Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐÊM QUANG MINH

Vũ Hữu Trác
Thứ sáu ngày 5 tháng 3 năm 2010 5:03 PM
 
       Quang Minh, trong trí nhớ của gã, có hai con mương, một con nhỏ và một to quen gọi là sông. Nhà cửa đứng ngổn ngang, thấp bé ở đằng sau làng và có cả một ngôi chùa cũ. Chỉ có một dãy nhà hai ba tầng, có chố bốn năm tầng mới xây gần đường quốc lộ là có hàng lối, nên trước làng gọi là phố đằng sau vẫn gọi là làng. Lui vào một chút là cái nhà hai tầng thấp trong đầu ngõ nhỏ, có gắn biển chữ “Khách sạn-Hoa” chỉ to hơn cái quạt cầm tay.
 - “Khách sạn chó gì” - Gã nghĩ...Ở tạm. Thôi cũng được.
Gã nằm vật ngửa lên trên giường, nhìn qua cửa sổ. Trước nhà dàn hoa giấy đang trổ những chùm hoa đỏ trắng, xúm xít che trên cái cổng. Gã chợt nhớ đến những dây leo lên hàng rào gỗ thông xám xịt ở trại tị nạn ấy. Dây leo quấn dầy trên các thanh gỗ, trổ từng chùm hoa như một bức tường trăng trắng, hồng hồng làm bớt vẻ u tàn của cái màu xám xịt khu trại bên trong.
Giờ gã đang tìm chỗ ẩn nấp và để tĩnh tâm. Ký ức châu Âu những ngày trốn chạy, những tháng băng tuyết ngập đất, gã là thủ lĩnh phường thảo khấu ẩn trong rừng thông, kiêm đánh hàng quần bò từ Trung quốc sang châu Âu.
…Cuộc rượt đuổi của tay chân “thằng chó” khắp châu Âu đã làm gã kiệt sức. Vết thương chỗ đùi lại nhắc gã lần thoát chết bất ngờ, khi đầu nòng súng Côn chĩa thẳng vào ngực gã. Một kẻ người Việt bịt mặt nói giọng miền trong :
-  Thằng cứt đái…mi lạy đi !
Gã không đủ sức lạy nó mà trợn mắt nhìn nó. Nó bắn đánh “đoàng” một phát vào đùi gã rồi bỏ đi. Khi ra ngoài căn nhà như cái lều cũ nát giữa rừng thông, nó bắn một chặp như thằng điên, hết cả băng đạn vào trong nhà. Khi bình tĩnh lại, gã hiểu, nó không muốn nhúng sâu thêm nữa vào tội ác của kẻ được thuê, bởi nó cũng không hơn gì gã…Gã lại ngồi dậy trên giường, nét mặt đanh lại.
Gã là đồ cứt đái !
Nỗi uất ức ào về, cắt cứa vào da thịt vào mắt mũi gã làm nước mắt ứa ra đầy dần thành từng giọt rơi xuống. Gã lại thấy xung quanh mất hết màu sắc, đến kỳ lạ như đêm ấy. Lũ quạ bị vỡ tổ ban chiều vì tiếng súng nổ, kêu “quà quà” suốt mấy tiếng đồng hồ ngoài bìa rừng, lại im lìm biến thành những chấm trên cây, thẫm hơn màu đêm nhờ nhợ trắng. Trắng như bầu trời trắng, mặt đất u ám trắng…
Khi manh mối của gã lộ hẳn ra, khi không thể còn lẩn quất được nữa, gã phải nấp và liên tục di chuyển trong những căn phòng bằng tôn của những kẻ tị nạn người Việt ấy. Căn phòng bên trong khu nhà kẽm có khi cũng gần giống như cái phòng khách sạn gã đang ở. Nó được dán giấy giả gỗ nom giống một căn phòng thật. Khu “nhà” hai tầng, phòng ở không có ban công vì được ghép nối bằng chất các Côngtennơ chồng lên, tạo thành, nếu đứng là có thể gần với tới trần. Bực mình nhất là cái hành lang bằng tấm tôn, không có cách âm, không thảm, hễ động bước chân là rầm vang lên, như có ai cố gõ vào đầu. Tuy vậy, ở trong các hộp kẽm mùa đông, cũng còn hơn hẳn những lần gã phải chui trong các thùng giấy, hứng chịu cái tê tái buốt giá, hay lủi trong xe moóc không có nhà vệ sinh, không có nước, chỉ có những tấm thảm sực lên, độc mùi cứt chó hoang.  
Gã ngồi dậy thay đồ cho giống, để trà trộn vào những người làng quê rồi đi ra.
 Những ngôi nhà ở Quang Minh một phần gếch lên quốc lộ, một nửa duỗi xuống bờ sông phía sau. Mùa hè ở đây mưa ít, còn mùa đông có sương mù và mưa thì dầm suốt. Quang Minh có tới mươi ngàn dân, sống bằng nghề chính là buôn bán tạp, chạy chợ rau đầu mối, cũng còn có một số ít dân làm nghề nông vì còn yêu ruộng đất.
Cuộc sống êm ả với nắng gió là chuyện bình thường tự nhiên ở Quang Minh. Tội phạm ở Quang Minh không mấy xuất hiện. Ban đêm, những người không biết có thể ra đường mà không lo lắng. Trộm cắp, đánh nhau, mua bán cái thứ thích thích, là những vụ bình thường, cũng có xô xát dẫn đến thương tích nhưng kín đáo, ít biết. Cũng có ít những chuyện đánh vợ chửi con trong gia đình, có dình rập trong bóng tối vô thức, có nỗi sợ hãi ám ảnh, có cả vợ đi tìm chồng, chồng đi tìm của mới lạ. Thấy lác đác xuất hiện vài nhóm xe ôm và những mái đầu nâu đỏ.  Những hôm không trăng, gió xua cây lá rụng, mưa rây, ánh đèn đường lóe lên những vệt nhập nhằng.
Đầu làng bây giờ thành một chỗ nửa chợ, nửa quê, chỗ rộ lên vài quán nhậu, cà phê, quán bia ôm, cả quán KaraOke. Thoáng đi qua là thấy được cái vừa cũ kĩ, đen đúa lại vừa mới hồng tươi, vàng ối của phố xá. Các cô gái ở thành phố về bán bia mặt hồng, môi đỏ như trời chiều, tươi cười chào hỏi. Ban đầu lác đác những người ở đâu tới, dần dà kéo theo các trai làng, gái quê ở ngay trong làng đến dự hát và nhảy theo video, có cô sơ ý nhún nhún, dơ cái chân đất gót đen hơn cuốc hếch cao. Luôn đứng ở đầu phố chính, là cây xà cừ bị sét đánh cụt mất ngọn. Cả Quang Minh chỉ có hai ngã ba, nhà Bưu điện bốn cạnh vuông, đẹp nhất thì trông như cái bánh chưng mốc đứng một bên góc.
Gã nhìn những biển hiệu nguệch ngoạc đầy chữ sai chính tả, gã không thích tô vàng phết son lên trên hình cái gì như cái bát của tấm biển to tướng chỉ có chữ “Phở Phương”. Gã chưa đủ bình tĩnh để phớt tỉnh trước buổi chiều có tiếng trẻ nô đùa làm gã nao lòng. Trong gã chưa đủ sự tĩnh lặng lòng mình để nhớ mỗi khi có người gánh đôi quang sọt như mẹ nó đi qua trước mặt. Cuộc đời gã cứ như hạt bụi lơ lừng giữa trời chưa đủ nặng để trĩu rũ xuống, mà cũng không thể để tự bay lên được nữa…
Gần trưa, vui vẻ hơn cả, là đám con trai kéo nhau đến, tất cả bỗng trở thành những ca sĩ đứng dạng chân ra chỗ cửa nhà hát múa, thỉnh thoảng ào lên nhưng câu chẳng hiểu là thứ tiếng gì. Trong tiếng nhạc hỗn độn đến tức ngực, đám cưới được tổ chức ngay tại nhà rềnh ràng. Chú rễ là anh chàng bán ngan ở chợ, ai nói gì cũng nhe nhở răng miệng cười, mà chẳng hiểu là cười cái gì. Răng cái vàng cái đen chen lấn chỗ cửa mồm, dài, ngắn sít nhau sau cặp môi như màu thịt để lâu. Cô dâu đúng là liều mạng, đang sợ hãi tái nhợt giữa chốn xa lạ không họ hàng. Đám thanh niên tấp nập nhảy hát liên hồi trên chỗ tấm vải xanh căng lên làm phông, dán mấy cái chữ lồng có những đôi chim bay đậu, chẳng ra hàng ra lối, ngoáy mông chổng đít vào nhau theo tiếng chát xình chát bùm. Phởn chí thật!
Tự nhiên cái thứ ồn ào làm gã nhớ cái chợ. Gã phải liên tục di chuyển, gã làm đủ nghề cưa cắt bốc xếp gỗ lậu trong rừng, rồi bốc vác kiểu đội bộ - “bộ đội” trong các chợ. Tiếng ồn ào, tiếng nhạc ở những hành lang hun hút dài…rẽ trái, sang phải. Những dãy hành lang treo đầy áo len, áo da, quần bò…Áo áo phông con rết đỏ, con nhím xù. Áo pilot, áo nữ hoàng…Đủ số. đủ kiểu. Những người đàn bà trắng bệch béo, nhão nhoẹt. Những bàn tay qua một mùa đông bị cước giá vì không đeo găng để đếm tiền chợ, phồng trắng rộp lên. Tuy vậy còn hơn chán cái lũ quần áo, váy bò xanh lét, đội mũ  lông giả môrơtốp che kín tai. Họ đứng đường ngoài trời, trước cửa sân vận động, lấy người làm manơcanh bán quần áo trong tuyết lạnh rơi đầy, hễ thấy cảnh sát là ôm túi hàng chạy biến.
…Rồi đó là một căn phòng rất nhỏ có lớp giấy bồi tường cũ kỹ thấp thoáng bóng những con gián dạn người chạy đi chạy lại trên nền, gã được một người Việt cho thuê góc chợ, có những đứa bé sinh ra và lớn lên ở nơi thừa tiếng ồn mà thiếu không khí ấy. Chúng tập đi trên các hành lang chật ních quần áo giữa những tiếng chào mời, tiếng nhạc đập rình rình đến khuya. Chúng sẽ đi học, học giỏi, rồi chúng sẽ đi làm, đi bán hàng chợ và rồi sẽ yêu… Những cái hành lang mấy chục năm nữa, cũng sẽ như cái hành lang ngày bấy giờ…
…Gã miên man với số phận gã khi đã trắng tay thì càng tăm tối, tồi tệ nhanh hơn. Trắng tay và trắng mắt. Một kết thúc lạnh lẽo, tất cả đều trắng rợn trong cái lạnh rát ở bìa rừng gần đầm lầy nơi gã ẩn nấp cuối cùng. Những thông tin mang một thứ như tiếng kính vỡ oà, tiếng của chén bát ném xuống sàn nhà. Những bông lilia trắng muốt rơi lả tả, những quang cảnh loang loáng và những gương mặt người tròn méo, áo trắng vật vờ bay lượn. tất cả như đang rơi xuống, rơi trút xuống như tuyết trước mặt hắn. Gã chẳng có một chút giấy tờ, cảnh sát châu Âu đã để mắt lùng hắn. Gã ghét cay ghét đắng cái màu trắng ấy.
Thế rồi lâu lâu, gã chợt nhớ thèm chút nắng vàng, thèm đến lạ lùng. Nắng vàng rực trên da thịt, trên đầu nó trong mỗi buổi trưa hè. Khi ấy nó còn nhỏ, nó bước đi, đầu ngẩng cao như đón đợi những sợi sáng đang xuyên rẻ quạt, qua đám lá cây bàng bên đường làng. Nó nhố nhăng trong đám bạn bè trẻ con mà nó hay bắt nạt. Có cái gì nhói lên, nghẹn trong lồng ngực gã. Bây giờ, gã đang có những tia nắng này thật…  
Đám cưới chẳng có gì vui, nhà bên hàng cà phê bán kèm đồ điện tử, tự nhiên tức khí, Úp úp…um um. oà lên. Úp úp…um um …ụp còn nhức óc hơn nhiều. Bên đám cưới âm thanh chát xình, chát xình, có phần kém hơn một chút. Kẻ người làng chán chuyện ra đứng ngoài, bên hông chỗ dải thắt lưng, đeo hai cái hộp đen giả da, đi đâu cũng mang theo đủ những thứ ấy. Hộp to hơn đựng điện thoại di động mua tại cửa tiệm Lâm, chuyên bán hàng ậm ạch cho những người dùng ham của rẻ. Hộp bé bên phải là một chiếc kính gấp mác Rolex, mua được ở quầy vỉa hè với giá vài ba cân gạo. Thi thoảng rút điện thoại hờ hững :
- Ờ ờ ! Tôi đang bận lắm, công việc lu bù cả…
…Gã nhớ trước khi trốn chạy sang châu Âu, gã trong bộ dạng nhàu nát, lôm nhôm, lẩn như trạch, luôn chuyển chỗ trong các con ngõ sâu hun hút, chờ người cứu giúp. Những con ngõ sặc mùi cá, mùi mắm, mùi nước đái, mùi xào nấu, mùi nước cống và mùi lưu manh đĩ điếm bủa vây lấy gã, nuốt chửng gã. Gã đã hoà cái thể xác mình vào những cảnh đời vừa bụi bặm, vừa bảng lảng cái mùi địa ngục ấy. Gần một năm gã tan rữa trong hàng trăm câu chuyện về những thứ đen bạc, uế tạp, để chờ, cho đến khi không thể chờ được, gã trốn chạy, chui lủi sang châu Âu…
    Buổi tối lên đèn, lùi sâu hơn góc ngã tư phố, nhà mái ngói thâm đen sáng đèn biển hiệu. Nhà hoạ sỹ có các cô gái truyền thần bán thân, nghiêng nghiêng cười một mình trong tranh, treo trên cửa.  Trong nhà còn lộ ra một bức tranh sơn thuỷ, to tướng. Tháp rùa phong sương đứng bên núi đá cheo leo, có cả cầu Thê Húc đỏ rực bắc sang, in bóng dưới nước Hồ Gươm xanh màu nước rau muống luộc. Đàn ngỗng trời chấp chới cánh trắng và những lông đuôi vịt màu xanh biếc bay qua. Tranh tường bé hơn. Màu vàng đậm hắt ra từ ô cửa sổ trong tranh, từ những  ngôi nhà bỏ hoang lâu ngày, trông đường phố vặn cong như sắp gãy. Cây xà cừ già đứng nhìn tấm thân cong queo đen đúa thở dài, cặp mắt trên thân thô lố nhìn ra, thỉnh thoảng bắt gặp đôi mắt tò mò của ai trên đoạn đường vắng.
Hoạ sỹ tốt nghiệp trung cấp công nghiệp cơ khí, nhưng có tài vẽ học lỏm. Thằng con trai độc nhất học kém nhất trường, vì trường toàn thày giáo kém nên thi đại học trượt. Có ông chú bảo nếu gia đình đưa hai mươi triệu thì chạy cho vào trường đại học tin học ở Hà Nội, mới mở năm đầu tiên. Sau hơn một năm, nó trở thành một games thủ siêu hạng, đã lên dược đến ngôi một đế chế games. Học chưa được hai năm, nó bắt bố xuống trả món nợ ba trăm triệu vì là cả lô đề, cá độ. Trường đuổi học. Nó bảo, thằng bạn nó, con ông hiệu trưởng trường sư phạm bên cạnh, còn nợ sáu trăm triệu, chứ nó ăn thua gì. Vợ thương con cố vớt vát bảo hoạ sỹ : “May mà con mình còn chưa nghiện!”. 
Dưới gốc cây dâu da trước nhà, có tiếng gọi của cô nào vọng vào :
-  Hoạ sĩ ơi, vẽ cho em một bức tranh khoả thân nhé?
Hoạ sĩ cười khùng khục, mắt trắng xoá kính:
-  Giờ này thì chỉ vẽ được ma thôi!
Tà áo ngắn rướn lên, lộ rõ một khoảng hông trăng trắng - Hoạ sỹ liếc ngang, mắt méo xệch.
      Tiếng guốc cao gót lộc cộc vỉa hè, gọi xe ôm :
-   Chở em ra gần ngã tư, đoạn gốc cây cụt ấy. Đi chậm thôi, biết đâu em gặp được khách quen. Buồn phố quá, đến nước này, có khi em lại về lội ruộng mất thôi!  
Thiếu nữ môi đỏ, má quá hồng mi mắt màu cánh chả và vài anh xe ôm, tóc cắt cua, mặt trông ghê ghê. Người đàn bà tầm tầm tuổi, quẩy đôi quang gánh trứng vịt lộn, với nước chấm đầy ớt tanh tanh đi dọc phố, dừng bán ngay trên vỉa hè nhỏ. Dăm ba thiếu niên, mặt những đám trứng cá, ngồi thành vòng tròn tíu tít quanh gánh hàng quà vặt, có cả bánh rán nguội tẩm đường kèm với rượu.
 …Ngán ngẩm, gã thấy đói bụng. Làm bát phở đã. Đi vô định cũng chẳng sao.
      Phở quán Phương, đèn sáng hắt ra đường. Phương tầm tầm tuổi, gầy cao quần cộc lửng màu bò chàm, đứng dạng rộng chân trước nồi nước phở đang sôi toả mùi ngậy ngậy, gây gây ngạt thở. Chân đi đất, bàn chân có móng cùng màu đất, thỉnh thoảng lại hất hất cái chân doạ con chó đang nhay nhay cái khăn lau bàn. Tự nhiên cái ống quần rộng lem nhem bọc cặp giò giống như bị teo cơ, tông mạnh con chó con một cái đá, làm nó oẳng lên một tiếng, chạy ra phía gầm bàn tối, nói hắt ra :
-  Tại cái đám cưới của nợ, mất hết cả khách!
Phương Phở đã cất công khăn gói xuống tận Nam định học nấu phở Cồ, vợ chồng bận rộn với hàng mới mở, lại phải luôn phải canh chừng ba cô con gái. Con gái cả Phương Phở, mới lớn gần đây, bản tính tốt bụng, hiền lành xinh xắn, phải mỗi tội thích trai, cứ thấy trai là mắt sáng như đèn ôtô ban đêm, lại còn đưa đẩy nữa.
Trên mặt bàn có những hộp cắm những cái đũa sẫm màu nhờn nhờn, có đủ cả giấy lau miệng và tăm, có tiếng sụp, soạp. Con chó chạy lại, quanh quẩn chờ.
 Chiếc bàn nhựa bốn chân yếu ớt bên cạnh, trên hai ghế gỗ dài hai kê bên. Bên dưới cùng phía là bốn cái chân người chỗ dưới gầm tối tối. Hai cặp chân bên phải lặng im vì mắt người đang chăm chú nhìn sang chỗ mép váy ngắn ngủn, có hai cái chân nõn mịn, tuồn ra, có bàn tay mềm, móng tay hồng, đang giữ rịt mép váy.
Nghe tin phong thanh con gái lớn Phương Phở đem lòng yêu thằng Lâm tóc chôm chôm, sau một thời gian lên phố làm bảo kê mátsa không được, về mở hàng băng đĩa, kính mắt, kiêm cả điện thoại di động ở đầu làng. Phương cấm tiệt con gái, tuyên bố hùng hồn:
- Tao mà thấy mày đi với nó, tao chặt chân, rõ chưa? - Phương vung mạnh con dao thái phở to tướng lên.
Im lặng.
Phương Phở điên tiết, đập cái bản dao xuống bàn :
-  Quân mất dạy ! Quân sấp mặt !
-  Vâng ạ.
Nó len lét đáp nho nhỏ, không dám cãi một lời.
Cả phố ị ra mặt đường những mẫu kiếm ăn đêm. Màu đêm nay bớt đậm, vì còn có trăng. Tiếng rao bán xôi lại vọng lên từ phía cuối đường không người. Hàng ngô nướng gần, than hồng rực. Chỉ có ngô, than hồng và người bán...“Ngô bán cho ai? Cái con mụ hàng ngô này mắt long lanh thế, sao lại đi bán ngô?”.
Lâu nay, có điều lạ gã không còn hứng thú cái việc ấy, với bất cứ lời mời chào nào nữa…
Hàng quà đêm đã sửa soạn ra về.
Phố xá vẹo nghiêng theo từng bước người. Mảnh trăng vụn, rắc trút thứ mờ trắng như rắc bột xuống đầu gã. Hè thấp, gạch xi măng vuông cạnh ram ráp, chân đi lạt xạt qua lớp những ngôi nhà cũ. Phố rút cong về nam, nối vạch với đường thẳng mờ mờ như dải khăn trắng ra xa tận ngoài cánh đồng. Hơi nước từ mặt sông bốc lên lạnh lẽo. 
…Gã sẽ đợi chờ phút đối diện với “thằng chó”… Đúng là thằng chó…Gã nếm trải quá nhiều hoảng loạn. Những nỗi đau, dằn vặt trong lòng làm gã chai sạn, làm gã sẵn sàng chết. Có ai đó nói cho gã biết thế nào để chết một cách sòng phẳng? Nhưng không có ai động lòng làm cái điều ấy. Mà gã đã ngu, gã chạy trốn khi người ta quy cho gã cái tội, mà tội ấy là phải chết. 
                                        *  0  *
Tự nhiên mắt dõi về chỗ thành cầu qua con sông nhỏ. “Ai lại muốn nhảy xuống sông giờ này chắc ?” Gã lắc lắc đầu. “Đùa giỡn với cái chết hả? Dòng sông cũng có thể giết người đấy!”
Cái bóng vẹo vọ theo từng bước gã trên mặt đất gồ ghề. Cũng chẳng thấy hứng thú gì. Cây xà cừ cổ thụ cuối làng choãi ra phía bờ sông trông như đống rơm to tướng…Hai năm rồi, chốn chạy… Đầu cầu lại có hai dãy cây nhãn già không ra quả được, phải đi qua. Bóng gì mà dài thế, đi mãi vẫn chưa hết…Thôi, kệ…
Bóng tối nhàn nhạt đặc những sương. Bờ sông có hai bóng ngồi gần nhau, một cao, một thấp. Bóng thấp tóc dài. Bóng cao đầu chôm chôm. Vũ trụ im lặng rót sáng vào chỗ ấy thay trăng bị mây che. Cứ vài ba phút hai cái đầu lại tách ra, vài phút lại nhập nhằng lại vào nhau, chẳng ra hình thù gì, không cả để ý đến ánh sáng mờ vẫn cố ý rọi vào. Một lát hai cái bóng ập lên nhau chìm hẳn xuống lẫn vào trong đám cỏ dại, rồi nín lặng. Gã không lạ gì cái đó.  
Phía đông một khối lù lù xuất hiện. Khối đen như con trâu tiến dần đến chỗ vũ trụ im lặng và trăng trắng, chân đi không một tiếng động. Con trâu đầu to như cái gầu tát nước, lông tóc như cái khăn lấp loá trắng. Gã quay nhìn không chớp mắt. Ồ, ở đây lạ đấy, cũng lắm những thằng điên thật. Gã lẳng lặng đến gần nhìn từ xa. Tự nhiên có tiếng nói :  
-  Người nhát gan nhìn thấy tôi bịt mặt thì hoảng sợ. Kẻ liều lĩnh và bọn trộm cắp nhìn thấy tôi thì dè chừng, chúng cho là đồng tính làm oai. Nhưng ông không sợ là làm sao?
Thì ra là Phương Phở, gã nhớ giọng lúc chiều, không hiểu giờ này đi làm gì ở đây mà mang theo chăn trùm, lại đội cái gầu ghê thế. Gã không thèm trả lời quay đầu bước chầm chậm, gã đâu phải là người Quang Minh.
Ánh trăng mờ phủ như sương trên đầu. Vết trăng tròn mờ mờ chỗ đám mây như lòng trứng trong bát nước. Trâu đứng thẳng chạy bằng  hai chân, băng ra lao vào giữa vùng cỏ rậm. Túm cổ.  Đầu chôm chôm vọt ra, một tay sách quần, quắn đít chạy ra giữa cánh đồng mờ mịt. Có giọng ú ớ không rõ thành tiếng.
…Đúng là Quang Minh bình yên thật, Quang Minh không biết sợ là gì, không biết cảnh giác chút nào…Gã không thể nhớ lại được, từ lúc nào gã trở nên vô hồn, lúc cái bản án mua bán tàng trữ trái phép số lượng lớn ma tuý của đám tay chân trong đó có gã, cho tay trùm khét tiếng tàn nhẫn, ám ảnh gã đến mức không chịu nổi. Gã mất ăn mất ngủ nhiều ngày, gã thấy mình thật ngu. Sao lại đi nhận tội thay thằng trùm, cái tội tầy đình ấy, để bây giờ nó vẫn nhởn nhơ, quên cả lời hứa cứu gã. Bây giờ thì tới một ngày, gã tin những chứng cứ sẽ truy đuổi, sẽ tìm ra được gã, mà không chỉ là nhà chức trách mà cả “thằng chó” nó luôn muốn bịt miệng gã, vĩnh viễn.
Con đường phía trước qua đoạn Quang Minh lên đường nhựa trĩu nặng bước chân. Lần này về gã sẽ cho thằng chó biết tay, gã sẵn sàng chọn cái chết để đối mặt, rồi gã sẽ xoài xuống đất để nghỉ ngơi. Gã sẽ ngủ một giấc ngủ dài như cả trăm năm không được ngủ và sẽ không ai đánh thức được gã dậy nổi nữa. Hồ sơ trọng án đã hoàn chỉnh bằng cái ngu của gã rồi. Gã phải tránh cả những thứ trước kia gã coi là tép.
Gã đón tắc xi quay lại.
Taxi trắng chạy vòng vòng qua một lượt qua phố. Chục phút đã hết nhà mặt đường. Hạ kính chắn gió xuống. Chưa đến mười một giờ, chắc vẫn chưa được. Đi thêm một đoạn nữa.
Chợ đầu mối. Vài xe đạp vành thồ, lốp bẹp dí chở nặng đi ngược. Một xe chở một bên sọt, đi nghiêng như làm xiếc. Taxi bấm còi tức tức, không được, dí còi thật dài, bực mình lán ra đi nghênh cả đường, lái xe thò đầu qua cửa doạ xe thồ. Lại còi, giờ này phố đã ngủ, còn bóp còi. Thử xem xe thồ cái đã.
Gã xuống xe nhìn những mớ rau xếp trong sọt, y như cái sọt của mẹ gã, những cái sọt cũ nát nhưng vẫn còn hằn vết trong lòng gã…
Chợ búa gì mà đông thế này? Nửa đêm. Váy ngắn giăng trước mặt. Con gái, tay giữ rịt váy, để gió thổi lên khỏi lật không chừa chỗ nào, trông mặt non tơ giống con gái khu công nghiệp, kéo đến mua bán gì đây? Quay lại, cả nữ sinh trường chuyên, quần áo riêng biệt. Trăng rọi mờ chiếu lên trên khắp chợ đêm. Váy ngắn đứng thành hàng phất phơ phía trước những gánh hàng rau. Quần bò áo cộc hở lưng, tung tăng chỗ chân dốc. Ngây phỗng, đẹp quá, chân không bước được nữa, mười phần thách thức con mắt gã. Chưa bao giờ gã thấy thế này. 
Gã dừng lại, châm thuốc rít một hơi dài. Cái chấm đỏ lừ, khói nhả bay lên một chút rồi biến mất. Có cả mùi mồ hôi trộn mùi bụi đường chua nặc, chua đến nỗi chính gã ngửi thấy. Con thú lớn đã ngửi thấy mùi những con thú nhỏ hơn.
Gã rứt điếu thuốc ra khỏi môi phóng xuống đất. Ồ, mà có gì đâu! Nghĩ đã…giờ thì phải biết nấp cho kỹ, chỉ cần sơ xuất là sẽ hiện hình lên trên mặt ti vi ngay. Đúng, có kẻ rình theo gã. Gã chít khăn lên mặt, qua một bên mắt, mờ quá. Cái khăn to ngỏng lên liền với khăn trùm mặt phủ kín xuống. Gã nom cổ quái, không giống người bình thường chút nào. Có chuyện rồi.
Lại có tiếng giọng mới vỡ, khàn vịt đực :
-  Thôi đi mà, cứ để yên cho nó đi !
…Quyết tâm để sống thì gã có thừa, gã rất muốn sống, nhưng một mình gã làm sao được khi mọi thứ giăng kín đang khép lại, phải phá tung lên không khác được. Gã biết nguy hiểm đâu đó vẫn rình quanh mình, không chỉ từ phía bản án. Tất cả các thứ luôn dình rập bắt gã phải câm miệng, bắt mọi thứ khao khát của gã chỉ là trong tâm trí gã. Gã luôn phải cảnh giác và phải luôn trốn chạy.
Gã lại lên xe tắc xi :
-  Đến chỗ chùa ta dừng nghỉ một chút.
Taxi đi nhanh hơn. Từng mái nhà nhạt nhạt giạt ra bên đường. Một quãng đến ngôi chùa cổ, đỗ xe từ xa. Gã bước xuống, ngắm nhìn. Tắc xi tắt đèn chờ. Mọi thứ mất hẳn vào bóng đêm.
Gió đỡ hơn. Chỉ còn con chim đương động cành. Lặng ngắt.
Gã đến chùa tìm chút tĩnh tâm, đứng ngoài cổng tam quan. Ngôi chùa có lịch sử trăm năm này uy nghiêm bóng cây bồ đề, cây mít cổ thụ. Gã ngước mắt nhìn. Một tiếng chim vỡ ra trên khoảng phía sau đen đến nhói tim, thời gian nượp nượp rơi trên lối. Tự nhiên gã chắp tay lạy vọng vào trong chùa. Đời gã chưa bao giờ gã biết làm thế.
Không có tiếng động, bức tường có cây mít cổ thụ bên trong xoà ra che mất ánh trăng, trước mặt là một quầng sáng mờ. Còn cả gì giống người nữa. Gã ngẩn người, chỗ cổng vào bên cạnh, rêu mốc, ánh sáng mờ phủ. Một con trâu đá thả mình nằm, đầu hơi nghếch lên, như thanh thản. Ôi trâu đen, giống như con trâu vẫn cùng bố nó ngày nào kéo xe, kéo cầy, cùng nó ngày nào nó nô đùa trên lưng những lúc đi chăn. Thân trâu bạc phếch, cái bụng phình phẳng như cái ghế, nhẫn nhịn quỳ nghiêng bên cổng chùa cổ. Gã ngồi xuống trên lưng trâu, đăm chiêu suy nghĩ. 
Bỗng có tiếng người :
-  Thần sắc cháu không tốt! Ta thấy được cả trong đêm. Hãy cởi bỏ những âu lo đang đè nặng cháu đi!
-  Dạ thưa…Nhưng là cháu ngu, cháu còn bị lợi dụng, vu khống…nó còn định thủ tiêu cháu. Cháu sẽ không thể để nó làm được. Cháu cũng có tội, nhưng không phải như thế!
-  Lòng người luôn hồ nghi, mà cõi người là cõi mông lung, lòng cháu thì đã chết từ lâu rồi. Cháu phải tránh nhìn thấy kết cục cuối cùng bằng gây tội lỗi  mới. Phải biết bỏ qua đi mà sống. Cháu muốn thấy mọi thứ sẽ chấm dứt ư? Ta bị cụt một bên sừng cũng chỉ vì lòng người vị kỉ, Cái sừng của ta không tội tình, không phải được lợi vì ta mất sừng mà chỉ là tuỳ hứng. Đằng này người ta phải vì cái quyền lợi của người ta. Cháu cần phải biết tội cháu đến đâu! Cần gì thêm nữa cho chết hẳn? 
…Gã muốn hoà mình vào đất, sống thế này cũng chẳng sống làm gì nữa”. Cố nữa làm gì, bạc cả như vôi rồi. Gã sờ tay lên chỗ chiếc sừng gẫy lại thấy có vẻ như một chiến tích.
-  Có còn lối cho hồn an lạc không?
-  Vậy thì chính là chỗ dải đất trú thân cuối cùng này của cháu! Của chính cháu chớ không phải ở một nước nào, hang ổ, hoang đảo nào hay một khu núi cao rừng thẳm chưa có dấu chân người nào. Ngay từ cái khó tường này của mọi người này, cháu phải trả hết. Có thế hồn mình mới thanh thản được!
Trâu đá hếch cái mõm lên cười.
Tự nhiên gã háo hức, khám phá bầu trời mới qua khoảng thủng rộng trên tán lá cây như cái mái nhà thủng một lỗ rộng, vào một buổi đêm bất ngờ thức giấc, giữa rừng thông trắng ngắt.
Gã vừa rời khỏi khoảng tối vĩnh cửu, những mảnh hồn phách phiêu lạc mất rồi, đang dần trở lại.
Quang Minh trùm một thứ không khí mờ ảo. Mặt sông phẳng như thạch đông. Có cái gì đương vọng về như tiếng chân người. Gã đi bộ về phía ấy. “Bọn giẻ rách!”- Gã khinh miệt - “Cẩn thận không mà rơi xuống sông”.
Trên cầu hai cái bóng nhập làm một, tì lên thành cầu, rung rung ú ớ. Một bóng đen đen chợt chạy vọt lên cầu. Cái đầu có hai tai nhô cao như tai chó, dơ con dao dài như cái mác. Hai bóng tách hẳn ra, có tiếng hốt hoảng không thốt ra thành tiếng, Bóng dài ú ớ ôm ngực tức thở, mặt trắng xanh lét ánh trăng.
Gã đoán ra.  
-  “Không! Phải dừng lại ngay!”-  Gã lồng lên.
Chỗ giữa cầu có một người đang chới với chỗ lan can. Cái đầu có tai chó hua hua con dao dài. Váy ngắn đứng trên cầu lặng im trong sương, lấm lét nhìn quanh khi thấy gã. Trước mặt một quầng sáng mờ, vuông trời đỉnh đầu đem sẫm dần, hơi mờ bay giạt đi thành một khoảng sáng tròn.
 Cả ba kinh hoàng, lặng im quên tất, đứng nhìn hòn đá tảng trên thành cầu lăn ùm xuống mặt sông.  
Gã không kịp nghĩ gì, lao theo xuống.
Gã gọi tắc xi lần này là để cấp cứu kẻ rơi, suýt chết đuối dưới sông. Đến cổng bệnh viện, gã dặn :
-  Tắc xi chờ đấy.
Lát sau, khi đưa bệnh nhân vào được phòng cấp cứu, gã lẩn nhanh ra ngoài. Gã đâu đủ điều kiện để có thể khai báo gì với bệnh viện.
-  Đi đâu anh?
Gã cười, lần đầu sau bao nhiêu năm, thật to:
-  Đến đồn công an gần nhất!
 Quang Minh 12 - 2009.