Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NỖI ĐAU CỦA MỘT CỰU ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ

Trần Ngọc Tuấn
Chủ nhật ngày 23 tháng 8 năm 2009 2:58 PM

          Bao phen xuôi ngược đi về Quảng Ngãi quê cha, hành trang nhà báo của tôi không bao giờ thiếu những xấp đơn kêu kiện. Nghiệp chức ký giả là thời sự, là thông tin nóng bỏng. Biết là vậy. Nhưng riêng với tôi, thân vẫn cứ phải “xẻ làm đôi”, một bên là sự kiện, và một bên là những ... đơn kiện !
          Sau nhiều năm, tôi nghiệm ra ở cái đất Quảng Ngãi quê mình, là một nơi hiếm hoi trong cả nước mà người dân mỗi khi bị oan sai là đi kiện đến cùng để giành lại công lý. Dù nhiều vụ việc bị ngâm tới vài chục năm, nhưng sức “nóng” vẫn rát mặt, bức xúc vẫn tươi nguyên, đơn kiện vẫn luôn cập nhật những tháng ngày mới nhất, người đi kiện vẫn kiên gan suốt nhiều năm liền lăn lóc trước cửa công quyền cấp cao nhất. Lâu lắm rồi, báo Tiền Phong đã kể về hành trình đi kiện nổi tiếng của ông lão Nguyễn Hồng Minh ở thị xã Quảng Ngãi với 7 kg đơn trên lưng. Thời ấy, 7 kg đơn đã là “to” lắm, bởi nào đã có máy photocopy! Nghĩa là tất thảy đều phải viết tay, hoặc lóc cóc máy chữ đè giấy cacbon.
          Còn bây giờ, bản thân tôi đang “thụ lý” vụ kiện cha truyền con nối của một ông giáo già suốt mấy chục năm phải “bắc thang vào nhà mình” cũng tại thị xã Quảng Ngãi, mà riêng lần nhận đơn đầu tiên của ông cách đây gần 5 năm, tôi suýt ngất khi thấy “lá đơn” ấy dày chỉ có ... 200 trang, nặng ngót 2 kg! Năm ngoái, ông gùi thêm một xấp đơn ra toà soạn, mà theo ghi nhận của đồng nghiệp tôi ngoài ấy, trọng lượng vào khoảng 25 kg!
          Quê tôi hiện còn truyền tụng về vụ kiện của một cô giáo hiệu trưởng một trường tiểu học của huyện nọ, kéo dài suốt 20 năm. Đến khi cô giành được phần thắng, thì cả người thắng lẫn kẻ thua đều đến tuổi, nhận sổ hưu một lần! Hay như vụ kiện của vợ chồng bà Xanh ở Sơn Tịnh, vay một khoản tiền nhỏ, nhưng lãi mẹ đẻ lãi con mà mất nhà, hiện đang khiến các cơ quan pháp luật cấp cao nhất, và cả Thường vụ Quốc hội mấy khoá liền cũng phải đau đầu. Chính Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, khi còn là Chủ tịch Quốc hội đã hai lần liền trực tiếp bút phê vào đơn của bà Xanh đề nghị các ngành xem xét giải quyết, nhưng đến nay xem ra vẫn chưa ngã ngũ ...
          Thành ra, mỗi lần về Quảng Ngãi, tôi lại tới thăm ông, để được trò chuyện với một người mình kính trọng, và cũng để bày tỏ san sẻ nỗi niềm về những lá đơn kiện đang canh cánh bên lòng. Phong thái hiền hoà, nhẹ nhõm dễ gần, lập luận sắc sảo, thông minh, đặc biệt là những ý kiến rất thẳng thắn, kiên quyết của ông luôn đem lại cho tôi sự tự tin cần thiết. Không chỉ với cánh nhà báo quen biết chúng tôi, mà tôi biết cả với những người dân quê thô mộc từ khắp nơi tìm đến, ông vẫn với một phong thái như vậy. Mọi người quê tôi gọi ông bằng cái tên thân mật: Chú Năm Thắng.
          Ông là Đỗ Quang Thắng - nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Tôi nhớ cách đây mấy năm, khi vụ ông Trương Công Thiết ở Bình Định đang hồi căng thẳng bởi rất nhiều áp lực, thậm chí là những việc làm vi phạm pháp luật trắng trợn của một số cơ quan, cá nhân trong tỉnh này. Cuộc đấu tranh của ông Thiết cũng như của nhóm phóng viên Tiền Phong chúng tôi với những sai phạm nghiêm trọng trên gặp rất nhiều khó khăn.
          Mấy ngày sau khi xảy ra sự kiện ông Thiết trên đường ra Hà Nội bị Công an Bình Định chặn bắt thu giữ đơn kiện, thư từ, chúng tôi tìm đến nhà ông Năm. Là người đọc báo Tiền Phong rất kỹ, ông biết hết cả. Ông cho biết mới đêm hôm kia, trên đường ra Hà Nội chú cháu ông Thiết ghé vào nhà ông, bộ dạng bơ phờ. Ông đã khuyên ông Thiết phải hết sức bình tĩnh, đâu còn có đó, tắm rửa nghỉ ngơi, cơm nước đàng hoàng, rồi nghỉ đêm luôn tại nhà ông. Ông Thiết tỏ ý ngại phiền. Ông Năm Thắng cười, nói: Nếu hai chú cháu đêm nay mà ra ở nhà trọ mới thực là sẽ “phiền” cho hai người.
          Nhạy cảm của một người từng giữ cương vị cao nhất của công tác thanh tra như ông quả không nhầm. Ông kể tiếp, sáng hôm sau, khi đã cho người nhà đưa chú cháu ông Thiết ra ga rồi, ông vẫn thấy quẩn quanh trước nhà mình hai người trong bộ dạng xe ôm, nhưng kiểu cách rất lạ. Và ông hiểu đó là ai rồi. Có thể nói nhờ sự lên tiếng thẳng thắn, công tâm của ông Năm Thắng, ông Trương Công Thiết và những đồng đội cũ của mình mới được minh oan, một số người có trách nhiệm của Bình Định buộc phải rời nhiệm sự, và nhóm phóng viên Tiền Phong chúng tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ trước bạn đọc. Giờ đã về nơi chín suối, ông Thiết hẳn ngậm cười.
           Với ông Năm, tôi cũng không thể quên vụ bà Út ở Tịnh Châu (Sơn Tịnh). Con trai bà, một thương binh 3/4 bị một cán bộ công an huyện vô cớ bắn, chết thảm. Đương sự đang tại ngoại chờ hầu toà thì bỏ trốn. Vụ án chìm luôn suốt 9 năm kể từ 1990, chẳng ai đoái hoài. Suốt bấy nhiêu năm bà mẹ già đi kêu oan cho con, nhưng ngặt vì mù chữ, nặng tai, lại thêm hoàn cảnh khốn khó, đứa con còn lại duy nhất thì bị tâm thần, nên chẳng biết đầu mà lần. Rồi không biết ai chỉ vẽ, bà tìm đến ông Năm Thắng với lá đơn do một cựu chiến binh tốt bụng trong thôn thảo giùm.
          Ông Năm không giấu nổi nỗi xót xa trước oan khuất của người dân cùng đường, đã lên tiếng. Tiếng nói của ông, cùng bài báo trên Tiền Phong số ra đầu năm 2000, chưa đầy 2 tháng sau, kẻ giết người đã bị bắt, khi đang cùng vợ con ung dung đuề huề lập nghiệp trên Lâm Đồng. Có lẽ, lệnh truy nã phát ra, nhưng hẳn có ai đó không muốn bắt đối tượng?!
          Hôm rồi, sau bài phỏng vấn ông về vụ án Năm Cam đăng trên Tiền Phong, tôi cùng nhà báo Trương Duy Nhất của Đại Đoàn Kết có dịp ngồi trò chuyện với ông lâu lâu. Trước đó, anh bạn đồng nghiệp ở Quảng Ngãi nhắc chừng: “Đừng để cụ căng thẳng quá, tăng-xông thì nguy!”. Câu chuyện bắt đầu từ vụ bà Xanh. Ông Năm xót xa trước cảnh ngộ tang thương của gia đình người đàn bà thương binh ấy. Ông nói: Bà Xanh nói với tôi ngay tại nhà một câu mà tôi đau lắm. Bà nói rằng người Cộng sản có phẩm chất tuyệt vời, nhưng đối với những người đã thoái hoá thì họ trở nên độc ác hơn ai hết! Tôi nghĩ đó chỉ là số ít, nhưng sức công phá của những kẻ này vào niềm tin của dân khủng khiếp lắm. Mà niềm tin của dân cũng chính là sự mất còn của chế độ.
          Có hai vấn đề tôi coi là nhức nhối nhất hiện nay, đó là chống tham nhũng và công tác cán bộ. Trung ương đều đã có nghị quyết về những vấn đề này, nhưng đã làm đến nơi đến chốn chưa, theo tôi là chưa. Dù kinh tế phát triển như thế nào, nhưng lòng dân không yên, nội bộ mất đoàn kết, cán bộ xa dân và chỉ tư lợi cho mình thì nguy cơ là rất lớn. Chung quy lại vẫn là vấn đề con người ở trong Đảng, bộ máy Nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt là những cán bộ chủ chốt của trung ương, tỉnh, huyện, xã. Nếu tất cả đều thực sự vì dân, lo cho dân, hiểu nỗi khổ của dân, hiểu được mong muốn nhỏ nhất của dân, thì tôi nghĩ sẽ không có gì xảy ra, mà cụ thể là những vụ oan sai ....
          Ông Năm Thắng nói, mạnh mẽ, quả quyết, có cảm giác như ông đang rút ruột mình, trút cạn tâm huyết của một đời bôn ba đi theo cách mạng. Tôi ngồi nghe mà lần hồi nhớ lại những gì được biết về ông. Sinh năm 1927 tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi, chưa kịp thành niên ông đã là du kích mật, rồi tham gia Thanh niên cứu quốc tại địa phương. Chưa đầy 19 tuổi ông đã là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, thoát ly lên Tây Nguyên, hoạt động vùng Nam An Khê. Giữa mênh mông rừng núi, ông trở thành người con của đồng bào, vận động tuyên truyền gầy dựng cơ sở Cách mạng. Thời của anh hùng Núp, của “Đất nước đứng lên” cũng chính từ đây. Tới trước 1954, ông đã giữ trọng trách Tỉnh uỷ viên Gia Lai - Kon Tum. Sau 1954, ông trở ra địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng, làm Bí thư thành uỷ Đà Nẵng một thời gian ngắn, rồi vào Quảng Nam. Nghị quyết Trung ương 15 ra đời, ông lên lại Tây Nguyên. Năm 1961, cùng ông Năm Công (Võ Chí Công) vào Trung ương Cục miền Nam mới thành lập. Cuối 1962, ông là Bí thư tỉnh uỷ Lâm Đồng (sau đó là Khu 6), rồi lại bôn ba vào Khu 10 Nam Bộ ...
          Tính đến sau 1975, khi trở lại làm Bí thư tỉnh uỷ Lâm Đồng, rồi Bí thư Nghĩa Bình, suốt mấy chục năm gian khổ hiểm nghèo, bàn chân ông Năm Thắng đã lội khắp chiến trường miền Trung, miền Nam. Cưới cô du kích cùng quê năm 1946, nhưng đôi vợ chồng trẻ chỉ thực sự ở với nhau trọn vẹn được mấy ngày, vì nhiệm vụ gọi ông phải đi ngay. Năm 1954, người vợ bồng đứa con trai duy nhất của hai người vượt Trường Sơn ra Bắc. Khi đó ông đang ở Quảng Nam, hay tin vợ tập kết, nhưng không thể liên lạc được. Năm 1968, bà lại theo đường Trường Sơn vào Nam tham gia công tác phụ nữ ở Khu 10, trong khi ông đang lặn lội ở Khu 6. Tới 1972, bà ngã bệnh, trở ra lại. Suốt gần hai cuộc kháng chiến, vợ chồng chỉ gặp nhau chủ yếu qua mấy cánh thư, cho đến ngày thống nhất thì đã đều bạc tóc. Giờ hai vợ chồng già đau yếu thay phiên săn sóc cho nhau, ở chung cùng gia đình người con trai Đỗ Tiến Điền hiện công tác tại Chi cục Bảo vệ Nông lâm thuỷ sản (Sở Thuỷ sản Quảng Ngãi).
          ... Chia tay ông Năm Thắng, tôi hỏi ông một câu, ông cười: “Muốn làm Bao Công, khó lắm! Tôi cũng không nghĩ mình là Bao Công ...”. Về lại Đà Nẵng mấy hôm, điện vào thăm ông thì nghe người con dâu nói ông vừa ngã bệnh, lại huyết áp cao với đường trong máu. Nằm ở Bệnh viện Quảng Ngãi hai hôm, ông phải lên xe ra Đà Nẵng để bay vào thành phố Hồ Chí Minh chữa trị, may đi kịp thời nên sức khoẻ đã khá nhiều.
          Tôi thầm mừng cho ông, và bất chợt nhớ về ngôi nhà nhỏ quá đỗi đơn sơ với khoảnh sân khiêm tốn nơi thị xã Quảng Ngãi nhiều bụi bặm. Khoảnh sân ấy lại vừa bị mất gần hết, cho con đường đang mở rộng. Tôi chợt nhớ cái câu hay hay của cụ Đào Uyên Minh đời Tấn xa xưa: “Hư thất hữu dư nhàn”(Nhà trống được thanh nhàn). Nhưng tôi biết, cái Tâm ông đâu đã được nhàn. Bởi với căn nhà ấy, con người ấy, có lẽ người dân thô mộc quê tôi vẫn còn phải nhiều dịp đi về ....
          TRẦN NGỌC TUẤN Quảng Ngãi - Đà Nẵng, 8/2002
          _______________
          (Bài đã đăng trên Tiền Phong tháng 8/2002, in lại trong tập ký sự nhân vật “Đừng gọi tôi là Lại Phiền Hà”, NXB Đà Nẵng, 2008)