Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NÓI XUÔI CŨNG ĐƯỢC, NÓI NGƯỢC CŨNG XONG !

Trần Thiên Lương
Thứ ba ngày 18 tháng 8 năm 2009 5:49 PM
TNc: Vừa đưa bài của nhà văn Phạm Viết Đào sau vài giờ tôi nhận được thư của Văn nghệ Công an gửi bài của Trần Thiên Lương đã in trên Văn nghệ Công an. Rất cám ơn BBT Văn nghệ Công an đã kịp thời cung cấp thông tin để bạn đọc có cơ hội nghe cả hai tai. Cảm ơn VNCA đã thể hiện tinh thần bình đẳng coi trannhuong.com cũng là một diễn đàn thân thiện.... Mời các bạn đọc cả hai bài nói đi và nói lại cho thỏa lòng nhau...
(Trao đổi cùng nhà văn Phạm Viết Đào)
 
Những ai có thói quen “lướt web” mỗi ngày, hẳn đều dễ dàng bắt gặp những bài viết của ông Phạm Viết Đào (dịch giả tiếng Rumani, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam), về rất nhiều vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội... của đất nước. Không thể phủ nhận sự ham đọc, ham viết, chịu mày mò suy nghĩ của ông Đào. Tuy nhiên, nói như cổ nhân “Chẳng ai nắm tay thâu đêm đến sáng”. Người mà lĩnh vực nào cũng muốn luận bàn, góp ý, thậm chí là bảo ban, dạy dỗ...không sớm thì muộn cũng để lộ sở đoản. Và cái “hở”, chỗ “khuyết hụt” nhất của ông Đào chính ở một số bài viết, ông đã thể hiện một cách nói trùm lấp. Chữ dùng thì gay gắt, “chỉ tay day mặt”, song những tình tiết đưa ra có khi lại không căn cứ trên thực tế.  Một số bài còn tạo cho người đọc cảm tưởng là tác giả muốn nói thế nào thì nói. Nói xuôi cũng được mà...nói ngược cũng xong!
Ví dụ trên thực tế có thể còn đậm hơn nhiều những điều tôi trích dẫn dưới đây.
Hẳn nhiều cư dân Hà thành còn nhớ trận lụt lịch sử ở Hà Nội hồi cuối 2008 và mấy trận mưa to đầu hạ năm nay. Đã có rất nhiều bài báo phản ảnh thực tế này, trong đó – “đến hẹn lại lên” - có không ít ý kiến gay gắt phê phán sự thiếu kịp thời của chính quyền sở tại trong việc ứng phó với tình hình, cũng như việc triển khai dự án thoát nước đô thị (xin xem các bài “Lãng phí cơ bản từ trận lụt Hà Nội” - Báo Dân trí điện tử ngày 6-11-2008, “Hà Nội điêu đứng vì ngập lụt” - Báo Giao thông vận tải điện tử ngày 1-11-2008, “Trận lụt lịch sử tại Hà Nội: Sẽ là bài học cuối cùng?”- Báo Tuổi trẻ điện tử ngày 6-11-2008...). Thực tế hiển nhiên là vậy, chỉ cần ai đó lên mạng hoặc giở lại các trang báo cũ là thấy ngay được sự sai - đúng của điều tôi vừa nói, song rất lạ là, trong bài viết “Chúng ta đang làm méo mó Thăng Long của Lý Thái Tổ” (đã được tải trên một số trang web ngày 27-6- 2009), nhà văn Phạm Viết Đào vẫn cứ viết: “Trận mưa lũ này còn làm bộc lộ cả sự thụ động, lúng túng, thiếu nhạy bén của bộ máy công quyền Hà Nội mà bình thường nếu ai nói ra điều này thì hãy coi chừng...”.
“Nói ra” thì nhiều người nói ra rồi. Vấn đề còn lại là phải “coi chừng” ai, và “coi chừng” đến bao giờ?
Tuy nhiên, minh chứng cho sự phát ngôn bừa phứa nhất của ông Phạm Viết Đào phải là bài viết “Lề phải hay là lề trái đây” (được tải trên một số trang web ngày 9-8 vừa qua). Sau khi đưa ra ý kiến trao đổi với ông Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông về vấn đề “lề phải”, “lề trái” trong việc viết bài, đưa tin, ông Đào đã nêu một hiện tượng mà ông cho là chưa biết “nên xếp vào loại “lề phải” hay “lề trái” đây”. Ông viết: “Chúng tôi không muốn bình luận nhiều về những ý kiến phát biểu của những con người được nhà thơ Bùi Hoàng Tám trực tiếp phỏng vấn; họ là những con người mà khi nhắc tên không chỉ giới báo chí mà cả người đọc bình thường vẫn nhận biết? ý kiến của những con người như Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, con người một thời lừng lẫy ở Pari, luôn xuất hiện trên trang đầu của những hãng thông tấn lớn trên thế giới; rồi thì nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, con người một thời làm cho các phiên họp chất vấn của Quốc hội trở thành diễn đàn của mọi người dân; rồi ý kiến của nhà báo Hữu Thọ, Phan Quang đứng đầu những cơ quan ngôn luận lớn của Đảng...thế mà giờ đây những chính kiến của họ lại không một tờ báo chính thống, được duy danh là công luận dưới quyền quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông “dám” đăng? Liệu có phải do các Tổng biên tập bị ám ảnh nặng nề bởi cái quy chế “lề phải”,”lề trái” mà ông Bộ trưởng TT-TT đã ấn định?”.
Trước tiên, xin được nói đôi điều suy nghĩ của riêng cá nhân tôi về vấn đề này. Theo quan điểm của tôi, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới, việc đăng hay không đăng một bài viết về một vấn đề nào đó, ngoài việc tuân thủ pháp luật, nó còn phụ thuộc vào quan điểm riêng của từng người (trong đó đương nhiên là có các Tổng biên tập), chưa nói, trong từng thời điểm, các vấn đề được đưa ra không phải lúc nào cũng được đón nhận giống nhau. Và dù người viết, người trả lời phỏng vấn có là ai thì không nhất thiết tất cả mọi điều họ phơi trải đều phải được đưa lên các phương tiện thông tin chính thống. Làm Chủ tịch Nước như Bác Hồ mà vẫn có một số bài trong tập “Nhật ký trong tù” Bác phải “gác lại”, không đưa in trong lần xuất bản đầu tiên vì thời điểm chưa thích hợp. Đấy là nói chung như vậy, còn trong trường hợp cụ thể mà ông Phạm Viết Đào đã dẫn ra, người đọc thấy ông thông tin sai bét. Không ai khác, mà chính nhà thơ Bùi Hoàng Tám, người được ông Đào biểu dương trong bài viết, ngay ngày hôm đó đã phải có bài cải chính với tiêu đề “Không phải thế” (đã được tải trên trang web của nhà thơ Trần Nhương hôm 9-8). Trong bài viết này, nhà thơ Bùi Hoàng Tám khẳng định: “Nội dung tất cả các bài tôi đã đăng tại các trang mạng trên (tức những bài ông Phạm Viết Đào vừa nhắc tới - TTL) đều đã được đăng tải ở ít nhất là một cơ quan truyền thông chính thống thuộc quyền quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đó là hai tờ báo Khuyến học & Dân trí và tờ Dân trí điện tử (Hội Khuyến học Việt Nam) nơi tôi hiện đang đầu quân và tờ Nhà báo & Công luận (Hội Nhà báo Việt Nam), cơ quan cũ của tôi, tờ Đất Việt...”. Điều đáng để ông Phạm Viết Đào suy nghĩ, rút kinh nghiệm trong trong phát ngôn, là cũng trong bài nói lại này, nhà thơ Bùi Hoàng Tám còn cho biết “trong số ba bài nhà văn Phạm Viết Đào dẫn chứng có bài nằm trong chùm 5 tác phẩm dự Giải báo chí Quốc gia 2008 được dự vòng Chung khảo, được cấp giấy chứng nhận của  Hội Nhà báo Việt Nam”.
Một tác phẩm báo chí từng được dự vòng Chung khảo Giải báo chí Quốc gia, được cấp giấy chứng nhận của Hội Nhà báo Việt Nam, vậy mà qua cách đưa dẫn của ông Phạm Viết Đào, nó lại thuộc vào số bài viết mà “không một tờ báo chính thống, được duy danh là công luận dưới quyền quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông “dám” đăng?”. Thử hỏi viết như vậy có ẩu tả, vô trách nhiệm không? (được biết, ông Bùi Hoàng Tám phải viết đến hai bài cải chính, ông Phạm Viết Đào mới “chịu” cho đấy).
Thật ra, không phải đến bây giờ mới có tác giả lên tiếng phản ứng lại những thông tin sai lạc, thiếu thuyết phục trong một số bài viết của ông Phạm Viết Đào. Trước đó, trên trang web của mình, nhà văn Văn Chinh, trong “Thư ngỏ gửi trannhuong.com và nhà văn Phạm Viết Đào”, sau khi phê phán những người “hay dạy khôn người khác, hay đòi phạt người khác”, đã cho rằng ông Phạm Viết Đào “hiểu về các khái niệm pháp luật sơ sài như thế, nguy lắm”. Còn nhà thơ Trường Giang - trong bài nói về cột mốc Km O đường Hồ Chí Minh, cũng đã phản bác lại ý kiến phản hồi của ông Phạm Viết Đào như sau: “Tôi chưa gặp ông bao giờ, không rõ ông làm việc ở đâu nhưng qua hai bài ông đã viết, tôi cho rằng ông là người thật khó hiểu về sự bao biện, ôm đồm việc của người khác, trong khi những người trong cuộc chưa ai nói gì!” và “Nguy hiểm hơn, ông cứ “bơm phồng” vấn đề lên cứ như tôi sắp kiện để đưa các đồng nghiệp của tôi vào vòng lao lý vậy”. 
Như ở phần đầu bài đã nói, ngoài việc thông tin không chuẩn xác thì một trong những điểm khiến một số bài viết của ông Phạm Viết Đào trở nên kém thuyết phục chính là việc ông có cách nhìn nhận vấn đề nhiều khi nặng về cảm tính: Thích thì dở cũng hóa hay, mà “không ưa thì dưa có dòi”. Ví dụ khá điển hình về chuyện này là một bài viết kể lại thời ông Đào làm cán bộ thanh tra Bộ Văn hóa - Thông tin. Trong bài viết, ông Đào nhắc đến vụ việc xảy ra với một nhân vật từng làm Giám đốc Ban quản lý khu Văn công Mai Dịch (ông này trong bài được gọi là T. lùn, hiện đã mất). Khi đoàn thanh tra  nhận định về ông này là “khi ông T.L.K làm nhà, ông T. lùn có lấy tiền mua 4000 ngàn gạch để biếu, coi như hối lộ”, ông Đào đã nêu quan điểm của mình với đoàn thanh tra và lãnh đạo Bộ: “Tôi không khẳng định việc ông T. không biếu ông K. gạch xây nhà; tôi chỉ suy nghĩ thế này thôi: Tất cả những người dự họp đây, kể cả Bộ trưởng, nếu căn cứ vào mức lương nhận hàng tháng thì chẳng ai có đủ tiền xây nhà cả. Vậy thì nếu người ta cấu véo đây đó để đủ tiền xây nhà để ở, nếu không có chứng cớ thì không nên kết luận”. Đúng là, không nên kết luận khi chưa đủ chứng cớ, nhưng với cách lập luận kiểu mức lương...không đủ tiền xây nhà thì người ta phải “cấu véo đây đó” rồi mong được thông cảm thì thử hỏi, ta còn xử ai được nữa? Cứ cho là ở đây, ông Phạm Viết Đào “trọng tình hơn trọng lý”, vậy câu hỏi đặt ra là, tại sao trước đây, trong một bài viết, ông Đào từng thể hiện thái độ rất bức xúc về việc chậm xử lý đối với những kẻ ăn chặn tiền hỗ trợ tết của đồng bào nghèo, còn ở đây thì ông có vẻ xuê xoa? Hai việc này, xét về bản chất thì có gì khác nhau đâu. Chẳng lẽ những số tiền thất thoát ấy không phải là từ tiền túi của dân.
Những ai từng đọc các bài viết được tải trên một số trang web của nhà văn Phạm Viết Đào trong hơn một năm qua, hẳn dễ nhận thấy ông luôn nói như thể con người trong thể chế này luôn bị bịt mồm bịt miệng, lúc nào cũng có thể bắt được. Vậy thì, xin nhà văn Phạm Viết Đào cứ suy từ mình ra, xem là với những bài viết sai lạc nhường kia (mặc dù chúng chưa thấm tháp gì với những điều ông từng viết mà trong khuôn khổ bài báo này, tôi không tiện trích dẫn) mà sự thể vẫn vậy. thì thực chất vấn đề nên hiểu như thế nào? Tôi tin là hơn ai hết, nhà văn Phạm Viết Đào biết rõ điều này. Có điều ông có muốn nghĩ như thế hay không mà thôi.