Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

QUA CẦU PHÚ MỸ, ĐẾN LẠ MỘT CUNG CÁCH LÀM ĂN

Nguyễn Vĩnh
Thứ sáu ngày 5 tháng 3 năm 2010 5:29 PM
Phải nói cái nhịp làm ăn xây dựng ở thành phố Hồ Chí Minh này vẫn luôn hối hả khẩn trương như vốn lâu nay. Năng động náo nhiệt suốt từ mờ sáng đến đêm khuya. Ngày nào mùa nào cũng vậy… Nên tết trong đây qua đi khá là nhanh chóng. Hưởng tết chơi tết cũng như cơn gió thoảng. Chứ không ăn chơi tết nhất dầm dề như đất bắc ta.
Cái cảnh thong dong nhàn tản, “dính” mãi bánh chưng tết “tháng giêng là tháng ăn chơi” hội hè đình đám liên chi hồ điệp trong đất nam này là không quen và không có đâu! Điều này có nguyên nhân ở thời tiết tiết trời nữa. Nắng nóng quanh năm, ăn cỗ tết muốn ngon miệng phải chui vào máy lạnh thì đâu có không khí tết nhất như thơ văn xưa nay chúng ta vẫn quen phóng bút. 
Có một điểm mà mấy bài viết xưa tôi đã nhắc tới, cứ nghĩ rồi Sài Gòn nhạy bén với cái tốt cái mới sẽ vượt thoát qua, nhưng xem ra khó. Chung quy là cái bệnh ưa hình thức nó đẻ số ra.
Có phải rất dễ nhận ra là “ông bạn” Sài Gòn Sài Thành này rất chuộng hình thức. Cái mà ta gọi là sự trưng ra, như kiểu tung chưởng sắc màu tiếp thị quá trời.  Phố xá nào đông người qua lại là thấy chăng đèn kết hoa, cờ quạt cổng chào quanh năm suốt tháng. Khẩu hiệu thì đủ kiểu ngang dọc treo phấp phới từ phố phường đến các tụ điểm. Chi tiêu bao nhiêu hình như ông văn hóa cũng chiều. Thiếu tiền công thì “gõ” doanh nghiệp trong nước ngoài nước tài trợ. Nên nhác trông thấy tên tuổi logo của nhiều hãng nhiều tập đoàn bên góc tấm biểu ngữ. Cũng là một hình thức quảng cáo ở một nền kinh tế thị trường được ưa chuộng.
Cờ đèn kèn trống, đinh dây hồ giấy - nói theo cách xưa gọi ngành văn hóa thông tin – tại thành phố này người ta đã chi tiêu khá mạnh tay và có cách làm chuyên nghiệp bài bản lắm. Cán bộ lính tráng văn hóa tỉnh bạn nào muốn học tập nên vác giấy bút vào thụ giáo ở Sài Gòn chắc là mau giỏi.
Nói về mức độ bầy biện trang hoàng, một lần tôi có ông bạn ngoại quốc cùng đi dạo phố, ông ta bảo bên Pháp của ông những nơi công cộng trang trí bày vẽ có lẽ cũng ít hơn, thua Sài Gòn của tôi. Về điểm này thú thật tôi không lấy gì làm hãnh diện. Người ta nói vậy là kín đáo nhắc ta hoang phí đấy.
Hình thức cho những nơi chốn dễ thấy là vậy. Chứ hễ nơi nào chỗ nào khuất nẻo, quan quyền ít để mắt tới là y như rằng cái thói ăn tuông bỏ vãi, nhếch nha nhếch nhác mà dân ta mắc nhược điểm lại xuất hiện ngay.
Tôi nói vậy vì vừa có dịp cùng ông bạn thân sau tết chạy vòng vèo con xe máy ngang dọc phố xá hai bên cây cầu Phú Mỹ.
Nói ngay Phú Mỹ là cây cầu dây văng này to đẹp nhất Sài Gòn, đáng để người Sài Gòn tự hào. Bạn nào chưa tới chưa đi qua, nên thu xếp để có dịp như vậy. Rất đáng bỏ công sức thời gian qua đây một lần. Tôi nghe nói dịp khánh thành tháng 9 năm vừa rồi pháo hoa rực rỡ bắn chào mấy chục phút liền làm sáng rực đoạn sông Sài Gòn và cây cầu treo đồ sộ.
Cầu thật rộng rãi bề thế, đẹp đẽ thật sự. Xe bốn bánh hai bánh bon bon qua cầu trên một độ cao tương đương nhà nhiều tầng nên nhìn được một góc rất rộng của thành phố khổng lồ. Điều này thật thích thú cho người biết cầm máy quay phim máy chụp ảnh.
Cảm giác đẹp về cây cầu chóng hụt hẫng nếu chịu khó lang thang thêm trên những con đường hai bên bờ cầu Phú Mỹ. Thấy ngay còn bừa bộn biết bao nhiêu công việc đang chờ đợi thnàh phố vào cuộc.
Dọc chân cầu bên quận 2 là những đống xà bần đất cát bê tông sắt thép phế liệu chồng chất lên nhau, không hiểu sao chẳng được dọn dẹp. Cỏ đã mọc xanh rì trên đó chứng tỏ chúng dồn tụ từ lâu. Ngay chính mặt cầu, đoạn cho xe bốn bánh chạy tuốt về đường Nguyễn Văn Linh vẫn “chốt khóa”, nghĩa là chưa hoàn thiện, chưa cho sử dụng. Gần 2 quý từ ngày khánh thành cầu còn gì, mà không hiểu lý do gì nữa.
Đi ngược lên phía bắc cầu, vẫn bên quận 2, con đường dẫn ra xa lộ Hà Nội thấy càng ngổn ngang gò đống, đường xá thì chưa ra đâu vào đâu.
Còn bên quận 7, phố xá ven cây  cầu vẫn bộ mặt cũ. Xem chừng dân tình nghe ngóng giá đất đai, độ sôi động của thị trường địa ốc thì mới quyết định “nằm im” chờ thời hay “tăng tốc” xây dựng hoặc sang nhượng. Nên phố xá cửa nhà cứ lem nhem lúp xúp vầy vậy thôi, chẳng chỉnh trang màu sắc tô vẽ gì. Cái độ tương phản với cây cầu mới toanh nguy nga tráng lệ càng lòi ra thật mất hết hứng thú ngắm cầu. 
Tôi đem câu chuyện cụt hứng này kể với mấy bạn ngụ cư lâu dài ở Sài Gòn. Các bạn tử tế cả, nhìn tôi với vẻ cảm thông tồi tội, nói là cái kiểu mình nó thế, cậu quan tâm bóc tách mà làm gì, nghỉ ngơi cho khỏe nghe…
Không những cụt hứng mà còn dội cho tôi một trận buồn thiu “đến nửa ngày”.

Tp HCM, 3/3/2020
Nguyễn Vĩnh
Nguồn: http://vn.360plus.yahoo.com/nguyenvinh-nguyenvinh/article?new=1&mid=1277
----------------------
Chú thích ảnh
Bạn tôi chụp khi chúng tôi quay về chân cầu phía quận 2.
Cầu Phú Mỹ nhìn về phía quận 4 và quận 7.