Đọc Biển trổ hoa vàng của Đình Kính
Tôi muốn mượn một câu nói của nhân vật chính trong tiểu thuyết mới xuất bản “Biển trổ hoa vàng” của nhà văn Đình Kính để mở đầu bài viết này. Càng đọc, càng thấy đúng như lời nhà văn thổ lộ khi tặng sách: “Đây là cuốn sách tôi tâm đắc nhất, giàu chất văn học nhất mà tôi từng xuất bản. Và cũng là cuốn sách đầu tiên tôi viết chỉ về con người, tình yêu…. Vì tình yêu và con người không bao giờ cũ với thời gian….”
Đề tài không bao giờ cũ
Chọn đề tài tình yêu và con người để viết tiểu thuyết là sự lựa chọn của nhiều nhà văn không chỉ Việt Nam. Những tác phẩm ấy, dù ở bất cứ thời điểm nào khi đọc cũng không thấy cũ, không thấy lạc hậu như các đề tài về lịch sử, sự kiện hay chiến tranh… Và cũng không khô khan như những đề tài mang tính thời sự trong một giai đoạn nhất định.
Con người và tình yêu, hai mảng đề tài được chọn để tạo nên nhiều tác phẩm xuyên suốt chiều dài của thời gian. Và dường như không có ranh giới giữa cũ, mới của các tác phẩm này. Nhà văn Đình Kính không chỉ chọn đề tài vĩnh cửu mà anh còn khéo léo lồng ghép chi tiết từng được thơ ca và văn học Việt Nam khai thác nhiều lần vào tiểu thuyết của mình – đó là màu vàng hoa cải. Màu vàng ấy tạo nên một bức tranh ảo qua những con chữ của tiểu thuyết. Và cũng màu vàng ấy chảy tràn từ tiểu thuyết sang những thước phim. Bạn đọc hẳn sẽ nghĩ ngay đến “Mùa hoa cải bên sông” nổi tiếng được dựng thành phim với chuyện tình của cô Sóng và lời thề truyền kiếp của người cha lênh đênh cả đời trên thuyền. Đọc “Biển trổ hoa vàng” sẽ thấy hiện lên lung linh một bức tranh thơ mộng với màu vàng của hoa cải phủ lên hòn đảo nhỏ. Nơi ấy có ngọn hải đăng vẫn được thắp sáng hằng đêm bởi người cha một lòng bám trụ và cô con gái say mê hoa cải và coi cây cải như một sinh linh có tâm hồn.
Bức tranh hư ảo và ranh giới mong manh
Phải thú thật, khi đọc “Biển trổ hoa vàng” của Đình Kính, đôi lúc tôi thấy nghẹn thở. Vì sợ, vì lo lắng, vì bất an. Những chi tiết liên tục chồng chất chi tiết đẩy người đọc đi lạc hướng với ý nghĩa của cốt truyện mà Đình Kính xây dựng. Trong ấy, có nhân vật chính là già Khương. Nhân vật Chiêm xuất hiện từ chương đầu tiên chỉ đóng vai trò người dẫn truyện. Bên cạnh già Khương là một nhân vật nữ - con gái ông. Người con gái này có duyên với ông dù không phải là con đẻ ông. Vợ ông mất sau một đêm ông bị lừa cho say rượu trong tay lũ vô lại. Ông lang thang, bất định, vất vưởng và gặp cô bé tình cờ ở khu chợ. Cô bé cũng lạc cha, mất mẹ và đinh ninh ông là người cha mà mẹ cô trước lúc mất bảo cô tìm kiếm. Định mệnh run rủi họ lại gần với nhau. Cao hơn tình yêu là tình cha con. Và họ bám biển, bám lại ngọn Vạc nơi có đèn hải đăng thắp sáng niềm tin và cuộc sống của hai cha con.
Nhân vật chính thứ ba cũng chính là nhân vật tạo hồn cho bức tranh của “Biển trổ hoa vàng” được cô con gái tìm về. Chính tay cô nuôi trồng, chăm bẵm và nhân giống mong một ngày cải sẽ ra hoa. Cô mong, một ngày nào đó, cả ngọn Vạc sẽ phủ đầy màu vàng tươi rực rỡ của hoa cải. Ngọt ngào, ngăm ngăm đắng thoảng hương trong gió biển mặn mòi. Có lúc, cô ốm, sốt nhưng vẫn kiên quyết không cho cha mình nấu cây cải để cho cô ăn. Giấc mơ về bức tranh ngọn Vạc được tô bởi màu vàng của hoa cải thôi thúc cô, và cũng giúp già Khương có thêm những chuỗi ngày hạnh phúc bên con gái bé bỏng của mình.
Nhưng… ranh giới mong manh giữa tình cha con và bản năng con người đẩy nhân vật già Khương vào bế tắc. Phải nói rằng, Đình Kính biết dẫn dắt người đọc, biết đánh lạc hướng để cốt truyện luôn tạo cao trào và sự bất ngờ. Tôi cũng từng thở dài, ngực thắt lại khi nghĩ già Khương sẽ không vượt qua được bản năng. Và như thế, tình yêu thiêng liêng giữa người cha và con không còn nữa. Cũng có nghĩa là, “Biển trổ hoa vàng” sẽ chỉ là một bức tranh bị rách nham nhở. Nhưng may mắn, và tôi thở phào khi đi cùng Đình Kính đến những chi tiết cuối cùng. Dù xót xa, dù cay đắng. Quyết định không làm đàn ông của già Khương, việc tìm đến biển của Hương sau khi bị bọn người xấu làm hại khiến bức tranh hư hư thực thực trên ngọn Vạc càng như phủ trong sương. Bức tranh ấy sẽ mãi là như thế. Mãi vẫn dở dang thiếu những mảng màu để hoàn thiện. Và nhân vật dẫn chuyện của chúng ta – Chiêm đã làm nốt phần việc còn lại ấy để biển thực sự trổ hoa vàng.
Triết lý tình yêu bền mãi với thời gian
Tình yêu và sự tha thứ luôn đi đến được bến bờ hạnh phúc. Như triết lý mà Đình Kính lựa chọn để đưa ra trong tiểu thuyết của mình. Dù không mới, cũng không lạ, nhưng đầy thuyết phục và mang tính lô-gic hợp lý. Chiêm tiếp nối già Khương vẽ nốt những mảng màu hoàn thiện bức tranh ngọn Vạc phủ hoa vàng. Và cũng chính Chiêm hoàn thiện triết lý mà già Khương để lại sau khi rời xa nhiệm vụ thắp sáng hải đăng đêm đêm. “Này con trai, phẩm chất đáng giá ở người đàn ông là sự bao dung biết tha thứ. Người phụ nữ cần sự che chở của ta. Làm người, điều quan trọng nhất là biết chiến thắng chính mình… Mọi cái rồi sẽ qua, chỉ có tình yêu là vĩnh cửu…”
Bức tranh ngọn Vạc khép lại tiểu thuyết này là một tổng hòa của những sắc màu tươi sáng. Màu xanh đậm của biển. Màn sương mỏng như voan. Ngọn Vạc rực rỡ với sắc màu vàng của hoa cải. Và trên ấy, những chấm phá của một gia đình đoàn tụ tựa như một hồi kết có hậu của một bộ phim tình yêu mà đạo diễn Đình Kính vừa đóng máy.
Thùy Linh