Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI ANH TỬ TẾ TRẦN VĂN THỦY

Phạm Gia Văn
Thứ sáu ngày 21 tháng 8 năm 2009 8:15 AM

Vài kỷ niệm với người anh tử tế (*)
Đắn đo mãi mới dám viết cái entry này, vì không khéo có lại kêu, thấy người sang bắt quàng làm họ. Ừ, thì bắt quàng đấy! Đã sao nào? Miễn là cái tâm, cái động cơ của mình chẳng hề đục, dơ! Thế là có thể vui, mà bắt tay vào bàn phím ...  gõ được rồi.
 
Trên đỉnh đèo Hải Vân tháng 3.1988 - trên đường vào dự LHP VN-VIII ở Đà Nẵng.
(Từ trái qua phải: Thanh An, Phan Sơn, Trần văn Thuỷ, Phạm Cường)

Anh Thuỷ sinh trước tôi chừng hơn một giáp. Nhưng anh vào nghề thì chỉ sớm hơn tôi khoảng mươi năm, anh vào khoá 3, còn tôi khoá 6 trường Điện Ảnh Việt Nam ở 33 Hoàng Hoa Thám Hà Nội. Vừa học xong quay phim thì anh được cử vào chiến trường B2 ngay, xong lại đi học Đại học Điện Ảnh Vờ-Gík ở Liên Xô, nên mãi tới 1979, khi tôi ở phim Truyện chuyển sang phim Tài liệu Khoa học thì mới được gặp anh lần đầu.
Không sinh hoạt cùng phân xưởng, nhưng anh như người hùng, luôn là tâm điểm của nhiều đồng nghiệp, kể cả những em hoa khôi xinh đẹp ở xưởng phim. Họ có cảm tình với anh vì anh đẹp trai, lịch lãm, ăn nói có duyên, rất lôi cuốn người xung quanh, dù đó chỉ là một anh công nhân làm thợ mộc ở cơ quan.
Tháng 3.1979 anh lên Việt Bắc quay được cảnh những người lính Trung Quốc bị ta bắt, giải về tập trung ở sân vận động bóng đá Thái Nguyên, khi về anh đã phát triển và hoàn thành được bộ phim Phản Bội được đánh giá là khá thành công (1). Hồi đó vợ tôi làm máy chiếu ở ĐH Thuỷ Lợi, nên tôi mời anh Thuỷ mang phim tới và giới thiệu (ngoài sân bãi ngoài trời) với sinh viên, hàng ngàn người tới tham dự chật ních sân, mà im phăng phắc xem một phim tài liệu từ đầu tới cuối, thật là một hiện tượng hiếm có khiến mình cũng được hãnh diện là cùng cơ quan với anh.
Sau đó thấy anh, Đào Trọng Khánh, Lưu Hà dắt díu nhau đi làm phim Hà Nội 5 cửa ô. Nhưng khi xong phim lại hoá ra Hà Nội Trong Mắt Ai (HNTMA) gây tiếng vang rất lớn ở toàn xưởng. Đa số cán bộ CNVC từ người quét rác đến anh bảo vệ đều theo dõi và ủng hộ rất mạnh. Nhiều cán bộ phụ trách từ phân xưởng tới ban giám đốc, thấy khí thế dân tình vậy cũng tát nước theo mưa, có lúc bốc lên còn nói mạnh còn cái quần đùi cũng bảo vệ HNTMA!… (2)
Nhưng sự thể đã không đơn giản như vậy, khi thấy một số người ở bên trên, tiêu biểu là các ông Tố Hữu  và Hoàng Tùng (3) không tán thành bộ phim vì cho rằng có một số cảnh và lời bình mang tính cạnh khoé, phạm huý kỵ, nên kiên quyết bắt sửa lại cắt bỏ thì mới cho phép phát hành. Những con kỳ nhông (cán bộ lãnh đạo cơ hội bên dưới) đã quay ra đì Trần văn Thuỷ, bắt sửa cho bằng được. Trần văn Thuỷ cũng ngang, mặc dù chấp hành sửa nhưng chỉ thêm vào vài cảnh có tính cúng cụ vô hại cho phim như các cảnh cảm tử quân, tiêu thổ kháng chiến 1946 và tiếp quản thủ đô tháng 10.1954 ở Hà Nội chứ nhất định không chịu thay hay cắt bỏ những phần hay nhất (mà cũng nhạy cảm nhất) trong phim. Kết quả phim vẫn cứ bị cấm, cho dù thủ tướng Phạm văn Đồng đương thời đã có lời nói ủng hộ. Tác giả chính như anh Thuỷ thì bị công an theo dõi từng bước. Nhưng phim thì được chiếu chui (với danh nghiã: chiếu nghiên cứu cho cán bộ cơ quan nhà nước). Và chưa bao giờ, chưa bộ phim nào của ĐAVN (thể loại Tài Liệu) lại được người ta xếp hàng đua nhau đi xem một bộ phim chưa được phát hành nhiều đến như thế.
Mùa hè năm 1983, tôi vào quay phim ở Đà Nẵng, khi biết tôi cùng xưởng phim với tác giả HNTMA, bà con Đà Nẵng xúm lại hỏi han rất nhiều, những lúc rảnh tôi còn đọc cho vài người mà tôi thân ở KS Đà Nẵng những đoạn lời bình của HNTMA, tôi lén ghi vào quyển sổ tay, mà đã thấy họ cảm phục anh Thuỷ tới mức nào rồi. Tôi cũng sướng củ tỷ vì thấy người dân ta vẫn còn mến phim Tài Liệu như thế, cho dù như trong ngành vẫn ví phim tài liệu chỉ là chiếu để dọn bãi cho phim truyện.
Năm sau, một hôm đang ngồi chơi quán nước trong xưởng, thấy anh Thuỷ tới và nói: Anh vừa đi Campuchia về, anh có chút quà mọn cho em, nhưng hôm nay anh lại quên ở nhà, hôm nào rảnh ghé anh chơi.... Thật sướng run người lên ấy chứ, được một người tài như thế, nổi tiếng thế mời tới nhà, thì còn gì hơn? Anh khen tôi có những khuôn hình quay phim rất tốt... như cái phim Ngũ Hành Sơn chẳng hạn ... chỉ riêng hai cuốn phim đó mà anh đem theo, dạy cho lớp đạo diễn phim tài liệu ở Phnông-Pênh do nước bạn mời. Trong phần thực tập Montage (dựng phim), anh hướng dẫn sinh viên nước bạn đã cắt được tới 5 phim ngắn chi tiết khác rất ấn tượng. Anh tha thiết, rất muốn có dịp nào được mời tôi đi quay phim cho anh. Nhưng cho mãi tới khi tôi từ biệt xưởng phim (cuối 1992) cả tôi và anh cũng không thực hiện được cái ước muốn tưởng chừng đơn giản như thế.
Năm 1984, sau khi làm thành công bộ phim đầu tay có tên Thuỷ điện nhỏ tôi như được chính thức bước một chân vào nghề đạo diễn, dù chân kia vẫn là quay phim.
Năm 1985, tôi làm phim Bệnh Dịch Hạch anh cũng luôn để mắt tới tôi, anh sửa giúp tôi dù chỉ vài chữ trong phần lời bình thôi. Nhưng khiến tôi cảm kích mãi.
Năm 1986, sau khi được tôi mời tới dự buổi duyệt hình một phim mới của tôi, phim Làng tranh Đông Hồ (LTĐH), anh chủ động ngỏ ý muốn tiến cử cho tôi một người viết lời bình cho phim. Lúc xong phim tôi mới dám hỏi: sao anh tốt với em thế?. Anh cười, nói, đơn giản thôi, vì anh rất thích những khuôn hình của em trong phim này.... Anh còn nói, anh thấy cái e của cái Làng Tranh Đông Hồ mà có anh Nguyễn Quân viết lời bình thì tuyệt cú mèo...
Anh dẫn tôi tới nhà hoạ sỹ Nguyễn Quân ở khu tập thể quân đội ở phố Phan Đình Phùng (4) dạo đó anh Quân đang làm thư ký ở Hội Mỹ Thuật. Ban đầu tôi cũng ngại, vì hai người mà tôi mời làm cố vấn chuyên môn là hoạ sỹ Thẩm Đức Tụ và nhà nghiên cứu MT Nguyễn Đỗ Bảo thì luôn mặt trăng mặt trời với Nguyễn Quân, nhưng may thay, anh Quân đã nhận lời ngay khi biết tôi đang làm phim LTĐH. Một ngạc nhiên nữa, chỉ cần xem hình (nháp) bộ phim có đúng một lần mà Nguyễn Quân phăng ra được những dòng lời bình như thế! Cứ như là Nguyễn Quân và LTĐH có duyên nợ với nhau từ kiếp nào vậy? tất nhiên là đạo diễn tôi phải làm cái việc khớp, ráp, tu bổ cho nó gắn quyện với hình. Giữa lúc đó Thẩm Đức Tụ lại giới thiệu nhà văn Tô Hoài tình nguyện tới giúp tôi sửa lời bình (mà không cần thù lao) vì cũng rất mến LTĐH! Thế mới gay, nhưng tôi cũng đành phải nhận lời, vì sợ nhà văn của Dế Mèn phiêu lưu ký buồn (5).
Phải nói phục cụ Hoài thật, bận thế mà cũng rất nhiệt tình và sửa (bằng bút chì) cái lời bình (vốn anh Quân viết rất nguệch ngoạc mà tôi phải cho đánh máy lại) rất chi là cẩn thận. Là đạo diễn, tôi có toàn quyền quyết định từng câu chữ trước khi hoà âm phim, nên ban đầu tôi định dung hoà cả hai bản của anh Quân và cụ Hoài. Nhưng anh Thuỷ đã can ngăn tôi, anh nói, anh rất kính trọng nhà văn Tô Hoài nhưng ở đây anh phải nói thẳng, tất cả phần sửa (biên tập) của cụ không có gì mới cao hơn mà chỉ như rắn vẽ thêm chân mà thôi! Để kiên quyết hơn anh còn nói thẳng: em mà dung hoà hai văn bản như vậy là em đã xúc phạm Nguyễn Quân đấy! Dù anh Quân với cụ Tô Hoài là không có vướng mắc gì...
Nghe anh Thuỷ, tôi đã không thay đổi gì nữa. Và phim LTĐH đã lọt được vào mắt xanh tới hai LHP Quốc tế lớn là Kraków (Ba Lan) và Leipzig (CHDC Đức) vào tháng 6 và tháng 11 năm 1987.
Mùa xuân năm 1988 khi mang hai phim là Dịch hạch và LTĐH đi dự LHP Quốc gia 3/1988, tôi lại được cùng anh Thuỷ trong đoàn đại biểu của hãng vào Đà Nẵng suốt một tuần.(6)
Sau đận ấy tôi và anh cũng thưa gặp nhau hơn, cho tới khi tôi rời VN vào tháng 11.1992. Lý do chính, hãng phim đang sản xuất 100 phim/ năm. Xoá bao cấp phim chỉ còn mươi mười lăm. Có năm chỉ chừng 5 phim, nên nhiều anh em đạo diễn quay phim còn phải đi bán vé tự phát hành phim Video ở các địa phương. (7)
Để tránh phải làm các công việc oái oăm ấy tôi trốn vào lớp chuyên tu ở ĐHSKĐA ở Mai Dịch cho tới cuối 1991, và còn làm rốn được một phim Những người chân đất (với danh nghiã quay phim). Năm 1992 làm được thêm hai phim: Hà Nội có cầu Long Biên (phim nhựa) và Mặt gương Hồ Tây (Betacam-Video) với danh nghĩa kịch bản và đạo diễn, trong khi nhiều anh tài chỉ tới hãng để ngồi gốc ngâu. (8)
Mãi tới năm 2006, sau 14 năm tha hương, tôi được gặp lại anh Thuỷ ở ngôi nhà mới của anh ở gần Bưởi. Đó là căn biệt thự do anh tự tay vẽ mẫu khá đẹp, anh mua đất và cất nhà. Ở đất thuộc làng hoa Vĩnh Phúc trước kia. Anh thủng thẳng nói, đời sống của gia đình anh thì được cải thiện hơn xưa nhiều nhưng vẫn buồn.... vì đời sống tinh thần nói chung vẫn chưa được như ý ... cả cái sự nghiệp phim ảnh mà anh theo đuổi cả đời kia nó vẫn như giấc mơ trưa thoắt ẩn, thoắt hiện mà chưa được trọn vẹn bao giờ...
Anh lôi cả rượu Minh Mạng thang ra đãi tôi, anh khoe vừa hoàn thành xong cuốn Nếu đi hết biển phát hành tại Mỹ. Anh mang về được hàng trăm cuốn mà vẫn trót lọt, không gặp rắc rối gì ... có lẽ do trời thương người có tâm.... để anh tặng riêng em một cuốn..... Nhưng tàn cuộc rượu thì tôi đi người không về, vì quên. Nhưng anh lại nhớ, anh cẩn thận, ký lưu niệm nhờ chị Hằng vợ anh gửi Vũ (9) mang tới nhà trước hôm tôi trở về Đức. Thiết nghĩ cái tình của người đàn anh, với một thằng đàn em vô danh là tôi, như thế có lẽ cũng qúi hoá và nhớ tới suốt đời.
Hôm nghe tin anh có tên trong danh sách đầu tiên, cùng 135 trí thức lớn của đất nước ở cả trong và ngoài nước kiến nghị với lãnh đạo nhà nước, chính phủ và quốc hội về khai thác Bauxite ở Tây Nguyên hôm 14.04.2009 trên trang webseite trannhuong.com, thì tôi mới có được địa chỉ E-mail của anh để thăm anh. Không giống như bao người xứ mình thời nay, nhận được thư, anh hồi âm tức thì, anh chia xẻ, cũng chẳng thạo vi tính là bao, chỉ vào mạng đọc thư và báo chí là chính thôi. Anh còn báo tin vui, sắp có chuyến đi Mỹ lần thứ 5, do các trường ĐH Hoa Kỳ mời, thật mừng cho anh.
Nhưng đọc tới đoạn sau thì lại hơi đượm buồn! Anh viết:
Từ khi về hưu đến giờ, công việc không bao giờ ngừng nghỉ. Già rồi, năm nay 70 xuân, Lê Mạnh Thích, Phùng Ty, Tô Việt Hải, Ba tơ Liêu ... ra đi 3, 4 năm rồi, đang chờ mình ở dưới đó.
 
Chúc vạn sự an lành.
 
Thủy (10)
 
Cám ơn người anh vẫn còn thương còn nhớ thằng đàn em khốn khó.
Đặc biệt nhớ tới những đồng nghiệp lam lũ, buồn, vui, yêu, ghét, kỷ niệm, gắn bó một thời. Tôi biết, anh cũng chẳng khoẻ mạnh. Vì trong người còn bị nhiều chứng bệnh, di chứng từ cái thời gian khổ nơi chiến trường xưa. Nhưng anh đã sống một cuộc đời nhân hậu, nên trời thương! Mặc dù anh đã phải chua chát tự nhận quái tự nhận nghề làm phim là nghề hèn và mọn
hay Để những bộ phim của mình đến được với công chúng, tôi đã phải lấy lòng người này, rồi đối phó, thậm chí lường gạt người kia... (11)
Anh Trần văn Thuỷ, người biết mình còn chưa toàn mỹ chính là người toàn mỹ vậy!
Anh chính là người đàn anh trong nghề tử tế nhất mà tôi đã từng gặp trong đời.
Phạm Gia Văn
(Gocomay blog:
http://vn.myblog.yahoo.com/vanph_vanpham/article?new=1&mid=767)
------------------------
(*) Anh Trần văn Thuỷ ĐD phim Chuyện tử tế.
 Phim này có thể xem ở đường link:
http://vn.myblog.yahoo.com/duyanhle76
(1) Phim Phản Bội đã được trao giải Bông sen vàng tại LHP Việt Nam lần thứ VI ở TP HCM.
(2) Có thể xem Hà Nội Trong Mắt Ai ở đường link:
http://vn.myblog.yahoo.com/linhphuctu
(3  Thời điểm đó Tố Hữu là phó thủ tướng thường trực; Hoàng Tùng là Bí thư TW phụ trách Ban Tuyên giáo. Còn bên dưới Bùi Đình Hạc là người theo lệnh trên đì bộ phim nhiều nhất.
(4) Số nhà thì tôi không còn nhớ, nhưng nhà anh Thuỷ ở số 10 Hàng Bún thì tôi vẫn ghé thường xuyên.
(5) Dạo đó Tô Hoài là chủ tịch Hội văn nghệ Hà Nội ở 19 Hàng Buồm.
(6  Kết thúc LHP VN lần VIII, anh Thuỷ được một Bông Sen Vàng cho phim HNTMA còn tôi cũng được một giải đặc biệt cho phim LTĐH và một giải Bông Sen Bạc cho phim Dịch hạch.
(7) Hồi đó hãng phải tự bỏ vốn làm và tự phát hành phim truyện Video dựa theo tiểu thuyết Bỉ vỏ của Vũ Trọng Phụng.
(8) Ở đối diện phòng hành chính và cổng bảo vệ hãng xưa có mọc một khóm ngâu khá to, mọi người nhàn cư thường hay ngồi đó tán róc với nhau...
 Bà con có thể xem 2 phim này ở 2 đường link sau đây:
• 
http://vn.myblog.yahoo.com/vanph_vanpham/index?&page=3  và:
• 
http://vn.myblog.yahoo.com/vanph_vanpham/article?mid=675&prev=730&next=666
(9) Nguyễn Như Vũ, nhà quay phim kiêm đạo diễn ở hãng phim TLKH-TW
(10) Trích thư hồi âm của anh Thuỷ gửi PC hồi cuối tháng 4/2009
(11) Bài: Đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân Trần Văn Thủy: “Làm phim tài liệu phải... quái một chút” -  Báo Pháp Luật TPHCM Online - 22-12-2007 23:18:09 GMT +7.