khiết phối trộn vào nhau. Đó là công thức để ra 1 dòng rượu có tên chung trên thế giới là Vodka. Tùy cách pha chế hương liệu của mỗi nước mà sẽ ra các dòng rượu Vodka đặc trưng riêng của nước đó. Theo
www.vn.wikipedia.org  thì : “Vodka nguyên là thứ rượu có nguồn gốc từ một số nước Đông Âu nhất là Nga, Ba Lan và Litva. Nó cũng có truyền thống lâu đời ở Bắc Âu. Các khu vực này thường được gọi là vùng Vodka (Vodka Belt) không chỉ vì Vodka có nguồn gốc ở đây mà còn vì đây là nơi sản xuất và tiêu thụ vodka nhiều nhất thế giới. Ở Nga có hẳn một bảo tàng về vodka” .
(
http://vi.wikipedia.org/wiki/Vodka )
          Bản thân Cồn thực phẩm lại được trưng cất từ nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau. Cồn thực phẩm tại Việt Nam hầu hết từ Rỉ đường và Sắn. Chỉ rất ít khi (nếu không muốn nói là hầu như không có) có cồn thực phẩm được sản xuất từ Gạo. Sau khi được trưng cất qua tháp trưng cất, Cồn thực phẩm trở nên không mùi, không vị và mất hoàn toàn hương vị của rượu truyền thống.
         Ngược dòng lịch sử, nếu chúng ta quay trở lại những truyền thuyết về các đời Vua Hùng, chắc bất cứ ai là con dân nước Việt chắc đều đã được đọc hoặc được nghe về câu chuyện “Bánh Trưng Bánh Dày” nói về nhân vật Lang Liêu đã dâng cho vua cha những sản vật do chính người nông dân Việt Nam làm ra, được vua Hùng coi đó là những sản phẩm hội tụ được những tinh túy của đất trời, mà tôi xin trích một đoạn nhận xét của của Vua Hùng nói về thứ bánh này:  “Nó chẳng những ngon và quý mà còn mang nhiều ý nghĩa đặc biệt: nó bày tỏ lòng hiếu thảo của người con, tôn cha mẹ như trời đất; nó chứa đầy một tấm tình quê hương ruộng đồng. Nó rất dễ làm vì làm bằng những hạt ngọc quý nhất trong những hạt ngọc của Trời Đất, nhưng mà những hạt ngọc ấy mọi người đều làm ra được. Phải là người có tài mới nghĩ được một loại bánh như vậy...” (
http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n1n1n1n3n31n343tq83a3q3m3237nvnmn).
         Theo thiển ý của tôi, Việt Nam ta không thiếu những dòng rượu truyền thống nổi tiếng từ Làng Vân (Bắc Ninh), Kim Sơn (Ninh Bình), Can Lộc (Hà Tĩnh), Kim Long (Quảng Trị), Bàu Đá (Bình Định), Xuân Thạnh (Trà Vinh), Gò Đen (Long An)….đều được nấu từ gạo Nếp. Các dòng rượu Ngô ở đồng bào dân tộc ở Sùng Phài (Lai Châu), Quản Bạ, Đồng Văn  (Hà Giang), Bắc Hà, Mường Khương (Lào Cai)….Rồi còn biết bao nhiêu loại rượu truyền thống rượu đặc sản ở các địa phương mà chưa được kể ra đây. Đấy là sự chắt chiu những gì tinh túy từ Đất Trời của những người Nông dân Việt Nam làm ra. Đó chính là một trong những cái gọi là “Quốc hồn, Quốc Túy” của Việt Nam ta. Thì tại sao những cái “tinh túy” từ sản vật địa phương đó với truyền thống hàng ngàn năm mà người Việt Nam ta làm ra lại không có mặt trong ngày Giỗ Tổ trọng đại này.
        Không hiểu những người làm văn hóa, những người tổ chức Lễ hội Đền Hùng năm nay có nhận thức được điều này, hay ngay chính họ cũng thiếu một nền tảng về văn hóa truyền thống để có thể nhìn nhận vấn đề. Hay là vì những lí do “tế nhị” trọng việc bắt tay trong việc PR cho một hãng rượu nào đó về một dòng rượu không có truyền thống trong lịch sử hàng nghìn năm của các dòng rượu Việt? Trong khi Việt Nam ta đang kêu gọi giữ gìn văn hóa truyền thống, mà thứ  Rượu được trưng cất từ Gạo, từ Ngô cũng là một bản sắc văn hóa của đại gia đình các dân tộc Việt Nam lại bị “bỏ quên” như vậy. Chẳng nhẽ rượu Vodka lại trở thành “Quốc tửu” của Việt Nam? Nghĩ tới điều này mà buồn lắm thay.
                                                                      
Viết ngày 10 tháng 03 năm Canh Dần