Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TẤM VẢI VÀ LÁ THƯ CỦA BÁC TÔN

Dương Đức Quảng
Chủ nhật ngày 23 tháng 8 năm 2009 5:59 PM
 
Tấm vải là của Bác Tôn dành cho chồng bà Tôn Thị Ngọc Quang, con nuôi của Bác; còn lá thư là của Bác viết cho cháu trai, con bà Quang khi cháu mới đi bộ đội. Đó là hai trong số những kỷ vật quý giá nhất mà gia đình bà Quang trân trọng suốt đời.
Khi kể cho tôi nghe chuyện này, bà Quang cứ dặn đi dặn lại tôi đừng viết gì để người đọc hiểu lầm là bà muốn nói về mình. Bởi vì bà sống khá lặng lẽ, khiêm nhường, nhiều người không biết bà cùng với bà Tôn Thị Tuyết Dung là hai người con nuôi được Bác Tôn thương yêu như con đẻ.
 
Cô bé mồ côi cha, đi ở…
 
Năm cô bé Ngọc Quang mới 10 tuổi thì cha mất. Mẹ cô bé là một người phụ nữ đẹp nhất nhì vùng Long Điền (Bà Rịa-Vũng Tàu) nên có rất nhiều người đàn ông theo đuổi. Một thời gian ngắn sau khi cha mất, mẹ đi bước nữa, gửi cô bé lại cho một người bà con xa, làm nghề nem chạo. Thế là, từ năm 10 tuổi, cô bé Ngọc Quang đã không còn được sống trong tình thương yêu của cha mẹ, một mình thui thủi trong nhà người họ hàng xa, làm mọi việc như một con ở. Hết quét dọn, lau chùi nhà cửa, lại cơm nước, trông con cho chủ nhà, đầu tắt mặt tối hết năm này sang năm khác. Có lần, gánh hát về làng biểu diễn, bạn bè rủ Ngọc Quang đi xem, Quang muốn lắm nhưng chủ nhà lại mang ra một thúng bì lợn bảo phải lọc hết chỗ đó mới được đi! Lọc chưa xong thì đêm hát đã tan, Quang tủi thân chỉ còn biết trốn ra sau nhà ngồi khóc.
Năm 1945, Ngọc Quang 18 tuổi. Cách mạng Tháng Tám như một làn gió mới tràn về quê hương, làm thay đổi đời cô. Như con chim sổ lồng, Ngọc Quang cùng các bạn tham gia sinh hoạt thanh niên, vận động đồng bào ủng hộ Tuần lễ vàng nhân ngày lễ độc lập. Cô được học văn hoá, học cứu thương, hăng hái làm mọi việc phụng sự cách mạng. Đầu năm 1946, do hoạt động phong trào tích cực, cô được tổ chức chọn gửi ra Bắc học tập.
Ra tới Hà Nội, Ngọc Quang được điều về Phòng liên lạc Nam Bộ, ở 19 phố Tông Đản. Phòng liên lạc Nam Bộ khi đó do ông Nguyễn Văn Cái, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre phụ trách, có bà Nguyễn Thị Sóc (Hai Sóc), người hoạt động cùng thời với đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Bí thư Thành uỷ Sài Gòn trước đây, quê ở Bà Điểm, Hóc Môn; có hai người con gái của Bác Tôn là Tôn Thị Hạnh, Tôn Thị Nghiêm; có Ngọc Quang và Tuyết Dung cùng một số người khác.
Tuyết Dung là cô gái ít tuổi nhất trong Phòng, sinh trong một gia đình khá đặc biệt, có ông em của ông nội, là Giáo chủ đạo Cao Đài Phạm Công Tắc, còn cha có thời làm Thanh tra cho Toà thánh Tây Ninh, là bạn thân của ông Dương Bạch Mai, một trí thức cộng sản nổi tiếng ở Nam Bộ. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Tuyết Dung tham gia ca hát ủng hộ Tuần lễ vàng, vào bộ đội làm liên lạc, làm y tá, theo đơn vị ra Bắc, đầu năm 1946 về Phòng liên lạc Nam Bộ.
Thương Ngọc Quang mồ côi cha, xa mẹ từ nhỏ, nay lại xa quê hương một mình ra Bắc; thương Tuyết Dung tuy ít tuổi đã có lòng yêu nước, dám xa gia đình theo bộ đội nay đây mai đó, Bác Tôn nhận cả hai người làm con nuôi. Ngọc Quang gọi chị Hạnh là chị Hai, chị Nghiêm là chị Ba, còn Tuyết Dung ít tuổi nhất là em út trong gia đình.
Một hôm Bác Tôn hỏi Ngọc Quang và Tuyết Dung:
- Các con còn trẻ, rất cần có kiến thức và văn hoá. Ba muốn cho các con đi học tiếp để phục vụ cách mạng lâu dài. Các con thấy sao?
Tuyết Dung nhận lời Ba, còn Ngọc Quang đã học cứu thương trước khi ra Bắc nên không muốn đi học văn hoá, ngỏ ý xin Ba cho vào bộ đội để chăm sóc thương bệnh binh. Bác Tôn giao ông Cái viết thư giới thiệu Ngọc Quang cho bác sỹ Trần Hữu Nghiệp, Tổng Thanh tra Quân Dân y Toàn quốc để bác sỹ bố trí công việc cho Ngọc Quang. Bác Tôn chỉ dặn Ngọc Quang thật ngắn gọn: “Làm việc gì con cũng phải hết lòng phụng sự Tổ quốc”.
Ngọc Quang về công tác tại Cục Quân y, lúc đó đóng ở khu nhà góc đường Hàng Chuối và Nguyễn Công Trứ, Hà Nội. Hễ được nghỉ ngày nào là ngày ấy Ngọc Quang lại đi bộ về 19 Tông Đản để gặp Bác Tôn và chị Hạnh, chị Nghiêm. Cuối năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Ngọc Quang theo đơn vị sơ tán khỏi Hà Nội, không biết Bác Tôn và hai chị Hạnh, Nghiêm cũng đã rời thủ đô lên chiến khu Việt Bắc.
 
Bữa cơm gia đình sau hơn 10 năm xa cách
 
Ngọc Quang theo đoàn của Bác sỹ Trần Hữu Nghiệp rời Hà Nội trở về miền Nam công tác. Đoàn đến huyện Thanh Chương, Nghệ An thì chẳng may chị bị sốt cao, không thể tiếp tục hành quân. Bác sỹ Nghiệp đành gửi chị lại cho một Viện Quân y đang đóng tại đây, dặn chị yên tâm chữa bệnh, sẽ có người đến đón để tiếp tục vào Nam. Hết bệnh, chị nóng lòng chờ mà mãi không thấy người đến đón. Chị trở thành y tá của Viện Quân y này. Năm 1947, chị gặp và yêu anh Nguyễn Thanh Phúc, quê Quảng Trị, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Ngày lấy chồng, nhà gái không có ai. Biết Bác Tôn và hai chị Hạnh, Nghiêm ở trên chiến khu Việt Bắc, nhưng đường xá xa xôi, liên lạc khó khăn, muốn báo tin vui với cha nuôi và các chị mà không thể được. Lấy chồng, sinh con, chị gắn bó công việc với Viện Quân y cho đến ngày hoà bình lập lại. 
Tập kết ra Bắc, bác sỹ Trần Hữu Nghiệp nhớ tới cô y tá trẻ Ngọc Quang ngày nào trên đường vào Nam bị sốt cao phải ở lại Nghệ An điều trị. Ông đi tìm và khi biết Ngọc Quang vẫn còn ở Nghệ An ông đề nghị Bộ y tế điều động chị về chăm sóc sức khoẻ cho các cháu Trường học sinh miền Nam ở Đa Sỹ, Hà Đông. Ít lâu sau, chị được chuyển công tác về Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô, Hà Nội.
Về Hà Nội, biết tin cha nuôi đã giữ cương vị rất cao của Nhà nước, nhiều lần Ngọc Quang định đến thăm, nhưng rồi lại không dám. Chị nghĩ, sau hơn mười năm xa cách, không biết Bác Tôn còn nhớ tới cô bé mồ côi, đi ở ngày nào được Bác nhận làm con nuôi hay không?  Cho đến một lần Bác Tôn gái bị ốm phải vào Bệnh viện Việt- Xô chữa trị, Ngọc Quang mới được gặp Bác Tôn gái và mới có dịp thưa chuyện cùng Bác.
Thế rồi, một ngày chủ nhật, Bác Tôn cho người đón Ngọc Quang lên nhà. Sau hơn 10 năm xa cách, nay hai cha con mới gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi. Bác Tôn rất vui khi biết tin người con gái nuôi khi xưa nay đã trưởng thành, là đảng viên, công tác được tín nhiệm, có gia đình riêng hạnh phúc…Chủ nhật sau đó, Bác Tôn cho làm một bữa cơm, họp mặt đông đủ cả gia đình và anh chị em phục vụ để giới thiệu vợ chồng người con nuôi sau hơn mười năm mới gặp lại.
Sau này Bác Tôn viết giấy gửi các cơ quan có trách nhiệm làm thủ tục để chị Ngọc Quang được mang họ Tôn của Bác.
 
Tấm vải cho con rể và lá thư gửi cháu trai
 
Những ngày còn công tác, gia đình chị Ngọc Quang ở trong một căn hộ tập thể nhỏ trên dốc Thọ Lão, Hà Nội. Ngày chủ nhật nào không phải trực ở bệnh viện, chị lại đèo con lên thăm ông ở 35 Trần Phú, xa gần chục cây số. Còn Bác Tôn cũng đã đến thăm vợ chồng chị và các cháu trong căn hộ tập thể đơn sơ này.
Có lần, thấy chị đi chiếc xe đạp quá cũ, phụ tùng nhiều thứ bị hỏng, đèo con lên thăm ông, Bác Tôn ái ngại, tự tay lấy bộ đồ nghề riêng ra sửa xe cho con. Bác dặn chị Quang đi xe cẩn thận kẻo làm ngã cháu. Mỗi lần các cháu lên chơi, ông đều có quà cho từng cháu, khi là gói kẹo, quả cam, khi là quyển hoạ báo Liên Xô có ảnh in màu rất đẹp. Nhiều lần Bác Tôn bảo chị Quang cho con ngủ lại với ông, nhưng chị lại không dám, chỉ sợ con còn nhỏ đêm lại đái dầm ra ông! Có lần bà vợ ông Bộ trưởng Bộ Lao động Nguyễn Văn Tạo, đồng hương Nam Bộ, đến thăm, biếu Bác Tôn mấy chiếc bánh ít, Bác cũng để dành cho các cháu! Lần chị Quang đưa cháu Dương, con út lên thăm ông, cháu Dương mải chơi bị ngã. Chị chưa kịp đỡ con đã thấy ông hớt hải chạy đến, chân chỉ kịp xỏ một chiếc dép! Còn bà đang giặt, hai tay đầy bọt xà phòng, chùi vội vào vạt áo, lao vào đỡ cháu!
Khi anh Nguyễn Thanh Phúc, chồng chị, chuyển ngành về công tác tại Bộ Công nghiệp nhẹ, mỗi lần được cử tháp tùng đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị làm trưởng đoàn sang các nước xã hội chủ nghĩa nhận viện trợ là một lần phải mượn quần áo comple của Bộ Tài chính. Quần áo may sẵn, không mấy khi mặc vừa, lần thì rộng, lần thì hẹp, có lần chị Quang còn phải sửa quần áo cho chồng trước khi anh lên đường. Trong khi đó nhà lại không có đủ tem phiếu để mua vải may một bộ comple cho anh. Biết chuyện, một hôm Bác Tôn gọi Ngọc Quang đến:
- Ông Pốt-goóc-nưi, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô gửi tặng Ba hai tấm vải. Ba dành cho anh Lập, Thư ký của Ba một tấm, còn tấm này con cầm về may một bộ comple cho chồng con. Thấy chồng con mỗi lần đi công tác nước ngoài lại phải mượn quần áo mà mặc thường không vừa, Ba thấy không tiện…
Chị Quang xúc động đến ứa nước mắt trước cử chỉ và tình cảm của cha nuôi dành cho con rể, mặc dù biết anh Phúc, chồng chị Hạnh, con đẻ của Bác Tôn, cũng chưa có một bộ comple riêng nào!
  Năm 1972, cháu Nguyễn Thanh Bình, con trai thứ hai của anh chị vừa 17 tuổi, học xong phổ thông, là học sinh giỏi, đủ điểm đi học nước ngoài nhưng đã xung phong đi bộ đội. Những ngày đầu tiên trong quân ngũ, Bình phải đeo ba-lô đựng đá, tập hành quân. Một lần hành quân đường dài, từ Sơn Tây ngược lên Hoà Bình, qua Dốc Cun, quãng đường hơn 100 km, buổi tối dừng chân nghỉ tạm trong một ngôi nhà sàn, Bình bị mất đôi dép cao su. Không có dép, Bình phải đi chân đất, tiếp tục hành quân. Được hơn chục cây số, cả hai bàn chân phồng rộp, rớm máu. Khi được về phép, thấy con gầy và sút cân, hai vai đeo ba-lô đựng đá còn bỏng rát, cả hai bàn chân còn đau, thương con chị Quang ứa nước mắt. Hôm sau, lên thăm cha nuôi, chị xót xa “than” với Bác Tôn, Bác nhẹ nhàng khuyên chị:
- Cháu Bình còn trẻ mà đã hăng hái xung phong đi bộ đội là rất tốt. Chiến tranh trai tráng không đi đánh giặc thì ai đi? Con phải động viên cháu vượt khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Ngay như con đó, mười mấy tuổi đã đi kháng chiến còn gì!
Mấy hôm sau, chị Hạnh đến nhà nói Ba có việc cần, muốn gặp Ngọc Quang. Khi chị lên nhà thì thấy Bác Tôn đã chờ sẵn, đưa cho chị 20 đồng và một bức thư:
- Ba gửi cho cháu Bình mấy đồng và viết cho cháu lá thư. Con xem có ai lên chỗ cháu thì gửi giùm cho Ba…
Cầm mấy chục đồng ông gửi cho cháu, đọc những dòng chữ ông viết cho con, chị Quang rưng rưng nước mắt:
Hà Nội 30-5-1972
Cháu Bình thân mến,
Ông lấy làm tiếc không gặp được cháu, khi cháu từ biệt lên đường đi nhận nhiệm vụ.
Ông cũng biết rằng đường của cháu đi bằng chân xa hơn 100 cây số, từ lúc ra đi đến lúc tới nơi. Trong quá trình đó thiếu nước uống, cơm ăn, con người cháu hầu như loã liệt, nhưng cháu vẫn cố gắng lê lết đến tận nơi,
Đó là 1 cuộc rèn luyện của quân đội, chắc thế! Chứ tại sao không đựng nước trong biđon, không cơm vắt mang theo? Thế mà đến nơi cháu lại vui cười, thích thú.
Đây là 1biểu hiện quyết tâm chịu đựng mọi gian khổ thử thách, Đó là cháu đã nâng cao tinh thần chiến sĩ kiên cường bất khuất.
Ông ước mong cháu sẽ luôn luôn khoẻ mạnh, bền bỉ tiếp tục thực hiện chí khí quang vinh đó cho đến bước cuối cùng của con đường mà cháu đã bắt đầu!
Chúc cháu vui khỏe và tự hào!
Ông hôn cháu!
Tôn Đức Thắng”.
Con trai chị Ngọc Quang, chiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, nhận 20 đồng tiền ông cho, số tiền gấp bốn lần phụ cấp hàng tháng của người lính binh nhì, mang theo lá thư và lời dặn của người ông kính mến ra trận. Năm 1975 Bình là lính thông tin của Quân đoàn I, có mặt trong đoàn quân tham gia chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hiện nay Nguyễn Thanh Bình là Phó ban Tổ chức của Tập đoàn dệt may Việt Nam…Còn lá thư của ông viết cho anh hiện được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng.
Trước khi về hưu, bà Tôn Thị Ngọc Quang là chuyên viên của Bộ Y tế, còn ông Nguyễn Thanh Phúc là Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dệt may Việt Nam. Ông bà có bốn người con, tất cả đều được học hành tử tế, đều có công ăn việc làm ổn định và điều quan trọng nhất, như lời ông bà nói, các con cháu của ông bà đều “giữ được nếp nhà” mà ông ngoại và cha mẹ truyền lại.
Từ nhiều năm nay, vợ chồng bà Tôn Thị Ngọc Quang chuyển vào sống tại thành phố Hồ Chí Minh với vợ chồng hai người con trai. Tết năm 1998, ông bà ra ăn Tết tại Hà Nội với con gái. Đọc bài báo Đòn gánh lưng cong của tôi viết về bà Tôn Thị Hạnh trên báo An Ninh Thế Giới cuối tháng, bà Quang gọi điện cho tôi, nói bà không sao cầm được nước mắt, nhớ thương da diết Ba Má, chị Hạnh, chị Nghiêm.
Hàng năm, cứ đến ngày giỗ Bác Tôn, nếu có mặt tại Hà Nội là ông bà đều đến dâng hương trước bàn thờ cha mẹ ở nhà chị hai Tôn Thị Hạnh, rồi cùng vợ chồng chị hai và các cháu lên mộ viếng Cha, viếng Ông tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Còn nếu không ra được, vợ chồng bà Ngọc Quang lại về quê Bác Tôn hoặc đến Bảo tàng Tôn Đức Thắng để dâng hương, tưởng nhớ cha mình, bởi vì, như lời bà viết cho tôi, ơn sâu nghĩa nặng đối với người cha nuôi, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, suốt đời gia đình bà ghi lòng tạc dạ, không bao giờ quên.
 
Vĩ thanh
 
Bài báo trên đây của tôi sau khi được đăng trên tờ ANTG cuối tháng cách đây hơn một năm đã trở thành chiếc cầu nối thân tình giữa vợ chồng bà Ngọc Quang với gia đình tôi. Mỗi khi ra Hà Nội, ông bà đều báo tin cho tôi biết và đều đến thăm vợ chồng tôi và các cháu.
Ngày 21-6-2008 tôi đột ngột nhận tin từ TP. Hồ Chí Minh báo ra, sau một trận ốm nặng ông Nguyễn Thanh Phúc đã mất. Hôm tôi vào thành phố, đến nhà anh Nguyễn Thanh Bình thắp hương tưởng nhớ ông và chia buồn cùng bà và gia đình, bà Ngọc Quang cứ nắm chặt tay tôi mãi. Nhắc lại những lần tôi đến thăm ông bà và ông bà đến thăm gia đình tôi ở Hà Nội cả hai cùng nghẹn ngào.
Giờ đây, khi viết những dòng này tôi lại nhớ tới vợ chồng bà Tôn Thị Ngọc Quang, người con nuôi khiêm nhường của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, nhớ lại lời bà dặn tôi hôm nào: Đừng viết gì để người đọc hiểu lầm là bà muốn nói về mình./.
Bài đã đăng trên ANTG cuối tháng. Bản có bổ sung, gửi TNc.
Chú thích ảnh: Bác Tôn và các con cháu (Hàng đứng: ông Nguyễn Thanh Phúc, 1 , bà Ngọc Quang, 3, trái sang).

Hà Nội, ngày 20-8-2009