Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LẠM BÀN VỀ MINH TRIẾT

Hà Văn Thùy
Chủ nhật ngày 11 tháng 4 năm 2010 10:24 PM
                    
  I.  Đi tìm định nghĩa của Minh triết
 
Thông thường, các bộ môn khoa học ở nước ta được ra đời như thế này: do nhu cầu giảng dạy và nghiên cứu, các trường đại học hay viện nghiên cứu chọn vài ba cuốn sách của các đại học nổi tiếng bên Âu, Mỹ đem về xào xáo từ đối tượng nghiên cứu, phương pháp luận đến lịch sử bộ môn… rồi “lai ghép” với những tài liệu đã có của Việt Nam, Trung Quốc, chế biến thành một giáo trình “made in Vietnam.” Cứ vậy, chúng ta dần dần có những giáo trình…
 Nhưng với Minh triết thì không thể bởi lẽ bên Tây chưa hề có cái gọi là “Minh triết học.” Không những thế, người Tây lại nói rất trái ngược nhau về Minh triết. Người Pháp bảo Sagesse là “chả ra gì”. Còn người Mỹ lại cho Wisdom là “khôn ngoan”! Trong khi đó, ở Việt Nam, không chỉ ra đường mới gặp minh triết mà rất nhiều khi bất ngờ minh triết được thốt từ miệng đứa trẻ ở nhà! Do minh triết phổ biến, quen thuộc, đời thường vậy nên dường như ai cũng hiểu và ai cũng có thể bàn được về minh triết! Bước vào nghiên cứu Minh triết, ai cũng hăm hở lập ngôn. Nhưng cho tới nay chưa có định nghĩa nào về Minh triết được chấp nhận. Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, vị chủ xị Trung tâm nghiên cứu Minh triết hiện nay cho biết: “Định nghĩa Minh triết là gì là một việc rất khó. Một câu nói hóm của một học giả: “Tìm cách định nghĩa minh triết, đó là bằng chứng của sự thiếu minh triết”. Đại học tổng hợp Chicago vừa đưa ra Dự án đề tài Định nghĩa Minh triết với kinh phí trợ cấp 2000000$, học giả bất cứ nước nào đều có thể tham gia.” Có lẽ vì định nghĩa Minh triết quá khó nên có người thay vì tìm “Minh triết là gì” lại theo chiều ngược, cho “Minh triết không là gì!”  để đi vào khảo luận. Tôi xin có đôi lời bàn góp trong câu chuyện to lớn này.

                                           *
Vài ba chục năm trước, ở nông thôn Bắc Bộ tôi thường gặp ở những cụ già, những người đàn bà ít học những câu nói, những cách ứng xử khiến tôi giật mình, ngạc nhiên vì sự minh triết. Một câu hỏi được đặt ra: vì sao minh triết lại có ở nơi những người như vậy? Rồi tôi dần hiểu, có cái gì đó như mạch ngầm sự khôn ngoan, sáng suốt âm thầm truyền từ đời này sang đời khác, vô tư, vô thức chảy trong người dân hồn hậu, như những mạch nước ngầm chảy trong đất. Chính dạng minh triết phổ biến, trực quan, đời thường này gây nơi ta ấn tượng cho rằng, minh triết là “đạo lý đời thường”, dạy con người về cách sống: học ăn, học nói, học gói, học mở rồi hẳn hoi, tử tế… Mặt khác, do cái “dòng chảy” này không liên tục, đứt quãng, rời rạc, đầy ngẫu nhiên, khó nắm bắt khiến ta có cảm tưởng Minh triết thiếu hệ thống.
Dẫn lời được coi là “tư tưởng hiền minh” của nhà nho Ngô Thời Sĩ: “Đem đạo thánh hiền để quở trách thói đời không bằng đem đạo đời thường để cảm hoá lòng người”. Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến cho rằng: Trên đại thể, minh triết là “đạo lý đời thường”. “vì, cũng như tính Phật, nó sẵn có ở mọi người. Nói một cách khác, ai cũng có thể có minh triết. Đời thường còn có nghĩa là kinh nghiệm trong cuộc sống thường nhật.” Rồi từ đó, ông đưa ra một định nghĩa về minh triết: “ Minh triết là tính sáng khôn (có khi được diễn ngôn thoáng gọn) chủ yếu được sống và sống ở bình diện đạo lý đời thường, tuy vậy không xa lạ với đạo lý thánh hiền Tôi nhấn mạnh: “chủ yếu được sống và sống” bởi lẽ lẽ sống của nhà hiền triết là “sống” và “sống” minh triết chứ không phải “nói” và “nói” minh triết, thiên về cảm hóa lòng người hơn là quở trách thói đời”. Tôi nhấn mạnh thuộc tính “thiên về cảm hóa lòng người…”

Phải chăng là như vậy? 

  Trước hết, cần thấy câu nói của Ngô Thì Sĩ xuất hiện trong bối cảnh nào? Vào thời Lê Mạt, những phe phái nổi lên gây biến động chưa từng có cho xã hội. Kỷ cương rối loạn, đạo đức suy đồi. Trong tình hình đó, có những hủ nho tách khỏi thời cuộc, tự cho mình đứng trên lập trường của thánh nhân để phê phán nhân quần đang chới với trong nước sôi lửa bỏng. Ngô Thì Sĩ nói vậy là để phản bác những kẻ quan phương ấy. Câu nói không có gì đặc sắc. Chỉ là lời kêu gọi “đặt sự việc đúng chỗ của nó,”  kiểu như “đừng mang dao mổ trâu giết chim sẻ!” Câu nói cũng hoàn toàn trung tính, không hề có chuyện khinh trọng giữa đạo thánh hiền và đạo lý đời thường. Từ đó mà cho rằng minh triết là “đạo lý đời thường” e phiến diện. Phải chăng theo đó, chỉ đạo lý đời thường mới là minh triết, còn đạo thánh hiền thì không? Thực tế cho thấy đạo lý đời thường là minh triết mà đạo thánh hiền càng minh triết ở tầm cao hơn! “Nhân, trí, dũng” , “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” rồi “Vì kế một năm trồng lúa, vì kế mười năm rồng cây, vì kế trăm năm trồng người, vì kế nghìn năm trồng đức”… đều là đạo lý thánh hiền, không minh triết sao? Khi bị khốn ở nước Trần, Khổng tử than với học trò: “Có phải đạo của ta cao quá chăng nên người đời không theo kịp?” Nhiều học trò khuyên thầy hạ thấp đạo xuống cho hợp với đời. Chỉ duy nhất một người nói: “Thầy hãy giữ vững đạo của Thầy. Chính sự không chấp nhận của người đời càng chứng tỏ giá trị đạo của Thày!” Đó chính là “trung hành độc phục” (đi giữa bầy ác vẫn giữ lòng ngay thẳng - kinh Dịch), lời khuyên minh triết dành cho người quân tử. Và đó mới là tột cùng của minh triết! Cứu nhân độ thế chính là minh triết ở tầm cao ấy chứ không phải ở đạo lý đời thường! Vì vậy, chỉ dung nạp đạo lý đời thường mà trục xuất đạo thánh hiền không những dung tục hóa mà còn là sự phản minh triết một cách tệ hại!
Có đúng minh triết “thiên về cảm hóa lòng người hơn là quở trách thói đời”? Nếu vậy xin hỏi những câu “Bạc như dân, bất nhân như lính” rồi “Tệ hơn rận”, “Nuôi ong tay áo”, “Rước voi giầy mồ”… là quở trách hay cảm hóa lòng người? Và có minh triết không? Trừ phi những tục ngữ trên không được coi là minh triết thì tôi chịu; còn nếu chúng đích thị minh triết thì xin phép, phải hiểu Minh triết theo cách khác.
Tôi cảm nhận, Minh triết là sự khôn ngoan, sáng suốt tồn tại vô tư giữa cuộc đời, khách quan, trung tính với cả thiện và ác. Hình như là có hàng triệu cặp mắt xanh ranh mãnh bố phục khắp nơi, phát hiện, chắt lọc những gì được cho là khôn ngoan, sáng suốt nhất trong cuộc đời. Cái tinh chất chắt lọc ấy được gọi là Minh triết. Và chỉ bằng những điều minh triết như thế, văn hóa dân tộc được duy trì qua hàng vạn năm.
Có lúc lẩn thẩn, tôi nghĩ, nếu có ai hỏi: “Minh triết là gì,” tôi sẽ trả lời: “Vàng và cám!” Không đùa đâu, hoàn toàn nghiêm túc đấy. Vàng có minh triết của vàng còn cám có minh triết của cám. Tuy khác nhau nhưng đều có công năng. Khi được vận dụng đắc địa, một “hạt cám minh triết” sẽ có giá trị như vàng!
Tôi mường tượng, trong văn hóa Việt, Minh triết tồn tại theo bốn cấp độ là tu thân, tề gia, trị quốc và bình thiên hạ. Học ăn, học nói, học gói, học mở rồi hẳn hoi, tử tế… là minh triết,  nhưng là Minh triết của cấp độ Tu, Tề, cấp độ giúp con người tu thân, tề gia. Đấy chính là “đạo lý đời thường” dùng cho toàn thể chúng sinh. Nhưng cuộc đời không chỉ có thế, còn những kẻ quân tử, sĩ đại phu, gánh trên vai gánh nặng giang sơn, nòi giống. Vì vậy, trên tu, tề, có Trị, Bình là Minh triết của tầm nhân loại, tầm vũ trụ. Con người trong lĩnh vực này phải là “thượng thông thiên văn, hạ tri địa lý, trung quán nhân sự”. Đấy là tiêu chí các tiên sư Nho đặt ra cho trí giả phương Đông. Nhưng thế nào là thông, tri, quán? Một chuyện đau đầu! Chỉ nhờ triết gia Kim Định, ta mới biết rằng, đó chính là “Tham thiên, lưỡng địa”, là “Nhân chủ, thái hòa, tâm linh”, là đạo Việt an vi, là bình sản! Đó chính là hạt nhân minh triết đã “chỉ đạo”, “định hướng” và “nuôi dưỡng” nền văn hóa Việt hàng vạn năm qua. Xin hãy cứ chiêm nghiệm: có phải mọi ứng xử của con người với xã hội và thiên nhiên – nếu thực sự văn hóa, đều nhận ánh sáng, sức nóng từ những hạt nhân trên?
Sự kiện những người thổ dân châu Mỹ ở Caduevo phía bắc Canada “tôn trọng phụ nữ cùng sự hài hòa giữa các yếu tố trong vũ trụ rất giống người dân phía nam Trung Hoa” do học giả Levi Strauss nêu trong Nhiệt đới buồn đáng để suy ngẫm. Khảo cổ học và gần đây, di truyền học xác nhận, đó là những người Việt cổ đã di cư sang châu Mỹ qua eo Berinh khoảng 15.000 đến 30.000 năm trước. Như vậy là ít nhất 15.000 năm trước, “tôn trọng phụ nữ cùng sự hài hòa giữa các yếu tố trong vũ trụ” đã là phẩm chất văn hóa của người Việt cổ. Điều mà Levi Strauss cảm nhận được phải chăng là ánh sáng và sức nóng tỏa ra từ hạt nhân  “tham thiên lưỡng địa”, “Nhân chủ, thái hòa” ẩn tàng trong chiều sâu văn hóa? Chính cái hạt nhân bền vững ấy quy định văn hóa của người thổ dân châu Mỹ. Như vậy, Minh triết chính là hạt nhân của văn hóa? Cái “hạt nhân” ấy được hình thành không biết từ bao giờ, nhưng khi chia tay đồng bào mình để đi “làm ăn xa”, họ đã mang theo, như thứ hạt giống, để rồi ở đâu đó, “trứng rồng lại nở ra rồng”!
Các học giả phương Tây nói qua lời triết gia F. Julliens: “Minh triết không có lịch sử”! Đúng không? Có lẽ kết luận hơi vội bởi các học giả này quen nhìn thế giới qua lăng kính châu Âu, góc nhìn quá hẹp! Trong khi muốn minh định điều này phải thấu hiểu lịch sử toàn nhân loại, một lịch sử mà hôm nay còn ít người được biết.
Cho tới vài năm gần đây, người ta mới biết rằng, 40.000 năm trước, trên miền băng giá, tổ tiên người châu Âu ra đời, do sự kết hợp của dòng người từ Đông Á sang với dòng người từ Trung Đông lên. Suốt thời gian dài, họ là dân săn bắt hái lượm. Chỉ 10.000 năm cách nay, khi thời Băng hà cuối cùng chấm dứt, họ mới từ bỏ hái lượm để chuyển sang lối sống du mục. Có thể là bậc thềm đầu tiên của văn minh nhân loại nhưng lối sống hái lượm không phải là văn hóa. Và nói cho cùng, du mục cũng không phải là văn hóa. Văn hóa chỉ xuất hiện khi nghề trồng ngũ cốc ra đời, đúng như Paul C. Mangelsdorf, nhà thực vật học Đại học Harvard danh tiếng nhận định: “Không có nền văn minh nào xứng đáng với tên gọi đó cho tới khi phát hiện ra nông nghiệp trồng ngũ cốc.” Không phải vô cớ mà người châu Âu gọi trồng trọt (culture) là văn hóa. Chính bởi vì nhờ nông nghiệp sản xuất ngũ cốc, con người được nuôi dưỡng tốt hơn, nhiều người được giải phóng khỏi hoạt động kiếm ăn, lao động dư thừa, phân công lao động hình thành, con người chuyển từ khai thác, bóc lột thiên nhiên sang sống hài hòa với thiên nhiên, từ đó văn hóa ra đời.
Ở phương Tây, nông nghiệp ngũ cốc xuất hiện tại Lưỡng Hà khoảng 10.000 năm trước nhưng chỉ 5000 – 7000 năm cách nay, người nông dân từ Trung Đông mới di cư sang, đem theo lúa mì và nho, tạo dựng nghề trồng trọt ở châu Âu. Nhưng như khám phá của nhà di truyền học Bryan Sykes trong cuốn Bảy nàng con gái của Eva (NXB Trẻ, 2009) cho thấy, nông dân Trung Đông chỉ chiếm 20% số dân châu Âu. Điều này chứng tỏ rằng trong xã hội phương Tây, lớp trầm tích văn hóa mỏng! Chính vì vậy, vỉa minh triết cũng mỏng theo. Từ đó ta hiểu vì sao người phương Tây không coi trọng minh triết và cho rằng Minh triết không có lịch sử.
Khác với châu Âu, khi tới Đông Nam Á 70.000 năm trước, người tiền sử gặp điều kiện tự nhiên thuận lợi tới mức nơi đây được gọi là địa đàng. Đồng bằng Hainanland và Sundaland rộng mênh mông, ấm áp, rừng xanh nhiều muông thú, bờ biển nông, lắm cá tôm, sò ốc… Nhờ vậy sinh suất cao, nhân số tăng nhanh. Từ đây, con người tỏa ra chiếm lĩnh toàn địa bàn Đông Á. Do điều kiện tự nhiên thuận lợi mà con người sống tập trung, sớm phân công lao động, chế tác dụng cụ đá mài, sản xuất gốm và khoảng 20.000 năm trước phát minh ra cây kê và lúa nương. Lần đầu tiên con người tự nuôi sống bằng thức ăn do chính mình làm ra. Không còn phải ngửa tay ăn mày hay thô bạo tước đoạt thiên nhiên, con người thấy mình đứng cao hơn các loài vật khác và ý thức được phẩm giá của mình! Và văn hóa ra đời. Khoảng 15000 năm trước, gần giống ngày nay, băng hà tan, nước biển dâng cao, nhiều khoảng đồng ngập nước, diện tích kê thu hẹp. Nhưng thay vào đó, cây lúa nước ra đời. Với năng suất cao hơn, chất lượng dinh dưỡng tốt hơn, cây lúa nước nâng cao một bước chất lượng cuộc sống. Muộn nhất là từ thời điểm này, đặc tính “tôn trọng phụ nữ và sự hài hòa giữa các yếu tố của tự nhiên” được hình thành, để những người di cư mang tới châu Mỹ, trở thành đặc điểm văn hóa của thổ dân Caduevo.
Khoảng 4000 năm TCN, duyên hải Đông Á với 5% diện tích thế giới, có tới 54% nhân loại sinh sống*. Vì sao vậy? Chính là đất lành chim đậu, con người khôn ngoan tìm về nơi có điều kiện sống tốt nhất và cũng do điều kiện môi trường thuận lợi giúp con người sinh sản nhanh. Và chính ở đây, người Đông Á xây dựng nền văn minh nông nghiệp phát triển nhất thế giới. Đấy chính là cội nguồn văn minh phương Đông như chúng ta biết ngày nay.
Khoảng 2600 năm TCN, một sự biến lớn xảy ra: người du mục Mông Cổ từ Tây Bắc Trung Quốc vượt Hoàng Hà xâm lăng Bách Việt. Vào Trung Nguyên, người Mông Cổ phương Bắc từ bỏ lối sống du mục, học nghề nông của người bản địa và lập nhà nước Hoàng đế. Một điều tự nhiên xảy ra: người Mông Cổ hòa huyết với dân bản địa, sinh ra lớp con lai chủng Mongoloid phương Nam. Do người Việt đông, còn người Mông Cổ ít nên trong cộng đồng lai, gen Việt ưu thế. Với thời gian, người lai kế thừa văn hóa của tổ tiên Bách Việt và trở thành chủ thể của nhà nước Hoàng đế, tự gọi là người Hoa Hạ để phân biệt với người bản địa. Để giữ địa vị thống trị của mình, người Hoa Hạ xác lập vai trò chính thống của nhà nước Hoàng đế, biến người bản địa thành các tộc thiểu số “Man, Di, Địch, Rợ.” Độc chiếm văn hóa trong đó có chữ viết của người bản địa, người Hoa Hạ xây dựng lịch sử chính thống của nước Trung Hoa chỉ bắt đầu từ thời đại Hoàng đế. Nền văn minh nông nghiệp của người Việt bản địa bị chôn vùi! Từ số lượng đông đảo dân cư Việt chuyển hóa thành Hoa Hạ, từ gia sản văn hóa vĩ đại của tộc Việt, người Hoa Hạ xây dựng nền văn hóa Trung Hoa rực rỡ vào thời điểm 1500 năm TCN. Với độc quyền chữ viết, độc quyền lịch sử, văn hóa, nền văn minh này hàng nghìn năm nay được cho là sản phẩm riêng của Trung Hoa, tỏa sáng và “khai hóa” các dân tộc Đông Á khác! Một sự cướp đoạt vĩ đại nhất trong lịch sử. Hàng nghìn năm nay, không chỉ thế giới mà ngay cả những người đang thụ hưởng nền văn hóa ấy cũng không ngờ rằng do cướp đoạt mà có!
Nhưng sang thế kỷ này, bằng những khám phá di truyền học về nguồn gốc và quá trình loài người chiếm lĩnh Trái đất, khoa học cho thấy, người tiền sử đã từ châu Phi tới Việt Nam rồi từ Việt Nam lan tỏa ra khắp Đông Á. Cũng từ Hòa Bình, người Việt cổ đem văn hóa Đá Mới cùng nghề nông lên Trung Hoa…
Một vấn đề được đặt ra: đồng ý là người từ Việt Nam lên khai phá Trung Hoa. Nhưng lịch sử Trung Hoa chính là do khối người vĩ đại Hoa Hạ gầy dựng hơn 4000 năm nay. Vậy cái gọi là “văn hóa Việt” ấy thực sự là gì, phải chăng chỉ là những chiếc rìu đá mài cùng những hạt lúa, củ khoai, con gà, con chó? Còn tự bản thân mình, người Trung Hoa sáng tạo ra chữ viết, Hà đồ, Lạc thư, kinh Dịch, kinh Thi… nền văn hóa lừng lững cõi trời Đông mà thế giới phải nghiêng mình bái phục?! Vâng, có lẽ, cho dù biết được cội nguồn cùng tiến trình lịch sử của tổ tiên nhưng chúng ta sẽ còn bị thách đố lâu dài trước những câu hỏi hóc búa ấy!
May mà chúng ta có Kim Định, theo tôi, một người Việt thiên tài. Từ những năm 70 thế kỷ trước, dựa vào một sự kiện trong lịch sử Trung Hoa: “Trước khi người Hán vào Trung Nguyên, từ lâu, người Việt đã làm chủ 18 tỉnh của nước Tàu,” triết gia Kim Định đã giải mã những huyền thoại và truyền thuyết Việt để phát hiện rằng, thoạt kỳ thủy, trên địa bàn Trung Hoa, người Việt xây dựng nền văn hóa nông nghiệp độc đáo của mình, đó là Nguyên Nho hay Việt Nho. Hạt nhân của Việt Nho, theo ông là 4 yếu tố:
- Tham thiên lưỡng địa
- Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh
- Đạo Việt An vi
- Cơ chế bình sản.
Phát hiện “động trời” mang tính lật đổ của vị linh mục vì không thể chứng minh được bằng những chứng cứ thuyết phục nên bị nghi ngờ và phản bác dữ dội. Cho đến nay sự chỉ trích chưa thôi và không kém phần cay nghiệt! Nhưng chính đó là ngọn đèn pha soi sáng, dẫn đường cho chúng ta tìm lại nền văn hóa rực rỡ của tổ tiên bị chiếm đoạt 4500 năm nay!
Thiên tài của học giả Kim Định là ở chỗ, từ nền văn hóa có bề dầy hàng vạn năm, qua nhiều nghìn năm lưu lạc giữa những Hán nho, Tống, Minh, Thanh nho, bị cố tình vùi lấp, chiếm đoạt và bị đánh tráo, xuyên tạc, ông khám phá ra những yếu tố văn hóa cội nguồn của tộc Việt! Tôi nghĩ, đó chính là những hạt nhân minh triết trầm tích trong chiều sâu văn hóa, tỏa ánh sáng và sức nóng nuôi dưỡng nền văn hóa Việt.
Như thế, tôi cho rằng, cũng như văn hóa, Minh triết có lịch sử. Lịch sử Minh triết xuất hiện cùng lịch sử loài người. Khi người nguyên thủy cầm cành cây hay cục đá giết con thú thì đó là bản năng. Nhưng khi con người mài sắc hòn đá để chế tác đồ dùng hay bện dây rừng thành lưới bắt cá, bắt thú thì đó là văn hóa. Và những gì tinh túy nhất, khôn ngoan sáng suốt nhất được tích lũy trong văn hóa là Minh triết. Cùng với tiến trình lịch sử loài người, trầm tích minh triết dầy thêm. Vai trò Minh triết trong văn hóa giống như vai trò của hạt nhân trong nguyên tử. Nếu hạt nhân quy định bản chất của nguyên tố thì minh triết quy định bản chất của văn hóa.
 Phương Tây có bề dầy văn hóa và minh triết mỏng. Ở phương Đông, bề dầy văn hóa cùng minh triết lớn hơn nhưng vì chưa được nghiên cứu khám phá, sự hiểu biết của chúng ta còn hạn chế. Từ suy nghĩ như vậy, tôi đưa ra một định nghĩa về Minh triết:
“Minh triết là sự khôn ngoan, sáng suốt trầm tích trong chiều sâu nhất của văn hóa, tỏa ánh sáng và sức nóng nuôi dưỡng nền văn hóa dân tộc.”
                        
                       II MINH TRIẾT Ở PHƯƠNG ĐÔNG
 
Cho đến nay người ta biết về Minh triết phương Đông cũng giống như biết về lớp váng mỡ trên mặt bát xáo. Điều này dễ hiểu vì Minh triết ẩn trong văn hóa. Muốn hiểu Minh triết phải hiểu hết chiều sâu văn hóa. Nhưng muốn hiểu được văn hóa phải hiểu tới tận cùng lịch sử. Một việc còn khó hơn tìm đường lên trời! Cho tới nay, dù có “nhị thập tứ sử” (24 cuốn sử) thì người Trung Hoa cũng chẳng biết tổ tiên gốc gác họ là ai! Không chỉ Khương Nhung tác giả Tôtem Sói mà ngay cả học giả tiên phong Zhou Jixu, trong Cội nguồn văn minh ở Trung Quốc, cũng lầm lẫn khi cho rằng tổ tiên người Trung Quốc là người Ấn Âu từ phương Tây sang!
 Điều này không lạ vì cho tới nay, chưa mấy ai có thể nói là người hiểu lịch sử phương Đông. Một lịch sử bị chiếm đoạt, bị chôn vùi, bị xuyên tạc và đầy ngộ nhận mà chỉ vài năm nay, nhờ nhiều thành tựu của khoa học nhân loại, mới hé lộ.
Với vài chục bài viết và hai cuốn sách (Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt. NXB Văn học, 2007 và Hành trình tìm lại cội nguồn. NXB Văn học, 2008) nhiều lần tôi trình bày vấn đề này. Ở đây, xin khỏi nhắc lại.
                                                   *
Nửa thế kỷ trước, trong bối cảnh mù mờ cả về cội nguồn, lịch sử và văn hóa, Giáo sư Kim Định, bằng việc giải mã những huyền thoại, truyền thuyết Việt, đã khai quật quá khứ, phát hiện văn hóa cội nguồn của tộc Việt là Việt Nho với 4 hạt nhân:
1. Quan niệm về vũ trụ tham thiên lưỡng địa.
2. Quan niệm nhân sinh: Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh.
3. Đạo Việt an vi.
4. Bình sản.
1. Quan niệm về vũ trụ tham thiên lưỡng địa.
“Nhất âm, nhất dương chi vị đạo”:  Âm và Dương đó là đạo! Đạo ấy là sự vận hành của vũ trụ. Đúng là Âm và Dương tạo ra đạo. Nhưng cái “đạo” đang lưu hành trong vũ trụ là bao nhiêu Âm cùng với bao nhiêu Dương? Nếu là cân bằng tĩnh một Âm (-1) + một Dương (+1) thì vũ trụ triệt tiêu, không tồn tại! Trên thực tế, vũ trụ vận hành theo chiều hướng đi lên, tích cực, có nghĩa là Dương chiếm ưu thế. Nhưng ưu thế tới mức nào? Người phương Đông khôn ngoan đã nhận ra Âm và Dương vận động hòa hợp trong phạm vi con số 5 vũ trụ! Dương + Âm = 5= con số vũ trụ! Nhưng vấn để đặt ra là, trong con số vũ trụ đó, Dương bao nhiêu và Âm bao nhiêu? Chỉ có 2 đáp án: hoặc Dương 4, Âm 1 hoặc Dương 3, Âm 2! Đó là hai cách lựa chọn của con người cho sự phát triển. Minh triết phương Đông nhận ra 3 Dương + 2 Âm là con số vàng của vận hành vũ trụ. Cuộc sống là đi lên, là tăng trưởng, là Dương nhưng trong đó phần của Dương của Trời là 3 còn giành cho Đất, cho Mẹ 2 phần sẽ đạt tới sự hài hòa cao nhất. Nhận thức ra bí mật lớn này của vũ trụ nhưng phương Đông không cứng nhắc nói “tam thiên nhị địa” mà ghi nhận theo minh triết “tham thiên lưỡng địa”: đúng là 3 /2 đấy nhưng không phải là tương quan toán học bất định mà là tương quan biện chứng: lúc 3 nhưng có khi du di lớn hoặc nhỏ hơn 3 chút ít, đảm bảo sự năng động của phát triển.
Quan niệm như vậy của phương Đông khác hẳn quan niệm phương Tây. Vốn từ những người săn bắt hái lượm trọng động, chuyển sang du mục cũng trọng động, phương Tây quan niệm về một phương thức sống năng động, triệt để khai thác thiên nhiên cùng cạnh tranh với những bộ lạc khác. Trong con mắt của người phương Tây, vũ trụ cũng như cuộc sống vận hành theo tỷ lệ Dương 4 Âm 1. Đó là sự phát triển nóng, dẫn tới Dương cực thịnh, Âm cực suy, cuối cùng là phá vỡ cân bằng của thiên nhiên, của xã hội, gây ra thảm họa cho con người.
2. Quan niệm nhân sinh: Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh.
Từ văn hóa nông nghiệp lúa nước quán chiếu nhân sinh cùng vũ trụ, người phương Đông thấy rằng, vũ trụ hợp thành từ 3 yếu tố: Thiên, Địa và Nhân, trong đó con người là trung tâm của mối quan hệ này! Là chủ thể của vũ trụ, con người giữ quan hệ thái hòa với thiên nhiên vũ trụ cũng như với đồng loại. Và một khi con người đã Nhân chủ, Thái hòa như vậy thì đó là con người Tâm linh, cảm thông, linh ứng với những thế giới siêu nhiên khác.
3. Đạo Việt an vi.
Để sống được trong mối quan hệ như vậy với vũ trụ và đồng loại, con người cần thi hành đạo An vi. Trái với hữu vi là mọi hoạt động đều vì mối lợi nên tranh giành, chiếm đoạt. Trái với vô vi bị động, tiêu cực không ước mơ, không ham muốn, bàng quan, lánh đời… An vi là đạo sống tích cực hết lòng nhưng không phải do thôi thúc từ tư lợi mà do sự cần thiết của lợi ích chung. Trong khi phương Tây làm việc và sáng tạo vì lợi ích cá nhân thì phương Đông cũng làm việc, sáng tạo hết mình vì lợi ích chung trong sự đam mê của niềm vui và danh dự.
4. Bình sản
Ba hạt nhân trên sở dĩ tồn tại được là do đứng trên cơ chế bình sản. Đó là cơ chế đảm bảo sự công bằng nhất định trong phân chia thu nhập của cộng đồng. Không hề là chủ nghĩa bình quân vì không có ai toàn quyền phân phối của cải mà là bình sản nhằm đạt tới sự công bằng tương đối về tài sản. Trong ký ức phương Đông còn ghi lại cách phân chia tài sản thời cổ, đó là tỉnh điền: Cộng đồng chung tay vỡ khu ruộng, người ta cố làm cho khu ruộng vuông vức, sau đó chia làm 9 phần đều nhau. Tám gia đình cày cấy 8 phần xung quanh đồng thời chung tay chăm sóc phần ruộng giữa, gọi là ruộng giếng (tỉnh điền). Phần thu hoạch từ “tỉnh điền” được nộp vua. Sau này, cơ chế bình sản được chuyển sang hình thức công điền. Đến trước năm 1945 ở Việt Nam vẫn còn 20% công điền, ba năm một lần làng chia cho người nghèo cày cấy.
Bốn yếu tố kể trên là những đặc tính của văn hóa Việt cổ mà tôi gọi là hạt nhân minh triết, được hình thành từ xa xưa cho tới cuộc xâm lăng của nguời Mông Cổ. Giống như trận động đất, cuộc xâm lăng làm đảo lộn triệt để cuộc sống và do đó làm thay đổi lịch sử, văn hóa người Việt. Trên bãi đổ nát của văn hóa Việt, văn hóa Hoa Hạ ra đời. Cho tới 1500 năm TCN, văn hóa Hoa Hạ trở thành nền văn hóa rực rỡ ở phương Đông. Khoảng 500 năm TCN, khi nhà Chu tan rã, nền văn hóa này sụp đổ theo. Nhờ Khổng tử dùng những tư liệu trong kho sách của vua nhà Chu chép thành kinh Thi, kinh Thư, kinh Dịch, kinh Lễ… hậu thế mới biết về văn hóa thời đó. Là văn hóa Hoa Hạ, nhưng trong đó chứa hạt nhân của nền văn hóa sinh ra nó là văn hóa Việt cổ.
Có điều dễ thấy là, nếu trong những kinh điển nguyên thủy của Khổng nho, hàm chứa nhiều yếu tố nhân chủ, thái hòa nhân bản của văn hóa Việt thì sau này, cùng với sự tăng cường của thể chế quân chủ chuyên chế và sự xâm nhập nhiều hơn của người du mục Mông Cổ, nền văn hóa và chính trị Trung Hoa ngày càng đậm hơn máu sói (nói theo tác giả Totem Sói) nghiêng về văn hóa du mục: đề cao nhà cầm quyền, hạ thấp vai trò của người dân và đặc biệt là đàn áp phụ nữ và người thiểu số. Khi mất dần yếu tố nhân bản và dân chủ, xã hội Trung Hoa và phương Đông bị thoái hóa, lạc hậu, trở thành mồi ngon cho sự xâm lăng của các cường quốc phương Tây.
Mặt khác, ta cũng thấy rằng, mặc dù chính trị, văn hóa, xã hội suy đồi nhưng minh triết phương Đông vẫn tồn tại trong dân gian như một phẩm chất vững bền. 
Ở phương Đông, Minh triết trải ra trên biên độ rộng, từ nôm na đời thường như củ khoai cây lúa tới những ý tưởng cao xa ngang với thánh thần. “Nói phải củ cải cũng nghe”, “Tay đứt, ruột xót”, “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”… ai cũng thấy, cũng hiểu và có thể vận dụng. “Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh.” (Lão tử); “Thiên thông minh tự ngã dân thông minh, thiên minh úy tự ngã dân minh úy (Trời sáng suốt là do dân sáng suốt, Trời gieo họa phúc là do lòng dân gieo họa phúc - Kinh Thư, Cao dao mô) rồi “Thiên tử dĩ dân vi thiên, dân dĩ thực vi thiên” (Vua lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời - Lục sinh)… tới giờ còn làm đau đầu nhiều thức giả. Xem ra như vậy Minh triết có vai trò vô cùng quan thiết trong cuộc sống. Đó là ông thầy sáng suốt, khôn ngoan giúp tư vấn, định hướng, điều chỉnh mọi suy nghĩ, hành động của con người, từ bình dân ít học tới kẻ sĩ đại phu.
Nói đến Minh triết, không thể không nói tới tuyệt phẩm kỳ vĩ nhất của tộc Việt là kinh Dịch. Huyền thoại cho hay: “Phục Hy tác Dịch, Thần Nông giáo dân nghệ ngũ cốc”. Khảo cổ học phát hiện vết tích sớm nhất của lúa trồng bên bờ Dương Tử 12000 năm trước. Còn theo Solheim II và Oppenheimer, có thể 15000 năm trước, cây lúa được phát minh tại nơi nào đó ở Đông Nam Á. Phục Hy sống trước Thần Nông, vậy Dịch phải ra đời trước 15000 năm trước. Điều này cũng là bằng chứng cho thấy Minh triết có lịch sử!
Từ chỗ thấm đẫm sự màu nhiệm của bốn hạt nhân minh triết, người Việt xưa làm tập đại thành của minh triết là Dịch: “Cổ giả Bào Hy thị vương thiên hạ giả, ngưỡng tác quan thượng ư thiên, phủ tắc quan pháp ư địa, quan điểu thú chi văn, dư địa chi nghi, cận thủ ư thân, viễn thủ chư vật, ư thị thủ tác Bát quái dĩ thông thần minh chi đức, dĩ loại vật chi tình” (Ngày xưa họ Bao Hy cai trị thiên hạ, ngửng lên nhìn trời, cúi xuống nhìn đất, xem xét dấu vết của chim thú, hình tượng đất đai, gần thì lấy ở thân mình, xa thì lấy ở vật, rồi làm ra tám quái để thông suốt cái đức của thần minh, điều hòa cái tình của vạn vật - Khổng tử, Hệ từ truyện) “Phù Dịch khai vật thành vụ, mạo thiên chi đạo, như tư nhi dĩ giả dã, thị cố thánh nhân dĩ thông thiên hạ chi chí, dĩ định thiên hạ chi nghiệp, dĩ đoán thiên hạ chi nghi.” (Dịch mở mang trí chí cho loài người, tạo thành muôn việc, gồm hết các đạo lý trong thiên hạ, cho nên thánh nhân dùng nó để thông cái chí của thiên hạ, thành tựu những việc trong thiên hạ, quyết đoán sự ngờ vực của thiên hạ.- Khổng tử, Hệ từ truyện)
Kinh Dịch là cuốn sách không lời thâu tóm vào nó bản thể và quy luật vận hành của vũ trụ đồng thời của mọi vật trong trời đất, từ hành tinh, thiên hà tới những nguyên tố tế vi nhất. Dịch không chỉ giúp giải đáp những sự việc hiện tại mà còn soi tỏ quá khứ, thấu tới vị lai… Người ta quen biết tới Dịch là công cụ bói toán nhưng không chỉ thế, Dịch là công cụ vô song giúp tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Dịch là đỉnh điểm của Minh triết Việt.
Nhưng có điều không hiểu vì sao phương Đông chưa có sự nghiên cứu nào chuyên sâu về Minh triết? Và cho tới nay, Minh triết tồn tại trong cuộc đời tự nhiên, nhi nhiên như cỏ dại! Có bài thơ cổ: “Chi lan chủng bất vinh, kinh cức chiết bất khứ, nhị giả như nại hà, bồi hồi tuế tương mộ.” Vì sao cây chi cây lan trồng không tươi tốt, còn loài cây gai nhổ không hết, nghĩ chưa hiểu được thì đời đã xế chiều! Trong khi đó, “chi, lan” trong văn hóa là Minh triết thì không ai trồng mà cứ xanh tốt, lan ra như cỏ mùa xuân! Phải chăng, một đằng thì Minh triết quá chừng cao xa linh ứng như thần thánh nên con người chỉ có thể cảm nhận mà không thể và không được cật vấn? Một đằng do Minh triết lại quá thông tục, đời thường, dễ hiểu lại sẵn có như khí trời, không phải mua bán, vay mượn nên chẳng cần đi sâu tìm hiểu làm gì?
 Có điều rõ ràng là phương Đông biết vận dụng minh triết từ xa xưa. 3000 năm trước, thời nhà Chu có chức quan chuyên thu lượm những câu ca từ nơi dân dã đem dâng vua để rồi căn cứ vào đó thiên tử bình xét phong tục tập quán từng vùng đất và khen ngợi hay trách phạt vua chư hầu. Những câu ca ấy sau này một phần được Khổng tử chọn chép thành kinh Thi, viên ngọc sáng của văn hóa phương Đông. Thu nhặt những câu ca như vậy chính là việc sưu tầm những hạt minh triết trong dân gian chất chứa vào kho tàng minh triết của quốc gia. Sau này việc lấy dân ca, ca dao làm tiêu chí thưởng phạt không còn nhưng trong dân, dân ca, ca dao tục ngữ luôn xuất hiện để ca ngợi hay chê bai sự cai trị của từng thời cùng phong tục tập quán của mỗi vùng đất: “Đời vua Thái tổ, Thái tông, lúa mọc đầy đồng trâu chẳng muốn ăn”; “Bộ Binh bộ Hộ, bộ Hình, ba bộ đồng tình bóp vú con tôi”; “Tháng Tám có chiếu vua ra, cấm quân không đáy người ta hãy hùng”; “Dưa La, húng Láng, tương Bần. Nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét”, “Vó Vạn Đồn, l. Cổ Am” , “Vật du Kha Lý thị, vật thính Ô Trình ngôn, vật thú Diêm Điền thê, vật giao Hổ Đội hữu”… Những câu như vậy sau này được cho là những viên ngọc quý của văn học dân gian. Có một thời người ta cho rằng văn học dân gian chỉ xuất hiện dưới chế độ phong kiến, thể hiện thái độ chống đối của người dân bị bọn thống trị đàn áp bóc lột còn trong thời đại “dân chủ của chúng ta”, văn học dân gian không cần thiết nữa nên đã chuyển hóa trở thành “văn nghệ quần chúng”. Nhưng thực tế cho thấy, trong nửa thế kỷ qua, một lượng lớn ca dao, phương ngôn, tục ngữ, truyện tiếu lâm xuất hiện. “Quân với dân như cá với nước” trong thời kháng chiến; “Nhất Đội nhì giời” trong thời Cải cách. Và trong thời bao cấp: “Thủ kho to hơn thủ trưởng” - “Một người làm việc bằng hai, để cho chủ nhiệm mua đài mua xe” - “Cái gì cũng phân, phân như cứt”- “Nhất thân, nhì quyền, tam tiền, tứ chế” – “Cán bộ cao ăn cung cấp, cán bộ thấp ăn chợ đen, cán bộ quen vào cổng hậu”… cho thấy một thực trạng xã hội. “Chất xám không bằng cám lợn”; “Cả đời phấn đấu không bằng cơ cấu một lần”; “Đảng cần phụ nữ, tôi là đàn ông, đảng cần công nông, tôi là trí thức. Đảng cần đức, tôi có tài. Đảng sửa sai, tôi ra nghĩa địa.”… nói lên sự bất ổn trong việc dùng người. Và tục ngữ của hôm nay: “Đảng chỉ tay, Quốc hội giơ tay, Mặt trận vỗ tay, Chính phủ ra tay, công an còng tay, nhân dân trắng tay”!… Trong bài nói ở Trung tâm Minh triết tại Hà Nội, triết gia Francoise julliens cho rằng, ở phương Đông Minh triết không làm chính trị. Điều này đúng vì minh triết không bao giờ là những học thuyết chính trị nhưng trong vai trò tích cực của mình, Minh triết luôn ủng hộ chính trị vương đạo và bài xích chính trị bá đạo. Bài xích không phải theo cách trực tiếp phủ định mà thường là biến những sai lầm, bất cập của chính trị bá đạo thành trò cười. Đó chính là tín hiệu mà 3000 năm trước, thiên tử nhà Chu nhận biết để điều chỉnh chính sách cai trị. Điều này cũng hoàn toàn đúng với ý kiến của Các Mác: “Giai đoạn cuối cùng của một sự việc, đó là sự khôi hài.”
Trong những luận bàn về Minh triết gần đây thấy nói tới “Minh triết Trần Nhân tông”, “Minh triết Nguyễn Trãi”, “Minh triết Hồ Chí Minh”…Tôi phân vân: liệu nói vậy có thỏa đáng? Nếu nói như vậy là đúng thì vì sao từ xa xưa chưa có ai xưng tụng “Minh triết Khổng tử”, “Minh triết Mạnh tử”? Khổng tử được coi là bậc thánh, là ông thầy của muôn đời. Nếu cứ là người viết sách, dạy học thì có lẽ ngài là người tuyệt vời minh triết. Nhưng do nôn nóng thực thi đạo để cứu đời, ngài gây ra không ít chuyện bất cập. Từ bậc thầy của đạo trung dung, khi được nắm quyến, vì sốt sắng chứng tỏ cái đạo của mình, ngài mạnh tay xử phạt các quan có lỗi khiến người ta sợ hãi, dẫn đến việc ngài bị bãi chức. Vì quá nhiệt thành thi hành đạo mà không nghĩ xa, ngài bị đối phương dùng kế ly gián khiến thất sủng! Vì muốn được dùng, có khi ngài định thờ kẻ phạm trọng tội giết vua, chiếm ngôi. Rồi cũng vì muốn được dùng, ngài đã gặp người đàn bà dâm bôn Nam Tử, mang tiếng xấu không rửa được! Phải chăng vì thấy con người cụ thể, dù có là thánh Khổng thì cũng “vô thập toàn” nên người xưa không xưng tụng “minh triết Khổng tử”? Vì sao trong khi không nói “Minh triết Khổng tử” thì người xưa lại tinh tế công nhận câu nói của Lục sinh “Thiên tử dĩ dân vi thiên, dân dĩ thực vi thiên” là minh triết?
Nguyễn Trãi vô cùng sáng suốt trong sách lược giải phóng và bảo vệ đất nước. Ông sáng láng trong đạo “trị, bình” nhưng trong cuộc sống đời thường, thuộc đạo “tu, tề” ông đã vô minh dẫn tới thảm họa diệt tộc. Lời phê của vua Tự Đức có vẻ khắc nghiệt nhưng xét kỹ, không thấy có gì quá đáng: “Đời Lê Thái tông, vua thì buông tuồng, bày tôi thì chuyên quyền. Trãi nếu là người hiền thì nên sớm liệu rút lui, ẩn náu tung tích để cho danh tiếng được toàn vẹn. Thế mà lại đi đón trước ngự giá, thả lỏng cho vợ làm việc hoang dâm, vô liêm sỉ. Vậy thì tai vạ tru di cũng là tự Trãi chuốc lấy. Như thế sao được gọi là người hiền?” Cụ Hồ có công lớn giải phóng đất nước, Cụ đoán việc như thần. Nhưng một khi áp đặt lên dân tộc một thiết chế độc tài toàn trị thì việc mưu cầu “tự do, hạnh phúc” cho dân chỉ là leo cây để tìm cá! Một khi thiết lập chuyên chính vô sản, trao cho cán bộ quyền hành vô hạn dân không kiểm soát được thì việc Cụ hô hào “nâng cao đạo dức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” chỉ là hoang tưởng. Đạo “tề gia” của Cụ cũng bất tường… Nếu nói như Hoàng Ngọc Hiến: ““chủ yếu được sống và sống” bởi lẽ lẽ sống của nhà hiền triết là “sống” và “sống” minh triết chứ không phải “nói” và “nói” minh triết,” thì cuộc sống đời thường của cả Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh liệu có minh triết? Nói “minh triết Nguyễn Trãi, minh triết Hồ Chí Minh” rõ ràng không thỏa đáng. Chỉ là sự xưng tụng dễ dãi không góp gì cho học thuật.
Nếu có ai đó thực sự minh triết thì có lẽ là Lão tử. Như con rồng trên mây, ngài chỉ hiện ra trong chốc lát, quở trách, dạy dỗ Khổng tử vài câu rồi cưỡi trâu đi mất, để lại 5000 chữ đầy minh triết. Nhưng như vậy cũng không đúng theo quy chuẩn Hoàng Ngọc Hiến vì ta chỉ thấy minh triết trong sự “nói” của ngài! Có lẽ người minh triết duy nhất là cậu bé làng Gióng: khi đất nước lâm nguy thì vươn mình lên cứu nước. Hết giặc bay về Trời. Nhưng Gióng không là người mà là thần thánh! Vậy cũng có nghĩa là chẳng hề có minh triết Thánh Gióng!
Gần đây, khi phong trào nghiên cứu Minh triết rộ lên, nhiều người có xu hướng biến Minh triết thành môn học thực dụng như là triết học để đem lại lợi ích cho xã hội. Có người yêu cầu Minh triết phải có khái niệm. Có người đề xuất “phát triển minh triết”! Không hiểu người ta định “phát triển” Minh triết như thế nào đây? Phải chăng là làm dự án cho kế hoạch 5 năm, 10 năm và tầm nhìn tới…?! Thiển nghĩ, Minh triết là cái khôn ngoan, sáng suốt sinh ra hàng vạn năm trước và tồn tại phiêu du như gió. Ai nhốt được gió thì may ra người đó có thể “khái niệm hóa” và “phát triển” Minh triết! Sống ít nhất 160.000 năm trước ta, người khôn ngoan Homo sapiens đã sáng tạo và tích lũy đủ mọi thứ khôn ngoan sáng suốt, tới mức chẳng còn gì để chúng ta “phát triển”! Thêm nữa, nếu muốn “phát triển” minh riết thì cũng cần thời gian vô hạn! Trồng đức phải 1000 năm, vậy thì trồng “minh triết” chí ít cũng 10 lần năm tháng đó! Than ôi, cõi nhân sinh trăm năm của ta quá ngắn!
Vì vậy, theo tôi, đám hậu sinh chúng ta chẳng việc gì phải mơ hão “phát triển” hay “khái niệm hóa” Minh triết, mà hãy chuyên tâm ứng dụng, vận dụng minh triết sự minh triết của tổ tiên. Có thể cách làm như sau:
- Mở cuộc thi trên mạng internet để mọi người đóng góp những câu nói và việc làm mà họ cho là minh triết. Từ đó chọn lọc, in thành sách, giống như cái “kinh Minh triết” người phương Tây đã làm.
- Soạn cuốn sách: “Những trường hợp ứng xử minh triết” với bút pháp vui tươi, dí dỏm, vừa nghiêm túc vừa mang tính khôi hài, hấp dẫn, bán giá rẻ cho nhiều người đọc. Sách này giúp con người vận dụng ứng xử trong những tình huống cụ thể.
- Giống như thiên tử nhà Chu xưa, các nhà quản lý quốc gia căn cứ vào những ca dao, tục ngữ, chuyện tiếu lâm… để điều chỉnh chính sách cũng như khen thưởng, kỷ luật các quan cai trị địa phương.
Thấy có người nói “kinh tế minh triết” nhưng chưa ai đưa ra định nghĩa, cũng chưa có mô hình nên mới chỉ là khái niệm truyền miệng. Nhưng chịu khó suy ngẫm thì đó là đề xuất hay. Xin đưa ra một thí dụ để cùng suy ngẫm.
Tới Tiền Giang, tôi hơi yên tâm vì nạn dịch công nghiệp hóa chưa tàn phá nơi này. Vết sẹo đô thị hóa chưa lớn. Mừng là về cơ bản nơi đây vẫn là nông thôn truyền thống với 3 vùng kinh tế. Vùng lúa, vùng nuôi thủy sản và miệt vườn. Nhận phù sa và nước ngọt sông Tiền, vùng lúa Tiền Giang đang dẫn đầu cả nước về hiệu quả, gần đến độ tối ưu trong hoàn cảnh hiện nay. Có ai đó nói chí lý: “Đừng dạy người nông dân xuất khẩu lương thực đứng thứ hai thế giới cách làm ra hạt lúa!” Câu nói này càng đúng với Tiền Giang. Vùng nuôi cá nước ngọt với những bè cá Basa, Diêu hồng… chưa làm sông Tiền ô nhiễm. Nghêu, sò nuôi bán tự nhiên ở vùng cửa biển đạt hiệu quả cao. Vườn Tiền Giang là điển hình của “văn minh miệt vườn” Nam Bộ. Các chủ vườn đang liên kết thành những khu chuyên canh cây đặc sản. Họ bỏ tiền thuê kỹ sư về tạo giống, chăm sóc cây cùng những chuyên viên tiếp thị xây dựng thương hiệu “Vú sữa Lò rèn”, “Bưởi Năm roi”, “Sầu riêng hạt lép”... Những làng nghề đang khoe sắc và du lịch sinh thái ngày thêm chuyên nghiệp. Đường xóm ấp trải bê tông, dưới bóng cây sum suê mát rượi, trong nhà đầy đủ tiện nghi hiện đại. Không dám sánh với Sài Gòn về GDP nhưng người chủ vườn sung túc nơi đây chấp tất cả mọi đô thị về cuộc sống bình an, về môi trường sống trong lành, về lòng người thanh thản. Nếu thế giới đặt ra chỉ tiêu cuộc sống hạnh phúc thì người nơi đây chiếm thứ hạng cao!
Gọi nền kinh tế nơi đây là gì? Phải chăng là “kinh tế tiểu nông” theo cách nói quen thuộc? Hay là “phương thức sản xuất châu Á” như tổ sư Các Mác khinh khi? Tôi nghĩ, đó là nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam được tích lũy qua lịch sử hàng ngàn năm, có hấp thụ tri thức hiện đại của nhân loại. Đó chính là kinh tế minh triết. Vậy thì phải chăng kinh tế minh triết là nền kinh tế tạo cuộc sống hạnh phúc trên cơ sở giữ môi trường tự nhiên tốt đẹp?
                          III. MINH TRIẾT VÀ NHÂN LOẠI
 
Vào thập niên cuối của thế kỷ XX, khi Liên xô cùng khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, có những trí tuệ hàng đầu nhân loại viết điếu văn đưa ma chủ nghĩa cộng sản đồng thời tụng ca chủ nghĩa tư bản tận trời xanh. Nhưng khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn bùng nổ ra thì ngược lại, người ta không hết lời thóa mạ chủ nghĩa tư bản đồng thời kêu gọi thế giới trở về với giáo điều macxit! Chuyện này không lạ bởi lẽ từ xưa người dân Việt có câu “Con kiến mà leo cành đa, leo phải cành cụt leo ra leo vào…” Nhưng khốn nỗi, đây không phải chuyện bình thường mà là mối nguy lớn vì nó bộc lộ sự khốn cùng của trí tuệ nhân loại, khi loài người mắc kẹt giữa bãi lầy, không tìm thấy đường cứu chính mình!
Bài viết này muốn đề xuất một con đường cứu nhân loại.
                                                               *
Bảy mươi năm là chớp mắt trong lịch sử nhưng cũng đủ dài để loài người hiểu về chủ nghĩa cộng sản. Sự sụp đổ như đã diễn ra là tất yếu. Một sự sụp đổ hoàn toàn, không thể sửa chữa. Sụp đổ chính là do nó được xây trên hai cột trụ phản tự nhiên: chuyên chính vô sản và xóa bỏ tư hữu.
Minh triết Việt quan niệm về một vũ trụ Thái hòa. Năm nhân tố cấu thành vũ trụ là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ vừa tương khắc lại vừa tương sinh, quan hệ hữu cơ với nhau, không yếu tố nào vượt trội, trở nên tuyệt đối, lấn ép yếu tố khác. Ngay Thổ được coi là trung tâm nhưng cũng nằm trong mối ràng buộc, bị Mộc khắc và được Hỏa sinh. Cũng như vậy, ở phương Đông, tứ dân: sĩ, nông, công, thương, tuy sĩ đứng đầu, dẫn dắt xã hội nhưng không phải là sự chuyên chính của trí thức. Bởi vì “nhất sĩ nhì nông” nhưng “hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ!” Vì vậy khi xác lập sự chuyên chính của một giai cấp lên các giai cấp khác tất làm phá vỡ mối thái hòa trong xã hội, dẫn tới sự nghiêng lệch, rối loạn kỷ cương mà kết quả tất yếu là làm đổ vỡ cộng đồng.
Trong xã hội phương Đông cổ, vương quyền thống trị. Nhưng vương quyền là của dòng họ, không phải là một giai cấp, càng không phải là sự thống trị vĩnh viễn. Ngay Khổng tử, lý thuyết gia của thể chế quân chủ cũng nói: “Nếu vua hôn ám thì đổi nó đi!” Vào thời Khai sáng, những đầu óc canh tân tiên phong như Vonte cũng mơ ước sự cai trị của đạo Khổng tử, nơi dân có quyền lật đổ vua chúa, nơi mà người cai trị được chọn ra từ những kỳ thi! Xác lập chuyên chính của một giai cấp lên xã hội đã là sai lầm. Nhưng khi giai cấp ấy là vô sản thì sự sai lầm lớn và tác hại hơn nhiều. Giai cấp vô sản là gì? Là những người không tài sản, không tư liệu sản xuất, chuyên đi làm thuê. Là người chưa từng sở hữu một mảnh ruộng, một xưởng máy, bỗng chốc, sau một cuộc đảo lộn, trở thành kẻ lãnh đạo quốc gia, thử hỏi họ sẽ “lãnh đạo” thế nào? Trong trí thức Hà Nội còn lưu truyền câu chuyện sau: bên lề một cuộc họp, ông Bùi Công Trừng, một ủy viên Trung ương Đảng nói với Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Anh Ba à, coi chừng cái chuyên chính vô sản của anh trở thành chuyên chính vô học đấy!” Nhìn vào những đất nước mà người vô sản nắm quyền, ta thấy lo, thương và sợ cho dân của họ như người Campuchia dưới thời Polpot, người Triều Tiên dưới trướng Kim Chính Nhất, người Venesuela dưới trướng kẻ phiêu lưu Hugo Chavez!
Cột trụ thứ hai: xóa bỏ tư hữu càng nguy hại hơn vì nó xóa bỏ cơ sở tồn tại hàng vạn năm của loài người. Hàng vạn năm, con người có tài sản riêng để thông qua đó sinh lợi, nuôi sống bản thân cùng gia đình, nuôi dạy con cái, tái tạo không chỉ nhân lực mà còn là trí tuệ, văn hóa cho xã hội. Tài sản riêng là một sự khẳng định phẩm giá của con người. Vonte nói chí lý: “Người không có gì là người chả ra gì!” Con người có còn là con người nữa không, xã hội có còn là xã hội nữa không, khi nhân dân chỉ là một đám đông tay trắng, toàn bộ cuộc sống phụ thuộc vào sự ban phát mang tên là “phân phối” của nhà nước? Xóa bỏ tư hữu biến xã hội thành “trại súc vật” như trong truyện của G. Owen. Chuyên chính vô sản, xóa bỏ tư hữu là phản tự nhiên, phản tiến hóa và chống lại loài người. Sự đổ vỡ của khối xô-viết sinh ra từ đấy! Và đó là quy luật thép của cuộc sống. Để tồn tại, những nước “xã hội chủ nghĩa” còn sót lại, buộc phải thích ứng bằng cách phản bội chủ nghĩa Mác: giữ chuyên chính vô sản như cái vỏ, như một lá bùa, còn bên trong là sự thao túng của lớp tư sản mới, đang thực thi chủ nghĩa tư bản dã man. Đấy là chỉ dấu cho thấy sự phá sản hoàn toàn của chủ nghĩa cộng sản. Với ý đồ “tân trang” chủ nghĩa cộng sản, có người đưa ra khái niệm “chủ nghĩa duy vật nhân văn.” Là gì vậy? Một khái niệm lôm côm đầu Ngô mình Sở! Trong kinh điển Mác-Lê có hai thuật ngữ “duy vật biện chứng” và “duy vật lịch sử” với tư cách là phương pháp luận. Trong khoa học nhân văn không có lịch sử sao? Do đó, nếu đưa ra với vai trò phương pháp luận thì “chủ nghĩa duy vật nhân văn” chỉ là vẽ thêm chân cho con rắn, giống như việc làm vô duyên vô nghĩa của chàng ngốc trong tiếu lâm, sau khi khoét cái lỗ to cho chó qua thì khoét tiếp cái lỗ nhỏ cho mèo lại! Nếu đưa ra với mục đích xoa dịu tính sắt máu khốc liệt của chủ nghĩa duy vật, gán cho nó cái mác “nhân văn” thì càng lẩm cẩm hơn! Duy vật hay duy tâm thuộc về phương pháp luận. Mà đã là phương pháp luận thì luôn khách quan, không hề dính dáng tới nhân văn hay không nhân văn. Một sự lai ghép kỳ quặc! Mặt khác, nó cũng trái ngược với nguyên lý “thái hòa” của minh triết Việt: bất cứ cái “duy” nào đều làm nghiêng lệch, phá vỡ sự hài hòa của toàn thể! “Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng” trước đây cũng như hôm nay “Kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo” đều là sự vô minh!
Phải chăng, khi loại bỏ chủ nghĩa cộng sản thì chủ nghĩa tư bản là sự lựa chọn duy nhất? Tôi không nghĩ vậy bởi vấn để của lựa chọn là vấn đề văn hóa. Muốn có lựa chọn đúng, phải trở về đến tận cùng lịch sử loài người để từ đó hiểu được văn hóa.
Lịch sử chia loài người thành hai thế giới: Đông và Tây. Phương Tây du mục còn phương Đông nông nghiệp. 10000 năm trước, khi Kỷ Băng hà cuối cùng chấm dứt, tổ tiên người châu Âu mới ra khỏi hang hốc trong núi băng để chăn nuôi con cừu, con dê đầu tiên. Từ phương thức sống săn bắt hái lượm của người nguyên thủy vừa ăn mày vừa cướp đoạt thiên nhiên, chuyển sang du mục, người phương Tây vẫn sống bằng chiếm đoạt và tàn phá Trái đất. Phá rừng làm bãi chăn thả, săn bắt muông thú làm thức ăn, tận diệt thú dữ để bảo vệ đàn gia súc… Không chỉ vậy, họ luôn luôn tranh chấp với những bộ lạc khác để giành giật đồng cỏ, nguồn nước và khi đủ mạnh thì cướp đoạt súc vật, bắt người làm nô lệ để dùng hoặc buôn bán, trao đổi… Để thích ứng với cuộc sống đó, phải xây dựng những bộ lạc quân sự hóa được dẫn dắt bởi thủ lĩnh mạnh. Hàng nghìn năm với phương thức sống như vậy tạo nên ở người phương Tây những thói quen:
- Coi lợi ích là nguyên tắc tối thượng.
- Thủ lĩnh được tuân phục tuyệt đối.
-  Sự đua tranh mãnh liệt trong cộng đồng giành vị trí thủ lĩnh.
Tới thế kỷ XVI, văn hóa du mục chuyển thành chủ nghĩa tư bản với những đội thương thuyền vũ trang đi mở rộng thị trường, chiếm đoạt thuộc địa, vơ vét tài nguyên, buôn bán nô lệ…
Bốn trăm năm qua là sự thắng thế của phương Tây với phương Đông nhưng về bản chất là sự thắng thế của văn minh du mục đối với văn hóa nông nghiệp. Chủ nghĩa tư bản đã đưa nhân loại đạt được những tiến bộ kỳ diệu về khoa học kỹ thuật và công nghệ. Có thể nói, về nhiều mặt, con người đã “ngang với thần thánh.” Tuy nhiên, cái mà ta gọi là “sự phát triển” của chủ nghĩa tư bản đã diễn ra theo tỷ lệ Dương 4 Âm 1, tức Dương cực thịnh, Âm cực suy. Một mặt, chủ nghĩa tư bản nuông chiều tham vọng chiếm đoạt ngày một lớn của con người, dẫn tới hố cách biệt giầu nghèo ngày thêm rộng, không chỉ giữa các quốc gia mà giữa dân cư trong một nước. Mặt khác, để cung cấp cho sự tiêu thụ vô hạn, chủ nghĩa tư  bản khai thác kiệt quệ nguồn tài nguyên Trái đất đồng thời tàn phá môi sinh, đe dọa chính sự sống còn của loài người. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế hiện nay là bằng chứng rõ rệt về tội ác tàn phá thế giới của chủ nghĩa tư bản và là tiếng chuông báo động khẩn cấp đối với nhân loại. Nhiệt độ quá nóng tất dẫn tới cháy nổ. Sự hủy diệt là không tránh khỏi!
Những điều xảy ra như hiện nay hoàn toàn không bất ngờ. Nhìn thấy trước sự việc tất phải thế này, nhiều thức giả phương Tây đã “hành trình về phương Đông” mong tìm ra phương thức cứu nguy. Nhưng ngoài việc phát hiện những điều huyền bí của Tây Tạng, Ấn Độ, họ chưa tìm được phương thức khả dĩ. Nguyên nhân ở chỗ các thức giả phương Tây chưa hiểu văn hóa phương Đông và giới trí thức phương Đông, vì nhiều lý do cũng chưa hiểu văn hóa của mình! Trong khi đó, một sự thật mà nhiều người nhận ra: sự thất bại về kinh tế là hậu quả của thất bại về văn hóa! Như vậy, cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế hiện nay phản ánh cuộc khủng hoảng sâu sắc của trí tuệ và lương tri loài người. Khủng hoảng trí tuệ trước tiên biểu hiện ở khủng hoảng triết học. Triết học phương Tây sau thời Khai sáng trở thành  “trò chơi trí tuệ” của giới học giả, đã hoàn toàn bất lực trước cuộc sống, chỉ bàn những chuyện kinh viện và vụn vặt, không làm được chức năng dẫn dắt xã hội! Do không được dẫn dắt bởi lương tri và lý trí sáng suốt, những nhà lãnh đạo phương Tây – cũng chính là lãnh đạo thế giới – một mặt tung hàng nghìn tỷ đola để kích cầu, một mặt cải tiến thể chế tài chính. Tuy nhiên, tất cả những việc làm trên chỉ là miếng cao dán cho cơ thể ung thư. Vấn đề đặt ra cho toàn nhân loại lúc này không phải là cải tiến chủ nghĩa tư bản hay tìm cách tân trang chủ nghĩa Mác mà là hoạch định con đường cứu nguy nhân loại. Có thể nói rằng, bốn thế kỷ qua, nhân loại đã đi lầm đường. Quay trở lại là cực kỳ khó. Nhưng không có cách nào khác trước khi quá muộn! Trong lịch sử 160.000 năm của loài chúng ta Homo sapiens, có lẽ sai lầm đầu tiên và phải trả giá đắt nhất là việc 135.000 năm trước, nhóm người đầu tiên rời châu Phi đã đi về hướng Tây để rồi 90.000 năm trước, hậu duệ đáng thương của họ bị chôn vùi trong băng tuyết xứ Ixraen! 400 năm so với 160.000 năm là một chớp mắt nhưng so với thời gian mà loài người còn tồn tại trên Trái đất càng không nghĩa lý gì! Vì vậy, chẳng còn cách nào khác, con người phải điều chỉnh quỹ đạo sinh tồn của mình. Hầu hết những người sống ngoài châu Phi hiện nay là con cháu những người thực sự khôn ngoan đã đi về phương Đông 85000 năm trước! Phải chăng lúc này chính là thời cơ chúng ta vận hành Trái đất theo minh triết phương Đông, dùng bốn hạt nhân Minh triết làm kim chỉ nam dẫn đường thoát khỏi tình trạng nguy khốn hiện nay?
Mác có nói: “Cuộc sống không bao giờ đặt ra những vấn đề mà nó không giải quyết được.” Trên nhiều phương diện, con người đã nhận thức ra nguyên nhân thảm họa toàn cầu, đó là sự phát triển quá nóng, là sự tiêu xài quá mức so với những gì mà Trái đất chịu đựng được. Đó chính là cảm nhận trực quan trước sự vận hành nguy hiểm của thế giới hiện nay theo chiều Dương cực thịnh, Âm cực suy và cũng thấy cần điều chỉnh. Nhưng điều chỉnh theo tiêu chí nào? Phải là “Tham thiên lưỡng địa,” là “Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh” theo minh triết phương Đông. Thế giới nghiêng lệch là do con người có quá nhiều cái “duy”. Bây giờ phải trở lại cân bằng theo đạo An vi cùng cơ chế bình sản. Bình sản thời cổ là chế độ “tỉnh điền”, sau này chuyển hóa thành chế độ công điền tồn tại tới trước Cách mang tháng Tám. Hiện nay, ở một số nước Bắc Âu, cơ chế bình sản vận hành hữu hiệu: thuế thu nhập thỏa đáng đánh vào người thu nhập cao, lấy ngân quỹ lo an sinh xã hội. Câu nói vui “triệu phú là tỷ phú sau khi đóng thuế thu nhập” phản ánh thực tế này.
Khi tôi đang viết bài này thì tại Hà Nội, Bộ trưởng Tài chính các quốc gia Đông Nam Á nhóm họp. Tiêu chí của Hội nghị là: “Phát triển đồng thời bảo vệ tốt môi trường.” Một giấc mơ đẹp! Nhưng thực hiện theo cách nào lá thách đố lớn! Không thể có yên lành cho những ai vén tay áo xô đốt nhà táng giấy! Phải đặt lại vấn đề: không phải dốc sức kiếm nhiều tiền mà là làm sao sống an lành, hạnh phúc! Một điều rõ ràng, con đường mà nhân loại phải đi là theo ánh sáng của Minh triết phương Đông.

* Vũ Hữu San Vịnh Bắc Việt tái bản 2004. Tripod.com.