Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỂ DÂN TỘC KHÔNG BỊ "DIỆT CHỦNG TINH THẦN"

Nhà văn Đỗ Chu
Thứ sáu ngày 5 tháng 3 năm 2010 5:48 PM


 Văn hoá vốn là vẻ đẹp, là sự toả sáng của con người, là cái có ý nghĩa cao quý nhất để người ta thường mang ra đối đãi nhau. Ấy vậy mà nó, từ bản chất, vẫn phải có sức đề kháng, sức tự vệ, tự trọng, cái mà giờ đây chúng ta hay nói, phải biết giữ gìn bản sắc dân tộc.
 
Cứu cánh của dân tộc chính là văn hoá
 
Dòng chảy của một nền văn hoá chẳng khác nào dòng chảy của một con sông mẹ. Trong quá trình đi tới nó diễn ra rất nhiều hình thế, đôi khi phức tạp. Lúc thì thắt mình lại làm nên ghềnh thác, lúc mở lòng ra đón nhận phụ lưu, sau nhiều uốn lượn nó toả nhánh gặp biển. Nơi ấy là cửa sông mênh mang bờ bãi, rất dễ ngỡ ngàng, dễ bị ngợp khi muốn nhận hướng. Dẫu sao, hướng của dòng sông cũng vẫn cứ có, nó được chuẩn bị như một tất yếu, ngay từ ban đầu, theo hình tượng của đất đai.
Châu thổ sông Hồng là gốc của sự hình thành lịch sử Việt Nam. Nhìn chung lịch sử của một dân tộc quả thật cũng chỉ là lịch sử văn hoá của dân tộc ấy mà thôi.
Một vùng đất hàng năm có hai mùa gió, gió từ lục địa thổi ra biển và từ biển thổi vào. Chính là nhờ chế độ gió mùa mà đất đai phì nhiêu, cỏ cây tươi tốt, cùng nằm trên một vĩ độ với Sa-ha-ra mà nó không hề bị sa mạc hoá.
 
Cứu cánh của dân tộc chính là văn hoá. Không bao giờ để mất văn hoá của mình. Nó là cái pháo tuyệt vời để giữa biết bao bể dâu, dân tộc đã không bị dìm ngập. Nó là tín hiệu tập hợp, là hồn cốt Việt Nam. Mất nó là mất hết, là dân tộc bị xoá tên khỏi cộng đồng nhân loại, là lâm vào cảnh bị diệt chủng tinh thần. Ảnh: My Opera
 
Ngay từ buổi bình minh của dân tộc, văn hoá Việt Nam, rất dễ hiểu, đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của hai nền văn hoá lớn, lâu đời, đấy là nền văn hoá Ấn Độ và nền văn hoá Trung Hoa. Đặc biệt là văn hoá Trung Hoa. Dưới cái bóng rợp hùng vĩ của nó, văn hoá Việt đã không bị chết cớm, đấy là cả một vấn đề rất lớn, rất kì lạ, lịch sử còn phải dầy công đào bới câu trả lời.
Con người Việt Nam cần cù, chịu khó học hỏi và biết học hỏi, sớm có tinh thần tự chủ, có ý thức xây đắp cho dân tộc mình một nền văn hoá mang bản sắc riêng, đó là một quyết định để những ảnh hưởng kia hoá thành tích cực, thành yếu tố kích thích những năng động, sáng tạo nhuần nhị rất Việt nam.
Có thể nói, mọi ảnh hưởng từ bên ngoài vào, với thời gian đều bị Việt Nam hoá. Do vậy, mà trải qua nhiều chìm nổi, nhiều văng vật, dân tộc chúng ta vẫn tồn tại và không ngừng trưởng thành. Đất đai có lúc mất, có lúc chia năm sẻ bảy, giống nòi nhiều khi lâm vào cảnh sẻ đàn tan nghé, nhưng sau tất cả, lại vẫn quần tụ, vẫn non sông một dải nối liền.
Nhưng năm sắp tới  đây vẫn càng khó, nhiều lo âu, cũng không ai dám bảo đã yên bình, thanh thản, phận nước chưa bao giờ dễ dàng. Chỉ những đám tầm thường mới vội vã bằng lòng và kiêu ngạo xằng. Tôi muốn nói chúng ta phải nhìn rõ phận mình, phải biết chăm lo cho dân trí nước mình và phải biết kính trọng nhân loại nói chung.
Sự khiêm cung ở đây không khi nào thừa. Cứu cánh của dân tộc chính là văn hoá. Không bao giờ để mất văn hoá của mình. Nó là cái phao tuyệt vời để giữa biết bao bể dâu, dân tộc đã không bị dìm ngập. Nó là tín hiệu tập hợp, là hồn cốt Việt Nam. Mất nó là mất hết, là dân tộc bị xoá tên khỏi cộng đồng nhân loại, là lâm vào cảnh bị diệt chủng tinh thần.
Do vậy mà văn hoá vốn là vẻ đẹp, là sự toả sáng của con người, là cái có ý nghĩa cao quý nhất để người ta thường mang ra đối đãi nhau. Ấy vậy mà nó, từ bản chất, vẫn phải có sức đề kháng, sức tự vệ, tự trọng, cái mà giờ đây chúng ta hay nói, phải biết giữ gìn bản sắc dân tộc.
Một nền văn hoá càng có bản sắc  riêng thì càng đến được với nhân loại rộng lớn, sức mạnh tồn tại của nó càng lớn, sức thu nhận cái mới, sức vận động sáng tạo càng lớn. Ở đây, cách nhìn nhận  giữa cái bảo thủ và cái đổi mới như thể có gì mâu thuẫn nhau là một cách nhìn vội vã, nếu không muốn nói là quá đơn giản.
Sự thật, một khi đã thành mực thước văn hoá thì nó chẳng bao giờ cũ nữa. Nền văn hoá của chúng ta đã có sức sống mấy nghìn năm, tất nhiên phải có những tiêu chuẩn bền vững. Như mọi thực thể sống, trong quá trình tồn tại và phát triển nó luôn luôn mang sẵn một thứ gen di truyền không dễ bị phá vỡ.
Chân lí là rất dễ hiểu, sự đổi mới để phồn thịnh là sự đổi mới tốt đẹp, là bao giờ cũng cần thiết, là không gì ngăn cản được, còn sự đổi mới có thể mất gốc, có thể đánh mất bản thân mình là đồng nghĩa với hỗn loạn, đổ đốn.
Cái đó, vô hình trung trở thành bạn đồng hành của những mưu toan thôn tính văn hoá. Nếu thế, nó không thể không vấp phải sức phản kháng mang tính tự vệ có sẵn trong đời sống dân tộc.
Tầm vóc hiền tài càng lớn thì nền văn hoá chung càng rực rỡ
Thực trạng văn hoá của chúng ta những ngày này đang có nhiều biểu hiện rất đáng báo động, chung quy nó là sự suy thoái nhân phẩm, là dấu hiệu hốt hoảng trong đời sống tinh thần, cái ác đang có cơ được o bế, nó tìm thấy những điều kiện để lên men.
 
Dọc hành trình của mình, dân tộc chúng ta thời buổi nào cũng nảy sinh những người hiền tài. Họ là tai mắt tinh tường, là sự lường tính khôn ngoan, là óc thông minh mẫn tiệp, là trái tim thổn thức tình thương yêu con người xứ sở, là ngọn lửa có sức tỏa sáng, có sức lay động thức tỉnh cả đám đông chuyển mình rũ áo, ngẩng cao đầu làm người. Người xưa gọi họ là Hiến. Không có văn hiến thì làm sao có văn hoá. Tầm vóc hiền tài càng lớn thì nền văn hoá chung càng rực rỡ. Đó chính là nhân nào quả ấy.
Những chuyện hôm nay chúng ta đang bàn luận không nằm ngoài điều đó. Vậy chứ khuôn mặt những hiền tài giờ đây lấp ló nơi nao, nhân cách thực ra sao liệu có đúng là những giá trị vững vàng để nhân dân tì vịn, liệu đã xứng đáng là những kẻ đủ sức kham nổi cái công việc nặng nhọc, ấy là việc lấy cắp lửa của trời mang xuống cho con người.
Đức cao nhất của họ là lẫm liệt dâng hiến cho sự nghiệp tự giải phóng của đồng bào mình và phần thưởng duy nhất mà họ nhận là lòng biết ơn khôn cùng của dân tộc. Có một hằng số tư tưởng kể từ Trần Hưng Đạo qua Nguyễn Trãi tới Nguyễn Bỉnh Khiêm và Hồ Chí Minh, sự nghiệp của các vĩ nhân đó cho ta một khái luận chắc chắn về lịch sử tư tưởng Việt Nam.
Với sự công bằng lịch sử, mỗi khi nhìn lại quá khứ là một lần thêm kiêu hãnh trước tên tuổi những danh nhân văn hoá nước nhà. Họ mãi mãi là những ngôi sao chỉ đường cho con cháu giữa những tháng năm mịt mù giông bão, giữa cuộc đời nhiều yêu dấu mà cũng lắm gớm ghê.
Và bên cạnh những tên tuổi thân thiết ấy, ta cũng không thể quên một Ma-ha-kỳ-vực, một Chi-cương-lương, những nhà sư đầu tiên của miền Tây Trúc đã dặt chân lên xứ này truyền kinh.
Cũng không thể quên một ông Thái thú Giao Châu, Sĩ-Nhiếp đã đứng ra mở trường dạy dân ta chữ Hán. Cũng chớ quên các nhà truyền giáo Dòng Tên từ phương Tây tới đất ta đã có công La-tinh hoá tiếng Việt, cùng cha ông chúng ta tìm ra một thứ chữ  tuyệt vời mà giờ đây được xem là quốc ngữ. Đây là cuộc gặp gỡ bởi ông giời. Là chúa đã cho họ đến và các vua Hùng bảo ta hãy đến cùng họ.
Đây là một sự kiện có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo nên một bước đột phá, một bước ngoặt có tính quyết định trong hướng phát triển của đời sống văn hoá người Việt. Nó không thể là công việc của một người nào, cũng không thể là công việc của một lúc. Công việc kì diệu này diễn ra ròng rã suốt từ thế kỉ XVII đến nay mới có thể được xem là tạm ổn.
Nói rõ ra, lòng biết ơn đó cũng là một đòi hỏi nghiêm trang của văn hoá và điều đó chỉ có nghĩa là, con người Việt Nam xưa nay vỗn vẫn biết trọng sự thuỷ chung.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, giữa những xô đẩy của lịch sử, bằng nghị lực phi thường, người Việt vẫn không ngừng vươn dậy tạo dựng cho mình một nền  văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Rất lâu, trước khi gặp gỡ văn hoá phương Tây, dễ có tới gần hai nghìn năm, chữ Hán giữ vai trò quan trọng không thể thiếu trong đời sống dân tộc ta. Nó đã được Việt hoá trong cách đọc, gọi là đọc theo âm Hán-Việt, cho dù có cách đọc riêng thì chữ Hán vẫn cứ là chữ Hán.
Cứ phải từ tám nét vạch đơn giản để đi đến hai trăm mười bốn bộ cơ bản, xem là hai trăm mười bốn chữ cái cũng được. Vẫn một cách viết ấy, mẫu tự ấy và ngữ nghĩa ấy. Sự thật đó cũng là một may mắn lớn, cho nên nếu ta để mai một mất cái duyên nơ với chữ Hán-Việt, nhìn về lâu dài sẽ là một thiệt thòi không nhỏ cho chính bản thân mình. Tôi tin rằng trước sau gì rồi cũng sẽ đến lúc phải trở lại vấn đề này một cách thong thả và xác đáng.