Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BƯỚC ĐẦU VỀ HÀNH TRÌNH CỦA CHỮ VIỆT CỔ

Đỗ Văn Xuyền
Chủ nhật ngày 2 tháng 8 năm 2009 8:02 PM
 

Theo báo cáo mới nhất của Đại học Ar Kan san, Mỹ thì “có tới 6.000 ngôn ngữ khác đang chết dần và một nửa trong số đó có nguy cơ tiêu vong trong thế kỷ 22. Trong thời cổ đại, loài người sử dụng từ 10.000 đến 15.000 ngôn ngữ khác nhau. Bây giờ còn khoảng 6.000 ngôn ngữ và đang giảm dần. 20% đến 50% ngôn ngữ không được giảng dạy cho trẻ em, tức là đang sống mà như chết rồi”. Theo dự đoán của trường Đại học này, đến năm 2.100 chỉ còn chừng 600 ngôn ngữ tồn tại. Vậy chữ Việt cổ của ta có rơi vào những trường hợp như vậy không?
Đã có nhiều công trình nghiên cứu của các chuyên gia, từ Hà Văn Tấn, Lê Trọng Khánh, Bùi Văn Nguyên, Trần Ngọc Thêm... cho đến Vương Duy Trinh, Trương Vĩnh Ký, cả những nhà nghiên cứu nước ngoài ở Anh, Tiệp Khắc, Mỹ, Pháp, nhất là Trung Quốc: Từ Lục Lưu, đến Hứa Thận, Trịnh Tiểu... đều khẳng định: Việt Nam xưa đã có chữ viết riêng. Đặc biệt gần đây, nhóm nghiên cứu do nhà văn Khành Hoài, tức Đỗ Văn Xuyền  là chủ nhiệm đề tài, với phương pháp khoa học, hiện đại, bước đầu thu được những kết quả rất đáng phấn khởi. Tôi xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu của ông Đỗ Văn Xuyền trong dịp khánh thành Thần Qui cổ ngày 29.3.2009, tức ngày 4.3 âm lịch, tại Thiên cổ miếu, mô phỏng Thần Qui xưa đời Vua Nghiêu, người Việt ta tặng con rùa ngàn năm tuổi, trên mai có khắc chữ Khoa đẩu (chữ như con nòng nọc) chép việc từ thời khai thiên lập địa trở đi để giữ hòa hiếu giữa hai nước:  
Đã từ lâu, một câu hỏi lớn làm đau đầu bao người Việt Nam trong và ngoài nước, cùng giới nghiên cứu quốc tế có tài và có tâm: Dân tộc ta từ 3.000 năm trước đã chế tác được hàng loạt những trống đồng vô cùng tinh xảo, đạt tới đỉnh cao về nghệ thuật, cũng như tinh hoa của một nền văn minh rực rỡ, làm kinh ngạc cả thế giới văn minh hiện đại. Vậy dân tộc ta thời ấy có chữ viết hay không? Thứ chữ Khoa đẩu mà Hùng Quốc Vương tặng Vua Nghiêu, thứ chữ mà các thầy cô giáo thời Hùng Vương giảng dạy rộng khắp là thứ chữ gì?
Không biết bao nhiêu các nhà khoa học trong và ngoài nước đã đi tìm dấu tích chữ Việt cổ từ mấy trăm năm nay. Trong hàng ngàn hiện vật, hàng ngàn văn bản còn lưu lại ở nhiều nơi, bằng đủ các chất liệu, suốt mấy ngàn năm qua, thì đâu là chữ Việt cổ mà từ thời Vua Hùng đã giảng dạy?
Cho tới hôm nay, nhóm nghiên cứu chữ Việt cổ, thuộc bộ phận nghiên cứu thời tiền sử của Trung tâm văn hóa Người cao tuổi Việt Nam, do nhà văn Khánh Hoài - Đỗ Văn Xuyền là chủ nhiệm đề tài, cùng sự nỗ lực không mệt mỏi của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, chúng ta tự hào tuyên bố rằng: Bước đầu chúng ta đã tìm ra chữ Việt cổ, thứ ký tự có từ thời Hùng Vương, sau gần 2.000 năm tưởng chừng không còn tồn tại.
Điều làm chúng ta thêm tin tưởng, bởi vì thứ chữ chúng ta tìm được có hình dáng và cấu trúc đồng dạng với các ký tự tìm thấy trên đá, trên đồ gốm, trên trống đồng… Những hiện vật đặc trưng, đặc hữu của người Lạc Việt trong suốt chiều dài mấy nghìn năm lịch sử. Điều đó khẳng định rằng: Chúng xuất phát chung một nguồn gốc, từ một thời điểm rất xa xưa.
Chúng ta tin như vậy, bởi vì thứ chữ chúng ta tìm được có lối cấu trúc độc đáo, chỉ có thể được sáng tạo bởi những con người mang truyền thống đạo đức và bản sắc Việt Nam. Dấu vết thứ chữ này còn lưu lại đầy đủ trong ngôn ngữ người Việt, đó là điều kiện quan trọng nhất cho việc khẳng định nguồn gốc một ký tự. Chúng ta tin tưởng, bởi trên con đường dò tìm loại ký tự này trên bước đường lưu lạc từ năm 187 đến năm 1621, chúng ta bất ngờ nhìn thấy bóng dáng chữ từ thời Vua Hùng hiện diện trong cấu trúc chữ Quốc ngữ buổi đầu ở  thư viện Tòa Thánh La Mã, ở thủ đô Lis bon và vài nơi khác để có thể bước đầu kết luận rằng: Thứ chữ của Vua Hùng chưa mất. Chỉ có điều, để tránh họa diệt vong - âm mưu thâm hiểm của ngoại bang, thứ ký tự đặc biệt này đã tận dụng tối đa cơ hội, khi nền văn minh phương Tây ồ ạt tràn vào Việt Nam thế kỷ 16 - 17, đã nhanh chóng mượn vỏ La tinh để ngụy trang, hòa nhập vào hàng ngũ  ký tự văn minh nhất nhân loại. Những tác giả người Việt uyên bác ấy đã cố tình lưu lại dấu vết một cách kín đáo, với hy vọng một ngày nào đó, người con lưu lạc này xuất hiện, chứng minh cho nguồn gốc Hồng Bàng của mình và cái ngày trọng đại ấy đã đến, dù phải qua chặng đường gần 400 năm nay.
Những chứng cứ ấy giúp ta tin chắc rằng: Chữ của Tổ Tiên chúng ta chính là thứ chữ bà Madeleine Colani đào được ở Lam Gan - Hòa Bình năm 1923 cùng với các dụng cụ đồ đá từ 7.000 đến 8.000 năm trước. Đó là thứ chữ Vua Hùng tặng Vua Nghiêu cách đây 4.362 năm trước, thứ chữ mà giáo sư Mỹ Carlton ở Đại học Alberta vừa công bố ngày 3.3.2009 là: Hiện nay những người dân Bách Việt ở Vân Nam Trung Quốc vẫn sử dụng.
Nhưng do đâu mà hàng loạt nước trên thế giới, chỉ sau vài thế kỷ, thậm chí vài thập kỷ bị đô hộ, đã mất hết cả tiếng nói và chữ viết? Trong khi đất nước nhỏ bé của chúng ta đã từng bị ngoại bang đô hộ hàng nghìn năm, bị đồng hóa đến mức tưởng rằng vĩnh viễn trở thành người khác, bị tàn sát đến bờ vực diệt vong, vẫn giữ được nền văn hóa độc đáo của dân tộc, vẫn giữ được tài sản vô giá của Tổ Tiên: Đó là chữ viết, điều đó khẳng định sức sống mãnh liệt của dân tộc. Song chúng ta cũng phải ghi nhận những đóng góp của những người có ý thức, dù vô tình hay hữu ý, giúp chúng ta có thêm cứ liệu chắc chắn hôm nay:
Nếu như từ 4362 năm trước, khi nhận được quà của Hùng Quốc Vương trao tặng, Vua Nghiêu không cho chép lại thứ ký tự lạ có hình dáng con nòng nọc của người Việt để nghiên cứu, sử dụng, để rồi sau đó sử sách của Trung Quốc không thể không ghi lại như sách: “Thông giám cương mục” của Chu Hy, “Thuyết văn giải tự” của Hứa Thận và “Thông chí” của Trịnh Tiểu đời Tống, thì nay ta đâu có thêm cơ sở để khẳng định lịch sử chữ Việt cổ, mà ngày ấy họ gọi là chữ “Khoa đẩu”. Rồi chính Vua Sở: Ngạc Tích Quân, một chiều năm 562 trước CN, khi qua sông, vô tình nghe người chèo đò hát. Vì yêu thích giai điệu  mà không hiểu lời ca, nhà Vua đề nghị người hát chuyển từ tiếng Việt sang tiếng Sở, để hôm nay ta tìm lại được bài hát Việt yêu quí năm xưa. Có ai ngờ vị thánh của đạo Nho, của chữ Hán: Đức Khổng Tử, với tài đức của mình, với lòng trân trọng thứ ký tự lạ của nước bạn đã bí mật dấu kỹ vào tường căn nhà đang ở và 400 năm sau, vào thế kỷ 1 trước CN, theo lệnh của Lỗ Công, học giả Khổng An Quốc - cháu đời thứ 12 của đức Khổng Tử khi sửa nhà của ông tổ đã phát hiện ra.
Rồi Lưu Hướng với tác phẩm “Thuyết Uyển”, Kê Hàm, Vương Gia, Đào Cảnh Hoàng, từ những thế kỷ đầu của CN đã giới thiệu về thứ giấy viết rất đặc biệt của người Giao Chỉ, mà theo Giáo sư Jean Pierre Drège (Giám đốc Viễn đông bác cổ Pháp), loại giấy mật hương và giấy gân nghiêng này, người Việt đã đưa vào Trung Quốc ít nhất từ thế kỷ thứ 2 trước CN, điều đó là một trong những căn cứ chứng minh cho sự tồn tại và phát triển của văn tự Việt.
Ngay trong chương cuối tiểu thuyết Thủy Hử nổi tiếng, nhà văn Thi Nại Am kể chuyện Tống Giang tìm thấy tấm bia có khắc chữ Khoa Đẩu, mà một vị đạo tràng nói: Mình có thể đọc được, dù đó là “Thiên Thư”. Nhà tiểu thuyết hiện đại Kim Dung của Đài Loan, trong cuốn “Lộc Đỉnh Ký” có kể chuyện một nhân vật là Vi Tiểu Bảo phải khó khăn lắm mới học được chữ Khoa Đẩu, thứ chữ như con nòng nọc. Một số người không đọc được thì hẹn “khi về lục địa sẽ tiếp tục theo học chữ này”. Những tư liệu ghi lại trong sử sách của Trung Quốc hàng mấy nghìn năm ấy chứng minh cho sự tồn tại lâu bền của chữ Khoa Đẩu. Không chỉ trong quá khứ, mà ngay trong hiện tại, vào chính thời điểm chúng ta đang băn khoăn bàn luận về chữ Việt cổ, thì ngày 3.3.2009, trên Omniglot, Giáo sư T.R Carlton, trường Đại học Alberta, Hoa Kỳ, có giới thiệu một bộ chữ mà ngoài vùng Tây Bắc Việt Nam, bắc Lào, bắc Thái Lan, còn có người “ở Vân Nam, một tỉnh của Trung Quốc còn sử dụng. Tác giả không tìm được nguồn gốc của loại ký tự đặc biệt đã có chữ cái ghép vần theo kiểu La Tinh này và cũng không đưa Việt Nam vào danh sách 44 nước trên thế giới có loại chữ Alphabet như các học giả Anh, Tiệp đã khẳng định loại chữ tượng thanh này là của Việt Nam có từ trước CN. Chúng ta xin bổ xung Việt Nam vào danh sách đó và xin trân trọng thông báo với Giáo sư Carlton rằng: “Thứ ký tự Giáo sư giới thiệu mà người Vân Nam còn sử dụng ấy, đã tìm được Origins”. Bởi vì toàn bộ số phụ âm được nêu lên trong bài viết của Giáo sư, hoàn toàn giống với bộ chữ Khoa Đẩu của người Việt cổ mà chúng ta đã giải mã xong. Có nghĩa là bộ chữ này có chủ sở hữu, chứ không phải Unknow như ông viết. Chính nhiều tộc của Bách Việt đã sử dụng loại ký tự tiến bộ đó của người Lạc Việt có chỉnh sửa đi chút ít như Giáo sư Lê Trọng khánh của chúng tôi đã khẳng định.
Trong những năm qua, tại lục địa Trung Hoa, các nhà khảo cổ đào được nhiều dấu tích chữ cổ mà họ chưa giải mã được hết. Ví dụ: Hàng vạn mảnh xương rùa khắc chữ trong các ngôi mộ ở tỉnh Hồ Nam từ 6.000 đến 7.000 năm trước và nhiều nơi khác. Chúng ta nghĩ sao khi thời điểm đó chỉ có người Bách Việt cư trú như nhà sử học Trung Quốc - Lương Tử Chi khẳng định?
Trong hành trình đi tìm chữ Việt cổ, tưởng chừng như vô vọng, ta đi như trong đường hầm tối dài dằng dặc, có lúc tưởng như bế tắc, thì bất ngờ từ phía xa, những tư liệu đã ghi trong sử sách của Trung Quốc, đã như những tia chớp sáng lóe lên, vẫy gọi, giúp chúng ta có thêm niềm tin, động lực để đi tới đích.
Từ những mật mã của chữ thời Vua Hùng, ta đã giải đáp được những thắc mắc về cấu trúc lạ lùng của chữ Quốc ngữ trong buổi đầu. Ta tìm thấy nhiều dấu tích chữ Việt cổ trong hàng loạt từ điển của A.de Rhodes, của Aubaret, của P.Behaine…tạo nên hàng nghìn từ Quốc ngữ không đánh vần được. Có thể nói; Chữ Quốc ngữ là do khá đông những những trí thức Việt Nam, thông thạo chữ Việt Cổ, được sự cộng tác nhiệt tình của các giáo sỹ phương Tây đã tạo nên. Lúc đầu họ giữ nguyên cấu trúc chữ Việt cổ và thay vỏ La Tinh vào đó, sau đó tiếp tục cải tiến, hoàn thiện.
Việt Nam là nước duy nhất của Châu Á La Tinh hóa được văn tự, vì Việt Nam có sẵn chữ Việt cổ, loại chữ theo dòng Alphabet, giống chữ La Tinh. Chính cha André Palmeiro trước cả A.de Rhdes, ngay từ năm 1632 khi đến Việt Nam, trong bài viết ngắn của mình đã sử dụng 4 chữ Việt cổ. Chúng ta trân trọng việc làm của linh mục Iginio Văn Tín, trong tập sách viết tay của mình về lịch sử dân tộc từ năm 1659, đã kiên trì tập chuyển đổi từ chữ Việt cổ sang chữ La Tinh một cách vụng về, cảm động. Có thể nói đây là một trong những giáo dân yêu nước đầu tiên chuyển đổi chữ Việt cổ sang chữ Quốc ngữ. Chúng ta mãi mãi ghi vào bia công đức việc làm của cha cả Filíp Bỉnh, người sinh cùng thời với Vua Quang Trung ở Hải Dương. Trong suốt 30 năm cuối đời bị lưu đầy ở thủ đô Lisbon - Bồ Đào Nha, đức cha Bỉnh đã ngày đêm tập trung vào viết trên 20 cuốn sách, trang nào cũng cố tình xen vào chữ Việt cổ, không chỉ có cấu trúc, mà ngay cả những chữ còn nguyên dạng: “Khi nào tôi chết ở đây, thì nhờ người gửi những cuốn sách này về nước cho anh em dùng”! 200 năm trôi qua, hôm nay chúng ta mới hiểu được thâm ý của Người: Muốn lưu lại dấu vết chữ Việt Cổ trong chữ Quốc ngữ, để con cháu tới một ngày có cơ sở tìm ra tài sản vô giá của Tổ Tiên mà tình hình chính trị lúc ấy không cho phép Người nói thẳng.
Chúng ta biết ơn nhân dân La Nội - Hà Tây, Bàn Giản - Vĩnh Phúc đã lưu giữ được bản thông điệp của Vua Hùng gửi Vua Nghiêu trên 4.000 năm trước. Và còn bao nhiêu con Lạc cháu Hồng suốt mấy nghìn năm đã hương khói phụng thờ và giữ gìn phần mộ thầy giáo của Hai Bà Trưng: Đỗ Năng Tế, Tạ Cẩn Nương. Bà con thôn Bồng Lai, huyện Từ Liêm đã gìn giữ nơi thờ tự của thầy giáo Lỗ Công, thầy giáo Hoàng Trụ từ hàng nghìn năm trước CN, tới năm 1851 còn lặn lội đi bộ lên tận Việt Trì, tới nơi thầy đã dạy học từ thời Hùng Định Vương để tìm thêm tài liệu về lập bia tưởng niệm.
Hàng trăm dấu tích thầy cô giáo đã được nhân dân ta trân trọng, giữ gìn suốt mấy nghìn năm qua ở Bồng Lai, ở Hương Lan… như vậy. Rồi còn bao nhiêu nhà trí thức khác đã hy sinh, bị tàn sát trên đường đem chữ Khoa Đẩu đi cất dấu kể từ năm 111 trước CN, đặc biệt từ năm 187 sau CN, khi có lệnh của Sỹ Nhiếp ra lệnh triệt hạ chữ Việt cổ.
May mắn cho chúng ta, một bộ chữ như thế đã được dấu lên Tây Bắc xen lẫn vào những bộ chữ của bà con dân tộc Thái đang dùng. May mắn hơn, bộ chữ đó lọt vào tay một trí thức rất uyên bác: Tri châu Điện Biên Phạm Thận Duật, quê ở Yên Mô - Ninh Bình, từ chức giáo thụ Phủ Đoan Hùng, chuyển lên Tây Bắc vào dầu năm 1855. Bộ chữ này bị khóa mã mà vị tri châu Điện Biên (sau này là tuần phủ Bắc Ninh, tuần phủ Hà Nội, Thượng thư Bộ Hình, Tổng quản Quốc Tử Giám, Phó Tổng tài Quốc Sử Quán). Ông chưa kịp giải mã vì còn quá nhiều công việc và lao vào cuộc chiến đấu chống quân xâm lược. Sau đó ông bị giặc bắt giam, bị tra tấn đến chết trên đường bị đầy đi Tahiti và bị quân thù ném xác xuống eo biển Malăcca. Phải 140 năm sau (1856 - 1995), chúng ta mới phá bỏ được lớp vỏ ngụy trang và giải mã được bộ chữ Việt cổ do Thượng Thư để lại.
Do tính chất khoa học và tiến bộ đặc biệt của bộ chữ Việt cổ đã được sáng tạo theo kiểu Alphabet, nên chỉ cần điều chỉnh đôi chút, các dân tộc Bách Việt đã có thể sử dụng để ghi tiếng nói của dân tộc mình, cũng như của Tổ Tiên Bách Việt.
Chúng ta đã dựng các công trình đá ghi lại chữ Khoa Đẩu, trên trống đồng Lũng Cú đặt trong đền Thiên Cổ Miếu từ mấy năm trước. Lần này chúng ta dựng tiếp Thần Qui bằng đá, trên lưng mang thông điệp bằng chữ Việt cổ của Hùng Quốc Vương tặng Vua Nghiêu. Chúng ta sẽ dựng một bức phù điêu về người Việt cổ trên 2.000 năm trước đang cầm bút viết lên trang giấy, một hình ảnh quí hiếm được khắc trên trống đồng Sông Đà, do một phụ nữ Mường, vợ góa một quan lang ở Mộc Châu quản lý. Về sau, chiếc trống đồng này lọt vào tay viên Phó Công sứ tỉnh Hòa Bình là Moulié năm 1889 và hiện đặt ở bảo tàng Guimet của Pháp. Hình khắc trên trống đồng là một trong những minh chứng hùng hồn cho sự học thời Hùng Vương. Chúng ta cũng sẽ dựng bức phù điêu bằng đá, khắc đầy đủ chữ Việt cổ (và cách giải mã chúng) đã được đồng bào Thái Tây bắc giữ gìn và trao vào tay tri châu Phạm Thận Duật năm 1856. Bên cạnh đó, ta sẽ khắc lại trang sách có 4 chữ Việt cổ xen lẫn chữ Bồ Đào Nha của cha André Palmeiro vào năm 1632, của linh mục Iginio Văn Tín tập chuyển đổi chữ Việt cổ sang chữ Quốc ngữ vào năm 1659 và dấu tích chữ Việt cổ trong các từ điển của cha A.de Rhodes, của cha Aubaret, và không thể thiếu một trang trong cuốn “Sách Sổ Sang”cha cả Phi lip Bỉnh với nguyên vẹn chữ Việt cổ xen lẫn chữ Quốc ngữ.
Bởi tất cả những tư liệu quí báu đó như những đốm lửa làm nên ngọn lửa, soi sáng cho chúng ta trên con đường tìm được, giải mã được, khẳng định được chữ Việt cổ của Tổ Tiên!
 
              Trần Vân Hạc
         (Biên tập và viết lời tựa)