Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TIẾN TỚI ĐẠI HỘI HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

Xuân Đức
Thứ bẩy ngày 6 tháng 3 năm 2010 6:01 AM
 
 xuanduc.vn: Bài viết này hơi dài đành đăng làm 2 kì. Tôi không có ý đọc bài này trong Đại hội Hội Nhà văn sắp tới, mà cũng đã chắc gì tôi được đến Đại hội với tư cách đại biểu. Vì vậy cứ thành tâm mà góp ý trước. nếu có gì đó gọi là đụng chạm thì mong quý lãnh đạo Hội thông cảm.
 
Cần có sự cải tổ sâu sắc về Mô hình tổ chức và lề lối hoạt động của Hội Nhà văn.
 
I- Điều gì là bất cập nhất của mô hình hội Nhà văn hiện nay ?
Những kì Đại hội trước, Hội Nhà văn thường được chỉ đạo Đại hội mở đầu các Hội. Nhiệm kì này có một sự đổi khác hoàn toàn, Hội Nhà văn tổ chức Đại hội sau cùng. Âu cũng là một cơ hội để mỗi hội viên có được thời gian suy ngẫm về tổ chức nghề nghiệp của mình đặng có thể góp thêm chút tâm huyết  cho tổ chức của mình ngày một tốt hơn, có hiệu quả và hữu ích xã hội hơn. Sự suy ngẫm nên tập trung vào việc xem xét lại nhiệm kì qua và kể cả những nhiệm kì trước nữa, tổ chức Hội đã thành công ở những việc gì, tồn tại cái gì, và trong cái sự tồn tại đó, cái gì là lình xìn nhất, bức xúc nhất, tạo nên sự phân rẽ của một tổ chức nghề nghiệp.
        Thành công của Hội là rất lớn. Có thể nói tổng quát là, Hội nhà văn đã tập hợp và động viên được một đội ngũ tác giả lao động sáng tạo hết mình vì niềm đam mê của cá nhân và cũng vì trách nhiệm với nền văn học đất nước. Ban chấp hành đã làm được rất nhiều việc, có một số công việc rất lớn đã tác động trực tiếp đên sự nghiệp sáng tạo của nhà văn. Trên cơ sở đó mà tổ chức Hội không ngừng lớn mạnh và tạo nên uy tín lớn đối với tất cả những người có chí hướng sáng tác văn học...
        Tôi nói vắn tắt sự thành công để sau đây sẽ nói hơi dài những chuyện tồn tại, hoàn toàn không có ý chỉ trích rằng thành công ít hơn tồn tại. Bài viết này không phải là bản báo cáo tổng kêt nên không cần xét đến sự cân đối. Đây là những trở trăn, suy ngẫm. Mà đã là sự trở trăn thì chủ yếu là vì những điều còn bất cập.
        Tồn tại của Hội không chiếm tỉ trọng lớn nhưng trong đó có những tồn tại mang tính trầm kha của một căn bệnh. Bệnh quan liêu bao cấp, bệnh Nhà nước hoá tổ chức xã hội nghề nghiệp, bệnh uy quyền mang màu sắc đẳng cấp trong văn chương.
        Tôi xin nêu cụ thể một số tồn tại đến mức lạ kì.
        1) Về tổ chức Hội: Một hội nghề nghiệp bao gồm hầu hết những người có tài, có tâm, có nhân cách, lúc nào cũng tỏ ra cao sang, vậy mà đã qua 3 kì Đại hội ( 15 năm) không có kì nào bầu đủ một Ban chấp hành, thậm chí là quá ít ( chỉ 4-5 người) so với số lượng được Đại hội biểu quyết. Việc này nói ra ai cũng thấy xấu hổ, ai cũng tỏ rõ quyết tâm rằng đến Đại hội này phải bầu đủ, nhưng đến khi bỏ phiếu lại chả tín nhiệm ai, hoặc mỗi người tín nhiệm mỗi phách. Lần Đại hội tới liệu có khắc phục được không? Tôi dám cá cược rằng không.
         2)  Trong 9 hội nghề nghiệp, không có hội nào có sự tồn đọng đơn xin vào hội như Hội Nhà văn, không hội nào việc kết nạp hội viên lại quá phiền hà, qúa nhiễu nhương và quan cách như Hội Nhà văn. Và sự bất mãn lớn nhất, xì xào nhất, ấm ức nhất của những người cầm bút đối với hội chính là việc này. Có lập luận cho rằng hội đã đông quá rồi, nên hạn chế kết nạp. Lập luận ấy theo tôi là rất phi lí. Bao nhiêu là đông, bao nhiêu gọi là vừa? Hội Nghệ sĩ sân khấu bao gồm cả giới sáng tác, đạo diễn, thiết kế mỹ thuật và cả diễn viên nữa có đến trên ngàn người. Hội Nhạc sĩ cũng vậy. Ở tỉnh Quảng Trị của tôi, tất cả các hội khác đều có từ 7 đến vài chục hội viên hội Trung ương, chỉ riêng hội viên Hội Nhà văn là vẻn vẹn có 3 người. Lập ra một tổ chức hội là để tập họp lực lượng, tại sao lại sợ đông? Hội Phụ nữ, hội Cựu chiến binh có đến hàng triệu hội viên thì sao? Lại có người nói, đó là những hội quần chúng, còn ta là hội nghề nghiệp. Vâng, thì là hội nghề nghiệp. Nhưng định nghĩa thế nào là nghề nghiệp? Ai có làm nghề, đang làm nghề và thực chất là làm được nghề, đang có đóng góp cho xã hội bằng nghề ấy thì nên tập hợp hết vào. Tại sao lại phải có thứ sát hạch tay nghề bằng những nhóm người cũng chỉ là những người làm nghề với nhau để kết luận anh A hay anh B có đủ tư cách vào tổ chức làm nghề không? Đó chính là căn bệnh Nhà nước hoá tổ chức xã hội. Nghĩa là, Hội Nhà văn đang biến thành một tổ chức hàng năm tự định ra biên chế hội viên rồi thực hiện tuyển dụng công chức nhà văn theo cảm quan đầy quyền lực của một nhóm người. Hội Nhà báo cũng là một hội chính trị xã hội nghề nghiệp. Nhưng quy trình kết nạp của họ đơn giản hơn hội ta nhiều. Tất cả những người đang hoạt động báo chí trong tất cả các cơ quan báo chí, có tư cách, phẩm chất đều được kết nạp, kể cả những người làm trị sự, cả những phóng viên ở các Đài phát thanh huyện ( không được công nhận là cơ quan báo chí) vẫn được kết nạp. Hội viên càng đông càng chứng tỏ được sự tập họp đầy đủ. Hội viên đông không ảnh hưởng gì đến uy danh của một hội. Nói thẳng ra, sự tự làm sang của hội ta đã làm mất đi rất nhiều niềm mến mộ của nhiều người vào tổ chức nghề nghiệp của giới ta.
         3) Sự hình thành quyền lực văn chương?
         Không phải chỉ đến mấy nhiệm kì gần đây cái gọi là quyền lực văn chương mới xuất hiện. Tệ nạn này đã có từ rất lâu, vào cái thời người viết văn còn ít, điều kiện giao lưu tiếp cận công chúng còn khó khăn thì Hội ( mà thực chất là ở Văn phòng Hội, các cơ quan báo chí, xuất bản của Hội và của các cơ quan tương đương xung quanh Hội ) đã tự tạo ra chốn cung đình văn chương với những khuôn mặt được coi là đại diện cho một nền văn chương đất nước. Vào thời điểm hiếm hoi trước đây, sự hình thành thứ vương quyền này còn có vẻ có lí, vì nhiều điều kiện lịch sử và xã hội, nhất là hoàn cảnh chiến tranh nên bên ngoài chốn cung đình kia rất ít người có điều kiện say đắm nghiệp văn, càng rất khó có môi trường để hành nghề viết văn.
         Nhưng với sự phát triển toàn diện, đa dạng và phong phú của đời sống xã hội cũng như đời sống văn chương như hiện này thì cái tư duy cung đình khật khưỡng kia đã quá lỗi thời. Ấy vậy mà cái bộ phận tự cho là giới quý tộc văn đàn kia vẫn ôm khư khư lối nghĩ và cách làm cũ. Nhiều người trong số họ không hề tự biết họ đang tự ảo tưởng với cái bóng của mình mà không hề nhận ra thân xác thật của họ.
         Nói cho công bằng thì trong mấy nhiệm kì qua, BCH Hội đã có những động thái để mắt đến số đông các nhà văn ở các vùng miền. Tuy nhiên rất nhiều việc làm còn mang tính hình thức, chiếu lệ và rất tác trách. Xin dẫn ra một ví dụ. BCH đẻ ra các Ban liên lạc vùng, miền, nhưng bản thân lại không hề tạo ra cơ chế gì để các BLL này có được hoạt động thiết thực. Sau đó lại thay các BLL bằng Liên chi hội? Thay để mà thay, việc hình thành Liên chi hội cũng chẳng có bất cứ sự thay đổi gì về vị trí, vai trò của các vùng miền. Đấy là chưa nói đến sự tác trách, quan liêu trong việc ban hành quyết định. Xin nhắc lại, BCH đã ra quyết định thế này : Thành lập Liên chi hội..( của vùng nào đó) bao gồm các ông bà sau: A..B.. Những nhà văn A,B có tên trong quyết định là những Nhà văn trong Ban liên lạc trước đó chứ không phải tất cả các Nhà văn ở vùng miền đó. Thực chất đây là quyết định cử Ban chấp hành Liên chi hội chứ không phải là thành lập Liên Chi hội. Đáng ra quyết định phải được viết: Nay thành lập Liên chi hội ( vùng , miền) bao gồm các nhà văn đang sống, công tác trên vùng miền ấy rồi sau đó mới cử BCH lâm thời gồm các ông bà có tên sau..Tôi đã kiến nghị với Văn phòng Hội nên làm lại quyết định nhưng chẳng ai để ý. Rồi cũng chẳng hề có một chỉ đạo, hướng dẫn về tổ chức cơ sở này hoạt động thế nào, nhiệm vụ quyền hạn ra sao..Tóm lại đây chỉ là một động tác giả vờ mà thôi.
       Tất cả chỉ là giả vờ. Cái duy nhất có thật là người ta đang duy trì mô hình Hội nghề nghiệp các nhà văn theo cơ chế tập quyền hình tháp. Phần đông đội ngũ nhà văn là cái cạnh đáy bát ngát, còn đỉnh tháp là vùng thiêng, là một không gian cung đình với quyền lực văn chương đất nước.
       Một vài đơn cử về các căn bệnh của Hội ta như trên đã dẫn đến sự sai lệch trong tôn chỉ hoạt động và những bất mãn, lủng củng trong tổ chức hội. Có thể nêu lên mấy việc như sau:
       Có đến gần nửa ngàn lá đơn của những tác giả có khả năng sáng tác, có đóng góp tác phẩm, có nhiệt tình với nghề văn và đang hoạt động văn học trên cả nước vẫn chưa được tổ chức hội kết nạp. Nhiều người đã làm đơn vài chục năm, trong số đó nhiều người đến nay đã khuất bóng mà vẫn không được thừa nhận là một thành viên của hội nghề nghiệp. Như vậy chúng ta đã làm sai tôn chỉ mục đích của một tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp. Sai mục đích tập hợp và sai cả định hướng lập hội của Đảng.
        Vì cái quyền lực cung đình ấy trong văn chương dẫn đến sự sai lệch trong đánh giá, hướng dẫn dư luận xã hội và cũng tạo ra sự méo mó trong việc hướng dẫn dư luận xã hội đối với văn học. Hiện tượng rõ ràng nhất là những ai ở gần đỉnh tháp quyền lực, trong bán kính gần Thủ đô, quen biết, bù khú chơi bời với nhau thì tung hê nhau, điểm mặt nhau, quảng bá cho nhau. Rất rất nhiều những bài phê bình giới thiệu văn học trên báo chí, công luận chỉ quanh đi quẩn lại cũng chỉ điểm mấy gương mặt, mấy cuốn sách. Còn lại cả một mặt bể mênh mông của bao nhiêu công sực sáng tạo của rất nhiều nhà văn khác hầu như chẳng được giới thiệu nửa lời. Tuy nhiên, những người thường tung hê nhau ấy lại không biết được một thực tế này, ở các địa bàn, các vùng miền, những nhà văn vẫn tồn tại một cách sâu sắc trong lòng đọc giả. Chính đọc giả, quần chúng nhân dân đã thường xuyên tiếp lửa cho họ. Nếu không có điều ấy, nếu chỉ sống nhờ vào mấy bài tung hô của cánh hẩu thì số đông này đã bỏ bút từ lâu rồi.
        Cũng chính từ cái quyền lực cung đình ấy mà chúng ta đã tự tạo nên những nhu cầu ngược lại với nhu cầu sáng tạo. Đó là việc nhà văn tìm mọi cách để rời bỏ địa bàn xa mon men gần với chốn cung đình. Chưa đủ, tệ hơn là xao nhãng việc sáng tác để cố có chân trong tầng lớp quý tộc và chức sắc của Hội. Thế là sinh ra mất đoàn kết, bè phái, không chịu nhau, nói xấu nhau. Kết quả lại không bỏ phiếu cho ai cả...

II- Những kiến nghị cải tổ về mô hình và cơ chế hoạt động của hội Nhà văn.
 
Những kiến nghị tôi nêu lên sau đây hoàn toàn không có gì là mới, nó rất thông thường đối với tất cả các tổ chức hội, loại hình tổ chức xã hội nghề nghiệp hay chính trị xã hội nghề nghiệp. Nhưng nó lại quá mới, thậm chí có thể có người cho rằng quá sốc đối với hội Nhà văn. Ví sao vậy? Là vì lâu nay hội ta đã đi quá xa tôn chỉ mục đích lập hội, khác lạ so với nhu cầu tự thân của một tổ chức nghề nghiệp và cũng sai lệch chủ trương tập họp lực lượng của Đảng ở các tổ chức hội.
        1) Hội cần mở rộng tối đa lực lượng hội viên. Tất cả những ai đã, đang và còn tiếp tục sáng tác VH, đã có một số thành tựu được khẳng định trong công chúng ( chứ không phải được khẳng định của một nhóm người xét duyệt) đều có quyền được đứng trong tổ chức hội.
         Muốn thực hiện được điều này, điều quan trọng nhất chính là thay đổi ngay lập tức quan niệm coi Hội là chốn riêng của những con người nổi tiếng.( Mà sự thật cái gọi là nổi tiếng cũng do chính số ít trong Hội tự phong hoặc tự ngộ nhận mà thôi). Hội là nơi tập họp của tất cả những ai đang hành nghề, đơn giản vậy thôi. Nó cũng như Hội nhà báo, hội Nghệ sĩ sân khấu vậy...Còn để tôn vinh những người nổi tiếng hay những người có nhiều cống hiến cho nền văn học Việt Nam, hoặc muốn xếp đẳng cấp cho đội ngũ này, Hội cần kiến nghị với nhà nước để có các hình thức vinh danh, ví dụ như danh hiệu Nhà văn nhân dân, Nhà văn ưu tú...Tóm lại, khái niệm hội viên cần hiểu đúng với bản chất của nó là chứng chỉ để chỉ thành viên của một tổ chức tập hợp chứ không phải là một danh hiệu tôn vinh.
         Không thể chấp nhận việc Đảng Nhà nước bỏ công sức ra lập nên một tổ chức nghề nghiệp với mục đích là tập hợp tất cả những ai đang làm nghề nhằm tạo nên một sức mạnh xã hội to lớn đống góp cho sự nghiệp phát triển đất nước, thì lại biến thành một tổ chức dành riêng cho những người tự cho mình có đẳng cấp cao trong văn đàn! Hãy nhìn qua phía Liên hiệp các hội Khoa học Kĩ thuật, Hội sử học v..v.. Chẳng ai lại như ta cả.Trong giới khoa học có vị là Viện sĩ, Bác học, Giáo sư, nhà khoa học đầu ngành, nhưng cũng rất nhiều người chỉ là những cán bộ nghiên cứu bình thường. Giới sử học cũng vậy. Tất cả họ đều được tập hợp vào tổ chức nghề nghiệp để giúp đỡ nhau cống hiến cho khoa học. Còn chuyện phân đẳng cấp thì đã có Nhà nước vinh danh bằng các học hàm, học vị và các hình thức tôn vinh khác.
        Xin hãy đọc lại điều lệ của Hội ta do chính chúng ta soạn ra và biểu quyết xem có tiêu chuẩn nào quy định phải là Nhà văn mức ưu tú mới được vào hội? Không có. Ngay tổ chức Đảng được coi là tổ chức cao nhất, có quy trình xem xét kết nạp khó khăn nhất, vì điều lệ Đảng quy định Đảng viên phải là những người ưu tú nhất trong quần chúng. Nhưng ưu tú là ưu tú so với quần chúng chứ không phải ưu tú so với nội bộ Đảng. Trong nội bộ Đảng, tầng lấp ưu tú nhất sẽ được bầu vào BCH TW hoặc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo đất nước. Còn đảng viên bình thường có thể chỉ làm người vệ sinh môi trường, lái xe hay gác cổng. Tổ chức Đảng mà thế, sao tổ chức nghề nghiệp nhà văn lại nhiêu khê đến vậy?
         Nói đến đây chắc sẽ có người kêu lên, chết cha, nếu thế này rồi đây có lẽ cả nước có tới mấy ngàn nhà văn, thật nguy khốn!!! Có gì mà nguy nhỉ? Dân tộc ta vốn dĩ là dân tộc của thi ca nhạc hoạ, nếu cả dân tộc đều làm thơ thì cũng rất vui, có hại ai đâu. Cả dân tộc làm thơ nhưng chẳng vì thế mà bỏ cuốc cày, buông tay súng. Chẳng phải chúng ta có Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Sống Hồng, Xuân Thuỷ, vừa là nhà chính trị xuất sắc vừa làm thơ? Còn nếu nói hội viên Hội Nhà văn phải là nhà văn chuyên nghiệp hiểu theo nghĩa không làm việc gì khác, chỉ làm và sống bằng nghề viết văn thì thử hỏi hiện tại trong số trên 800 hội viên Hội Nhà văn hiện nay được mấy người chuyên nghiệp đúng theo nghĩa ấy? Lại còn vấn đề này nữa. Lâu nay có cái bệnh sĩ, những ai được kết nạp vào hội Nhà văn thì mới tự coi mình là Nhà văn. Chúng ta đã hoà đồng khái niệm Hội viên với danh xưng Nhà văn. Trên thực tế, những người cầm bút khác họ không chịu thừa nhận điều đó. Hiện tại tất cả các tác giả văn học ở các hội địa phương đều được giới thiệu là Nhà văn. Chẳng có gì sai hết. Bác Hồ có vào hội đâu mà ta vẫn tôn vinh là Nhà thơ. Rồi những Tú Xương, Nguyễn Khuyến nữa, họ có đáng được gọi là Nhà thơ không? Nói ngay trong thế hệ chúng ta, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn tình nguyện ra khỏi Hội Nhà văn nhưng ai dám tước đi danh xưng Nhà văn của cây bút tài hoa này. Như vậy rõ ràng việc khống chế kết nạp hội viên không hề làm giảm đi số lượng được gọi là Nhà văn trong toàn xã hội. Sáng tạo văn chương và hành nghề văn chương là quyền tự do của tất cả mọi người. Thực trạng trên đã vô tình đẻ ra khái niệm Nhà văn Trung ương và Nhà văn địa phương. Đôi lúc tôi tự hỏi, nhà văn Trung ương là nghĩa thế nào nhỉ? Nó vừa bi, vừa hài thậm chí có thể nói là lố bịch nữa.
        2) Cần trở lại đúng mô hình phổ biến của các tổ chức hội, đoàn trong xã hội.
       Đến đây sẽ có người cật vấn, Hội mà đông đến như thế thì sẽ sinh hoạt thế nào, đại hội thế nào, chia bo tài trợ thế nào? Câu hỏi này nó chỉ đúng với cái thực tế hiểu sai, làm sai lâu nay chứ hoàn toàn xa lạ với các cách thức hoạt động của các tổ chức hội thông thường khác.
       Hoạt động của một tổ chức hội, đoàn quan trọng nhất và chủ yếu nhất chính là ở các tổ chức cơ sở. Bất cứ Hội nào thì việc lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức cơ sở hoạt động có hiệu quả chính là nhiệm vụ sống còn của Hội đó.
       Vì vậy, việc làm có tính cấp bách nhất mà cũng là then chốt nhất của nhiệm kì mới Hội Nhà văn là thành lập, kiện toàn và đưa vào điều lệ quy chế hoạt động các tổ chức cơ sở của Hội.
       Rút kinh nghiệm những năm qua, mà cũng thuận theo cơ chế chung của xã hội, cần bỏ ngay hình thức Liên chi hội khu vực, tập trung hình thành và củng cố Chi hội cấp tỉnh. Liên chi hội khu vực là thứ chân không dính đất, đầu không dính trời, là thứ con hoang không nơi nương tựa. Hiện tại rất nhiều tỉnh, thành phố đã có Chi hội Nhà văn Việt Nam. Ở những nới chưa có vì chưa đủ số lượng hội viên ( do quan niệm kết nạp trước đây) thì nay cần khẩn trương phát triển hội viên theo quan niệm mới như đã nói ở trên. Ví dụ ở Quảng Trị, hiện tại chỉ mới 3 hội viên, nhưng nếu quan niệm hội là tổ chức tập họp những người có nghề và đang làm nghề thì có thể có ngay vài chục hội viên hoàn toàn xứng đáng.
         Điều lệ Hội Nhà văn cần sửa đổi trong đó quy định về quyền hạn, trách nhiệm cũng như quy chế hoạt động của tổ chức cơ sở. Khi các tổ chức cơ sở của Hội mạnh, hoạt động theo một điều lệ thống nhất thì Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam chỉ là người đại diện cho tất cả các tổ chức Hội cơ sở. Có thể cơ cấu người đứng đầu các Chi hội, hoặc một số lượng Chi hội cơ sở nào đó vào BCH. Đương nhiên cần bầu thêm một số Uỷ viên thường trực để điều hành chung toàn hội. Nếu mô hình tổ chức được sửa theo hướng đó, tôi tin chắc sẽ không bao giờ có chuyện Đại hội chỉ bầu được 4-5 uỷ viên BCH. Và việc tổ chức Đại hội đại biểu gần như là chuyện đương nhiên không đến mức gấy nên sự bức xúc như hiện nay.
         3) Từ việc thay đổi quan niệm về Hội viên đến thay đổi mô hình tổ chức Hội, đương nhiên phải thay đổi cách thức điều hành khoản ngân sách do Nhà nước tài trợ. Lâu nay, khoản ngân sách này cũng được BCH hỗ trợ một phần cho các Nhà văn ( thông qua tiền đầu tư, mở trại sáng tác, hội thảo nghiệp vụ, giải thưởngv..v..) Tuy nhiên, nó vẫn chỉ quanh quẩn ở một số lượng nào đó có điều kiện. Đặc biệt những hoạt động lớn, tiêu biểu, tốn một lượng ngân sách lớn thì cũng chỉ những nhà văn ở chốn cung đình hoặc loanh quanh gần đó biết đến. Khoảng 2/3 hội viên ở vùng sâu, vùng xa hoàn toàn là kẻ ngoài cuộc. Một thí dụ rõ ràng nhất chính là việc tổ chức Hội nghị Quốc tê quảng bá Văn học VN hay tổ chức Ngày thơ Việt Nam.
         Khi có được mô hình và quy chế hoạt động mới, BCH cần có sự tính toán hỗ trợ đảm bảo cho các tổ chức cơ sở có thể hoạt động được.
        4) Kiến nghị cuối cùng là chuyện vượt ra ngoài khuôn khổ của Đại hội Hội Nhà văn, nhưng vì có liên quan nên tôi cũng nói luôn. Đó chính là nên cải tổ lại mô hình tổ chức của các Hội VN địa phương. Chuyện này đã không ít lần được xáo xới lên bàn luận nhưng chưa có hồi kết. Nhân đang nói đến tổ chức cơ sở Hội Nhà văn tại các tỉnh, tôi thấy rằng việc có mặt của một tổ chức hội cơ sở gắn với địa phương, chịu sự lãnh đạo của một địa phương cụ thể là cần thiết. Nếu không có sự lãnh đạo và đi kèm theo đó là sự hỗ trợ, tạo điều kiện hoạt động thì tổ chức đó sẽ rơi vào tình trạng bình chân không như kiểu các Liên chi hội trước đây. Tuy nhiên, nếu tất cả các hội chuyên ngành Trung ương đều có tổ chức cơ sở, mà muốn hoạt động thì lại phải có cơ quan, có kinh phí, có phương tiện, có người thường trực, vậy là đẻ ra bao nhiêu chuyện. Trong lúc đó tại các địa phương lại có một Hội Liên hiệp VHNT, cũng đầy đủ các chuyên ngành. Thế rồi đẻ ra mô hình, tổ chức trong tổ chức. Chi hội Nhà văn cùng nằm trong Phân hội Văn học. Chi hội Mỹ thuật TW lẫn trong phân hội Mỹ thuật của tỉnh...Hoặc ở các thành phố lớn hiện tồn tại mô hình: Chi hội Nhà văn Việt Nam bên cạnh Hội Nhà văn thành phố v..v..Từ đó mới có chuyện Hội viên trung ương nằm trong hội viên địa phương, nhà văn TW  bên cạnh Nhà văn địa phương...
        Theo cá nhân tôi, nếu tất cả các hội chuyên ngành TW đều thay đổi quan niệm về tổ chức mình theo tư duy như tôi đã trình bày thì vẫn tồn tại Hội Liên hiệp VHNT địa phương nhưng không không có hội viên địa phương nữa, mà là Liên hiệp các tổ chức cơ sở của các Hội chuyên ngành TW trên địa bàn. Đó chính là cánh tay nối dài ( hoặc là sự phân cấp quản lý) của Uỷ ban toàn quốc các Hội VHNT VN tới các địa phương. Nếu mô hình này được thực hiện sẽ không có sự xáo trộn, hững hụt gì ở các địa phương, nguồn ngân sách của địa phương tại trợ cho Hội địa phương vẫn như cũ, cơ quan, phương tiện vẫn như cũ, nhưng tất cả sẽ được khơi thông nguồn chảy, tránh được sự chồng chéo nhiều lúc đến vô lí ở các địa phương hiện nay.
        III- Thay lời kết
Trong một bút kí đăng trên tạp chí Cửa Việt và báo Văn nghệ, nhà văn tài hoa Đỗ Chu có bịa ra một câu chuyện đượm chất ngụ ngôn, đại ý như sau. Có một vị Hoàng đế muốn làm vui chốn cung đình nên ban bố chiếu chỉ tập họp một giàn nhạc hoà tấu. Suốt hàng tháng trời, không biết cơ man nào là nhạc công xếp hàng trước cửa Ngọ môn để được gọi vào dàn nhạc tập thể. Số lượng ngày một nhiều thêm và xem chừng không thể kết thúc. Nhưng rồi vị Hoàng đế ấy đột ngột băng hà, vị vua kế vị lại phát ra một mệnh lệnh ngược lại, chỉ tuyển chọn nhạc công solo, không chấp nhận giàn nhạc tập thể. Thế là dòng người xếp hàng trước cửa bỗng vơi dần, vơi dần và biến hết. Để nhấn thêm thâm ý của mình, Đỗ Chu bất ngờ buông ra câu hỏi: Giả sử đến một ngày nào đó, Hội Nhà văn ta cũng ban ra một lệnh như vậy thì tình hình sẽ ra sao?
        Câu chuyện thật hóm hỉnh và thâm thuý. Tuy nhiên, nó chỉ hay và sâu xa khi cái quan niệm Hội NV là chốn cung đình của tầng lớp Hoàng tộc, cái quan niệm đã đẻ ra do nhu cầu lịch sử những năm mà người cầm bút chỉ lác đác như sao buổi sớm, những năm mà quanh đi quẩn lại chỉ thấy vào ra ở ngôi nhà 65 Nguyên Du kia chỉ có Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng...và vài ba người nữa. Cái khung cảnh đó khiến bao nhiêu kẻ trẻ thơ như chúng tôi dài cổ trông vào, thèm thuồng đến rõ dãi..
         Không gian văn học ngày nay khác lắm rồi. Đội ngũ sáng tác và hoạt động văn học đã nở rộ mênh mang thì cái cách nghĩ cũ, cách nghĩ của vài người tự cho mình thuộc đẳng cấp đặc biệt, Hội Nhà văn là chốn cung đình đặc biệt, và cái danh Hội viên như là chứng chỉ Trạng nguyên văn chương xem ra không thể phù hợp nữa. Quá khứ không có gì sai. Trong quá khứ, Đảng cần lập ra Hội để tập họp lực lượng xây dựng nền văn học. Muốn lập Hội thì phải đi tìm, phải đãi cát tìm vàng, mà vàng thời đó quá hiếm. Cả nước chỉ tìm thấy vài chục người thì mặc nhiên họ là của quý, của sang được xã hội tôn vinh, ngưỡng vọng. Nhưng cho đến bây giờ mấy trăm con người may mắn được lọt vào chốn cung đình kia lại vẫn tự coi mình là kẻ sang, kẻ trên so với nhiều trăm người khác chưa lọt vào được thì thật là lố.Vì vậy, thưa nhà văn Đỗ Chu, theo tôi cái giả sử mà nhà văn đưa ra chính là vết sẹo của cách nghĩ đã làm sai lệch tính chất tập họp của hội. Đảng và Nhà nước cũng rất cần chọn ra những nhạc công solo, nhưng là ở cơ chế khác, chính sách và mô hình khác chứ không thể biến chức năng một hội nghề nghiệp thành trường thi và nơi phong cấp hàm trạng nguyên văn chương.
 
Nguồn: xuanduc.vn
http://xuanduc.vn/baiviet.aspx?id=985&nhom=6
 (TN dồn 2 kỳ trên xuanduc.vn vào làm một)