Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TẾT VÀ TƯ CÁCH VĂN HÓA VIỆT

Đỗ Trọng Khơi
Thứ hai ngày 8 tháng 3 năm 2010 6:21 AM
 
         Ngày lễ tết là ngày mà ở đó tập tục, phong tục được thể hiện đầy đủ nhất. Có thể nói, chính qua cách thức, nghi lễ thể hiện trong các lễ hội đã hình thành cơ sở văn hóa riêng của các miền vùng, dân tộc. Ví như khi nói tới Tết năm mới của người Lào là biết tới tục té nước cầu may. Tết người Tày, người Mường có tục ném còn v.v… Đi kèm với những trò chơi, cuộc thi người ta còn thể hiện màu sắc văn hóa qua cách ăn mặc, trang trí trong nhà, nơi thờ tự và qua các sản vật, món ăn. Tết với người Kinh, tộc người chiếm chủ yếu về mặt dân số và được phân bố diện cư trú trên các địa bàn đất nước rộng khắp nhất, thì hình thức thể hiện đón Tết là trồng cây nêu trước sân nhà, dán những câu đối đỏ trên cột nhà ở trong nhà hay cửa hiên, thậm chí ở cột cổng trước nhà; về nội dung thể hiên thì có những sản vật truyền thống, phổ biến nhất là cặp bánh chưng, bánh dày, thịt mỡ dưa hành. Đúng như một câu đối cổ đã viết: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh…” Nói chung, con người ở bất kỳ đâu, Đông Tây hay Nam Bắc và dù là người sống chung trong một đất nước thì mỗi miền, vùng vẫn duy trì nét văn hóa, tập tục riêng của miền vùng mình. Và đó là điểm vô cùng cần thiết phải duy trì nhằm gìn gữi và tạo lập nền văn hóa dân tộc đa dạng và nhờ vậy đời sống con người trở nên phong phú, thi vị hơn.
         Tết Canh Dần (2010) đến trong niềm vui ấm áp của cảnh sống thanh bình và no đủ. Nên vậy việc sắm sửa đồ ăn uống cho đến đồ trang trí ngày tết thêm nhiều nét tươi mới, đẹp đẽ. Tuy vậy, ở đâu không biết chứ như ở thành phố Thái Bình quê hương tôi thì việc sắm đồ trang trí ngày tết lại có điểm mới dị biệt. Đó là việc có cả khu phố nhà nhà treo đèn lồng Trung Quốc. Lại nghe nói có phường, các tổ dân phố còn đứng ra vận động bà con góp tiền mua đèn lồng về treo cho “đẹp” cảnh phố phường. Làm đẹp, nhất là làm đẹp phố phường trong ngày tết là một việc làm tốt, rất đáng hoan nghênh. Song nhất thiết việc làm đẹp gương mặt phố phường càng trong ngày tết, ngày cần được thể hiện cao nhất, đúng ý nghĩa nhất màu sắc văn hóa dân tộc, nhằm tiếp nối và phát triển cao hơn nét đẹp truyền thống của quê hương, đất nước mình mới là điều cần được tôn trọng, gìn giữ.
          Tôi không biết chữ Hán và chắc hẳn vô vàn những đồng bào của tôi cũng giống tôi như vậy. Do vậy mỗi khi chợt ngắm nhìn những chiếc đèn lồng đỏ rực, cứ y như các nghệ nhân Trung Quốc riêng làm để bán cho người Việt Nam, nhằm được treo cao trước cửa mỗi căn nhà Việt Nam với đầy sự khoái trí, tự hào rằng Vẻ Đẹp Trung Quốc đang ngự trị trước mỗi Khải Hoàn Môn người Việt, trong ngày đại lễ Việt! Và nữa, nếu mai kia các nghệ nhân Trung Quốc sẽ còn ngẫu bút đùa vui với dân Việt Nam mà viết trên các đèn lồng đó chữ Hán tộc gi gỉ gì gi gì đó thì sao nhỉ? Các ông chủ hàng họ có quyền được đùa vui tý tẹo trên các sản phẩm của mình, thật chính đáng! Mà thực tế, các ông chủ hàng Trung Quốc kia chả cần phải nhiêu khê chữ nghĩa, đơn giản ngay thời khắc ngày xuân này, khi hằng hà sa số những “đèn lồng đỏ treo cao” chữ Trung Quốc, màu sắc văn hóa Trung Quốc trước cửa nhà người Việt cũng đã là cách ngự trị văn hóa chính đáng không chê vào đâu được rồi.
         Thương thay cho văn hóa Việt. Có thể hạ bút viết câu ta thán vậy không? Không! Không thể! Bởi văn hóa Việt Nam đã từ xửa xưa xác định được vị thế riêng biệt của mình. Điều đáng thương, muôn đời muôn kiếp đáng thương là không ít con người Việt vẫn cứ khoái mang cái tâm lý sùng ngoại, a dua, lon ton chạy theo mốt mới lạ mà lại lười cải tiến, sáng chế cái mới lạ cho chính mình. Lại có khối anh khoái thêm cái tính cách tiểu nhược, cúi mình thần phục người đến độ không còn dám ho he làm gì để thể hiện tư cách dân tộc. Vậy thì phải viết: Thương thay tính cách hèn kém con người Việt!
         Tới đây, mới thấy đáng khen cho ông Hữu Thỉnh cùng ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu đã tự làm một cái đèn lồng theo cách Việt, viết chữ Việt và đã “dám to gan” treo cao trước toàn thể … thế giới.
         Mong sao cho tinh thần Thơ Việt được thắp sáng trong thảy mọi tâm hồn Việt, tư cách Việt trong những Tết sau, Tết sau nữa.
Rằm tháng Giêng, năm con hổ
ĐTK    
 
Ảnh: Thái Bỉnh mê mẩn đèn lồng
Muốn thành Thẩm Quyến, Hồng Công đấy mà