Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐẢNG LÀM THAY HẬU QUẢ SẼ KHÔN LƯỜNG

Nguyễn Văn An
Chủ nhật ngày 23 tháng 8 năm 2009 5:59 PM

Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng chính trị lãnh đạo Nhà nước và xã hội, song Đảng không phải là cơ quan quyền lực nhà nước. Đảng không đứng trên cùng một mặt bằng quyền lực nhà nước với các cơ quan nhà nước, mà đứng ở tầm cao của Đảng lãnh đạo, và lãnh đạo cả Nhà nước và xã hội.

Đảng lãnh đạo chứ không chỉ đạo trực tiếp làm thay chức năng quyền lực nhà nước của các cơ quan nhà nước. Sự lãnh đạo của Đảng phải được luật hoá, thể hiện ở trong hệ thống pháp luật, thông qua đội ngũ cán

Đồng

Đồng chí Nguyễn Văn An, nguyên chủ tịch Quốc hội

 bộ đảng viên và thiết chế bộ máy của hệ thống chính trị.

Đảng đề xuất về đường lối, tiến cử về cán bộ, cả đảng viên và không đảng viên, nhân dân và các cơ quan nhà nước lựa chọn và quyết định theo quy định của pháp luật. Trí tuệ lãnh đạo, soi đường chỉ lối của Đảng cùng với trí tuệ lựa chọn quyết định trực tiếp của nhân dân và các cơ quan nhà nước là một cơ chế cần thiết và tối ưu trong điều kiện một đảng duy nhất lãnh đạo để bảo đảm lòng Dân ý Đảng là một, trong đó lòng Dân là gốc.

Nếu cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ đạo trực tiếp làm thay các cơ quan nhà nước thì điều gì sẽ xẩy ra? Đây là một câu hỏi mang tính chất của một giả thiết, để thử phân tích hậu quả khi chức năng quản lý nhà nước bị vi phạm.

Trong trường hợp chủ trương lãnh đạo của Đảng chưa được luật hóa, và Đảng trực tiếp chỉ đạo làm thay các cơ quan nhà nước, thì Đảng đã tự cho mình trở thành cơ quan quyền lực nhà nước song song và đứng trên cơ quan quyền lực nhà nước.

Trước tiên, việc làm như giả thiết nêu trên là trái với Hiến pháp, vì tại Điều 4 Hiến pháp đã ghi rằng … Đảng …là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, chứ không ghi Đảng chỉ đạo trực tiếp làm thay các cơ quan nhà nước. Chúng ta đều biết rằng, lãnh đạo là chức năng của Đảng, còn chỉ đạo và quản lý là chức năng của nhà nước, cho nên không thể lẫn lộn hai chức năng đó được.

Thứ nữa, trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan nhà nước lúc đó sẽ không còn tương thích: Đảng là người có quyền quyết định song lại không chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn người đứng đầu cơ quan nhà nước không có quyền quyết định lại phải chịu trách nhiệm trước nhân dân theo pháp luật. Quyền hạn và trách nhiệm tách rời nhau là điều không thể chấp nhận trong thiết chế tổ chức và nhân sự, trong lãnh đạo và quản lý nhà nước.

 
Hienphap

Cuối cùng, cơ quan nhà nước lúc đó sẽ trở thành hình thức, trách nhiệm cá nhân sẽ không được đề cao, hiệu lực và hiệu quả hoạt động sẽ giảm sút, và toàn bộ thiết chế bộ máy nhà nước sẽ rối loạn ở mức độ tương ứng với mức độ chỉ đạo trực tiếp làm thay của các cơ quan đảng.

Sự thiếu tôn trọng, chỉ đạo trực tiếp làm thay hoặc can thiệp của cán bộ trong cấp ủy và ủy ban nhân dân ở một số địa phương vào hoạt động của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước và xét xử của ngành Tòa án trong thời gian vừa qua đã cho chúng ta những bài học kinh nghiệm phản diện sâu sắc. Nếu sai phạm để sẩy ra ở cấp trung ương thì kỷ cương phép nước sẽ bị rối loạn, hậu quả sẽ là khôn lường.

Tóm lại, sau khi có đường lối đúng, Đảng tiến cử những cán bộ, cả đảng viên và không đảng viên, có đức tài, có chuyên môn nghiệp vụ cao nhất để nhân dân trực tiếp lựa chọn bầu hoặc cơ quan nhà nước xem xét bổ nhiệm vào những chức danh thuộc lĩnh vực phù hợp theo quy định của pháp luật, và họ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.

Nếu họ không hoàn thành nhiệm vụ thì phải bị xử lý, cả về đảng, cả về nhà nước, và khi thật cần thiết thì phải thay thế họ, chứ không thể cứ để họ ở đó rồi cơ quan đảng lại chỉ đạo trực tiếp làm thay họ.

Như trên đã phân tích, nếu sự lãnh đạo của Đảng không bảo đảm nguyên tắc pháp luật là tối thượng và cơ quan đảng chỉ đạo trực tiếp làm thay các cơ quan nhà nước thì hậu quả sẽ là khôn lường.

Cũng giống như cơ chế của một thiết bị cơ học nào đó, ví dụ như bộ máy của chiếc đồng hồ chẳng hạn. Mỗi một bánh răng cưa, mỗi một loại kim chỉ giây, phút, giờ…phải làm việc theo một chức năng nhất định, không thể làm thay nhau được, nếu ta đem thay thế vị trí của chúng thì đồng hồ sẽ chỉ lung tung, thậm chí nó sẽ chết ngay lập tức.

Hoặc như cơ chế của một dàn nhạc cũng thế, chỉ có một nhạc trưởng duy nhất chỉ huy, mỗi một nhạc cụ chỉ có một nhạc công duy nhất được phân công, nếu có trục trặc gì thì phải xử lý ngay ở những khâu có vấn đề trong nội bộ dàn nhạc, kể cả việc thay nhạc trưởng, nhạc công và nhạc cụ, không thể cứ để dàn nhạc trục trặc như cũ mà lại chữa trị bằng cách bổ xung chỉ huy hay nhạc công đứng từ bên ngoài dàn nhạc được.

Khi phân tích tình hình thực hành chức năng và sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta phải đứng vững trên quan điểm lịch sử cụ thể. Chúng ta đang ở trong quá trình tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Chúng ta cần phân tích sâu sắc những nhận thức cũ không còn phù hợp với quy luật khách quan và thực tiễn Việt Nam, song không phủ định sạch trơn, không phải cái gì cũng đổi mới.

Chỉ đổi mới cái gì không còn phù hợp với Việt nam, cái gì cản trở sự phát triển theo đường lối đổi mới của Đảng. Có những cái phù hợp với thời chiến, phù hợp với thời kỳ non trẻ của chính quyền, thì đến nay lại cần phải được đổi mới cho phù hợp với thời bình, phù hợp với thời kỳ xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, phù hợp với thời kỳ hợp tác và hội nhập kinh tế. Nhưng đổi mới cũng phải là một quá trình, vì đổi mới nhận thức, đổi mới thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở cũng phải có quá trình, không thể chủ quan nóng vội.

Đổi mới đúng, có nguyên tắc, có bước đi phù hợp sẽ tạo ra động lực và phát huy nguồn lực tiềm tàng vô cùng to lớn, ngược lại nó cũng có sức tàn phá ghê gớm, gây bất ổn, đổ vỡ, thậm chí chệch mục tiêu lý tưởng cách mạng. Đổi mới không phải là mục đích tự thân. Mục đích đổi mới của chúng ta là ổn định và phát triển bền vững theo đường lối của Đảng, vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Song có một câu hỏi thường được đặt ra là, nếu một cơ quan nào đó của Nhà nước có sai phạm thì sao, lúc đó có giao cho cơ quan lãnh đạo của Đảng hay một cơ quan khác của Nhà nước được quyền làm thay chức năng của cơ quan đó để sửa chữa sai phạm đã xảy ra hay chúng ta cam chịu đứng nhìn?

Về nguyên tắc, cơ quan lãnh đạo của Đảng và các cơ quan của Nhà nước cũng đều là những cơ thể sống, mặc dù chúng ta mong muốn và đòi hỏi các cơ quan đó không được phạm sai lầm, vì hậu quả của nó là khôn lường, song chắc cũng khó có thể khẳng định rằng các cơ quan đó sẽ tuyệt đối không bao giờ phạm sai lầm.

Thực tiễn cuộc sống đã chứng minh rất rõ điều đó. Ông cha ta thường nói, chỉ có bào thai trong bụng mẹ và người đã qua đời nằm trong áo quan mới không phạm khuyết điểm.

Cho nên không thể giao cho cơ quan lãnh đạo của Đảng hay một cơ quan khác của Nhà nước làm thay chức năng của cơ quan có sai phạm để sửa chữa sai phạm của cơ quan đó, mà phải thực hiện đúng chức năng đã được pháp luật quy định và phải xử lý nghiêm minh, kịp thời cơ quan và cá nhân có sai phạm theo pháp luật.

Chính vì nhận thức được thực tiễn đó nên khi xây dựng bộ máy các cơ quan nhà nước, ở nước ta cũng như ở các nước khác trên thế giới, đã đặc biệt quan tâm đến cơ chế tự xử lý và phòng ngừa tối đa những sai phạm có thể xẩy ra.

Những cơ chế đó đã được pháp luật quy định khá cụ thể và chúng ta có thể sửa đổi, bổ sung để không ngừng hoàn thiện từ bên trong của mỗi cơ quan, chứ không thể bổ khuyết bằng sự chỉ đạo làm thay từ bên ngoài của một cơ quan khác.

Cũng giống như việc sửa chữa đồng hồ, phải sửa chữa bộ phận hư hỏng ở bên trong, chứ không thể cứ để nguyên hư hỏng ở bên trong mà chỉ lo can thiệp từ bên ngoài, vì làm như vậy thì đồng hồ vẫn hư hỏng và không thể chạy được. Đối với dàn nhạc cũng vậy, cũng phải xử lý và hoàn thiện từ bên trong.

( Rút từ bài:Bàn về phân công quyền lực nhà nước-Tuanvietnamnet)