Bây giờ vào bất cứ đền, chùa, nào ta cũng thấy có nhiều hoành phi, câu đối bằng chữ nho, một số nhà cũng sắm hoành phi câu đối làm đẹp và sang cho ngôi nhà của mình. Cầu kỳ hơn, người ta còn phải lễ lạt xin chữ của những người “văn hay chữ tốt”. Nhưng đa số du khách và nhiều chủ nhà đều chưa hiểu hết được các bức hoành phi, câu đối ấy có ý nghĩa như thế nào, bởi đều viết bằng chữ nho, thứ chữ ở Việt Nam bây giờ rất ít người đọc được.
Câu đối có nguồn gốc từ Trung Quốc. Câu đối được xem là tinh hoa của văn hóa chữ Hán, người Trung Quốc quan niệm: “Nếu thơ văn là tinh hoa của chữ nghĩa thì câu đối là tinh hoa của tinh hoa”. Câu đối có hai vế với những niêm luật chặt chẽ về đối thanh, đối ý, đối từ và xử dụng nhiều thủ pháp chơi chữ… nhằm biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội. Nghệ thuật đối thể hiện cái hay cái đẹp của phong cách thơ văn cổ, đó là sự cân đối, đăng đối, hài hòa… Không những thế, câu đối còn thể hiện trí thông minh, sự nhanh nhậy và phong cách tài tử trong việc đối đáp ứng xử. Câu đối tuy không dài, không nhiều chữ nghĩa như những bài văn bài thơ, chỉ có hai vế nhưng nó vẫn thể hiện được những ý tưởng những quan điểm một cách rõ ràng, cô đọng và súc tích. Mỗi câu đối được coi là một tác phẩm nghệ thuật, qui mô của tác phẩm tuy nhỏ, nhưng sức chứa, sức gợi rất lớn. Ngôn từ của câu đối được cân nhắc chọn lọc, âm điệu nhịp nhàng, kết cấu chặt chẽ, nhiều câu tài tình đến mức người đọc người nghe cảm thấy kỳ thú một cách bất ngờ khi nó bật ra ý tưởng mới lạ.
Trong lịch sử văn học Việt Nam, có nhiều câu đối nổi tiếng của những bậc học rộng tài cao như Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến… làm phong phú thêm đời sống văn học nước nhà. Xin chỉ trích dẫn mấy câu đối của Cụ Tam Nguyên Yên Đổ (Nguyễn Khuyến) là một trong những bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nước ngoài nhưng đã Việt hóa rất phù hợp. Đây là câu đối khóc con là Nguyễn Hoan, đỗ phó bảng và làm tri phủ Kiến Xương (Thái Bình) bị bệnh chết: “Bảng vàng bia đá nghìn thu, tiếc cho người ấy/ Tóc bạc da mồi trăm tuổi, thiệt lắm con ơi”!
Còn đây là câu đối viếng người thợ rèn láng giềng chết trẻ, để lại vợ trẻ con thơ. Trong hai vế đối này, nhà thơ đã dùng những tiếng: “than, rèn, cặp, bễ, đe, loi…” là những dụng cụ cần thiết trong nghề thợ rèn một cách tài tình: “Nhà cửa để lầm than, con thơ dại lấy ai rèn cặp ?/ Cơ đồ đành bỏ bễ, vợ trẻ trung lắm kẻ đe loi”.
Và đây là câu đối khóc chồng, nhà thơ làm hộ cho vợ một người thợ nhuộm: “Thiếp từ thuở lá thắm xe duyên, khi vận tía lúc cơn đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ/ Chàng ở dưới suối vàng nghĩ lại, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan tím ruột với trời xanh”. Trong hai vế đối này, nhà thơ đã dùng những tiếng “thắm, tía, đen, điều, đỏ, vàng, hồng, trắng, tím, xanh …” hầu hết màu sắc để tả nghề thợ nhuộm…
Như vậy việc tiếp thu tinh hoa văn hóa của dân tộc khác một cách có chọn lựa không có gì đáng chê trách, song điều đáng bàn là tiếp thu như thế nào?
Ở khu tượng đài ngã ba Đồng Lộc, đôi câu đối không chỉnh được khắc vào đá: “Hồn bay theo gió bên Hồng Lĩnh/ Hiến thân báo quốc sáng anh linh”. “Hồn” là danh từ lại đối với “Hiến” là động từ? “Bay” là động từ đối với “Thân” là danh từ? “Gió” và “Quốc” là hai chữ thứ tư mà lại cùng vần trắc ? Câu đối còn mắc những sai lầm về niêm luật: “Hồng Lĩnh” và “Anh linh” đối chưa chỉnh vì một chỉ địa danh còn một thì không. Vậy mà mãi đến năm 2009 một hành giả đến viếng mới phát hiện ra, bây giờ đã được gỡ xuống để sửa lại!
Có những câu đối bằng chữ nho ở một số nơi làm người đọc phân vân như: câu đối ở những ngôi đền thờ danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đều bằng chữ nho, trong khi Nguyễn Trãi là người rất coi trọng chữ Nôm, một sáng tạo tuyệt vời của người Việt, toàn bộ Quốc âm thi tập của ông được viết bằng chữ Nôm.
Rồi ở Thiên cổ miếu – Việt Trì, nơi thờ thầy giáo cổ nhất Việt Nam, tương truyền thờ hai vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang, đời Hùng Vương thứ 18, dạy hai công chúa của Hùng Duệ Vương là là Tiên Dung và Ngọc Hoa. Như vậy chữ Việt cổ có thể có trước cả chữ Hán. Hoành phi, câu đối ở đây được viết bằng “chữ Việt cổ” trong khi “chữ Việt cổ” ấy chưa được hội đồng khoa học kiểm chứng và công nhận và nước ta không mấy người đọc được (Người Viết hoàn toàn không nghi ngờ về sự tồn tại của chữ Việt cổ và vô cùng trân trọng công trình của các nhà nghiên cứu, nhưng chỉ nên xử dụng trong cộng đồng sau được nhà nước công nhận trở thành tài sản của dân tộc và cần dịch ra chữ Quốc ngữ).
Hiện nay đa số người được giao trách nhiệm trông coi các đền, chùa, khu di tích… không biết chữ nho, nên khi giải thích cho du khách ý nghĩa các hoành phi, câu đối đều lúng túng, hoặc giải thích không chuẩn xác. Vậy những hoành phi câu đối được thể hiện rất công phu ấy nhằm mục đích gì? Phải chăng chỉ làm sang, để thỏa mãn ý tưởng, nhận thức của những nhà xây dựng? Đôi khi những nhà hảo tâm hiến tặng cũng không nghĩ đến việc dịch câu đối đó cho người đọc dễ hiểu, nên chưa phục vụ đa số quần chúng nhân dân, chưa giúp cho người dân có thể hiểu, cảm, đồng điệu và thấm được cái hồn trong mỗi câu đối đó.
Những câu đối bằng chữ nho không có chữ Quốc ngữ viết cùng, mọi người chỉ xem qua rồi đi, nhưng khi có chữ Quốc ngữ, mọi người đều chăm chú đọc rồi cùng nêu lên cảm tưởng, nhận xét và suy ngẫm mãi.
Nên chăng chỉ có câu đối bằng chữ nho, chữ Nôm ở những nơi thật cần và nên có lời dịch chuẩn mực bằng Quốc ngữ viết kèm. Còn lại có thể viết bằng chữ Quốc ngữ.
Người viết năm 2009 cùng anh em trong “Hội những người yêu kính Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị lộ” đến tặng gia đình cố giáo sư, thượng tướng Hoàng Minh Thảo cuốn sách “Hợp tuyển thơ Nguyễn Trãi”, tất cả đều vô cùng thích thú và rất ấn tượng khi được chiêm ngưỡng và thưởng thức hoành phi, câu đối bằng chữ Quốc ngữ nơi bàn thờ. Chính giữa là bức hoành phi: “Vệ Quốc tướng quân”, hai bên là hai vế câu đối: “Giáo sư uyên bác ngàn trang rực rỡ bút tinh khôi/ Thượng tướng anh minh trăm trận lẫy lừng gương trí dũng”.
Ai dám nói đây là câu đối không hay, không chỉnh, bởi tuy bằng chữ Quốc ngữ nhưng từng tiếng, từng chữ, từng ý đối nhau rất chỉnh, ca ngợi đúng mức tài, tâm, đức, cuộc đời và sự nghiệp của cố giáo sư, thượng tướng Hoàng Minh Thảo văn võ kiêm toàn.
Đã đến lúc cần xem lại và có định hướng về việc viết hoành phi, câu đối, sao cho vừa truyền thống vừa hiện đại, phù hợp với không gian văn hóa và phục vụ cho đại chúng.