Cách đây không lâu tập truyện ngắn Bữa ăn trên cỏ của Nguyễn Văn Ninh được ấn hành. Những truyện ngắn của anh đi theo hàng ngang, chậm rãi, khiêm nhường, tự nhiên, nặng trĩu chất sống, như sự tồn tại. Với tôi, truyện của anh rất cuốn hút người trẻ. Cảnh vật trong truyện hòa lẫn với con người, không còn ranh giới phân biệt. Truyện nào cũng có dư vị, ngậm ngùi thân phận người (Nắng hanh vàng, Thì thầm trong đêm, Bữa ăn trên cỏ...). Con người sinh ra từ đời sống, thản nhiên sống bằng đời sống đó và Nguyễn Văn Ninh đã đến sống cùng họ, hòa vào đám đông thân phận ấy.
Yếu tố hài trong truyện Nguyễn Văn Ninh rất lớn. Hài ở ngôn từ, chi tiết, cấu trúc, cách phát hiện vấn đề. Khung cảnh truyện anh vẽ ra chỉ là một cảnh huống, đôi khi nghịch lý éo le nực cười. Ví như một gia đình đông con, nheo nhóc, nhưng các con đều có tên là Phú - Quý, Thịnh - Vượng, Yến - Oanh, Nghĩa - Lý, Bình - Tĩnh... thì rõ là phép thắng lợi tinh thần. Nguyễn Văn Ninh không dè bỉu, hắt hủi đời sống đó, anh là bạn của người nghèo khổ. Mỗi truyện vẽ lại cảnh sống bần hàn, nét họa đậm, chắc nịch. Ở đây khát vọng, nỗi nhớ về một thời quá khứ hiện lên. Đó không phải nỗi nhớ lãng mạn của thi ca, mà là nỗi nghẹn ngào của văn xuôi. Văn rất đời, gánh chở được nhiều những bi kịch đói nghèo, tăm tối, thân phận con người. Truyện của Nguyễn Văn Ninh không có cao trào, cũng không có thoái trào. Truyện chỉ là những lát cắt tươi nguyên của cuộc sống thường nhật, lầm than. Người ta có thể lấy từ đó sự thương yêu, cảm thông, và tất nhiên cả nỗi giận, ghét. Thực trạng đời sống ngày càng u tối, do con người chưa ý thức được cuộc sống, chưa biết làm gì để sống chất lượng hơn, họ buông thả bản năng theo đất cát, chẳng hề có ý thức đổi thay. Cuộc sống ấy cứ kéo dài dằng dặc. Cảnh huống đó dàn bày trước mắt Nguyễn Văn Ninh từ những ngày đầu cầm bút, đặt đời anh đứng trước sự lựa chọn, và anh đã nhặt những hạt sương, hạt bùn đất quê mình, để đặt những viên gạch đầu tiên cho một đời văn.
Nguyễn Văn Ninh không muốn tạo nên huyền thoại về nỗi thống khổ của con người. Anh chỉ khát khao nhìn cuộc sống như nó vốn có. Anh quan sát mọi vật sống động yêu thở cấu véo mà biết thời gian năm tháng đã chảy qua. Anh muốn trả nhân vật về với khát vọng bản năng của họ. Truyện ngắn Dưới trăng là một truyện ngắn xử lý chưa trọn vẹn. Anh hành hạ nhân vật của mình nhiều quá. Cho rằng chị Đồng còn niềm tự trọng, còn luân lý, nỗi sợ hãi ràng buộc, thì cũng không nên phơi bày trước mắt chị một hạnh phúc quá gần như thế. Anh đã “vô trách nhiệm” bỏ chị Đồng giữa chừng như thế, rồi anh kết thúc truyện, vậy thì chị Đồng của anh biết làm thế nào?! Nhưng anh viết rất đạt về sự vật vã bản năng của người đàn bà lỡ thì quá lứa.
Đối với nhà văn, mọi thứ trên đời là bình thường, thậm chí dẫu có rất nhiều thất vọng, tuyệt vọng cũng phải nhìn nhận. Con người nhiều khi vô trách nhiệm đối với cuộc đời mình và với cuộc đời người khác. Ở truyện Cơm bình dân, cuộc sống như một đống rác ô hợp, chực làm nhục con người, ở đâu cũng là cạm bẫy. Cạm bẫy của tính dục, của dục vọng, sự hoang tàn. Đứa con gái hoang nhớ đến sự sai lầm bất hạnh của người mẹ, nên đã tránh xa ông chủ dâm dục để đi tìm một chỗ làm khác. Truyện chỉ có vậy. Nhưng người ta sẽ thấy cuộc sống quá chán, những cùn mòn, quẩn quanh, tha hóa của đời sống thành thị, nơi ta chẳng tìm được một lẽ gì để sống, ngoài hai bàn tay vơ thức ăn vào miệng và sống như một sinh vật trên đời. Nguyễn Văn Ninh không muốn nói suông về lẽ sống. Nhưng chả lẽ con người lại không có lẽ sống? Có lẽ sống mới sống được chứ. Nhưng anh không nói. Anh muốn diễn tả con người nô lệ miếng ăn, nô lệ sự sinh tồn. Thói quen của Nguyễn Văn Ninh là từ hiện tượng nhìn ra bản chất của mọi vật; nếu hiện tượng không đủ để nói lên bản chất, thì đó là những thứ khách quan, thậm chí duy nhất mà nhà văn nhìn thấy để bắt đầu khởi sự viết về cuộc đời.
Đôi lúc Nguyễn Văn Ninh đóng vai một người con ngoan, và mãi không lớn lên, vẫn tấm lòng đó không thay đổi. Thấp thoáng đâu đó tình cảm máu mủ, gia đình, đạo lý làm người. Nhưng nó không thắng nổi sự chịu đựng nặng nề của cuộc sống, sự tha hóa của tình người, cái bê tha bệ rạc chảy tràn bờ thành những hành vi không kiểm soát nổi. Đã đến lúc không thể lấy một vài yếu tố cá nhân, gia đình và xã hội để lý giải tính cách của mỗi con người và tâm lý của một cộng đồng người. Quá khứ tươi đẹp đã mất rồi, lỗi tại ai? Đó là nỗi nhức nhối của một thời đại không còn tiếng súng, mà niềm tin và tình người mục ruỗng, xã hội tha hóa xói mòn trầm trọng (Hối muộn). Nguyễn Văn Ninh không ngại gọi tên sự vật, nói huỵch toẹt vấn đề; đó là điều tôi thích nhất ở anh. Văn anh chân thật, cục mịch, như hòn đất, các chữ di chuyển từ dòng này sang dòng khác một cách im lặng, nặng trĩu. Bất cứ ở một trường đoạn nào anh cũng cài đặt mâu thuẫn, oái ăm, để ta có thể bật cười lên khe khé, tiếng cười rất lạ. Tiếng cười này không gây sảng khoái, nó là nỗi đau nhức, lầm than, làm sao ta có thể cười vô tư được. Những trường đoạn thú vị trong văn anh là đoạn miêu tả con người. Theo anh con người dù tốt dù xấu cũng nên nhìn nhận chứ không nên trù dập (Lão Hoát trong Chuyện đời như kịch). Người ta sống thế nào là quyền của họ, chỉ cần không gây thảm họa cho đồng loại là được. Một lúc nào đó nơi cuộc sống bề bộn, tưởng như bế tắc ấy, nhân cách nhà văn cũng hiện ra: “Người tốt phải biến đổi hoàn cảnh chứ đừng để hoàn cảnh biến đổi”. “Người tốt làm việc như ý nghĩ, nếu có yêu thì tình yêu ấy chỉ để cho người khác lợi dụng lừa gạt. Người tốt rất hay tha thứ...”. Và đây đó những nhân cách tốt đã tìm thấy nhau như tiếng chim gọi bầy, họ không đơn lẻ. Cách xử thế vô cùng hiểu đời: “Đứng hay ngồi anh cũng không lấy gì là quan trọng vì anh cho rằng chỗ đứng hay ngồi dù có lựa chọn tốt đẹp cũng chỉ là tạm thời, niềm vui vì có chỗ đẹp cũng trôi qua nhanh, đến bến anh cũng phải xuống và chỗ ngồi ấy lại thuộc về người khác. Lựa chọn khôn ngoan mà rồi cuối cùng cũng không phải là của mình thì lựa chọn làm gì.”. (Phòng trắng).
Dung lượng cuộc sống trong tác phẩm Nguyễn Văn Ninh rất lớn, gân guốc đồ sộ, vẫn còn dàn bày ra, cho dù nhà văn đã rút lui. Cái ác từ đâu nhảy xổ ra, ngay lập tức thủ tiêu đối tượng. Không để cho cái thiện kịp xoay trở. Và giờ đây, ngay cả cái thiện thắng hay cái ác thắng cũng không còn quan trọng nữa. Quan trọng người ta đã không sống như một con người, mà phải sống như chó, lợn, méo mó, khốn cùng, không ra con người. Nhân vật của Nguyễn Văn Ninh từ ngoài đời bước thẳng vào trang giấy. Anh không văn chương hóa, biểu tượng, quan trọng hóa cuộc đời, mà bình thường hóa, bình dân hóa nó. Anh cứ muốn kết thúc có hậu, cái có hậu của anh cũng giản đơn, nhưng đột ngột và không phù hợp lắm với bao cảnh đời nhức nhối anh đã trưng bày. Ở đâu cũng chỉ thấy một đời sống ngồn ngộn tính dục; nhưng trong thực tế khắp ngõ ngách xã hội người ta đã che đậy tinh vi, thành ra trông bề ngoài tưởng như sạch sẽ. Tính dục như chào mời, giục gọi, giấu đằng sau những bộ mặt đoan trang đức hạnh. Thì thầm trong đêm là một truyện hay, thấm thía. Thật và đau, cũng bi hài. Cuộc sống sượt qua, nhưng cái sượt qua đó không phải là bản chất, mà bản chất là cái còn lại của tình người. Đọc truyện của Nguyễn Văn Ninh ta cảm thấy đau lòng cho sự đổi thay của lòng người, đôi khi không thể hiểu và cắt nghĩa nổi. Con người bị xé đôi ra cho những hoài niệm quá khứ và hiện tại bất trắc khôn lường. Truyện kể về bi kịch của chàng trai miền núi, chen vào cuộc đời công chức với những cạm bẫy tầm thường, nhơ nhuốc. Tâm trạng nhà văn đôi khi cũng chính là tâm trạng phổ biến của một lớp người. Nhưng tôi nghĩ, với đời sống công sở, sự xấu xa còn che đậy tinh vi hơn. Nguyễn Văn Ninh nhạy cảm về đời sống công chức, nhưng anh chưa thực sự cảnh báo được nguy cơ tha hóa mục ruỗng của một lớp người bị bào mòn hủy hoại, trở thành không niềm tin, không tình người, không tình yêu. Con người ai cũng phải lo cho cuộc sống của mình, cũng phải bon chen và mưu sinh. Họ vừa đáng thương, đáng cảm thông, nhưng đáng giận đáng trách ở chỗ họ làm tha hóa, bẩn thỉu hơn cuộc sống. Rồi con người cũng chỉ là nạn nhân của nhau, của guồng máy, xã hội. Nhưng họ vẫn còn cơ hội để gột rửa chính mình.
Truyện Dáng em như cỏ non là một lời thanh minh, giải oan cho một bị cáo. Nhà văn đã vào tù để phỏng vấn bị cáo, tình cờ phát hiện ra uẩn khúc và sự đáng thương của một người đàn ông phạm tội mua dâm trẻ vị thành niên. Con người vốn lương thiện nhưng bị xô đẩy, sa vào cạm bẫy, cám dỗ, bi kịch. Truyện khiến ta có cái nhìn cảm thông và toàn diện với các vấn đề phát sinh của cuộc sống. Bản chất cuộc sống không phải là những thứ người ta vẫn nhìn thấy, nghe thấy mà là những thứ chỉ có thể cảm nghiệm bằng trái tim. Ngôn ngữ, tình tiết của Nguyễn Văn Ninh rất nặng, như tấm lòng anh ưu tư vì cuộc sống. Anh không định thay đổi cái cuộc sống ghê tởm đó, mà chỉ phơi bày nó ra, lấy độc trị độc. Truyện ngắn Rối nước viết rất đạt, phơi bày tất cả lề thói xấu của một vùng quê, nơi có những con người đua đòi với văn minh thành thị, mà ngu dốt, kệch cỡm, lố bịch trong mọi hành vi đối xử với con người. Câu chuyện đã trở thành nhức nhối trong lương tâm nhà văn và người đọc. Những gì thành thị có mà thôn quê chưa có thì được đem về và coi là đỉnh cao của văn minh. Một anh chủ tịch xã tối đến không thèm xem ti vi, trong nhà không có một quyển sách, tờ báo. Thuở nhỏ anh ta tham lam cắn nát đầu con cá, trưởng thành đi xây dựng khu công nghiệp quan tài, nghĩ kiểu kiếm lợi riêng bằng cách khánh thành nhà mới, thì làm nên trò trống gì cho dân. Những hành vi đó chỉ là trò ngu dốt phá hoại nực cười như con rối cho người giật dây. Đây là một bức tranh biếm họa rất hoàn hảo. Đã thế Nguyễn Văn Ninh còn chua thêm: “Tôi rất phục anh tôi. Anh Mùa sinh ra là để làm những điều vĩ đại”. Nguyễn Văn Ninh chọn được những chi tiết bi hài rất đắt. “Múa rối thì cứ múa rối chứ cần gì đến nước”. Cái thâm ý của anh cũng rất sâu xa.
Người đàn bà xấu số kể về một bi kịch khó hiểu trong cái chết của người đàn bà. Đó là bi kịch của sự ngán ngẩm và chán chường, tự chấm dứt đời sống như một sự tất yếu, sau những thất vọng trên con đường đi tìm hạnh phúc. Bản năng cũng thất vọng, mệt mỏi, từ chối sự kiếm tìm, từ chối sống, chấm dứt sự tiếp diễn. Ở truyện Cuối tháng, vẫn là thân phận những người đàn bà lỡ làng đau xót, bị số phận xô đẩy. Khi hoàn cảnh ngặt nghèo thì người ta càng sống tàn ác, vô nhân tính, vô trách nhiệm với đồng loại và chính mình. Nguyễn Văn Ninh không muốn đứng cao hơn nhân vật, thậm chí làm bạn tâm tình của nhân vật anh cũng không muốn. Anh muốn biến mất chỉ để cho mình nhân vật của anh hiện diện, làm chủ. Họ muốn chửi rủa, la hét, sung sướng, giết người hay thủ dâm, kệ họ, anh không can thiệp. Có lẽ anh không nhất trí quan điểm nhà văn là kẻ hướng đạo hoặc tiên tri.
Phòng trắng là một sáng tác cực kỳ hiện đại. Truyện diễn tả sự chịu đựng của con người hiện đại trước mọi thứ bành trướng trong thế giới này. Nhân vật anh khước từ thế giới, bất cần và đã trở nên lẩn thẩn, điên rồ. Bắt đầu bằng sự hoảng loạn, hoài nghi và dồn đẩy đến sự phi lý. Con người ta kỳ thị, thù ghét cái thế giới nhiều tham vọng trưng bày ra trước mắt. Họ ngày càng dấn sâu vào bi kịch, bên trong tinh thần là cái chết, sự thất vọng, đỗ vỡ, tuyệt vọng. Truyện này có nhiều tầng nghĩa, nói được rất nhiều vấn đề của cuộc sống. Hiện lên màu trắng mênh mang rợn ngợp - sự thuần khiết của tình yêu cũng như mọi nỗi đau. Đến một lúc nào đó, con người chán ghét thế giới và đồng loại đến mức muốn bịt mắt mình, không nhìn nữa, khước từ, phá bỏ, bị tâm thần phân liệt, hoang tưởng và cuối cùng thành kẻ phá hoại, phải vào nhà đá; bốn bức tường trắng rợn ngợp cho anh niềm an ủi về sự tinh khiết bản nguyên. Truyện có gì phi lý giống tác phẩm của Franz Kafka. Nhân vật trầm uất trong đau đớn và khước từ thế giới. Con người ngày càng trượt dần trên cái hư vô, tự phá hủy, sự biến mất của chính mình. Ở truyện Hoa bèo, thân phận người phụ nữ dập dềnh trên sóng nước, tuân theo tự nhiên và thừa mứa ở cuộc đời. Đôi khi Nguyễn Văn Ninh viết rất thật về con người, những tốt xấu, nghĩ suy, dằn vặt của họ. Vậy là con người cũng phải có lý do gì để sống, có một quê hương để nhớ về, có ai đó để yêu thương, bởi người ta không là gỗ đá. Giấc mơ giữa trưa: Đó là những trải nghiệm vừa hoang mang bấn loạn vừa điềm đạm và tin tưởng của lớp người trẻ tuổi hiện nay.
Với Bữa ăn trên cỏ, Nguyễn Văn Ninh đã thực sự tung tẩy với đồng ruộng, với tình yêu và nỗi buồn khi thấy cuộc đời tiếp tục mất đi nhiều thứ. Anh trai cày thất vọng chiều cao, tự hào chiều rộng không biết cách giữ lấy tình yêu để tuột khỏi tay. Nghề mình (đi cày) lấy đuôi con trâu làm thước ngắm, đau lắm, xót xa lắm. Nguyễn Văn Ninh đã thực sự có cho mình một cách thức sáng tác thấm thía, rất đời, đọc xong người ta thấy cuộc đời rất thật, trần trụi, gần gụi, người ta không ảo tưởng. Nhưng tiếc rằng đó không phải là cách tiêu biểu nhất của văn chương. Đọc anh, tôi đôi lúc cũng buồn não ruột về cuộc sống. Anh muốn trưng bày cuộc sống vẹn nguyên như nó vốn có, để chiêm ngắm, suy nghĩ, chứ không để hoài vọng, lý tưởng, ảo tưởng về nó. Dường như Nguyễn Văn Ninh vừa nói vừa nghĩ vừa vui sống. Anh không ưa giáo điều, sáo rỗng, vặn vẹo câu chữ, hình thức mà giả tạo, lên giọng dạy đời. Trong truyện này anh nói: “Khi được dạy dỗ người ta sống khổ hơn thì phải”. Cũng có lúc nào đó con người ta nhàn nhã thảnh thơi trên đồng ruộng, với thiên nhiên, bình an và cái nghèo, “sáng choang nhờ lao động”, nhưng ít lắm. Bữa ăn trên cỏ, manh nha một con đường, một cuộc đời sa ngã.
Nguyễn Văn Ninh viết về tình yêu cũng rất đỗi nồng nàn, đi tận cùng tâm lý của phụ nữ. Chàng lực điền xem ra lãng mạn, hài hước mà rất đời. Chàng ta rất hiểu tình yêu và khi viết đến tình yêu chàng rất chắt lọc chí thú như mình đang yêu vậy. Chàng viết về tình yêu rất đỗi trữ tình, nhiều dư vị. “Tình yêu mong đợi điểm đến cũng là hận thù trên đường đi. Tình yêu như đêm chuyển mùa xốn xang và đầy nuối tiếc...”, “Tình yêu là nỗi đau, đó mới là nỗi đau lớn nhất” (Thuê bao đang bận). Đây là một truyện ngắn giả tưởng, viết trên một cái nền trống không. Truyện sắp đặt một cảnh huống mới để khai thác tâm lý, tình yêu và lòng thù hận để thử sống một cuộc đời không như cũ nữa, tạo cho nhân vật một cơ hội trải nghiệm mới khác cuộc đời mình đã sống, để nhận ra mình và trở lại những gì mình vốn có, chấp nhận nó, sám hối với nó. Thế mới biết, cõi đời vốn bình thường hoặc không bình thường, nhưng do con người đã tư tưởng, thêu dệt, ảo tưởng ra nhiều tình huống, tự gây đau khổ, bất hạnh cho chính mình. Điều đó cũng khẳng định con người ta mù tịt về người khác, nếu không sống chân thực với nhau. Những thứ mà người ta nhìn thấy là tấm màn, vỏ bọc mà con người đã khéo léo tạo ra để che giấu bản lai diện mục của họ. Mọi thứ xét cho cùng là: “Cô sinh ra đã không có nó, rồi cô làm quen với nó và rồi cô lệ thuộc vào nó”. Đó là ý tưởng rất mới của Nguyễn Văn Ninh về đau khổ và hạnh phúc, cũng như về mọi thứ thuộc về con người, đã khiến ta giật mình, nhìn lại.
Thế giới nhân vật của Nguyễn Văn Ninh bề bộn những phận người, với tâm trạng ngổn ngang, chồng chéo, luôn thay đổi, chẳng cuộc đời nào trọn vẹn. Con người như đang treo cổ lên giữa thời hiện đại. Họ luôn băn khoăn về ý nghĩa cuộc sống: “Văn học giúp mình hiểu được mình hơn, không nên ôm số phận mà buồn chán; hãy làm gì cho cuộc đời mình, cho hiện tại đang sống, còn nói làm cho mai sau là nói sáo.” (Hoa bèo). Bản chất con người đã bị hoàn cảnh làm cho tha hóa: “Vứt nắm xôi đi con đã trở thành người giả dối”. (Thì thầm trong đêm). Chàng trai miền núi chất phác quê mùa, gắn thêm cái bằng đại học và cuộc sống luồn cúi, lẩn lút chốn công quyền, trông không hợp lắm. Hãy trả anh ta cho núi rừng, thôn bản. Nhưng nếu có trở về, anh ta chắc gì sống được bình yên, vì sự bùng vỡ, biến chất của con người và xã hội thời anh ta sống. Số phận con người như cánh hoa bèo, một con chíp trong máy tính, một con rối, một cái điện thoại đã không còn tác dụng. Diễn biến tâm lý người thanh niên hiện đại là không biết tin vào gì, không biết sống vì đâu, khi cuộc sống đã trở thành nhơ bẩn. Đứa con trai miền núi trong hoàn cảnh đó vẫn không nguôi nhớ về rừng, nhớ tình thương nguyên sơ của bố mế, nhớ cánh đồng tuổi thơ với những niềm yêu chớm nở đầu đời. Thật tội nghiệp cho người mế, đẻ ra con mà không cứu được con khỏi vòng xoáy cuộc đời, lá thư gan ruột con trai viết cho mế mế cũng không bao giờ đọc được, vì mế mù chữ! Cuộc đời công chức cùn mòn từng ngày từng ngày làm lười nhác, tha hóa con người: “Việc nhà nước thật nhàn, mỗi ngày qua đi đến công sở chỉ để đọc báo, ngồi lê, cắt móng tay chân, chiều về nhặt nhạnh chiếc bút bi, tờ báo cũ. Ai cũng giống ai”. Trong bối cảnh đó, “Lão chánh văn phòng miệng leo lẻo. Lão soi mói vào cuộc sống của con với bà trưởng phòng hệt như truy tìm từng kẽ nứt trong sa mạc để bắt Bin-la-đen. (...) Lão nói với con rằng là, cậu là phải là, theo tôi cậu phải làm việc này là, việc kia là. Lắm là. (...) Người quân tử phải là... Rách việc! Quân tử với quân teo. Nhức đầu. Triết lý quân tử bán đầy lề đường”. “Con chả hiểu được văn bản, văn bản chồng chéo nhiều như tuổi đất, đầu óc con càng nghe càng tối tăm như đầu con dế.”
Tác phẩm Nguyễn Văn Ninh thấm đẫm chất sống, sự trải nghiệm và không giáo điều. Mỗi nhà văn một phong cách, lối cảm nghĩ riêng. Nhưng tôi vẫn muốn cãi với anh rằng, phải có ai đó đủ thẩm quyền để rao giảng về cuộc sống, mới cứu rỗi được con người chứ! Tình dục trong văn anh hình như chưa có tình yêu, vì vậy ít khả năng gây xúc động, chỉ giúp hiểu về con người. Anh trân quý, tôn trọng cuộc sống phồn thực, thiêng liêng đúng nghĩa, khao khát tình yêu. Khi tình dục sổ lồng, nó bị phơi bày ra, thể hiện dục vọng, ham hố của con người. Đằng sau tính dục đó, tình người vẫn còn tồn tại, những phận người bơ vơ khao khát tình yêu. Đôi khi những câu văn của Nguyễn Văn Ninh lấp lánh cảm nghĩ, trở nên trữ tình và bí hiểm, không hé lộ bí mật của nhân vật và không hề muốn hé lộ. Dù bí mật ấy rất đơn giản, đôi khi chỉ là tôi đang yêu, mà tình yêu thì sao lý giải được, không kêu to lên được. Có thể là, em đang dậy thì đây, em đang khao khát, điều mới mẻ rung truyền trong máu, dự cảm một tình yêu!
. Nguyễn Văn Ninh viết rất hay về ảo tưởng, anh bận tâm nghiên cứu khía cạnh đó. Rồi anh viết tuy không sâu lắm, nhưng cũng thể hiện thái độ công phá mạnh mẽ đối với ảo tưởng: “Ảo tưởng ngọt ngào như cái kẹo, nhiều ảo tưởng là nhiều kẹo rồi một ngày ảo tưởng không đến nữa bi kịch đầy ứ hự, đắng đót...”. “Anh ở trong căn phòng trọ tồi tàn này nhưng tham vọng của anh còn ghê lắm, ảo tưởng của anh về những gì mà anh sẽ thực hiện còn lớn nên anh mới có những mãnh lực riêng để tự đày đọa mình và sống trọn vẹn cho những gì mình đang nghĩ. Đến được với đích ngắm cũng chỉ có ít người, số đông gục ngã trên đường đi, còn rất nhiều nữa không thể kể hết được sẽ chết ngay từ những bước đi đầu tiên. Ngay cả khi đến được bờ bên kia rồi người ta cũng chưa hạnh phúc đâu, người ta lại nghĩ có một bờ bên kia, một bờ bên kia nữa và có rất nhiều những bờ bên kia mới là những bến bờ mà người ta cần phải đến. Nhưng thực tình chẳng có bờ bên này, em khẳng định chẳng có bờ bên này nên làm gì có bờ bên kia. Tất cả đều do tưởng tượng mà ra, rồi bơi lội, rồi ngụp lặn, rồi đóng thuyền chèo đò, rồi bắc cầu để đi tới.”. (Giấc mơ giữa trưa). Anh miêu tả về loài chuột viết sách thật độc đáo, vô tiền khoáng hậu: “Chuột sẽ viết sách, sách không rao giảng hạnh phúc lứa đôi thiên đường và địa ngục, cần phải sống như thế này đừng như thế kia, đừng sa vào các tệ nạn xã hội, nào là nghiện ngập, nào là cờ bạc, nào là đĩ điếm, luôn thận trọng với những quan hệ, hãy dùng bao cao su, khám bệnh thường xuyên và ăn uống đủ chất! Không vu khống người này, đừng đổ thừa người kia, hãy tham gia các hoạt động phong trào, hằng tối ngồi xem các trò game show truyền hình, tiện mồm và thích thể hiện tài năng đoán trước, thế đấy, cần phải như thế đấy, phải sống như đám đông từng sống. Tôi nghĩ, chỉ có chuột mới biết được những ước mơ, những hoài bão, những mộng mơ hão huyền, chuyện chăn gối lứa đôi, chuyện đêm khuya tức tưởi, chuyện thèm lạt, chuyện đưa người cửa trước rước người cửa sau, chuyện vắng chồng, chuyện đồng sàng dị mộng, những âm mưu, kỹ xảo năng lực kỹ thuật... Độc giả của chuột là người đọc, người ta sẽ giật mình. Người ta sung sướng khi thấy có cuốn sách viết như điểm huyệt, cuộc sống được phơi bày ra với những gì người ta chưa biết hoặc đã biết nhưng chưa gọi thành tên. Cuộc sống không ngọt ngào, cuộc sống đầy bản năng và cám dỗ.”. (Giấc mơ giữa trưa). Những câu văn đẹp buồn, thấm thía, sẽ cho ta bài học thiết yếu, sự soi chiếu ngời ngợi mà không giáo điều. Ta thấy dấy lên trong những dòng chữ đó một đời sống nôn nao, vô cảm và hèn nhát. “Những cuộc đời cô đơn và thác loạn ngay trong ý nghĩ, vùi dập tấm thân mình bằng bàn tay của mình và nghĩ về những lứa đôi tan vỡ nguyên nhân lại do chính mình nghĩ ra và phán xét. Chỉ có một mình thì làm sao biết được mình kém ai.”. (Giấc mơ giữa trưa).
Văn chương Nguyễn Văn Ninh cho ta thấy một người thanh niên luôn suy nghĩ, khiêm nhường, hạ mình thân thiện và chiêm nghiệm về cuộc sống, thì thầm về cuộc sống bằng lương tâm và bản năng của chính mình. Người ta sẽ nhận được nhiều bài học, sự tương đồng, lời tâm sự. Sẽ bắt gặp những suy nghĩ, tình cảm, hành động chân thật của một anh dân cày, một nhà văn đi ra từ đồng ruộng. Người ta tin anh. Vì đó là điều lớn nhất anh tặng cho cuộc sống, cảnh tỉnh những cuộc đời đừng sa ngã. Vết cắt, lát cắt đơn sơ như vệt bùn xoa lên tấm tranh, một tấm tranh ghép, chủ nghĩa hiện sinh hay là chủ nghĩa tự nhiên. Hiện sinh hay tự nhiên thì cũng là cuộc sống! Nguyễn Văn Ninh muốn soi chiếu những nghịch lý, nghịch cảnh. Dù anh có vẽ ra nhiều nhân vật xấu tốt, cuộc sống vẫn là vậy thôi. Nhưng anh không đi sâu vào sự xấu, không bêu xấu nhân vật. Anh luôn soi chiếu cuộc sống bằng lương tâm trung thực. Đó là ẩn ức kín đáo của nhà văn. Văn anh như cái búp non, to, mập, không thể già, không tàn úa, cũng không đánh đổi cái hiện tại để lấy hạnh phúc lâu dài và lời hứa hẹn, đạo đức phù du. Hố thẳm mà anh cảnh báo chỉ là sự ngu dốt, kiêu căng, tự hủy chính mình. Truyện của anh là những câu chuyện tồn tại độc lập, chỉ cần rót vào tai người ta những sự thật trần trụi của cuộc sống và để lại trong đó, không cần gì khác nữa, không kiêu sa, không cần huyền thoại. Văn của anh như tảng thịt cắt ra từ cuộc sống, và cuộc sống nào cũng cần có tảng thịt. Anh có nhiều nội lực, nhưng anh chưa dấn thân ở thể loại mới: Tiểu thuyết. Người như anh khi bước tới thiên đường nó cũng hay lắm đó, tại sao anh không thử sức? Nhân vật của anh là những người nông dân, người lao động. Miếng cơm manh áo còn chưa đủ, làm gì nghĩ đến tình yêu và những xa hoa? Văn anh cho thấy cõi đời cũng bình thường, dễ hiểu và chẳng quan trọng gì. Người ta sẽ không sợ hãi cuộc đời, mà còn có thêm mọi sức lực để tiến lên. Anh chừa cho họ con đường đó, chứ không chạy sấn sổ lên làm gì cả. Thỉnh thoảng ta lại thấy nhói đau về sự hồn nhiên, kinh ngạc của anh đối với đời sống. Ta cảm thấy yêu cái cuộc đời này, đậm đà mồ hôi và nước mắt, và cuộc đời vẫn luôn luôn thế, dẫu không có ta. Những con người nông cạn tội nghiệp, dốt nát và lố bịch trong cuộc đời được Nguyễn Văn Ninh phơi bày ra với một nỗi buồn dịu nhẹ. Tất cả những cái phù phiếm của cuộc sống biến đi, chỉ còn lại tình cảm chân thật của con người. Trong tác phẩm của Nguyễn Văn Ninh thấy nhiều trải nghiệm của trang lứa anh. Nó biểu hiện suy nghĩ và đời sống thực tế, thấm thía, nhưng nó ít có tính biểu tượng mà chỉ diễn tả về đời sống thực.
Tôi chưa đọc hết những tác phẩm Nguyễn Văn Ninh, chỉ mới cưỡi ngựa xem hoa. Nhưng tôi tin trong anh còn ấp ủ bao nhiêu dự định, vì lứa người như anh nhiều khát vọng, lý tưởng, hoài bão, mà cố giấu đi, vì thời đại nó không đồng vọng cùng lý tưởng đó! Ở những nơi bạc ác thì tình yêu và tình người không thể sống được, hoặc sống trong thoi thóp. Cái cuộc sống mềm nhũn bê tha ba vạ không có hình thù gì là một cơn ác mộng hãi hùng cho một người cầm bút. Anh phải làm sao đây? Hay cái thứ văn chương giáo điều ru ngủ ấy và cuộc đời thực thật xa lạ với nhau. Con người rút cục cũng bình thường thôi, có gì cao siêu, diệu vợi. Hơi thở đời, vốn sống của anh thấm đẫm mồ hôi. Một đám người ô hợp khốn khổ khốn nạn nhưng vẫn còn lương tâm và tình người, khát khao được sống lương thiện. Khi không còn gì để hy vọng, thì chỉ còn điều đó. Cái tình nghĩa của gái điếm và thằng giang hồ đôi khi sần sật tình người, nhưng không bền vững. Hình như ai cũng muốn giấu trong mình một tí nhân cách và lòng tự trọng bị tổn thương. Cuộc đời trước mắt Nguyễn Văn Ninh là thế. Anh thích nhìn con người đẹp như sự thật và xấu cũng như sự thật. Cái phần sâu kín thì họ tự hiểu, hãy đối xử với nhau công bằng như bộ mặt xác thân đang hiện hữu, chứ đừng lắt léo quanh co gì. Đối xử quanh co là ác, là nham hiểm, điều đáng tiếc là lại thường có ở người đời. Nguyễn Văn Ninh rất băn khoăn về nhân cách của con người trong thời đại khủng hoảng, anh cũng không bị cái truyền thống xiêm áo đoan trang thục nữ trói buộc hù dọa. Anh là người tự do. Anh đã bộc lộ tâm sự rất thật về nghề viết văn.
Con người hiện ra trong tác phẩm Nguyễn Văn Ninh nhiều khi thật đáng thương, thật âm u, thật thường thãi, thừa mứa ở cuộc sống. Những nhân vật đàn bà độc ác, chua ngoa, nanh nọc, đầu độc cuộc sống bằng ý nghĩ. Những cảnh trọc phú trưởng giả học làm sang vừa quê mùa vừa vô học. Ẩn ức li-bi-đô, ẩn ức tình dục, cái bản năng hôn phối, sự sống tươi nở phồn thực bầy đàn. Tính dục bản năng thả rông, thiếu tình yêu, nhận thức và lẽ sống, coi thường lẽ sống. Chỉ có sự tồn tại của họ và những thú vui trần tục là sự thật, là mục đích duy nhất để họ theo đuổi và hy sinh. Bí mật được hé lộ: Những hạnh phúc của đàn bà đều là những phù du và ảo tưởng, không bền vững. Rồi phù vân cũng trôi qua, những phận người no đòn, biến mất, bị cuộc sống trừng phạt những đòn đau. Cuộc sống là thế, Nguyễn Văn Ninh không muốn nói dối, ba hoa về cuộc sống. Nhưng cuộc sống là thứ có thể cứu chữa được. Và “... Cuộc sống không phải chỉ là tình yêu. Hạnh phúc không phải là sự ảo tưởng lại càng không nên ảo tưởng, hoặc lý tưởng. (...) Cuộc sống là độc ác! Thật độc ác.” (Dáng em như cỏ non). Nhân vật người vợ trong truyện này trắng trợn tuyên bố: “Cái gì gắn với dấu huyền đều tốt đẹp. Này nhá: tiền này, quyền này, tình này... Còn một cái nữa cũng gắn với dấu huyền. Cô ta chỉ xuống dưới rốn của mình.”. Nhân vật bị cáo cô đơn trong sự giàu có và bị phản bội. Ông ta là một tiến sĩ có lòng tự trọng, đã sám hối khẳng định thực ra cuộc sống chẳng ra gì. Thật là đau xót. Lòng trắc ẩn của Nguyễn Văn Ninh, tình yêu thương đối với đàn bà hiện lên rất phổ biến trong tác phẩm. Anh viết rất tốt về đàn bà, còn đàn ông sao anh ít nói đến, và thường không chê trách, đó là mặc cảm Ơđíp hay tự ti, ẩn ức gì chăng? Anh viết về những khao khát của đàn bà rất ý nhị, rất có duyên, ngậm ngùi, rất tội. Họ bị xô đẩy đến bước đường cùng và không còn cách nào khác là chấp nhận, tung hê, hòa điệu vào cái bản nhạc chế giễu chính mình. Họ không còn thương xót chính bản thân mình nữa. Nhưng anh quá bận tâm miêu tả về đàn bà nhiều dục vọng, khi anh thừa biết, đã là con người thì còn nhiều lẽ khác để sống, chứ đâu chỉ có xác thịt dắt mũi chỉ đường, nhất là đàn bà Việt Nam? Những người đàn bà đôi khi bán thân vì miếng ăn, sự tồn tại, vì vật chất, nhưng còn vì sự kêu đòi của bản năng. Xét cho cùng bản năng là cái vô tội nhất, cái người nhất, đáng yêu nhất. Chân dung những đàn bà và đàn ông được Nguyễn Văn Ninh khắc họa rõ nét, những thói xấu rất người, rất đáng thương, rất thật, cần tha thứ. “Ông là đàn ông nhưng tâm tính lại hệt như đàn bà. Ai thảo miệng tác động vào cái tính tẩn mẩn, vặt vụn lão vạnh cái môi dưới oang oang: Phải chắt chiu chứ - nhưng chỉ chắt chiu của ông ta thôi, chứ của người ta bòn đãi đến từng gấu váy. Nào là chạy sang bà bán bún xin ít nước dùng, chạy lại hàng phở xin ít hành hoa thái. Thế còn được, đằng này lại còn bòn đãi cả của thằng viết văn nghèo kiết xác. Năm thì mười họa không mua cho lão nải chuối, quả đu đủ, thì cũng nghe tiếng bấc tiếng chì, tiếng khoan tiếng nhặt, chợt gần chợt xa. Lại nữa, là cái tính tham ăn. Sáng mai lão cứ ngủ cho đến 8 - 9 giờ để trốn bữa ăn sáng. Vãn chợ lão mới cắp rá đi mua. Hôm thì mớ thịt vụn, hôm thì mớ xương ế đem về băm băm, chặt chặt. Lúc ăn thì húp xì xoạp bụng ễnh ra như lợn xề. Nói về lão ta chỉ thấy xấu. Đã đành là vậy. Hôm nào lão ta đi mua một bát phở, lão phải quay bát ba vòng, ngắm kỹ, sau đó đòi thêm rau, thêm hành, thêm nước, thêm bột ngọt. Một trăm vị khách như lão ta chỉ đem mà dẹp tiệm. Xấu người, xấu nết, tính bon chen. (Chuyện đời như kịch).
Nguyễn Văn Ninh không né tránh vấn đề tính dục, anh cho rằng giải quyết được ham muốn dục vọng bản năng là giải quyết được vấn đề con người, giải phóng cho con người. Anh có những câu văn rất nhạy cảm về tính giao: “Tôi hé mắt nhìn ra thấy đùi bố gác lên đùi mẹ. Cơn gió thổi thốc qua phên liếp, đưa cái lạnh tràn vào. Chợt nghĩ, thế là mình sắp có thêm em nữa.”. (Nắng hanh vàng). Bữa ăn trên cỏ chế giễu thói xấu học đòi thành thị; loáng thoáng tình thương, nỗi tự ti, mặc cảm của anh trai cày. Văn của Nguyễn Văn Ninh như bức biếm họa nhiều màu sắc, đường nét. Những bi kịch của con người mới bắt đầu, đang còn tiếp diễn và chưa kết thúc. Nó mở ra, và không hề có hồi kết. Cuộc sống hiện lên nhơ bẩn, nhầy nhụa, nhiều khinh thị, nơi bản tính con người bị chà đạp, giày xéo. Nhưng chính ở đây chứ không ở đâu khác, con người vẫn thở hơi thở của con người. Cuộc đời được phơi bày huỵch toẹt, những cảm nghĩ hành động chân thật, nghệ thuật gần như chồng khít với cuộc đời. Ít ra như thế nghệ thuật đã không lừa dối cuộc sống, và ngược lại, cuộc sống cũng không lừa dối nghệ thuật. Nghệ thuật đối với Nguyễn Văn Ninh không phải là biểu tượng chữ nghĩa giằng co vò xé, những thứ đó chỉ tổ che giấu cuộc đời, giả tạo, không thật, anh không quý nó và tất nhiên không theo đuổi. Tôi còn nhớ ai đã nói, đại ý: Học, quên đi để sống, mới là văn hóa. Đọc Nguyễn Văn Ninh người ta ít nhất cũng học được những bài học tươi rói bổ ích thật thà từ cuộc sống, chứ không giáo điều, răn dạy về cuộc sống, nghĩa đen và nghĩa bóng, thối nhảm! “Quân tử với quân teo. Nhức đầu. Triết lý quân tử bán đầy lề đường.”.
Nguyễn Văn Ninh rất yêu thơ ca, nên tác phẩm anh đôi khi xuất hiện những câu văn du dương yểu điệu. Rải rác đây đó cái khủng khỉnh nhát gừng chớt nhả rất Nguyễn Văn Ninh. Nhân vật của anh nhiều suy nghĩ, ưu tư, không lẫn vào đám đông, và luôn khao khát sống lương thiện. Họ không thể cứ giang hồ trôi ở bể đời cay đắng, họ phải biết ý nghĩa và mục đích sống của mình. Những suy tư tình yêu trong tác phẩm anh là có gốc rễ, nếu có tình yêu thì tình yêu ấy không phải là ảo tưởng nhất thời mà nó bắt rễ sâu rộng từ cuộc đời. Như nhân vật Long đại bàng trong Một thoáng Trương Chi, đằng sau tình dục là nỗi khao khát tình yêu vẫn còn le lói, đôi khi không tự nhận biết. Nhân vật là những người lao động nghèo khổ, chí thú với thân phận, với cuộc đời, nhưng đôi khi người ta đưa mình vào bi kịch mà không tự biết. Nhưng ngoài bi kịch và cạm bẫy cuộc đời đó, người ta chẳng còn gì nữa. Người ta không nên trốn tránh, phủ nhận sự thật cuộc sống, mà nên chấp nhận, thỏa hiệp, chung sống, làm cho nó tốt lên. Ngôn từ rất bặm trợn, dân dã, của người lao động. Bản chất nhân vật đàn ông của Nguyễn Văn Ninh không phải anh hùng cứu mỹ nhân, ga lăng, cứu vãn mọi sự. Đôi khi Nguyễn Văn Ninh rất “vô trách nhiệm” khi hạ một từ “chán”, vì nhiều khi sự ấy chẳng đáng chán gì! Cách viết của Nguyễn Văn Ninh rất đời là sự lựa chọn nghệ thuật của anh, chứ tôi biết anh không hề thiếu kiến thức để sáng tạo và đổi mới. Ngày ở Trường Viết văn Nguyễn Du tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy trên bàn viết của anh những Nietzsche, Jăngpônsác, Franz Kafka, Sigmund Freud, Marcel Proust, Cao Hành Kiện, Uyliam Faunơ, Gunter Grass, Anbe Camuys, Milan Kundơra... lúc nào cũng ăm ắp chất chồng, làm tôi không biết anh lấy đâu ra thời gian để hiểu.
Đọc văn Ninh thấy một tâm hồn ấm áp, tin ở tình yêu và sự đổi thay, vận động của cuộc sống và bản chất lương thiện của con người. Anh cố gắng gọi tên sự vật rất đời thường. Anh kể chuyện nhiều, nhưng nghệ thuật dựng truyện chưa cao. Đôi khi cái tính dục của con người được che đậy kỹ lưỡng mỹ miều, chứ không xồng xộc, nồng nỗng đến thế đâu. Tất cả những chạnh chọe hận thù của con người đều không đáng gì so với những gì mà họ yêu thương, những giá trị của cuộc sống. Văn chương Nguyễn Văn Ninh gắn với cuộc sống, những gì của quê hương tuổi thơ máu thịt là chất sống của văn chương anh. Giữa một xã hội chai lì với ngôn ngữ, nghệ thuật, văn chương, xã hội đồng tiền, xa lạ, triết lý giáo điều, thì văn chương Nguyễn Văn Ninh vẫn còn cơ may sống được. Một người cầm bút chân chính thì luôn khảo sát cuộc sống bằng lương tâm trong sạch, đồng hành cùng cuộc sống, và đến lúc nào đó sẽ viết ra những điều độc đáo nhất, sâu sắc nhất, cần thiết nhất về thế hệ mình, về xã hội. Thiết nghĩ đó cũng là sứ mệnh cao quý của mọi nhà văn.
TRẦN THỊ NGỌC LAN