Tôi quen anh vào năm 1969, khi anh và tôi cùng ở chung ngôi nhà tập thể hai tầng bằng gỗ khu bờ sông Hồng. Tôi ở tầng trên, anh ở tầng dưới. Tôi khi ấy độc thân ở phòng tập thể, còn anh cũng độc thân, nhưng ở cùng người mẹ và cô em gái. Ngay ngày đầu tôi dọn đến, đã chú ý anh. Dáng anh cao, đầu hói và mái tóc bồng xoăn tự do. Mùa hè, anh thường vận quần cộc lửng mang thùng tôn ra vòi nước công cộng hứng nước cho mẹ. Ngày đó, Hà Nội còn khan hiếm nước sinh hoạt, vòi nước đa phần không chảy. Khi xếp hàng chờ nước, tôi thường thấy anh giở tờ báo này, hoặc tạp chí kia ra đọc. Lại toàn văn chương cả. Thế là tôi làm quen anh.
Độ ấy, anh làm ở Công ty phát hành phim. Anh thường phải viết lời bình, lời giới thiệu cho các phim truyện mới nhập về. Bình thường anh ít nói. Nhưng khi đã quen thì anh chuyện trò rất vui. Tôi được biết, anh từng là bộ đội chống Pháp, rồi đi học tổng hợp văn. Nghiệp văn chương chữ nghĩa đã sớm vận vào đời anh. Và hình như nó đã làm khổ anh.
Tôi cũng thấy lạ. Người cao tuổi như anh lại chẳng lập gia đình. Mà hình như anh cũng không có bạn gái. Anh cứ lặng lẽ với chiếc xe đạp cà tàng, sáng đến cơ quan, chiều hết giờ là tạt vào quán bia làm vài ba vại chuyện trò tùm lum, rồi trở về nhà với khuôn mặt đỏ văng và vầng trán hói cao cũng đỏ.
Bia hơi ngày đó chưa thịnh hành như ngày nay. Hà Nội chỉ có dăm, bảy chỗ bán bia. Mà tụ điểm bia nào, như anh cũng có mặt. Những quán bia quen thân của anh ở vườn hoa Cổ Tân, góc phố Trần Hưng Đạo, công viên Thống nhất... thường tụ tập đông giới văn nghệ sỹ. Nhất là quán bia Cổ Tân, gần nhà của nhà văn Đoàn Giỏi, thường thường xuất hiện những khuôn mặt cự phách, như: nhà văn Nguyễn Tuân, nhà văn Nguyên Hồng, nhà thơ Hoàng Trung Thông, nhạc sỹ Văn Cao, hoạ sỹ Trần Văn Cẩn, họa sỹ Bùi Xuân Phái, họa sỹ Nguyễn Sáng ... và hàng loạt các đàn em các ông ấy, họ làm văn, làm báo, làm nhạc và vẽ ... Anh Hà Cận rất thân cận với các cỡ mét và các bậc đàn em văn chương nghệ thuật ấy. Mỗi khi thấy anh ra quán bia, mọi người ồn ã gọi mời anh. Khi anh có tiền (tiền lương, hoặc tiền nhuận bút, tiền phong bì họp hành gì đó) là anh lại hào phóng mời gọi mọi người. Anh còn có cả những ông bạn bia làm nghề lao động dưới đáy xã hội, như thợ móc cống, thợ đạp xích lô, xe ba gác. Tuy công việc chênh lệch khác nhau, nhưng quanh cốc bia, tâm hồn cũng cởi mở với nhau. Đã có mấy bận, tôi thấy anh say bia rũ rượi, nằm vật trên chiếc xe xích lô do một bác tài bạn bia đạp xe đưa anh về nhà. Khi ấy, mẹ anh và cô em gái lại chạy ra, kêu rên, đỡ dìu anh vào nhà. Sáng sớm hôm sau anh tỉnh dậy đi làm, tôi như thấy anh có phần xấu hổ với hàng xóm. Rồi anh lại lặng lẽ đạp xe tới cơ quan. Vẫn cái dáng cao cao, đầu tóc bù xoăn và vầng trán hói, cứ lênh khênh, cứ lắc lư không thể lẫn với dòng người trôi trên đường phố. Nom thì ngang tàng, dữ dội, nhưng ở gần anh, lại thấy anh hiền khô. Có một vài người biết hoàn cảnh của anh, chẹp môi: Khổ thân không có vợ. Không biết khéo thôi, chứ khéo thì ông ấy cũng có chức tước kha khá, đã từng là bộ đội đánh Pháp cơ mà!.
Mãu sai này, anh được cơ quan phân nhà về ở ngõ 80 phố Bông Thợ Nhuộm. Đó là căn phòng nhỏ, xưa là nhà tắm, trên nóc nhà vệ sinh của một tòa nhà khá tươm tất. Thời điểm ấy, cái phòng ấy đã là quá lý tưởng với anh cán bộ Hà Nội. Với anh Hà Cận, thú vị hơn, là được ở một mình. Một mình, muốn thức khuya dậy sớm tuỳ anh, không ảnh hưởng đến mẹ và em. Tuy nhiên, sinh hoạt của anh trở nên thất thường vô cùng. Có bữa, thấy anh hôm về một bọc giấy báo. Mở ra, thì thấy thịt chó luộc với đủ cả rau thơm, chanh ớt. Có bữa, chỉ thấy cái bánh mỳ khô. Lại có bữa, thấy anh kiếm đâu một con cá nướng con con và một xị rượu. Có rượu, là anh coi qua một bữa rồi.
Ở một mình, bạn bè thường tụ bạ tối ngày. Nhà không giường chiếu, lau sạch nền nhà là ngồi, là nằm, là phủ phục bò xoài ra mà đọc, mà viết. Xung quanh tường nhà anh chất đầy sách. Những giá sách đóng bằng gỗ thùng, nhưng cũng tươm tất. Mua sách, là niềm vui của anh. Bạn bè đến, lục bới đọc sách báo thoải mái. Nhưng anh ghét nhất là hỏi mượn sách. Vì mượn sách, anh thấy ít người trả lại. Nhìn giá sách, thấy thiếu cuốn nào đó, là anh lại càu nhàu. Nhưng càu nhàu thôi, ấy rồi lại cho mượn, và lại mất sách. Cái trán hói và khuôn mặt đỏ lên ấy, lại ngơ ngẩn trước giá sách của chính mình. Thú vui đọc sách, ít ai có được như anh. Nom dáng vẻ thì ngang tàng, dữ dội, xô bồ thế, ấy mà anh Cận lại mê truyện Pautõpxki, Aimatốpx, thơ Êxênhin, thơ Quang Dũng. Năm 1970, anh đã nghiền ngẫm đọc Tội ác và trừng phạt, Gia đình anh em Karamvarốp, Tầng đầu địa ngục ... Những cuốn sách mà thời đó ở Hà Nội, bị coi là những cuốn sách cấm, mới chỉ có sách tiếng Nga tiếng Pháp, hoặc bản dịch truyền tay nhau. Tôi được đọc loạt sách đó, là cũng nhờ anh Hà Cận. Tôi còn nhớ ngày đó, mấy lần anh đưa tôi sang chơi nhà chị Hà, người cùng cơ quan anh. Chị Hà sống độc thân, chị dịch tiếng Nga rất hay và là người đầy cá tính. Người phụ nữ thô gộc, hút thuốc lá như đàn ông, nhưng hễ khi nói đến Đốttôiépxki, đến Patecnắc ... là khuôn mặt chị lại thẫn thờ, ngơ ngác, hoang dại đến tội nghiệp.
Tôi nói vui với anh: Sao anh chị lại không về ở với nhau, ghép hai cái độc thân thành một thân?. Anh Cận ngoắc mắt cười: “ Cậu chả hiểu gì cả. Tớ lấy ai được?!” Rồi những cuộc bàn tán tới mức cãi vã về vẻ đẹp của một tác phẩm văn chương nghệ thuật, rồi những cuộc bia rượu lại kéo nhau vào vòng quay liên hồi, không chán chường, không mệt mỏi.
Tôi nhớ một tối đến chơi và anh giữ lại nghỉ ở nhà anh. Quá nửa đêm, những căn phòng bên đã tắt hết đèn, giấc ngủ bình yên đã đến mọi căn nhà, anh đùng đùng kéo tôi ra ga. Chiếc xe đạp cà tàng chở hai anh em ra ga Hàng Cỏ. Ga đêm vắng vẻ, nhưng vẫn có sự lộn nhộn riêng. Anh kéo tôi vào quán nước chè chén bên góc ga. Không uống nước chè, anh gọi hai chén rượu trắng. Bà chủ quán mắt mũi lèm nhèm, nhưng hình như đã quen với ông khách này, rót rượu xong, vội lấy gói lạc tõe ra cái đĩa cũ càng. Tôi không quen uống rượu, chỉ nhấm nháp mấy hạt lạc rang húng lìu. Anh vừa uống rượu, vừa hút thuốc lá. Quán đêm vắng khách. Mấy cô gái quần áo sặc sỡ hở hang xán xuống ngồi cạnh. Họ vòi anh điếu thuốc lá hoặc chai nước ngọt. Anh lấy cho họ. Rồi họ xàm xỡ mơn trớn. Anh gạt tay, quát: Thôi đi đi!. Giọng anh vừa đe nẹt vừa thân thuộc. Cho tới khi xin được tiền ăn phở, mấy cô gái mới kéo nhau đứng dậy. Một cô đi sau cùng, nom còn trẻ, kêu lên: Ông anh hôm nay không thích vui vẻ à?. Đến khi ấy, tôi mới hiểu họ là những thành phần nào. Anh Cận vẫn ngồi lặng hút thuốc và uống rượu. Khuôn mặt anh đăm chiêu khó tả.
Khi loa nhà ga đã oang oang thông báo: Tàu Thái Nguyên đã tới giờ chuyển bánh!, anh kéo tôi đi về. Hai anh em không đạp xe, mà lặng lẽ cuốc bộ. Hàng cây cổ thụ sừng sững hai bên hè phố Trần Hưng Đạo dẫn về nhà anh. Chợt có mùi dạ lan hương thơm gắt. Chúng tôi nhìn thấy một cô gái bơ vơ, do dự bên gốc cây rìa đường. Nom dáng vẻ người lỡ đường. Đưa tôi dắt xe đạp cà tàng, anh tiến lại hỏi: Em chờ ai ở đây?. Cô gái toan quay đi. Em đi đâu?, Cháu lỡ tàu?. Bao giờ lại có tàu?. Sáng mai!. Sao không vào nhà trọ?. Cô có người nhà ở Hà Nội không?, Không!. Thế cô có về nhà tôi mà nghỉ. Những đối thoại lát gừng. Mất phút do dự, thế rồi cố gái lặng lẽ theo anh. Anh và cô gái đi trước. Tôi lặng lẽ dắt xe đi theo sau. Vẫn đối thoại nhát gừng, nhưng có phần thân cận hơn một chút. Vẫn xưng hô: Bác bác - em em - cháu cháu. Vừa xa lạ vừa có phần tin cậy mà tôi nghe lõm bõm được. Về tới nhà, anh bật đèn đưa cô gái vào nhà. Đèn sáng, cô gái e ngại. Đó là một cô gái tỉnh xa, chừng hai mươi tuổi, khuôn mặt dễ thương. Sau khi hỏi han một hồi, anh bảo tôi đi nấu mì cho cô gái. Chiếc bếp dầu cháy lụt phà lụt phụt ngoài hiên. Khi tắm rửa và ăn bát mì xong, chúng tôi nhận ra là cô gái khá xinh. Tôi toan bỏ về, để anh tự nhiên. Nhưng anh không đồng ý. Anh lấy chăn màn đưa cô gái, rồi kéo tôi xuống gác. Cô gái bẽn lẽn: Bác và anh lại đi đâu ư?.
Ra ngoài đường, tôi hỏi: Sao anh dám giao nhà cho cô ấy?. Anh không trả lời, mà anh kể tôi nghe cảnh đời cô ấy mà anh vừa được nghe cô kể. Đấy là cô gái quê tận Thái Nguyên, đã có chồng và chưa có con. Chồng cô là thợ sơn tràng, thường bỏ nhà đi làm ăn xa. Kỳ vừa rồi, đi làm về lại dắt theo một cô gái về nhà, nói là vợ lẽ. Rồi họ cãi nhau, đánh đuổi cô ra khỏi nhà. Cô buồn chán, không biết đi đâu. Liều mình nhảy tàu về Hà Nội. Xuống ga bơ vơ, cô lại toan quay ngược Thái, thì tàu đã đi rồi. Thế anh không sợ cô gái cuỗm hết đồ đạc, rồi bỏ đi à?. Tôi lại hỏi anh. Khuôn mặt ấy tớ có thể tin được. Anh nói thế. Rồi anh kể đã có kỳ anh bị nhầm. Ấy là cũng một đêm ra ga, buồn cô đơn vào uống rượu. Một cô gái ôm con nhỏ lân la làm quen. Cô nói từ tỉnh xa về cơ nhỡ, Anh cho họ về trọ qua đêm. Đêm ấy trời lạnh lắm. Anh còn xách cặp lồng đi mau cháo cho đưa bé. Rồi anh ngồi thu lu đọc sách. Cô gái tỏ ra cảm thương anh thức khuya, dậy bảo anh đi ngủ. Cô kéo anh nằm chung giường, đứa bé nằm giữa. Rồi cô gái mạnh dạn lén sang nằm cùng anh. Mình cũng là thằng đàn ông mà!. Anh nói. Sau giấc ngủ mê mệt, tỉnh dậy anh không thấy mẹ con cô bé nữa. Nó cuỗm sạch cả số tiền lương anh vừa lĩnh, lấy cả quần áo, chăn màn và cặp lồng cháo nữa... May mà nó không lấy sách vở !. Anh kể, giọng bi hài. Anh kéo tôi lang thang phố xá chuyện trò cho qua đêm. Tờ mờ sáng, chúng tôi trở về nhà. Cô gái vẫn ngủ ngon sau cơn mệt đường xa. Anh đánh thức cô ra ga cho kịp chuyến tàu sớm ngược Thái. Khuôn mặt chất phác và xinh đẹp của cô gái ánh lên như muốn thốt lên: Sao lại có người tốt bụng như bác?!.
*
* *
Năm 1975, sau ngày giải phóng miền Nam, anh xin chuyển vào công tác ở Sài Gòn. Mẹ và em gái anh gàn. Nhưng có ai gàn anh được.
Thế rồi anh vào làm biên tập văn nghệ ở Đài phát thanh trong đó. Một con người không thay đổi tâm tính, mặc dù thay đổi địa lý, thay đổi công việc. Vẫn dáng vẻ gàn gàn bất cần, vẫn say mê đi kiếm tìm sách. Sau giờ làm việc, gót chân anh Hà Cận đã nhẵn mòn ở phố sách Cenmetx, các vỉa hè bán sách cũ. Anh đã sưu tầm được tủ sách khá đồ sộ cho anh. Khi vào Sài Gòn công tác, tôi đến tìm anh ở ngôi nhà trong hẻm Nguyễn Minh Chiếu (nay đổi là Nguyễn Trọng Tuyển), gần đường ra sân bay Tân Sơn Nhất. Nhìn ngắm tủ sách của anh, mà tôi phát thèm.
Từng bộ sách của Đốttôiepki, của Kapka, của Camuy... làm tôi choáng váng. Ngày đó, loại sách này ngoài Bắc còn rất hiếm. Anh dành cho tôi ngồi đọc ngấu nghiến. Đường phố Sài Gòn dài rộng thế, mọi người ào ạt phóng xe Hon đa, anh Hà Cận vẫn cuốc xe đạp. Hiển nhiên, cái xe đạp hào nhoáng hơn cái xe đạp cà tàng ngoài Hà Nội. Anh vẫn có niềm vui với rượu bia. Sài Gòn dạo đó chưa có trào lưu uống bia hơi như ngoài Hà Nội, anh chỉ còn niềm vui tùm lum bên bàn rượu vỉa hè với bạn bè. Thi thoảng, lại xách một xị rượu nho nhỏ về uống tại căn phòng riêng. Anh vẫn sống một mình. Sài Gòn thừa nắng và gió, nhưng không còn đông đảo bạn bè văn nghệ của anh như dạo ở Hà Nội nữa. Tiện nghi sống có khá hơn một chút. Nhà ở có toa lét riêng. Có bàn là. Có bếp điện. Nhưng không thấy có ti vi. Hình như anh không thích xem ti vi, hay anh không đủ tiền mua nó. Đời sống có phần sướng hơn, nhưng xem ra anh lại cô đơn hơn.
Dạo đó, anh có đưa tôi tới thăm vợ chồng Phương Thuý và Tuân Nguyễn ở khu cư xá Thanh Đa. Vợ chồng Phương Thuý cũng nghèo, ngày ngày Tuân Nguyễn đạp xe đi chở sách báo về để Phương Thuý bán thêm tiền sinh hoạt. Phương Thuý xông xáo, còn Tuân Nguyễn dáng học trò lẻo khẻo. Đời sống không cho phép họ lười biếng. Ai cũng ca cẩm, rằng anh Cận vào Sài Gòn sớm thế, sao không biết kiếm ít đồ đạc, mà chỉ toàn kiếm sách. May mà có người nhà đi Mỹ bỏ lại căn phòng, nếu không cũng không có chỗ để ở. Nghe mọi người trách, anh Cận chỉ cười khà. Thực ra, Tuân Nguyễn và Phương Thuý vào Sài Gòn khi ấy cũng là nước bí, ngoài Bắc hết bề sinh sống. Anh Cận giúp bạn bằng cách đặt Tuân Nguyễn viết bài cho đài, lấy nhuận bút. Tuân Nguyễn là nhà thơ có những bài thơ rất hay Tên em là quá khứ. Cánh em thành tương lai... tôi nhớ đại khái ý thơ anh viết về cánh cò cô liêu như thế. Thơ viết thì hay, nhưng viết đài viết báo lại không là sở trường của Tuân Nguyễn. Có bài không phát được, anh Hà Cận lại gãi đầu gãi tai phân bua: Khổ thế đấy!. Có khi anh thức trắng đêm để sửa bài cho bạn, để sớm sau đưa duyệt cho trót lọt.
Con người vẫn tốt với mọi người, không cá nhân, không tâm địa ấy nhưng như có phần lạc lõng với nhịp điệu sống Sài Gòn. Những ngày sống ở Hà Nội, anh ghé vào góc phố nào, vào quán bia nào, như cũng có người quen thân. Anh em văn nghệ sỹ ai như cũng biết anh, quen anh. Anh quảng đại, hồ hởi và tôn trọng tài năng của các nghệ sỹ. Ấy mà thành phố Sài Gòn thì rộng dài quá, đời sống buôn bán cuộn chảy như lấn lướt các mối quan hệ. Anh Hà Cận cảm thấy buồn. Có lúc, anh muốn quay ra Hà Nội. Nhưng cơ hội trở về đất Thăng long không còn cho anh nữa. Anh đang cố gượng sức làm việc, gượng sức viết bài cho đài để sống. Anh đọc sách để lấp khoảng trống cô đơn trong con người anh. Và anh lại tìm niềm vui với rượu. May trời phù hộ cho anh sức khoẻ. Ăn thất thường, chỉ có uống rượu đều đặn, ấy vậy anh vẫn khoẻ. Những thú vui chốc lát của đàn ông khi va chạm với phụ nữ trong con người anh cũng dần nguội nhạt. Khi đã tuổi ngả về chiều, anh thèm khát một không khí gia đình vợ chồng yên ấm như bao gia đình khác. Anh đã gặp cô gái sinh viên văn khoa quê ở Bình Dương về học ở Sài Gòn. Ấy rồi họ thành vợ chồng. Bạn bè ai cũng ngao ngán: Liệu hạnh phúc với anh có tròn vẹn? Cô gái nhận làm vợ anh có tâm hồn lãng mạn, bất chấp mọi dư luận, lấy anh làm chồng khi tuổi anh cao hơn tuổi bố cô gái. Dĩ nhiên, điều đó chỉ là lý do nho nhỏ. Có người bạn nói rằng cô yêu anh. Có người lại nói cô lấy anh vì tính toán. Chỉ biết anh đã được sống cùng người con gái ấy những ngày tháng thật đậm đà và bốc cháy. Họ đã có lúc từng chắp cánh cùng bay lơ lửng giữa vòm trời hạnh phúc. Tâm hồn anh đã trẻ lại bao nhiêu. Kết quả của mối tình vừa lãng mạn vừa chênh vênh ấy, đã cho anh một bé trai. Anh ôm con và ru con bằng những vần thơ lục bát của nhà thơ Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Huy Cận... Nhưng hạnh phúc gia đình với anh ngắn chẳng tầy gang.
Trong chuyến vào công việc ở Sài Gòn, tôi tới thăm anh. Anh đã trở lại sống độc thân như thủa nào. Cô gái sinh viên ra trường, anh đã xin cho cô vào làm một cơ quan văn hoá đàng hoàng, rồi cô ẵm con đi, bỏ lại anh ngơ ngẩn trong căn nhà đã xuống cấp. Niềm vui cả đời anh là đọc sách, cũng trở thành khó khăn. Anh đã yếu và thị lực mắt anh giảm nhanh chóng. Nhìn chiếc kính lão vứt chỏng trơ trên bàn đã phủ bụi, tôi hỏi sao anh không dùng. Anh nói mắt anh phải dùng kính số lớn hơn, mà chưa mua được. Tôi biếu tiền anh mua kính. Rồi anh kể chuyện. Những câu chuyện buồn mà từ xưa tôi như chưa hề thấy anh quan tâm tới. Thì ra anh đã tuột tay tất cả.
Hai anh em kéo nhau ra uống bia ở đầu ngõ. Trên đường về, anh tỏ ra phấn chấn lại. Anh rủ tôi lên Thủ Đức, tới thăm trường phục hồi nhân phẩm. Chúng tôi phóng xe một mạch giữa trưa Sài Gòn nắng chói chang và chan hoà gió. Anh vào thường trực hỏi xin gặp cô gái anh quen đang học tập ở đó. Nhân viên thường trực trả lời: Cô gái đã trốn trại ba hôm nay!. Trên đường về, anh ngao ngán buồn. Anh nói : Thế là chậm rồi!.
Cô gái đó là Hoa. Hoa quê ở miệt vườn Lái Thiêu. Hoa mồ côi cả cha lẫn mẹ. Hoa làm vườn và nuôi em trai ăn học. Khi em trai đỗ vào trường đại học ở Đà Nẵng, Hoa ở một mình với ngôi nhà nhỏ giũa khu vườn trái cây xanh tốt. Vườn cây của Hoa đã thành điểm nghỉ ngơi cuối tuần của nhiều người thành phố.
Nhưng anh gặp Hoa không phải ở Lái Thiêu, mà ở ngay mái hiên nhà anh một đêm mưa, khi anh ra đường mua xị rượu. Anh chưa kịp hỏi, cô gái đã nói: Em làm gái, em lạnh quá!. Nhìn quần áo, đầu tóc cô gái ướt mưa, anh cảm thông lên nhà lấy cái khoác mỏng đưa cô gái. Không mời lên nhà, mà anh kéo cô ra quán rượu. Anh uống rượu, còn cô gái thì ăn hủ tiếu. Ăn xong, dường như cơn đói và rét đã qua, cô kể anh nghe gia cảnh của mình:
- Em đã có con. Con trai em được sáu tháng tuổi rất kháu khỉnh. Em lãng thang về thành phố để tìm con em. Người tình em đã cướp con em đi biệt tăm. Em ngây thơ chỉ biết yêu anh ấy, em không rõ anh ở phố nào, gia đình ra sao, chỉ biết nhà anh ở gần chợ Bến Thành. Chúng em gặp nhau tình cờ. Anh ấy là du khách về thăm vườn quê em.
- Sao anh ta cướp con của cô mang đi?
- Chúng em cãi nhau. Nghe nói anh ta đem con về thành phố, rồi bán cho một người nước ngoài.
- Làm gì có trò nhẫn tâm thế. Ai nói với cô như vậy. Tôi sẽ đi tìm giúp con cô.
- Giời ơi, em lạy bác. Bác tìm giúp được con em thì em đội ơn bác!
Anh uống rượu lơ mơ và nghe cô gái kể. Thành phố vẫn mênh mông và ngồn ngộn người, biết tìm đứa bé ở nơi đâu?. Anh móc túi đưa số tiền ít ỏi còn lại cho cô gái. Anh bảo: Cô đi về quê đi, tôi sẽ tìm giúp cô!. Năm ngày sau, buổi sáng đi làm, vừa dắt xe ra cửa, anh đã thấy cô gái đứng chờ anh. Bác đã tìm thấy con trai em chưa? Em lậy bác!.... Anh sững người. Ừ, anh đã nhờ manh mối mấy anh công an quen thuộc. Anh cũng có lân la lên chợ Bến Thành, vào Uỷ ban phường trên đó, dò hỏi. Thực là cuộc tìm kiếm cây kim đáy biển. Anh trở thành kẻ hoang tưởng. Vậy mà anh vẫn hy vọng tìm được người tình bội bạc của cô gái kia, để đem đứa bé về với cô gái. Anh trở thành người lãng mạn cuối cùng của thế kỷ này chăng? Hay phải là lòng anh cũng đang đau xót thương nhớ thằng con trai anh. Thằng con trai của anh mà anh yêu quý hết mực. Anh dạy nó, nó đã thuộc đôi ba câu thơ lục bát. Địa chỉ nơi con anh và vợ anh đang ở, anh biết rõ ràng. Vậy mà anh không thể đến được. Cái bất hạnh của gia đình anh, có phải tại đồng tiền? Anh không có tiền nuôi vợ nuôi con, thì vợ anh ôm con bỏ anh ra đi. Đời người sao lắm nỗi chua chát. Anh lại hứa với cô gái: Cô cứ về quê đi, tôi sẽ tìm giúp con trai của cô!. Cô gái quayđi, anh lại cắm cúi đạp xe trên đường phố thừa nắng và gió. Anh hỏi han mấy người bạn cũ, cả mấy người bạn rượu. Họ thất vọng nhìn anh, như muốn kêu lên: Ông Cận ơi, ông lẩm cẩm mất rồi!.... Cô gái không tìm được con mình, lang thang ở thành phố, không thiết về với mảnh vườn quê Lái Thiêu nữa. Cô đi tìm con. Tiền tiêu không còn lấy được đồng bạc lẻ. Cô đã phải đi làm gái. Cô thành gái bán dâm và bị bắt đưa về trại phục hồi nhân phẩm.
Chắc hẳn anh muốn lên thăm cô gái, để hỏi han cô có biết thêm thông tin gì về đứa con của cô. Và có thể lắm, anh sẽ đưa mấy đồng tiền tôi biếu anh mua kính đọc sách, anh tặng lại cô gái kia, để cô có thêm cơ hội đi tìm con trai. Ôi muộn mất rồi. Cô đã trốn trại rồi. Cô đi tìm con cô ở đâu?. Cạm bẫy đời người lại cột vào thân phận cô rồi. Anh lơ mơ thương cô gái và cũng chính là anh thương kiếp sống của anh.
Ngồi sau xe tôi, anh thở dài mệt mỏi. Chúng tôi tạt vào một quán nước nhỏ bên đường. Tôi bảo chủ quán rót chén rượu mời anh. Anh lắc đầu. Lần đầu tiên tôi thấy anh Cận của tôi chê rượu. Có lẽ tâm hồn anh đang vỡ nát. Tôi không dám nói một câu nào nữa, lặng yên nghe anh thở.
Trở về Hà Nội được ba tuần, buổi sớm đầu tuần tới cơ quan, tôi nhận được thư anh Hà Cận từ Sài Gòn gửi ra. Anh viết thư kể chuyện cô gái Lái Thiêu đã tìm được con. Thì ra sau mấy tháng, người tình của cô cuỗm thằng con đi về thành phố, đứa bé luôn gào khóc nhớ mẹ. Nó sài ốm liên miên vì thiếu bàn tay người mẹ. Không biết có phải thằng người tình của cô còn nhớ tới cô, ôm con về với cô, hay vì anh ta không nuôi nổi thằng bé mà phải quay lại tìm cô. Thư của anh Cận viết: Thôi thì dù lý do nào nữa, cô Hoa vẫn sung sướng. Thấy được con, là sung sướng rồi. Được ở với con mình là hạnh phúc lắm rồi. Còn tôi, tôi vẫn không được ở với con tôi, tôi bất hạnh làm sao!. Đọc lá thư anh, tôi ứa nước mắt.
Ấy rồi, anh Hà Cận đổ bệnh. Bạn bè và người nhà đưa anh vào bệnh viện. Bác sĩ khám xét nghiệm, thấy anh không có bệnh cụ thể. Mà anh bị suy sụp tinh thần, suy sụp sức khoẻ toàn thân. Anh như cỗ máy luôn phải chạy với vận tốc lớn, nay đã tới thời kỳ rệu rã. Có lẽ tích tụ bao năm tháng sinh hoạt ăn uống tuỳ tiện, anh đã kiệt sức. Anh nằm đổ xuống và ra đi như một đốm lửa đầu điều thiếu lá tự tàn. Như một cốc rượu mạnh, bỗng dần hoang nhạt. Bạn bè, gia đình, ai cũng thương cho anh. Anh ra đi như một hơi thở gấp, rồi đứt gãy.
Ở đời, có nhiều người khi đang sống, không thấy họ cần thiết hoặc quan trọng gì lắm. Nhưng khi họ ra đi, thì mọi người mới ớ ra là trống vắng làm sao. Cũng như nhiều người, họ sống bình dị, họ không làm được việc này việc khác to tát gì, không có công trình này, công trình kia đồ sộ để lại cho đời. Nhưng họ rất biết tôn trọng người khác, vì người khác, để nhường người khác làm được những sự vĩ đại này hoặc vĩ đại khác. Hoặc ít ra, họ đã đem lại niềm vui nhỏ bé và giản dị cho những người giản dị. Với anh Hà Cận, tôi thấy những điều đó gần với anh làm sao. Trong đám tang anh, Nguyễn Lâm (còn có tên gọi thân mật là Lâm râu), đọc câu thơ của nhà thơ Nêzơvan, để viếng anh Hà Cận :
Tạm biệt nhé. Và nếu là lần cuối
Cũng diệu kỳ, cũng hoàn hảo chứ sao...
Đời người, biết thế nào là hoàn hảo và chưa hoàn hảo, có phải không, anh Hà Cận?!
VŨ TỪ TRANG