Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

EM "CỨU CÁNH" ANH NÊN ANH "ẤN TƯỢNG" EM

Thái Hữu Tình
Thứ bẩy ngày 6 tháng 3 năm 2010 8:02 AM
 
 Đã nhiều năm nay, đọc báo nghe đài tôi đến khổ vì phải thấy, phải nghe những từ ngữ có gốc chữ Hán được dùng rất ẩu. Ví dụ thì nhiều, nhưng có hai trường hợp xuất hiện với tần suất lớn với cường độ phản cảm rất nặng nề.
 
  Trường hợp thứ nhất là hai chữ “ẤN TƯỢNG”. Ấn tượng là danh từ, như ấn tượng về một buổi biểu diễn, ta nói “đó là một buổi buổi diễn gây nhiều ấn tượng tốt đẹp, hay buổi biểu diễn đầy ấn tượng “. Nếu tính từ hóa,  nói “buổi biểu diễn này rất ấn tượng” thì cũng hơi ẩu rồi, nhưng khả dĩ còn chấp nhận được. Chứ biến “Ấn tượng” thành động từ thì quá ẩu. Nhiều “ngôi sao”, nhiều “người của công chúng” hẳn hoi mà khen nhau : “Anh ấn tượng em ! Em ấn tượng anh” thì không còn ra làm sao cả ! Vì không phải danh từ nào cũng có thể động từ hóa một cách tùy tiện.
 
   Trường hợp thứ hai là hai chữ “CỨU CÁNH”. Vì có chữ CỨU nên rất nhiều nhà báo, nhà văn, thậm chí nhà nghiên cứu dùng với nghĩa “cứu giúp”, “cứu tinh”. Thực ra đây là một thuật ngữ triết học, trong đó CỨU ( 究 ) nghĩa là kết quả, là điểm cuối.
CÁNH (竟 ) là hoàn tất, cuối cùng, trọn vẹn, quay lại. Ví dụ: Hữu chí cánh thành 有志竟成  nghĩa là có chí thì cuối cùng sẽ thành công.
CỨU CÁNH là điểm cuối cùng, là chỗ kết thúc, không hề có nghĩa “cứu giúp, thoát hiểm” gì ở đây cả.
Phải nói đâu xa, ngay bài của nhà văn Đỗ Chu là người khá sâu sắc, lại tỏ ra rất trọng tri thức Hán Việt mà trong bài mới đây cũng nói Văn hóa là cái “cứu cánh” của dân tộc, như cái phao giúp ta khỏi chìm, hiểu chứ CỨU ở đây là cứu giúp, thì trách gì nhiều anh em khác.
Đây là “vấn nạn” rất khó chịu của ngôn ngữ văn chương hiện nay, mong sớm tu chỉnh.
 
 6-3-2010
THT