Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MIỄN BÌNH LUẬN

Dương Đức Quảng
Chủ nhật ngày 11 tháng 4 năm 2010 10:57 PM
 TNc: Tôi vừa nhận được bài viết này của nhà báo Dương Đức Quảng. Ông đưa ra ý kiến của nhà nghiên cứu Dương Danh Dy cho rằng không có chuyện lính TQ tử trận chôn ở Hứu Lũng. Có thể nơi đó chôn những người TQ đã sang giúp ta những năm chống Mỹ. Nếu vì thiếu thông tin mà cư dân mạng lên tiếng thì vì sao cổng điện tử Lạng Sơn lại vội hạ cái công văn đó xuống. Nếu là những người bạn TQ giúp ta tử nạn thì công văn nói rõ ra thì đâu đến nỗi hiểu lầm. Mà rất lạ dư luận ồn ào thế mà phia Lạng Sơn vẫn lặng lẽ không nói một câu...TNc đưa bài lên để có thông tin hai chiều...
 
Mấy hôm nay nhiều trang Web và blog đã đưa khá nhiều bài về sự bức xúc của không ít người trước một cái công văn của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn mời và đón tiếp Đoàn đại biểu Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và đại biểu cựu binh Trung Quốc vào dự Lễ dâng hương tưởng niệm Liệt sĩ Trung Quốc tại huyện Hữu Lũng. Trên trang Web của nhà thơ Trần Nhương còn in cả bài thơ của chủ trang về sự kiện này. Song cũng có ý kiến của nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc về một bài báo trên một trang báo mạng ký tên ông có liên quan đến việc này.
Tôi xin cóp công văn nói trên, bài thơ của nhà thơ Trần Nhương và bài viết của ông Dương Danh Dy về việc này và xin được miễn bình luận.
Nội dung công văn của UBND tỉnh Lạng Sơn
Kính gửi:
Các Sở:   Ngoại vụ, Lao động, Thương binh và Xã hội;
Uỷ ban nhân dân huyện Hữu Lũng.
Sau khi xem xét Tờ trình số 21/TTr-SNgV ngày 22 tháng 3 năm 2010 của Sở Ngoại vụ về việc mời Đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự Lễ dâng hương tưởng niệm Liệt sĩ Trung Quốc nhân “Tiết Thanh minh”, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn có ý kiến như sau:
1. Nhất trí chương trình mời và đón tiếp Đoàn đại biểu Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và đại biểu cựu binh Trung Quốc vào dự Lễ dâng hương tưởng niệm Liệt sĩ Trung Quốc tại huyện Hữu Lũng theo đề xuất của Sở Ngoại vụ.
2. Giao Sở Ngoại vụ làm đầu mối liên hệ mời, chịu trách nhiệm về công tác Lễ tân trong việc đón tiếp đại biểu Trung Quốc vào dự Lễ dâng hương;
3. Giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Hữu Lũng và các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung, cơ sở vật chất tổ chức Lễ dâng hương và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo để các Sở, ngành, đơn vị liên quan biết và  thực hiện.
Nguồn: Blog phamvietdao và
http://anonymouse.org/cgi-bin/anon-

Thư gửi Lạng Sơn
 
Trần Nhương
Vì nhân đạo chúng ta có thể
Để những người thân Trung Quốc đến Hữu Lũng
Viếng con em họ ngã xuống khi đánh Việt Nam
Giọt máu từ bên kia
Chôn dưới đất Việt khi họ sang xâm lược
Vì hòa hiếu
Cha ông ta ngày xưa
Đã từng cầu siêu cho quân Thanh sau trận Đống Đa
Cấp lương thảo cho tàn binh về cố quốc
Lẽ thường lòng nhân nên trọng
Nhưng những người đứng đầu Lạng Sơn
Gọi những binh lính ấy là “liệt sĩ”
Mời đoàn đại biểu sang dâng hương
Thì bã đậu đã ngự trong đầu
Hay ăn ca la thầu
Mà xóa tan bộ nhớ ?
Vậy những người lính phía cộng hòa
Là con một bọc
Trên khắp vùng miền
Trên Hoàng Sa năm 1974 chống quân xâm lược
Sao vẫn không gọi họ là liệt sĩ ?
Ôi những anh hùng ngã xuống Lộc Bình, Chi Ma, Đồng Đăng, Cao Lộc..
Vì đất nước Việt Nam
Mà người ta e dè nhắc đến
Những ngày lễ trọng…
Vì sao ?
Nay tỉnh Lạng Sơn
Gọi những kẻ xâm lược nước mình là liệt sĩ
Thì gầm trời có một... Kỳ... Lừa…

Bài của nhà nghiên cứu Dương Danh Dy
 

Đăng bởi bxvnpost on 07/04/2010
Dương Danh Dy
Kính gửi các anh: Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn
Mạng boxit.net ngày 5/4/2010 đăng bài Hãy hết sức tỉnh táo+Thư gửi Lạng Sơn đề tên tôi: Dương Danh Dy. Ngay khi vừa thấy và đọc bài này tôi đã gọi điện cho anh Huệ Chi báo cho biết đó không phải là bài viết của tôi. Anh Huệ Chi hứa sẽ đính chính.
Tuy vậy tôi thấy cần nói thêm mấy vấn đề sau:
Thời gian qua có không ít bạn đọc trong nước và cả phóng viên nước ngoài gọi điện hỏi tôi về chuyện trên, tôi đã trả lời là:
- Khẳng định không có chuyện cái gọi là “liệt sĩ Trung Quốc, tháng 2/1979 chôn tại Việt Nam” vì lúc đó quân xâm lược Trung Quốc chỉ vào đến được thành phố Lạng Sơn rồi vội rút thôi (tôi được phổ biến, mấy sư đoàn của chúng ta trong đó có sư 308 đang không vận ra bắc, làm sao họ có gan đến tận Hữu Lũng để chôn những tên chết trận).
- Trong thời gian chống chiến tranh phá hoại, theo thỏa thuận (đến giờ tôi cũng không biết là giữa hai đảng hay hai chính phủ, hay hai quân đội Việt Nam và Trung Quốc, ở cấp nào, nhưng biết chắc là vào lúc Bác Hồ còn sống), một số bộ đội Trung Quốc đã bí mật sang giúp chúng ta làm đường, bảo vệ không phận một số vùng (tôi còn nhớ được phổ biến có lúc họ tranh cãi với ta về công hạ chiếc máy bay thứ bao nhiêu – tôi quên số cụ thể – tại vùng trời Thái Nguyên).
Trong lao động và chiến đấu tại Việt Nam với không lực Mỹ, một số cán bộ chiến sĩ quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc đã hy sinh anh dũng, cũng theo thỏa thuận, họ được chôn cất tại Việt Nam (Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Lào Cai…) chứ không mang thi thể về nước. Tôi đã hỏi mấy anh em cùng tuổi, nay đã là lớp U80 (vì lớp lãnh đạo trực tiếp chúng tôi đã mất cả) anh em đều xác nhận như trên.
Đối với những liệt sĩ này, dù trong bất cứ tình hình nào nhân dân ta đều tôn trọng, biết ơn. Nghĩa trang được trông nom, giữ gìn, vào dịp thanh minh, có thăm viếng, có khi có người của Sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cùng đi.
Câu chuyện chỉ có thế thôi. Điều đáng tiếc là UBND Lạng Sơn không nói rõ sự thật, không dám công khai, và điều đáng trách là có người sau khi đã được tôi giải thích, công nhận những thông tin của tôi mà vẫn cố tình đưa tin không đúng.
Cũng nhân dịp này tôi muốn nói thêm, theo thỏa thuận trong đàm phán khi ký hiệp định Pháp-Thanh về việc phân chia đường biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc thời đó, Pháp cắt của ta một vùng thuộc nước ta ngày đó – nay được gọi là “Làng Việt” tại Đông Hưng, Trung Quốc. Dân vùng này được Trung Quốc coi là dân tộc thiểu số “Kinh”. Sau hơn một trăm năm thuộc về Trung Quốc, qua nhiều thế hệ họ đã trở thành người Trung Quốc, học chữ Trung Quốc, nói tiếng Trung Quốc, không nói được tiếng Kinh, mặc dù còn giữ được một ít phong tục thuần Việt cũ như khi tế lễ vẫn nói “hơng, bái”… Vì đã là công dân Trung Quốc nên  họ coi “Phục Ba tướng quân” là “anh hùng” của họ thì có điều gì đáng trách.
Đáng trách là mấy người Việt Nam chính cống, đang sống ở đất Việt Nam, do quan hệ họ hàng từ thời xa xưa mà sang chơi vào đúng dịp đó, vì không hiểu lịch sử Việt Nam nên đã trở thành kẻ vô tình hay hữu ý tham gia lễ hội một cách lố bịch.
Nhưng trước tiên chúng ta nên trách dân trí nước mình chưa cao.
Tuy vậy đến cái anh Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên Huấn TW còn mắc cái lỗi to đùng [trên tờ báo Điện tử ĐCSVN] như mọi người đều biết, thì các bạn đọc ơi, quá nặng lời với mấy người dân biên giới của ta đó làm gì.
Chả biết tôi có lẩm cẩm không?
Xin bạn đọc tha lỗi, nếu có điều gì chưa phải.
Ngày 6 tháng 4 năm 2010