Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ VĂN DƯƠNG HƯỚNG PHẢI NÓI CỰC SƯỚNG

Trần Chiểu
Thứ bẩy ngày 22 tháng 8 năm 2009 9:25 PM
 
Dương Hướng trình làng cuốn tiểu thuyết đầu tay“Bến Không Chồng,” tác phẩm đoạt giải Nhất của Hội Nhà văn Việt Nam, gây được ấn tượng đẹp trong lòng bạn đọc cả nước. Tết năm  ấy, ông Đỗ Quang Trung, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đến chúc Tết nhà văn. Tôi lại làm phóng sự “Nhà văn Dương Hướng với Bến Không Chồng.”Thiên phóng sự ngắn này như một thông điệp nhà văn đã trải những tháng ngày bần túng, vợ con nheo nhóc để dốc tâm lực cho đứa con “tinh thần” ra đời mẹ tròn con vuông. Các nhà lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh lúc bấy giờ còn trọng đãi nhà văn nên cứ Xuân về Tết đến lại đến chúc Tết người nổi tiếng. Nhà văn Dương Hướng được cái diễm phúc ấy. Khách tới chúc Tết nhà văn Dương Hướng là những chính khách, Chủ tịch tỉnh Đỗ Quang Trung và Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Tất Dũng. Tôi từng  tháp tùng nhiều vị lãnh đạo tỉnh đi chúc Tết đồng bào, đồng chí, nhưng chưa bao giờ thấy sự lạ là cả Chủ tịch và Phó Chủ tịch tỉnh đến chúc Tết một người như trường hợp hai ông Đỗ Quang Trung và Nguyễn Tất Dũng chúc Tết nhà văn Dương Hướng. Qua sự kiện này, tôi thiết nghĩ, nó không đơn thuần một cuộc chúc tết một nhà văn mà nó biểu hiện thái độ tôn trọng và đánh giá cao vị trí người được chúc Tết. Từ sau đấy, tôi ít thấy có cuộc vui hoành tráng nào như vậy cả. Quả thật các nhà lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã giành sự ưu ái đặc biệt đối với nhà văn Dương Hướng.
Mặc dầu đã được báo trước, các nhà lãnh đạo tỉnh đến chúc Tết, nhưng nhà văn Dương Hướng vẫn luống cuống như gà mắc tóc không chỉ vì nỗi bộ ghế đã ọp ẹp mà còn buồn tênh ở cái sự không đủ chỗ mời khách ngồi, thậm chí, bộ đồ uống thết khách cũng rất chi là suềnh soàng. Nhà văn đã cố giấu cái nghèo mà giấu không nổi đành phô ra vậy. Không chỉ có vậy, mà đến khi phải bọc bạch lời cảm ái Chủ tịch tỉnh Đỗ Quang Trung và Phó Chủ tịch Nguyễn Tất Dũng đã quan tâm, nhà văn ta mặt cứ nghệt ra, nói ấp a ấp úng, đâu chỉ có một phút đã phô nửa hàm răng khểnh, trông tội quá.
Chủ tịch tỉnh Đỗ Quang Trung với đôi mắt nhạy cảm của một chính trị gia, ông đã chụp được tất cả những gì mà ông quan sát từ khi đặt chân đến đầu ngõ nhà văn. Chủ tịch tỉnh nắm chặt đôi bàn tay gầy guộc của chủ nhà xúc động, ông nói: “Tôi rất khâm phục Anh, một người có chí. Không có chí thì không thể viết được một tác phẩm lớn như“Bến Không Chồng.”Tôi thành thật chúc anh ra cuốn tiểu thuyết sau này sẽ hay hơn để đáp lại sự quý mến và trân trọng của công chúng bạn đọc cả nước.” Lúc chia tay, Chủ tịch tỉnh Đỗ Quang Trung ngước mắt nhìn lên mái nhà nhà văn rồi quay sang nói với bà phu nhân Dương Hướng: “Tôi mong Chị sức khoẻ dồi dào làm điểm tựa để Anh sáng tạo và sáng tạo.” “Vâng, em xin hứa.”Vợ chồng nhà văn đồng thanh đáp lễ. Lúc này nhà văn đã lấy lại sự bình tĩnh muốn nói điều sâu kín với Chủ tịch tỉnh nhưng, cuối cùng vẫn chỉ được mỗi một lời hứa: “Nếu còn sáng tạo, nhất định em sẽ không phụ lòng tin cậy của Chủ tịch tỉnh.”
Dương Hướng tặng sách khách quý, ông quên tuột tôi, bây giờ ngồi lại ôn cố tri tân, Dương Hướng cười trừ. Thước phim  quý ấy, nhà văn không giữ được, tôi tiếc cái công mình tặng nhà văn.
Dương Hướng thành danh, nhưng không “vênh” mặt như ai có chút thành tựu coi người dưới tầm mắt, lại càng không mường sự “ưu ái” của cơ quan. Nhà văn Dương Hướng không có “mả” làm quan, quanh năm suềnh soàng trong bộ áo quần dung dị của một nhân viên “quèn,”vì vậy lúc Bến Đoan nổi danh một Hồng Kông Phố, người có thế nhìn nhà văn dưới tầm con mắt, nhưng Dương Hướng lại cảm thấy mình sướng ở chỗ, tuyệt nhiên không một ai hỏi nhờ chuyện này kia nọ, thành thử tha hồ mà nhe cái hàm răng khểnh ra vui vầy với bạn bè thân hữu.
Nhớ lại hồi Hải quan Quảng Ninh lập công được tặng Huân chương. Dương Hướng, phải “hốt” những tấm ảnh cán bộ, chiến sỹ hải quan đánh mạnh, đánh trúng bọn buôn lậu và gian lận thương mại, có tấm đã mờ nhèm  để tôi “dán” vào cho đủ ba mươi phút phim  phong phú. Dương Hướng phải móc tiền túi khoản đãi cánh nhà đài. Tôi bảo, tôi viết giấy cho sếp ông duyệt chi, Dương Hướng nhe hàm răng chìa, cười xoà “nghèo gì mấy đồng bọ.” Sếp của Dương Hướng quên tuột chuyện Dương Hướng mất tháng lương khoản đãi cánh nhà đài đi làm phim cho cơ quan đón Huân chương. Đồng tiền mồ hôi nước mắt đổ ra đem khoản đãi cánh nhà đài làm phim tuyên truyền cho cơ quan đón Huân chương là đồng tiền khôn. Người tiêu đồng tiền khôn phải là người biết tiêu tiền. Lại một chuyện thú vị nữa, tôi xin được hầu các bạn. Hồi ở văn phòng Cục Haỉ quan Quảng Ninh, Dương Hướng vẫn chỉ là anh lính “quèn” chịu sự điều khiển của mấy anh, chị đọc sách không ham, cho nên không mấy để ý người bạn đồng nghiệp là nhà văn lớn. Làm  lính, nhà văn chạy như cờ “lông công,” tuy thừa biết cách làm tiền như ai, nhưng Dương Hướng rát, sợ lộ bem, thiên hạ người ta nhòm vào không chỉ ô danh mỗi mình mình mà còn mang tiếng Hội Nhà văn Việt Nam, thành thử túi vẫn lép. Phận làm lính, nhà văn biết mình đứng ở vị trí nào, không dám mơ đến chỗ “thơm” nhưng đùng một cái nhận được lệnh ra làm lính Cây số 15 Móng Cái, ai cũng tưởng cắm chốt ấy nửa năm là có đủ tiền xây toà nhà như bốn c-“con cháu các cụ.” Quả thật không ít nhân viên hải quan chốt ở Cây số 15 Móng Cái giầu sụ, mặt câng câng hoàn toàn không giống nhà văn nhân viên diện “sai vặt” (từ của một số người dùng hạ thấp anh,) anh như điếc, không quan tâm. Dương Hướng như tôi đã nói, anh rát, lúc nào cũng sợ bị cấp trên “cạo,” cho nên phải lo giữ giàng làm tròn phận sự.

*
 
Anh em văn nghệ, báo chí nghe tin Dương Hướng ở Cây số 15, qua Móng Cái, nhiều người ghé thăm bạn, nhà văn không thù tạc thì không đặng mà thù tạc thì khốn khó quá. Tôi thông cảm với nhà văn, chưa một lần qua Cây số 15 đáo gia viên thuế quan nhà văn. Dương Hướng đã có lần trách khéo :Qua em mà bác chê nghèo chẳng ghé chơi, bác xem thường em quá đấy! Nhà văn Dương Hướng dành đồng tiền ky cóp cho vợ cũng còn đồng ra đồng vào để thù tạc bạn, không phải người biết tiêu tiền đố dám. Nhưng phải nói đến đận được tỉnh cấp lô đất thuộc dãy đông quan, không có tiền tậu lầu, nhà văn đổi luôn cho người khác lấy nhà trong hẻm để vợ con có chỗ chui ra chui vào, phải nói Dương Hướng có bộ óc thông thái mới tính toán chi li đến mức vắt cổ chày ra nước, thì không chỉ riêng tôi, mà tất cả các nhà văn biết Dương Hướng đều bái phục. Bây giờ nghĩ lại chuyện ông nhà văn nào đấy“chê” nhà văn Dương Hướng “không biết tiêu tiền”ngẫm không đúng. Tôi xin cải chính bởi mới đây thôi, Anh đã mại ngôi nhà cận chùa Long Tiên để xây ngôi nhà mới đàng hoàng to đẹp hơn ở khu đông quan víp.

*

Nhà thơ Trần Nhuận Minh , Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh, ba lần hạ cố đến nhà Dương Hướng đề nghị nhà văn về Hội làm việc. Chủ tịch Hội khu xử với nhà văn Dương Hướng như vậy là được lắm, được ở chỗ Dương Hướng về Hội, sẽ là điểm hội tụ của anh chị em hội viên cần đến Hội, đến đó để giải nỗi ưu sầu sự đời lắm nỗi oan khiên,và để tầm cái tứ cho thi phẩm...Nhưng Dương Hướng nhất định không, không và không. Không về Hội không phải nhà văn không thích Hội mà vì nhiều lẽ, theo tôi hiểu, cái lẽ mà nhà văn sợ nhất là bị hút vào những cú đấm nảy lửa.
Thế rồi không hiểu sao, nhà văn lại tự nguyện rút khỏi Ban Chấp hành Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh để người khác vào ngồi chỗ mình mới vào còn chưa nóng chỗ, trong khi Ban chấp hành duy nhất có một Dương Hướng, nhà văn sau cố nhà văn Võ Huy Tâm  nhận giải Nhất tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam ở tỉnh Quảng Ninh. Tôi cho là, Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh khoá này đã tính đến cái sự nhầm lẫn của mình để nhà văn Dương Hướng trúng cử Ban chấp hành với số phiếu cao hoặc giả, sau đấy mới tính đến chuyện: nhà văn Dương Hướng không nhất thiết phải ở vị trí ở Ban chấp hành, mới hành xử vậy. Đây là một trường hợp hy hữư ở Hội Văn học và nghệ thuật Quảng Ninh mà chưa từng xảy ra ở bất cứ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, thành phố nào ở nước ta. Một nhà văn ở Hà Nội hỏi tôi, ông có biết vì sao việc đó lại xảy ra đối với nhà văn Dương Hướng, đối với Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh? Tôi bảo em xin chịu, không tài nào hiểu nổi. Muốn hiểu, xin kính mời bác về Quảng Ninh chơi với bác Trần Nhuận Minh. Ông ta cười khì, nói: “Hỏi thế thôi chứ tớ biết tỏng hết! Nhà văn Dương Hướng phải nói là khôn, không há miệng để mắc quai.”
*
Nghiệp viết văn thấm vào máu, đánh vật với từng con chữ, mồ hôi tứa ra mệt bã, đói nữa, đêm đêm vẫn cặm cụi thó trong cái mùng để khỏi muỗi đói hút máu. Công việc viết văn khổ cực gấp nhiều lần công việc cơ quan giao, thiên hạ nhiều người cứ nghĩ là Dương Hướng cũng như ai “bóp” hầu kẻ chợ để nuôi con chữ, họ đâu biết Dương Hướng xin nghỉ không lương gần một năm đến nỗi “kiết”phải trông vào hầu bao vợ, nhà giáo hưu. Nhà văn cứ tháng, sáu mươi bữa cơm vợ, ba mươi đêm ngủ nhà, đóng cửa xoay trần đấnh vật với trang viết cho tiểu thuyết “Dưới Chín Tầng Trời” ra đời đúng lời hứa năm  xưa với Chủ tịch tỉnh Đỗ Quang Trung.
Tiểu thuyết “Dưới Chín Tầng Trời” khái quát những biến cố của dân tộc: Cải cách ruộng đất, hợp tác hoá nông nghiệp, chống Mỹ, chiến tranh biên giới và thời kỳ mở cửa...quả là mảng đề tài rộng lớn, ở ta còn hiếm những tác phẩm loại như thế. Đây là ý kiến đánh giá của các bậc cao thâm trong giới văn đàn.
Nhà phê bình Khánh Phương nhận xét: Một người như Dương Hướng đắm mình trong cuộc sống để chứng nghiệm đời sống có phần nào gần gũi với trí thức và sâu sắc là những điều mà tiểu thuyết Việt Nam đang còn thiếu hiện nay
“Dưới Chín Tầng Trời” nhà văn Dương Hướng đã trải nghiệm chính là cái tâm người cầm bút đối với dân tộc mình. Nhà văn không thể không ghi lại những sự kiện một giai đoạn lịch sử đau thương cho đời sau biết về thời cha ông chúng sống và chết như thế nào như các nhà văn tiền bối đã làm. Tôi có cảm tưởng như Dương Hướng không tụng ca mà xoáy ngòi bút vào mảng đen sẫm của đời mỗi con người, để minh chứng thời quá khứ bi ai. Thử đặt một giả thiết, không có “Dưới Chín Tầng Trời,”mấy ai biết thế lực lợi dụng danh nghĩa Đảng ta, đại diện là gã Trần Tăng để lại những vết viêm trợt cơ thể con người mãi mãi không lành. Trần Tăng đã mở con đường mới ra cánh đồng Rốt của làng Đoài để chôn chính gã. Đấy là cái nút của cái nút mà nhà văn Dương Hướng lấy làm chủ đạo nội dung tác phẩm để người đọc hôm nay suy ngẫm về những tháng năm  tự tay mình chặt đứt tay mình và cho thế hệ mai sau thấu hiểu thời kỳ nghiệt ngã mà cha ông chúng đã trải, qua đó rút ra những bài học giá trị về cách ứng xử giữa con người với con người.
Bi kịch của gia đình Hoàng Kỳ Bắc hoàn toàn nằm trong vòng xoáy bi kịch của xã hội ta lúc bấy giờ, nhà văn Dương Hướng đã khái quát các tuyến nhân vật, nêu bật các chi tiết sống động trong các mối quan hệ đặc biệt, điển  là hình nhân vật Trần Tăng rung lên tiếng chuông cảnh báo gã đang mở ra con đường mới, có phải đó là con đường thay thế con đường đang tiến tới?
Trong tác phẩm “Dưới Chín Tầng Trời,” nhà văn Dương Hướng đã dùng khá chắc thủ pháp xây dựng tính cách nhân vật, nhưng chưa vượt ra khỏi quỹ đạo một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn về bút pháp mà tư tưởng xuyên suốt toàn bộ nội dung cuốn sách mới chính là cái cốt lõi chính thống, mới chính là cái đáng trân trọng. Cần có sự nhìn nhận một cách thật thấu đáo tinh thần trách nhiệm công dân của nhà văn dám xông vào lĩnh vực mà nhiều nhà văn tài năng ngần ngại để minh chứng những sự kiện xảy ra trong giai đoạn lịch sử nhà văn chứng kiến. Tôi nói với Dương Hướng là, nhiều nhà văn không thú đọc“Dưới Chín Tầng Trời” của ông, thậm chí có nhà báo thẳng thừng bảo ông cực đoan sau khi gấp cuốn sách lại. Cũng đúng thôi, khen chê là thuộc phạm trù cá nhân và sự cảm nhận của mỗi cá nhân, không ai giống ai và càng không thể nói rằng có một khuôn mẫu nhất định. Không nên lấy cái tôi ra để chỉ người này phải thế này thế kia, cái lối trịch thượng của mấy ông đã lỗi thời.
Tôi đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết “Người Cõi Âm” hậu “Dưới Chín Tầng Trời” bởi vì tôi thích tính lô-gíc của vấn đề Dương Hướng đặt ra. Trong chúng ta hiện nay, không ít người đã và đang quay lưng lại con đường chính mình đã trải và phủ định tất cả. Tôi cho rằng Trần Tăng trong “Dưới Chín Tầng Trời”phản bội lại lợi ích dân tộc, con cháu hắn có tiếp tục con đường mới ra cánh đồng Rốt? Không thể chủ quan, không tính đến khả năng này để có trách nhiệm giữ giàng những thứ mà thời đại chúng ta đã giành giật từ tay bọn thù địch...Chính vì thế tôi xuất bản cuốn tiểu thuyết “Người Cõi Âm.” Cuốn sách sẽ ra mắt bạn đọc vào quý tư năm nay.
Nhà văn Dương Hướng đã trải những tháng năm chinh chiến, nhưng chưa đủ để khái quát tầm cỡ của tiểu thuyết “Dưới Chín Tầng Trời”mà nhà văn phải dày công khám phá với tầm nhìn rộng bao quát cả thế giới quanh mình, nghiệm chứng một giai đoạn lịch sử dân tộc suốt nửa thế kỷ để sáng tạo và sáng tạo không ngừng trước khi vào cuộc chiến mới đầy cam  go.
Tôi được biết ‘Dưới Chín Tầng Trời”đã lọt vào danh sách chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam. Có dư luận cho là “Dưới Chín Tầng Trời” được xếp ngồi vào đấy cho đủ mâm các lão trượng thôi chứ không ăn giải gì, bởi người ta không liệt vào danh số sách loại sang phía bên kia như “Thời Của Thánh Thần”của nhà văn Hoàng Minh Tường đã là may rồi còn mong gì hơn thế? Tôi vẫn tin, bởi sự xếp “Dưới Chín Tầng Trời” vào chung kết là đã trải qua sự sàng lọc kỹ của các nhà văn tài năng và các nhà phê bình văn học tài năng. Nếu “Dưới Chín Tầng Trời” của nhà văn Dương Hướng lại ẵm giải nhất cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay thì đấy là một sự kiện đặc biệt, đặc biệt ở chỗ chưa từng có nhà văn nào ẵm hai giải cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam. Nếu sự kiện đó xảy ra thì có thể nói, nó đánh dấu một giai đoạn văn học mới, một cách nhìn thông thoáng và cở mở rất đáng khích lệ.
    *
Bây giờ “đánh thuê”cho Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh, nơi mà nhà văn Dương Hướng là uỷ viên Ban chấp hành, không phải vì “mấy trăm  ngàn đồng bọ” mà vì anh em  hội viên cần có người họ tin cẩn. Không biết rồi đây, có lặp lại chuyện cũ nhà văn lại tự nguyện rút khỏi Ban chấp hành nữa không? Nhớ lại hội nghị bộ môn Văn của Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh hồi nảo hồi nào ấy, nhà văn Dương Hướng đi tác văn Tây Nguyên không tham dự, nhưng các hội viên nhất quyết bầu nhà văn làm Chi hội trưởng chứ không bầu ai, thế mới lạ. Tại sao lại có chuyện thật trăm phần trăm mà cứ như chuyện tếu đùa dai? Không hẳn nhà văn có biệt tài dùng chữ đâu nhé, mà vì cái tình “củm” với anh em hội viên. Người này người kia có câu rang câu sếu cần chia sẻ với Dương Hướng đấy thôi, chứ nếu ra tuồng “ta đây,”có lẽ không ít hôị viên đã “vút-bai.” Ví như tôi đây, viết không phải vì Hội mà trước hết cho tôi đã, tôi thấy cần phải nói tiếng nói của mình trên Báo Hạ Long, nhưng lại tại đấy có nhà văn Dương Hướng, tôi thích thế thôi. Nhà văn Dương Hướng làm Báo Hạ Long gần gặn anh em hội viên, được nhiều chứ không thiệt, như trên tôi tâm sự, nhà văn cần bạn chứ “không cần mấy đồng bọ.” Mới đây, nhà văn đã có nỗi niềm chi đấy, thôi đó là chuyện riêng của Anh, chỉ có điều, nhà văn mà gần gặn anh em mới thật hiếm quý, còn như kẻ dưới, ít người thỉnh cấp trên mới đáng quan tâm. Một ông như tôi biết, làm đến chức Bộ trưởng, một ông làm Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh hưu là ít khách thăm chơi, buồn cứ ra thẩn vào ngơ... Nhà văn tâm sự với tôi, cái ghế mình mới rời còn nóng hổi đã khối thằng “vút-bai.” Tết mới rồi phong bì hầu như... có thằng thấy bóng mình từ xa đã né. Âu cũng là chuyện đời bình thường. Tôi viết bài viết này nói về nhà văn, tuyệt nhiên không dám nhận là viết chân dung Dương Hướng, có thể là không hay, không sâu sắc như các đại gia đã nói về nhà văn, nhưng vì cái tình tôi nó nặng với Dương Hướng đã từ cái ngày nhà văn đón Chủ tịch tỉnh Đỗ Quang Trung đến chúc Tết mà quên tuột không tặng tôi cuốn tiểu thuyết “Bến Không Chồng.”
Ngày 18 tháng 5 năm 2009