Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HÀ NỘI VÀ NHỮNG DỰ ĐỊNH VIỂN VÔNG

Nguyễn Xuân Diện
Thứ bẩy ngày 22 tháng 8 năm 2009 9:29 PM
 
Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đang đến gần. Hà Nội đang bề bộn các hoạt động chuẩn bị cho đại lễ: các công trình xây dựng đang gấp rút hoàn thành, các công trình văn hóa nghệ thuật cũng đang trong guồng quay chạy đua với thời gian. Đã có những cuộc bàn luận để xem có nên đặt Km số 0 ở Bờ Hồ không, rồi chọn kỷ vật gì của thời đại hôm nay để gửi đến mai sau. Lại có cả cuộc thi viết thư gửi Lý Công Uẩn nữa. Và mới đây, lại có người nghĩ ra chuyện đặt tên cho 36 phố ở Hà Nội bằng tên 36 thủ đô các nước, và sẽ đề nghị 36 thủ đô nước đó đặt tên một phố Hà Nội trong thành phố của họ.  Nhiều lời bàn, nhiều ý tưởng, nhiều dự định xa vời, viển vông.
Ai cũng biết Hà Nội là một trung tâm lớn, là chốn hội nhân, hội thủy (tụ họp người tứ xứ và là nơi quy tụ các dòng sông, hồ). Sành ăn mặc, chuộng đồ tinh xảo, Hà Nội còn là nơi hội tụ những người tài hoa từ khắp nơi. Nhiều người đã lập được sự nghiệp lớn lao ở Thăng Long. Đó là Nguyễn Trãi với Nguyễn Thị Lộ trong giai thoại người bán chiếu gon Tây Hồ; là Nguyễn Du có mối đồng cảm với cô Cầm một ca nữ tài danh của Thăng Long; là bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương dựng lầu Cổ Nguyệt đường ở Hồ Tây…Những dấu tích người xưa, nay ở đâu?
Chuyện xa xưa, chưa biết khảo ở đâu ra dấu tích, cho dù Hà Nội có thể dựng một cái bia đá ở đâu đó ven hồ Tây để nhắc nhớ thời gian nữ sĩ Nguyễn Thị Lộ gặp Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương dựng Cổ Nguyệt đường…
Nhưng những nhà văn hóa, những con người tài hoa đã lập nghiệp ở Thăng Long – Hà Nội, làm rạng danh cho Hà Nội, mặc dù họ đã được chính quyền thành phố đặt tên phố, thì vẫn cần có những nhà lưu niệm để mọi người có thể đến thăm.
 Nơi thi sĩ Tản Đà ở những năm túng bấn thời làm báo ở số 71 Ngã Tư Sở; quán cà phê Lâm ở Nguyễn Hữu Huân nơi các họa sĩ nổi tiếng đến dùng cà phê mỗi sáng trong những năm khó khăn của thời bao cấp; ngôi nhà của đôi bạn văn Xuân Diệu – Huy Cận; ngôi nhà của nhà văn Nguyễn Tuân (từ sau khi ông mất, vẫn được gia đình để nguyên như khi ông còn sống); hoặc ngôi nhà của nhà văn hóa Đặng Thai Mai...Tất cả đều cần có những tấm biển chỉ dẫn và lưu niệm.
Trên thế giới, những ngôi nhà hoặc nơi lưu dấu tích của các nhà văn, danh họa, nhạc sĩ, nghệ sỹ tên tuổi đều được lưu giữ và được tổ chức thành những nhà lưu niệm, thành điểm tham quan rất thu hút du khách. Ở Trung Quốc, nơi Đỗ Phủ làm thơ, nơi Tô Đông Pha làm phú, rồi “Quán trà Lão Xá”, …đều được đặt biển báo và lưu niệm. Đặc biệt là Quán Trà Lão Xá (Quán trà là tên tác phẩm của Lão Xá - nhà văn hiện đại Trung Quốc) đã trở thành một điểm đặc biệt thu hút khách du lịch.
Ôi! Đã một ngàn năm trôi qua! Và một ngàn năm nữa đã tới. Hà Nội sắp 1000 năm tuổi. Bao nhiêu danh nhân đã sống và cống hiến tài năng cho Thăng Long và cho đất nước. Việc tổ chức một hệ thống các nhà lưu niệm các danh nhân văn hóa là một việc rất nên làm và dễ làm, không tốn kém tiền bạc. Việc này không những thể hiện sự trân trọng, biết ơn của thành phố đối với các danh nhân mà còn là một cách để giới thiệu văn hóa Việt Nam, văn hóa Hà Nội với bè bạn bốn phương.
Văn hóa là một câu chuyện tinh tế và sâu sắc. Làm văn hóa, đâu phải là chỉ quanh quẩn trong 8 chữ: Cờ - Đèn – Kèn – Trống – Bưng – Bê – Kê – Đặt, phải không, thưa chư vị?