Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐÒN GÁNH LƯNG CONG

Dương Đức Quảng
Thứ năm ngày 20 tháng 8 năm 2009 6:05 AM
                                                         
Tôi từng biết một vài người thuộc loại “con ông cháu cha”, nổi tiếng trong làng ăn chơi. Nhưng tôi cũng biết không ít người thuộc loại con nhà “cành vàng lá ngọc”, thậm chí là con lãnh tụ “dưới một người, trên muôn người”, lại có cuộc sống giản dị, khiêm nhường. Bà Tôn Thị Hạnh, con gái của cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng là một người như thế.
Một ngày giữa tháng 8 năm nay, tôi đến thăm ông bà Dương Văn Phúc – Tôn Thị Hạnh. Hôm ấy, chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày kỷ niệm 121 năm ngày sinh của cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (20-8-1888/20-8-2009), người được nhân dân cả nước thương yêu gọi là Bác, sau Bác Hồ. Ông Dương Văn Phúc nguyên là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, về hưu đã gần 20 năm nay, là một người thủ trưởng cũ mà tôi kính trọng vì nhân cách và cuộc sống giản dị của ông. Còn bà Tôn Thị Hạnh là con gái đầu của Bác Tôn.
Từ hơn hai năm nay, sau một một lần bị ngã, bà Tôn Thị Hạnh sức khoẻ sa sút nghiêm trọng, có lúc tưởng không qua khỏi. Lần trước tôi đến thăm, bà phải nằm một chỗ, gần như không biết gì. Lần này, sức khoẻ của bà có khá hơn một chút; bà có thể ngồi dậy và đã nhúc nhắc được mấy bước. Cái lưng của bà vốn đã còng nay càng còng gập xuống, tệ hơn, xương sống bị xiêu vẹo, người lệch hẳn một bên.
Ngay từ lần đầu tiên gặp bà, không hiểu sao, nhìn lưng bà còng như chiếc đòn gánh cong, tôi lại nhớ tới bà nội tôi và chạnh nghĩ: người phụ nữ nào về già lưng còng như chiếc đòn gánh cong thường là người có cuộc đời vất vả, như bà nội tôi ngày nào! Song tôi lại hơi hồ nghi: chả lẽ con của Chủ tịch nước mà cũng vất vả như người dân thường hay sao ?
Thế rồi, trong một lần đến thăm trước đây, ông bà đã kể với tôi về cuộc đời của ông bà và tôi hiểu rằng điều tôi chạnh nghĩ không sai. Lần ấy, cách đây cũng đã hơn hai năm, ông bà tiếp tôi trong căn phòng khách thật đơn giản, nhìn ra đường Cao Bá Quát, Hà Nội, tấp nập xe cộ ngày cuối năm. Bà người nhỏ nhắn, không có khuôn mặt và cử chỉ của một “mệnh phụ phu nhân” hay của một người con nhà “ cành vàng lá ngọc”, thường thấy ở vợ con các bậc quyền cao chức trọng. Trên khuôn mặt người phụ nữ đã bước qua tuổi 80 ấy, vẫn còn những nét đẹp của một thời con gái xuân sắc, nhưng lại cứ hiển hiện điều gì rất khó diễn tả về sự khắc khổ, vất vả trong đời còn đọng lại.
 
“Con có gặp ba thì đừng khóc mà ba buồn”
 
Trong một bài viết về gia đình mình in trong tập sách “Tôn Đức Thắng, người cộng sản mẫu mực, biểu tượng của đại đoàn kết” (NXB Chính trị Quốc gia, 2003), bà Tôn Thị Hạnh kể rằng cha mẹ bà lấy nhau không phải bình thường như mọi đôi trai gái khác mà là một việc đền ơn trả nghĩa.
Năm 1912, sau khi tổ chức và lãnh đạo cuộc bãi công của học sinh Trường Bách nghệ và công nhân Nhà máy sửa chữa tàu thuỷ Ba Son, Sài Gòn, anh công nhân Hai Thắng bị thực dân Pháp lùng bắt, phải trốn sang Pháp làm công nhân trong một công ty hàng hải rồi làm thợ máy trong hải quân Pháp. Cùng sang Pháp với anh Hai Thắng, có anh Ba Sứ, do quý mến anh Hai nên đã viết thư về gia đình mai mối để cha mình gả người chị gái cho anh. Khi anh Ba Sứ chẳng may lâm bệnh chết, anh Hai Thắng đứng ra lo liệu đám tang cho bạn. Khi về nước, anh Hai Thắng tìm đến thăm gia đình anh Ba Sứ ở Vĩnh Kim, Mỹ Tho, trân trọng đưa tấm ảnh chụp hôm lễ tang có anh và một số bạn hữu đứng bên quan tài anh Ba cho gia đình. Cảm động trước tấm lòng của anh Hai Thắng và cũng là để trả ơn người đã chăm lo chu đáo cho con trai mình, theo ý nguyện của con trai đã mất, cha mẹ anh Ba Sứ đã gả con gái của mình là Đoàn Thị Giàu cho anh Hai Thắng.
Năm 1926 bé Tôn Thị Hạnh ra đời, là kết quả của mối tình ân nghĩa sâu nặng theo di nguyện của người cậu ruột để lại…
Trở lại Sài Gòn, anh Hai Thắng xin vào làm công nhân cho một hãng xe ôtô của Pháp và tiếp tục hoạt động bí mật xây dựng cơ sở công hội trong thành phố. Ngôi nhà của anh trở thành nơi đi lại của các chiến sĩ cách mạng lúc bấy giờ. Năm 1929, anh bị thực dân Pháp bắt giam ở Khám lớn Sài Gòn, sau đó bị kết án 20 năm khổ sai, đến tháng 6-1930 bị đầy ra Côn Đảo.    
Trước ngày bị giặc Pháp bắt, như có linh tính báo trước, anh Hai Thắng đưa vợ và hai con gái về Mỹ Tho ở nhờ nhà một người chú bên ngoại. Khi ấy chị Hai đang có thai đứa con thứ ba, đến ngày sắp sinh thì được tin chồng bị bắt. Sinh con thứ ba, là con trai, chị Hai đặt tên là Tôn Đức Liêm. Đẻ con được ít ngày, chị Hai đã phải chạy chợ nuôi con và mỗi tháng một lần lại gánh gà, gánh thỏ từ Mỹ Tho lên Sài Gòn bán, cũng là để dò thăm tin tức của chồng. Biết anh Hai Thắng bị giam ở Khám lớn Sài Gòn, chị về đưa đứa con đầu là Hạnh và đứa con út là Liêm còn ẵm ngửa lên thăm. Khi đến cửa Khám lớn Sài Gòn, chị dặn con:
- Con có gặp ba thì đừng khóc mà ba buồn…
Gặp cha, thấy cha bị còng hai chân, lê từng bước, còn mẹ lại cố cười nói tự nhiên, đưa đứa em trai cho cha bế để cha khỏi buồn, thương cha muốn khóc nhưng nghe lời mẹ dặn, Hạnh cố kìm không khóc mà nước mắt cứ vòng quanh!…
 
Gánh chè và vuông lụa ngày cưới
 
Mười sáu năm cha bị giam cầm ở Côn Đảo là mười sáu năm dài dằng dặc mẹ con, chị em Hạnh trải qua biết bao cơ cực, cố sống để chờ ngày chồng, cha được trở về.
Những ngày mẹ đưa gà, đưa thỏ từ  Mỹ Tho lên Sài Gòn bán, ba chị em Hạnh thui thủi ở nhà, tự lo mọi việc. Một lần, khi Liêm ba tuổi thì bị ốm nặng, mẹ vắng nhà, Hạnh phải nhờ người mua thuốc cho em uống. Nhưng vì mua nhầm thuốc nên uống vào bệnh của Liêm thêm nặng. Khi mẹ về thì đứa em trai ba tuổi của Hạnh đã qua đời ngay trên tay của mẹ.
Mẹ Hạnh quá đau buồn, bỏ buôn bán, dắt díu chị em Hạnh về xin ở nhờ trên đất ông bà ngoại để lại cho người cậu út, nuôi lợn, nuôi gà, trồng cây để sống. ít lâu sau, người cậu cầm cố mảnh vườn này cho người khác, mẹ Hạnh phải bán cả tư trang để có tiền thuê lại, đầu tắt mặt tối nuôi hai con. Nguồn thu hoạch ít ỏi từ bán trái cây vốn đã không đủ sống, nay lại thêm trả tiền thuê vườn, tiền đóng thuế cho chính quyền sở tại nên cuộc sống của ba mẹ con Hạnh càng thêm khó khăn. Tuy mới hơn mười tuổi, hai chị em Hạnh đã phải giúp mẹ bươn bả, nay làm mướn, mai phụ mẹ buôn bán vặt, kiếm ăn qua ngày. Nợ nần chồng chất, lại thêm buôn bán thua lỗ, không còn có thể sống ở quê được nữa, mẹ Hạnh đành dắt díu con sang Nam Vang (Phnompênh, Campuchia bây giờ) theo một người quen đi bán hàng rong kiếm sống. Ngày ngày, cô bé Hạnh đòn gánh trên vai, theo mẹ gánh cháo, gánh chè …dạo khắp các nẻo đường Nam Vang, rát họng rao mà cháo ế đằng cháo, chè ế đằng chè, cuối cùng đành bỏ nghề. Hạnh lại theo mẹ đi làm mướn, thực ra là đi ở cho nhà một viên công chức người Pháp, có vợ là người Việt. Công việc của mẹ con Hạnh là quét dọn, lau chùi nhà cửa, giặt giũ quần áo cho cả nhà, mà nhà lại có gần 20 người, làm suốt ngày cũng không hết việc. Tối đến hai mẹ con phải ngủ dưới đất, gần gầm cầu thang, sát chỗ nấu bếp. Đã vậy, mỗi khi sơ ý, trễ việc, hai mẹ con lại bị vợ chủ nhà mắng chửi…
Những ngày mẹ con Hạnh đi ở ở Nam Vang, có một người chịu ơn cha Hạnh từ lâu tìm đến. Ông là Ba Đức, trước đây nhà nghèo nhưng học giỏi, được cha Hạnh cưu mang khi ông còn vừa đi làm vừa đi học ở Sài Gòn. Sau này, ông Ba Đức thi đậu đại học, ra trường thành kỹ sư, làm ăn phát đạt, giầu có. Nhớ ơn nghĩa xưa, ông Ba Đức tìm đến nhà anh Hai Thắng, người đã cưu mang mình khi khốn khó, mới biết tin anh Hai Thắng đã bị bắt, bị đày đi Côn Đảo, còn vợ con anh cũng đã ly tán khỏi quê. Ông Ba Đức dò hỏi và khi biết mẹ con Hạnh đang đi ở ở Nam Vang, ông đã sang tận nơi, bỏ ra 100 đồng tiền Đông Dương trả cho nhà chủ, “chuộc” cho mẹ con Hạnh trở về quê.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, cha Hạnh được Cách mạng đón từ Côn Đảo trở về đất liền. Cha Hạnh chỉ kịp về thăm vợ con được một ngày rồi lại lên đường công tác. Trong những năm cha bị tù ở Côn Đảo, mẹ ở nhà tần tảo chạy chợ, hàng ngày mua trái cây và gà vịt từ quê chở lên Sài Gòn hoặc Mỹ Tho bán lấy tiền nuôi ba chị em Hạnh. Hôm cha về Vĩnh Kim thăm nhà sau 16 năm bị tù, khi đến nhà thì cũng vừa lúc chập choạng tối. Đang đi mua gà ở xóm trên, nghe tin cha về, mẹ buơn bả chạy về nhà, líu quýu đến nỗi mấy con gà mua vừa trả tiền xong đang cầm trên tay nhảy xuống đất chạy mất! Về nhà, thấy cha đang ngồi trên bộ ván đầu nhà, khách đến thăm khá đông, mẹ cứ nghẹn ngào nhìn cha sau hơn 16 năm xa cách, không nói được lời nào, chỉ đứng ôm cột nhà mà khóc!…
Năm 1946, Bác Tôn Đức Thắng trúng cử đại biểu Quốc hội Khoá đầu tiên, được Bác Hồ mời ra Hà Nội làm việc. Lúc này, Hạnh, Nghiêm đều đã tham gia công tác cách mạng, được theo cha ra Bắc. Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, cả hai chị em lại theo cha lên chiến khu Việt Bắc, Hạnh làm văn thư, lưu trữ, còn Nghiêm là điện báo viên ở Văn phòng Trung ương. Trong kháng chiến chống Pháp, Bác Tôn là Bộ trưởng Bộ Nội vụ sau khi cụ Huỳnh Thúc Kháng mất, rồi là Trưởng Ban Thường trực Quốc Hội, Trưởng Ban Thi đua Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban Liên Việt toàn quốc (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay)… 
Tuy là con cán bộ cao cấp, nhưng Hạnh không có một đặc ân nào. Chị cũng phải trải qua những khó khăn, vất vả, thiếu thốn trên chiến khu như tất cả các cán bộ, chiến sĩ khác. Năm 1948, chị và anh Dương Văn Phúc, người Hà Nội, cán bộ cơ yếu cùng Văn phòng Trung ương yêu nhau. Do công việc đòi hỏi, cả hai đều được điều động về tăng cường cho địa phương, anh đi Vĩnh Yên, còn chị bổ sung cho “Chính công đội” (Đội công tác chính trị) ở vùng biên giới Quảng Ninh. Chị lăn lộn dọc vùng biên giới Việt Trung, ăn đói, mặc rét, bám từng làng bản của đồng bào người Hoa, vận động bà con tham gia kháng chiến và ủng hộ kháng chiến. Một lần khi vào bản vận động quần chúng ở Quảng Yên, chị bị địch phát hiện, bao vây, nổ súng, nhưng được đồng bào che chở nên may mắn thoát chết.
Năm 1950, gặp lại nhau sau mấy năm xa cách, hai người quyết định tổ chức lễ cưới. Đám cưới con gái vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội rất đơn giản, chỉ là một bữa cơm gia đình, có gà do em gái nuôi, có canh cải do tự tay cô dâu nấu, còn khách mời là một số người bạn thật đặc biệt của cha: Bác sĩ Trần Duy Hưng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cụ Linh mục Phạm Bá Trực, Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội, cụ Vi Văn Định, nhân sĩ trí thức, từng làm Tổng đốc dưới thời Pháp thuộc, bố vợ của ông Bộ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Văn Huyên… Đến bây giờ, vợ chồng chị Hạnh vẫn còn nhớ món quà quý giá mà những người bạn của cha tặng trong ngày cưới là bốn vuông lụa nâu, không dễ gì kiếm được giữa núi rừng Việt Bắc xa xăm.
Ngày đi lấy chồng, không có mẹ ở bên, nhớ mẹ, Hạnh day dứt buồn. Ngày cha đưa hai chị em ra Bắc, mẹ vẫn còn trong quê, ít lâu sau mới biết tin mẹ thoát ly ra bưng biền tham gia kháng chiến. Ơi những ngày khốn khó, đòn gánh cong lưng theo mẹ bán chè ở Nam Vang, sao bây giờ ngày vui của con mẹ lại không có mặt?…Mẹ ơi, nước mắt lưng tròng.
 
Mấy ai biết được lời dặn của cha
 
Sau năm 1954, vợ chồng chị Hạnh, chị Nghiêm cùng cha trở về Hà Nội. Mẹ các chị cũng từ miền Nam tập kết ra Bắc, xum họp cùng chồng và các con.
Năm 1960, Bác Tôn Đức Thắng được Quốc hội cử giữ chức Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và năm 1969 là Chủ tịch nước.
Ở cùng cha mẹ, gia đình chị Hạnh, chị Nghiêm cũng chỉ có một phòng, diện tích không quá 20 mét vuông. Lúc này, chị Hạnh đã chuyển công tác về Bộ Nội vụ, sau này là Bộ Công an. Ngày ở 35 Trần Phú, hai chị Hạnh, Nghiêm nhất định nhường cho gia đình ông Lê Hữu Lập, Thư ký riêng của cha căn phòng rộng hơn 30 mét vuông vì gia đình ông đông người hơn.
Thời bao cấp, mọi chế độ sinh hoạt đều được phân phối theo tiêu chuẩn tem phiếu. Ông Lê Hữu Lập, nhớ lại sinh hoạt của gia đình Bác Tôn và các con Bác thời đó: “Sổ mua hàng của Bác Tôn thuộc loại gần như theo yêu cầu, hết chỗ ghi thay sổ khác. Nhưng Sổ mua hàng của gia đình Bác Tôn mỗi năm chỉ một quyển mà nhiều trang còn bỏ trắng; chỉ mua chè tiếp khách, kẹo bánh cho trẻ con, thỉnh thoảng cân đường, cân bột làm bánh ngọt biếu bạn già, chiếc bút Trung Quốc, cái xoong, cái chậu mừng anh nhân viên lấy vợ, hộp thuốc bổ Đông y cho người phục vụ có bố mẹ già, khi đi phép. Như mọi cán bộ, các con của Bác Tôn phải tự túc… Chị Nghiêm phải xếp hàng hàng giờ để mua cân đường. Anh Trúc, chồng chị, Phó Tiến sĩ, Chủ nhiệm khoa Đại học Y, khoẻ mạnh chuyên đi xếp hàng từ thật sớm mua gạo, mua thực phẩm để kịp giờ đi làm…”(sách đã dẫn).
Sau hai mươi năm xa cách, lúc mẹ Giàu gặp lại cha thì cả hai đều đã già. Mẹ không làm gì được, chỉ ở nhà giúp các con nuôi cháu và giúp cha khi ốm đau. Cha tuy có người phục vụ, nhưng mẹ vẫn tự làm lấy mọi việc, từ giặt quần áo đến cơm nước…, không hề sai bảo ai. Cho đến khi bị liệt, phải nằm một chỗ đến trước khi mất năm 1974 mẹ mới để người giúp việc giặt quần áo cho mình.Cả hai chị em Hạnh, Nghiêm sau này cuộc sống khá hơn nhưng vẫn giữ được nếp sống, nếp nghĩ giống cha mẹ như ngày nào, giản dị, quý trọng lao động, yêu thương mọi người, tự làm mọi việc trong nhà, không muốn phiền hà người phục vụ. Điều đó, phần lớn là bắt nguồn từ cuộc sống quá khổ khi xưa của cả gia đình…
Sau mấy năm ở cùng cha mẹ, một hôm Bác Tôn nói với hai con:
- Ba bây giờ già rồi, chắc không sống được bao lâu nữa. Ngôi nhà này là dành cho Ba ở và làm việc. Khi Ba mất, các con không thể ở đây được nữa. Vì thế, theo Ba các con nên đề nghị cơ quan bố trí cho nơi ở mới, theo đúng tiêu chuẩn của nhà nước đối với cán bộ, không nên đòi hỏi gì…
Trầm ngâm một lúc, Bác Tôn nói với các con:
- Sau này, khi Ba mất, Ba có nguyện vọng như Bác Hồ là được hoả táng, không phải tổ chức lễ tang linh đình, tốn kém làm gì. Sau khi hoả táng, mỗi con giữ lấy một lọ tro của Ba là Ba vui lòng…
Sau mấy chục năm công tác, bà Tôn Thị Hạnh về hưu, với cấp bậc Thiếu tá công an, đã được gần 30 năm.
Ngày 30-3-1980 Chủ tịch Tôn Đức Thắng qua đời tại Hà Nội, hưởng thọ 92 tuổi.
Thế là, đã bao nhiêu năm nay, cả cha, mẹ và vợ chồng người em gái thân yêu đã rời bỏ vợ chồng bà Tôn Thị Hạnh vĩnh viễn ra đi. Bây giờ, chính tại căn phòng khách của ông bà Dương Văn Phúc – Tôn Thị Hạnh là ban thờ, có ảnh cha mẹ hàng ngày vẫn trìu mến nhìn xuống vợ chồng ông bà và các con cháu. Hình bóng của cha mẹ và hình bóng của vợ chồng người em gái thân yêu vẫn hiển hiện hàng ngày trong cuộc sống của ông bà.
Bà Tôn Thị Hạnh, con gái của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, cũng có một cuộc đời vất vả như bà nội tôi, một thường dân, cả một đời lam lũ, vất vả. Hai người đều  “đòn gánh lưng cong”./.
Chú thích ảnh: Bác Tôn và các con cháu (bà Hạnh đứng thứ 2, ông Phúc đứng, thứ 3, phải sang).

(Bài đã đăng trên ANTG cuối thảng. Bản  đầy đủ gửi Trần Nhương.com).
Hà Nội, 18-8-2009
       D. Đ.Q

________________________________________________