Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LỜI CHIA SẺ THẬT LÒNG MỚI LÀ LIỀU THUỐC QUÝ

Nguyễn Thị Mai
Chủ nhật ngày 7 tháng 3 năm 2010 11:22 AM
                       
(Đọc bài thơ Em ốm của nhà thơ Lâm Xuân Vi)
                          
Em ốm

Em ốm, dẫu chẳng bất ngờ
Nỗi thương cảm vẫn làm ngơ ngẩn chiều
Sốt cao, thân nhiệt bao nhiêu?
Mà mê man cả những điều chờ trông
Ước gì nồi nước lá xông
Có thương yêu giải oi nồng nắng mưa
Chỉ cần nấu bát canh dưa
Anh làm đầu bếp là thừa ngọt ngon
Thế thôi, chuyện tưởng cỏn con
Đủ nương tựa phía vuông tròn mai sau
Sẽ không đủ chữ đủ câu
Để thơ nói hết nỗi đau đớn mình
Mong từ sâu thẳm tâm linh
Được chia sẻ bớt bệnh tình cho em
Lâm Xuân Vi
 
Lời Bình
 ở ta từ xưa tới nay, vợ chồng chăm sóc nhau lúc ốm đau là chuyện thường tình. Tuy nhiên đi vào thơ ca lại thường là vợ chăm lo cho chồng

hoặc người phụ nữ chăm lo cho người đàn ông. Ví như: Em nghe anh đau đầu chưa khá/ Em băng rừng chỉ xá, tìm nắm lá nọ về xông/ ở làm sao đây cho trọn nghĩa vợ chồng/ Đổ mồ hôi ra em chặm, ngọn gió nồng em che (ca dao). Bài Em ốm của nhà thơ Lâm Xuân Vi là một trong số ít những bài thơ đi ngược lại lẽ thường trên và cách chăm lo cũng không giống ai. Có lẽ, cũng vì thế mà bài thơ được Nhà xuất bản Giáo Dục tuyển chọn vào tập thơ trữ tình của thế kỷ 20 – sách tham khảo đặc biệt( nét đậm do Nhà xuất bản)
Bài thơ có hai nhân vật trữ tình: anh và em. Anh là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, xưng duy nhất một lần trong bài nhưng là chủ thể cảm xúc xuyên suốt từ đầu đến cuối. Em – người ốm - đại từ ngôi thứ hai, chỉ xuất hiện mở đầu và cuối cùng của bài thơ. Em “không nói gì” nhưng thật quan trọng bởi đó là tâm điểm để tác giả cảm xúc, lập tứ thể hiện tâm sự của mình. Vì thế bài thơ là cả chuỗi độc thoại về nỗi thương cảm và sự chia sẻ. “Em ốm” là hồn vía của bài thơ.
  Xem ra, anh và em chỉ có thể là chồng là vợ hoặc là người yêu đối với người yêu chứ không thể là anh em ruột thịt, bởi: “thế thôi chuyện tưởng cỏn con/ đủ nương tựa phía vuông tròn mai sau” không phải ngôn ngữ của người anh trai nói với em gái. Nhưng quan trọng gì việc phân định mối quan hệ trên là vợ chồng hay người yêu với người yêu. Điều làm ta xúc động là nỗi thương cảm đến “ngơ ngẩn”, “mê man”, “đau đớn” của người con trai đối với người con gái bao trùm lên toàn bài thơ. Nỗi lòng ấy được thể hiện theo từng cung bậc tình cảm, thật cụ thể: ngơ ngẩn (vì em ốm) – nóng ruột, lo lắng (về em) – ước ao (được chăm sóc em) – tự tin (với điều giản dị làm nên hạnh phúc) – ngậm ngùi (trước sự bất lực của thơ ca với nỗi đau có thật) – khát khao (được chia sẻ cùng em). Cứ thế, mỗi cặp lục bát là một tâm trạng hé mở. Tuy vậy cái hay của bài thơ chưa phải ở những dòng lục bát dịu dàng kia. Cũng chưa phải ở cách dùng từ gọi đúng tâm trạng khiến người đọc cảm thấy “kẻ không ốm” còn ốm hơn người bị ốm. Cái hay nằm ở ý tình của nội dung. “Em ốm dẫu chẳng bất ngờ”, việc em ốm là việc thường tình, tất nhiên, anh đã biết… nhưng tại sao anh “ngơ ngẩn”, “mê man”, “đau đớn” đến vậy? Mọi người có thế không? Vậy nên bài thơ đã đẩy được mức độ tình cảm vượt trên mức bình thường, thế mới cho ta cảm nhận nỗi niềm ấy là quá sâu nặng và luôn thường trực, là hai trong một của

tình nghĩa vợ chồng. Cái hay nữa, còn ở sự tinh tế và kín đáo của nỗi lòng người yêu xa xót người yêu. Nếu là vợ chồng, sao phải còn “ điều
hờ trông”, phải “ước gì nồi nước lá xông” và mơ đến “phía vuông tròn mai sau” ?  Như vậy bài thơ còn là lời chia sẻ của người đang ở xa với người đang ốm đau mà mình hết lòng yêu thương nhưng không
gần gụi chăm sóc được. Ai đó trong hoàn cảnh này lại không đồng cảm với tác giả, và có thể “mượn” lời thơ trên để nói
với người mình yêu mà vẫn rất thật lòng, không hề khách xáo.
Người ốm thì hay buồn và cảm thấy cô đơn. Nếu chồng hay người yêu họ lại xa xôi cách mặt thì nỗi cô đơn kia dễ biến thành nỗi tủi hờn, ốm có khi thành nặng. Nắm bắt được tâm lý ấy đã giỏi, có cách chia sẻ để người ốm tin yêu, vợi được ốm đau lại càng giỏi. Nhà thơ Lâm Xuân Vi đã làm được điều đó bằng chính sự chân thực của lòng mình:
Ước gì nồi nước lá xông
Có thương yêu giải oi nồng nắng mưa
Chỉ cần nấu bát canh dưa
Anh làm đầu bếp là thừa ngọt ngon
Với lời lẽ dung dị, chân thành như lời ăn tiếng nói hàng ngày và âu yếm như thế, người ốm nào mà không động lòng trắc ẩn? tôi tin người “em ốm” của anh khi đọc chắc sẽ hạnh phúc, sung sướng đến rơi nước mắt .
Bài thơ còn cho ta hiểu rằng lời chia sẻ với người mình yêu mà đúng “từ sâu thẳm tâm linh” sẽ là liều thuốc đặc hiệu hơn cả, cần thiết hơn cả, quý trọng hơn cả làm cho người mình yêu mau khỏi bệnh. Hãy nhớ nhé! ơi những người đang chăm sóc người mình yêu./.
 
Hà Nội ngày, 20-3- 2008
Nguyễn Thị Mai