Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐÀNH NGÀN THU GỌI…

Nguyễn Thị Hồng
Thứ ba ngày 13 tháng 4 năm 2010 5:35 AM
 
   Nhớ nhạc sĩ  Xuân Oanh
 
Tôi được biết đến nhạc sĩ và nhạc sĩ biết đến tôi nhờ nghề biên tập ở Nhà xuất bản Phụ Nữ.( Tất nhiên trước đó từ lâu tôi đã rất yêu thích những ca khúc cách mạng của nhạc sĩ như bài 19 tháng 8, Bình minh trên đất nước không bao giờ tắt, Ca ngợi hòa bình…Tuổi thiếu nhi chúng tôi thường hát tập thể những bài hát ấy.Riêng bài Quê hương anh bộ đội thì tôi được nghe mẹ tôi thỉnh thoảng lại ngâm nga ). Chẳng là các em biên tập viên của phòng dịch rất có con mắt tinh đời. Dàn cộng tác viên của các em toàn là những đại gia trong làng dịch, trong đó có dịch giả Xuân Oanh mà bác thường lấy bút danh Anh Thư- tên một cháu nội gái mà bác yêu quí. Tôi thường đi cùng các em đến nhà bác mỗi khi các em đi thăm bác hoặc có việc liên quan đến sách vở. Nhưng chỉ khi tập thơ đầu tiên “Em ra đi” của tôi ra đời (1990 ), tôi tặng bác và bác đọc, lập tức bác thích bài thơ mà tập thơ mang tựa đề. Bác bèn phổ nhạc rồi sau đó bỏ công ra dàn dựng in băng, do ca sĩ Tuyết Tuyết trình bày .Khi tập thơ được giải thưởng của Hội văn học nghệ thuật Hà Nội, cũng chính bác đọc báo rồi gọi điện báo cho tôi .Có lẽ đó là một trong những bài tình ca đầu tiên mà sau khi nghỉ  hưu, bác đã nuôi cảm hứng để sáng tác một vệt ca khúc trữ tình.
Năm 1992 tôi in tập thơ “Gọi thu”. Dĩ nhiên tôi dành tặng bác một bản bởi khi đó bác đã rất quí tôi và tôi cũng vậy. Và bài “Gọi thu” trong tập đã lọt vào “mắt xanh” của nhạc sĩ. Rồi bác mời tôi đến nhà bác là căn tầng hầm 53 Tràng Thi. Bác long trọng ngồi trước  chiếc đàn piano và chơi bài “Gọi thu” mà bác vừa sáng tác. Những giai điệu dịu dàng thánh thót ngân nga khiến tôi như bắt gặp tuổi thơ chân trần của mình trên cánh đồng buổi sớm tinh sương, cũng khiến tôi như trở lại tuổi thanh xuân với tình yêu đắm say ban đầu…Âm nhạc thấm vào tôi, những ngón tay như múa trên phím đàn đang ở trước mắt tôi, và nữa, gương mặt của người nhạc sĩ tài hoa như đắm chìm vào từng cảm xúc của nốt nhạc do chính ông sáng tạo ra…Tất cả đều thăng hoa thành từng chuỗi âm thanh ngọt ngào day dứt như cái đẹp,cái tuyệt đẹp đã ở phía sau rồi…
Phải  một thời gian dài những lần tôi đến chơi nhà, bác đều cho tôi nghe bản nhạc đó và bác bảo bác gái rất thích bản nhạc này. Có lần tôi và bác gái cùng ngồi nghe bác chơi đàn, cũng có lần bác gái bận làm việc gì quanh đó, còn tôi thì ngồi yên  nghe bác chơi. Dĩ nhiên sau bản nhạc đó bác thường cho tôi thưởng thức nhạc cổ điển…Tôi biết bác rất tâm đắc với bài thơ và bản nhạc bác phổ bài thơ đó. Rồi như lần trước, bác lại bỏ công sức ra dàn dựng và in đĩa.Lần này bác chọn ca sĩ Đức Long hát “Gọi thu”.Giọng ca sĩ Đức Long ấm áp và đầy gợi cảm, đã truyền cảm được những nhạc cảm và lời thơ lúc trong trẻo, lúc day dứt của nhạc phẩm “Gọi thu”…Nhưng sau sự ra đi của người bạn đời vào năm 1996, bác như một người khác. Tôi nhớ mấy tháng sau sự mất mát đau thương đó của gia đình bác, tôi đến thăm bác với tập thơ  “Biển đêm” mới ra dành tặng bác, nhưng bác như thờ ơ với tất cả mọi thứ trên đời này, tôi ra về lòng trĩu nặng vì cảm nhận được những ngày đơn lẻ phía trước của cuộc đời bác ,dù con cháu đông đủ nhưng các cụ xưa đã nói “con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”…
Ấy vậy mà rồi vào năm 1998, một hôm bác gọi tôi đến và tặng tôi một món quà bất ngờ : một bức tranh sơn dầu vẽ một cô gái tóc thả sau lưng, đang tung tăng gót chân trần trên đồng cỏ, với những viên sỏi nhỏ phía sau, trên đầu, khoảng trước mặt là bầu trời mầu thanh thiên với những cánh chuồn đỏ thẫm, dáng thanh tân của cô gái lẳn trong tà áo dài màu trắng tinh khôi…Cô gái như vừa bước ra từ những vần thơ trong bài “Gọi thu” : Làm sao tìm lại mùa thu dịu dàng/ ngày em còn nhỏ gót trần lang thang/ bầu trời thì xanh chuồn chuồn thì đỏ/ lúa vàng dệt lụa giăng trên đồng làng.  Sau bức ảnh bác đề “Gót  trần lang thang” và kí tên X.O .Tôi sung sướng đem về nhà treo và với tôi đó là bức họa đẹp nhất vì thật nhiều chữ “tài” và chữ “tình” trong đó…Cũng năm đó, có lẽ vào một ngày mùa thu, bác gọi điện báo cho tôi biết bác và các bạn bác sẽ đến nhà tôi “mừng nữ sĩ có nhà mới”.Tôi bất ngờ quá vì tôi đã dọn về chỗ ở mới khoảng một năm và cũng không hề nói chuyện đó với bác, chẳng là tôi thấy chuyện đó cũng bình thường, chẳng có gì đáng khoe với bác.Ai ngờ bác thực sự quan tâm đến tôi, muốn chia sẻ với “nữ thi sĩ” của bác từ những niềm vui đời thường…
Buổi chiều hôm ấy, cả tôi và nhà văn Hoàng Quốc Hải-chồng tôi, thật xúc động được đón mấy cây đại thụ của nền âm nhạc nước nhà là nhạc sĩ Xuân Oanh, nhạc sĩ Huy Du, nhạc sĩ Trần Chung, thiếu tướng Bắc Việt, người có giọng ca trầm và hát “Gọi thu” rất truyền cảm…Toàn các vị cao niên. Các bác ôm cả rượu Tây và đàn ghi ta đến, còn tôi thì có vài món nhắm gì đó, tất cả kéo lên sân thượng vừa ca hát ,vừa trò chuyện thật vui vẻ huyên náo cả một khoảng không gian trên cao chót ...Hôm đó mọi người đều cảm thấy hạnh phúc với âm nhạc, với thơ,mà hơn cả là tình nghệ sĩ với nhau,bất chấp tuổi tác.Rồi mọi người còn bàn đến những cuộc liên kết giữa nhạc và thơ cho có quy mô và lâu dài… nhưng rồi mọi chuyện cũng chỉ dừng lại ở  những sự liên kết riêng lẻ…
Khi ra về, lúc xuống cầu thang, nhạc sĩ Xuân Oanh đã thốt lên :”Nguyễn Thị Hồng phải được ở lâu đài mới xứng đáng”.Trời ơi! Vì nhạc sĩ quá mê thơ nên nói vậy, chứ cháu cũng chỉ là thảo dân thôi mà. Mới ngày nào con cháu còn nhỏ, vì thiếu sữa cho con, cháu phải cầm tấm phiếu vải bốn mét đi bán để mong có tiền mua sữa cho con. Nhưng cháu đã bị những người buôn bán tem phiếu ở chợ Hôm lừa lấy hết sạch chỗ tem phiếu ấy.Và “thi sĩ” của bác chẳng biết làm gì ngoài việc hoảng hốt đạp xe về nhà bạn ở Lò Đúc nằm khóc tức tưởi,cay đắng vì nỗi đời…Bác ơi, cháu được chỗ ở thế này là tươm rồi, mà nếu không có mạnh thường quân là chú em họ cháu tình nguyện “ra tay cứu độ” làm nhà cho  khi gia đình cháu chưa có xu nào trong tay thì cũng đâu có thể có nhà. Cám ơn bác dù sao bác đã cho cháu cái ảo tưởng phút giây rằng thơ có thể làm nên cơm áo…
Những năm sau, mỗi lần hội bạn bè của bác tụ họp với nhau và hát hò  là bác lại gọi điện kể tôi nghe cuộc gặp có những ai, ai hát bài “Gọi thu”...Lần ấy bác gọi điện cho tôi nói rằng vừa có cuộc gặp gỡ của một số bạn bè ở nhà bác. Bác bảo trong cuộc gặp, Bắc Việt hát “Gọi thu” làm mọi người xúc động, nghệ sĩ Lê Dung đã khóc ngon lành rồi nói sẽ tập bài đó để hát. Tôi hiểu các anh chị đã tìm thấy thời tuổi trẻ của mình, cái thời tuổi trẻ một đi không trở lại ấy, và bây giờ ai cũng đến tuổi “…như viên cuội rơi rồi dưới đáy” nhưng tìm đâu ra cố nhân để “vớt mùa thu lên”…Tuổi đã tàn, người tri kỉ thì khuất bóng, bạn bè rơi rụng dần, rồi chính mình  chẳng mấy chốc cũng đến thời khắc rơi rụng…Và quả nhiên, chỉ mấy tháng sau cuộc gặp gỡ đó, nghệ sĩ nhân dân Lê Dung đã đột ngột ra đi…
Và  cuộc sống thật khắc nghiệt, vô thường, để ngày đưa tiễn bác về cõi vĩnh hằng, những cây đa cây đề trong làng nhạc sĩ bạn bác đến chơi nhà cháu bữa nào, đã chẳng còn ai  cùng cháu tiễn bác đi trên con đường mà như ai đó đã viết :
                         Nghĩa trang cổng nhỏ hiện ra
                         Sinh linh bao vạn đã qua chốn này
                         Hết rồi khát vọng cao dày
                         Không nóng lạnh với mưa đày biển sông
                         Mẹ ơi cánh võng hư không
                         Đặt con nhè nhẹ bềnh bồng mẹ ru…
Thưa anh hồn nhạc sĩ Xuân Oanh, lúc sống bác đã rất mê bài thơ “Gọi thu” của cháu và đã sáng tác nhạc phẩm “Gọi thu”, còn bây giờ không chỉ “làm sao tìm lại…” đâu bác ạ, mà là :
                Một thu nữa gọi cũng không
                Đành ngàn thu gọi hư không vĩnh hằng…
                        
Xin thành kính và muôn vàn tiếc nhớ thắp nén tâm hương này lên anh hồn bác- nhạc sĩ Xuân Oanh đa tài ,hữu tình…                                    
Hà Nội,ngày đưa tiễn bác, 31-3-2010
 

 Ảnh: Nhạc sĩ Xuân Oanh và nhà thơ Nguyễn Thị Hồng trình bày bài thơ GỌI THU trong buổi ra mắt tuyển tập song ngữ THƠ NỮ VIỆT NAM TỪ XƯA ĐẾN NAY tại Hà Nội tháng 11 năm 2008