Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VÙNG ĐẤT NHIỀU ẨN DỤ

Chu Thị Thơm
Chủ nhật ngày 2 tháng 8 năm 2009 4:31 PM
Chu Thị Thơm phỏng vấn Phùng Văn Khai
 
1- Nếu theo dõi quá trình sáng tác của anh cho đến thời điểm này, độc giả nhận ra đã có một Phùng Văn Khai rất khác, nhất là qua tác phẩm “ Hư thực” vừa được xuất bản vừa qua. Anh có thể lý giải về điều này được không?
- Sáng tác văn học theo tôi là một quá trình luôn tự đổi mới và làm mới mình. Mới ở đây lên hiểu là phong cách, với tiểu thuyết có thể hiểu là thi pháp. Thi pháp tiểu thuyết ở Việt Nam dường như chưa được các nhà văn chú trọng đúng mức. Đã có một thời gian khá dài vấn đề thi pháp không được đặt ra như một vấn đề hàng đầu của sáng tác tiểu thuyết hiện đại. Cũng không hẳn tôi đã tiến được nhiều hơn so với chính bản thân mình mà chỉ luôn chú trọng đã là những sáng tác văn học thì vấn đề thi  pháp phải được nhà văn ưu tiên hàng đầu. Nhưng một điều tôi muốn nhắc đến nữa là nền tảng triết học hay nói cách khác là tư tưởng triết học của cuốn sách đó phải được đặt ra ráo riết đồng thời là phấn đấu không biết mệt mỏi của mỗi nhà văn trong tác phẩm ấy. Hư thực được viết ra từ những dằn vặt, chiêm nghiệm, suy nghĩ như trên. Còn vấn đề hiệu quả mà nó mang lại đôi khi nằm ngoài chủ quan của tác giả.
2- Nếu coi Hư thực là một cách thể nghiệm, theo anh sự thể nghiệm này thành công đến đâu, nhất là ở vấn đề gì? (đề tài, phong cách, ngôn ngữ, thể loại…).
- Tôi rất hứng khởi khi một bạn văn (nhà văn Đặng Văn Sinh) cho rằng Hư thực là sự thể nghiệm của tiểu thuyết ảo giác và đã chứng minh một cách nhiệt tình nhận định trên. Tư cách tác giả, tôi có suy nghĩ hơi khác. Hư thực trước hết và trên hết là một tiểu thuyết hiện thực có lối viết khá ngẫu hứng mà tôi từng gọi là tùy nghi. Hiện thực ở đây đã được chưng cất kỹ lưỡng từ cuộc sống. Những nhân vật, tình tiết, hình ảnh, kết cấu… của cuốn sách hoàn toàn được lấy từ chính cuộc sống đang diễn ra hôm nay. Sự thành công hay chưa thành công của một tập sách đối với mỗi nhà văn đôi khi phải cần đến một khoảng thời gian nhất định. Do Hư thực có lối tiệm cận độc giả khá lặng lẽ nên vì thế cần có thêm thời gian chăng? Nhà phê bình văn học La Khắc Hòa trong những đối thoại cá nhân thì cho rằng cuốn sách đã có một hướng đi tốt, một cách thể hiện riêng biệt và cũng tỏ ra hứng khởi với thi pháp của cuốn sách. Trong các sáng tác của tôi, bao gồm cả Hư thực, tôi không coi trọng vấn đề đề tài nhưng phong cách và ngôn ngữ thể hiện thì luôn được chú trọng. Tôi đã viết Hư thực bằng những xúc động tột độ, kể cả những mảng tối đậm đặc trong cuốn sách nhưng chưa bao giờ mất bình tĩnh để cay cú hoặc miệt thị những tối tăm dốt nát của con người. Đó cũng là tư tưởng nhất quán của cuốn sách.
 
3-Tác phẩm  Hư thực đưa người đọc vào một thế giới rất quen mà lạ, rất hư mà thực, với thủ pháp viết đồng hiện, mang màu sắc liêu trai. Tại sao  anh lại chọn thủ pháp nghệ thuật này?
- Câu hỏi này rất thú vị. Khi cầm bút, tôi rất sợ hãi bản thân mình mô tả một cái gì đó, một con người, một tâm tư, một xã hội theo kiểu có cái gì bày ra cái đó. Ngòi bút nhà văn khác nhà quản lý xã hội ở chỗ anh ta phải nhìn thấy và nắm bắt được những tầng nội tâm sâu kín nhất của con người. Tôi cho rằng, về một phía nào đó, con người và con người ngày càng sợ hãi và xa lánh nhau trong cuộc sống vật chất hôm nay. Cái gì làm nên những hố đen ấy và phải giải quyết nó như thế nào. Năm mươi năm, một vài trăm năm liệu rằng vấn đề trên có giải quyết được không. Tôi xin trả lời ngay rằng không giải quyết được. Thế thì cần gì những tác phẩm văn học của chúng ta. Vẫn cần chứ! Vẫn hết sức cần bởi một lẽ đơn giản nếu không có văn học thì những hố đen sẽ xuất hiện ngày càng dày đặc, những mông muội ngày càng gia tăng. Thực ra theo tôi, các tác phẩm văn học mới chỉ giải quyết vấn đề là nó đã cầm cự được tuy mệt mỏi trước những thú tính của con người. Đó cũng là thông điệp và thủ pháp, màu sắc của Hư thực.
4- Theo anh, nội dung chi phối nghệ thuật đến đâu? Nếu như vậy, cộng hưởng giữa nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm này của anh đã có hiệu quả như thế nào trong vấn đề biểu đạt nội dung tư tưởng?
- Nội dung và nghệ thuật luôn tồn tại bên nhau như một cặp phạm trù triết học. Tuy nhiên tôi muốn nói đến đời sống của nghệ thuật, trong đó có văn học một đời sống khác, đó là đời sống xã hội dội vào văn bản thể hiện, nội dung văn bản mà từ đó rọi sáng lên những phẩm chất nghệ thuật của tác phẩm. Tôi vốn ưa thích sự tự nhiên và vì thế những trang văn bản nối tiếp nhau trong Hư thực tôi đã để chúng khá tự do, đôi khi như là vô tổ chức. Tiến sĩ Nguyễn Thị Ly Kha trong phê bình Hư thực đã cho rằng Hư thực bị dẫn dắt theo mạch cảm xúc phấn khích, tươi mới, ào ạt, cởi mở, mộng mị, mải mê và còn chỉ ra rằng Hư thực mang sắc thái âm tính đồng thời cho đó là một đặc trưng của cuốn sách cũng là thi pháp mà tác giả đã sử dụng. Sự biểu đạt nội dung tư tưởng của cuốn sách là ở chỗ nắm bắt và khái quát những ẩn ức sâu nhất về cái gọi là tối tăm, mông muội của con người trong đời sống xã hội đương đại, thậm chí bao hàm cả quá khứ và tương lai. Than ôi, giữa tham vọng nhà văn và hiệu quả của tác phẩm bao giờ cũng là một khoảng cách không nhỏ. Điều đó luôn như một cảnh tỉnh đối với mỗi người cầm bút.
5-Trong tác phẩm, anh có bàn đến bi kịch của một lớp người dưới đáy xã hội, cô đơn và quạnh vắng đến tận cùng (nhân vật ông già chỉ biết làm bạn với con chó). Như vậy, có cường điệu lắm không?
- Trong một thư điện tử, nhà phê bình văn học Đông La gửi cho tôi khi đọc Hư thực anh rất thích chi tiết ông già làm bạn với con chó sau một cuộc làm tình với ả buôn chuyến đã giành ăn quyết liệt với con chó sau đó mệt lăn ra ngủ. Cùng hàng loạt những chi tiết khác để dựng lên bi kịch của lớp người dưới đáy xã hội là một trong những chủ trương của tôi khi viết Hư thực, tôi dày công xây dựng nhân vật chị điên bới vỏ ốc thối dưới gầm cầu đêm đêm bện những con búp bê bằng rác thả xuống dòng sông. Nhân vật này có thật ở ngoài đời và chính chị đã như là góp phần thôi thúc tôi viết Hư thực. Nhưng có lẽ cô đơn hơn cả vẫn là hai nhà văn – trí thức bị lạc lõng trong chính cộng đồng đang sống của mình và cuối cùng biến mất không để lại dấu vết nào. Kết thúc như vậy, tôi như cảm thấy không một chút yên tâm và luôn dằn vặt một kết cục chẳng mấy hay ho nhưng chỉ biết cách sẽ trở lại bằng một cuốn sách khác trong thời gian tới cũng có nghĩa là Hư thực chưa đóng lại.
6- Đời sống thường nhật trong tác phẩm Hư thực thường bị đẩy vào thế giới của cõi thiêng và những điều ám ảnh, mang tính dự báo. Anh có cho rằng cách thể hiện như vậy sẽ đạt hiệu quả cao trong sự bộc lộ tư tưởng chủ đề?
- Không hiểu sao tôi luôn cho rằng thế giới mà chúng ta đang sống sao mà quá lắm tai ương, nghịch lý, mông muội, phi nhân đến như vậy. Nguyên nhân từ đâu và liệu rằng cộng đồng người có cùng nhau tiến tới sự thân thiện, yên hàn, những hạnh phúc bình dị, những mơ ước nhỏ bé có được thực hiện trong mỗi kiếp người không. Câu trả lời cứ mãi treo lơ lửng suốt bao nhiêu năm, suốt bao nhiêu đời và sẽ còn treo lơ lửng đến bao giờ nữa. Trong cuốn sách, dù cố gắng thì những tâm tư gan ruột mới chỉ đưa vào được một phần nhỏ. Viết xong cuốn sách, tưởng trút đi được gánh nặng, nào ngờ sự đau đớn dằn vặt càng tăng lên, những ám ảnh mà mình dự báo cứ như vây lấy những suy nghĩ của chính mình. Tôi cho rằng cuốn sách nếu có đạt một hiệu quả thẩm mỹ nào đó trước tiên phải cám ơn sự liên tưởng không biết mỏi mệt của độc giả.
7-Anh muốn gửi gắm điều gì qua nhân vật họ Đào ? Có một nguyên mẫu ngoài đời để anh xây dựng nhân vật họ Đào này không?
- Tôi luôn luôn nghĩ rằng nhân vật họ Đào vừa kỳ bí vừa  khó nắm bắt. đó có thể hiểu là một mẫu người hiếm hoi trong xã hội hôm nay và đang dần tuyệt chủng. những suy nghĩ của anh ta cũng là những gửi gắm của tác giả dường như chẳng để lại tiếng vang nào. Nó giống như con dã tràng xe cát. Nhưng ở biển không có dã tràng thì đâu còn là biển nữa. Sự vô nghĩa không ít lúc là vô cùng cần thiết ở cuộc  đời này. Không có một nguyên mẫu nào ngoài đời khi tôi xây dựng nhân vật họ Đào. Nó chỉ là những bóng dáng các bạn văn của tôi hợp nhau lại mỗi người một mảnh, trong đó có không ít mảnh là chính bản thân mình.
8-Gần đây, xu thế các tác giả trẻ viết truyện theo bút pháp hư ảo. Anh có cho rằng, dụng công ở phương pháp này –nhà văn sẽ lôi cuốn được  độc giả  không? 
- Nếu trông chờ vào bất kỳ một bút pháp nào đó để lôi cuốn độc giả thì có lẽ nhà văn đã hồn nhiên quá chăng. Các nhà văn trẻ Việt Nam đang mạnh dạn tìm tòi và chúng ta hãy nên trân trọng họ. Người sáng tác trẻ hôm nay đang ngày càng khó khăn hơn khi tự khẳng định mình. Nghệ thuật vốn vô cùng mà những gì lớp người đi trước đạt được là quá khổng lồ như một bức tường chắn khiến ai không có tài và can đảm sẽ cảm thấy choáng váng. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến sự suy rộng văn chương toàn thế giới. Ở một thế giới đang ngày càng phẳng như hiện nay chúng ta nên mạnh dạn thể nghiệm và dấn thân trong sáng tác.
9-Là tác giả trẻ, có sự tìm tòi và thành công trong bút pháp thể hiện-Điều anh quan tâm nhất đối với người viết hiện nay  là gì? Có lối đi mở trong sáng tác, anh sẽ và chọn cho mình lối đi nào?
- Tôi cho rằng mình vẫn chưa thành công trong bút pháp thể hiện mà cụ thể là Hư thực nhưng điều tôi quan tâm đối với những người viết đồng thời với tôi là không suy giảm. Đó là sự dằn vặt nhưng lạc quan, thận trọng nhưng riết gióng. Cuộc sống hôm nay đang vỡ ra và có không ít các giá trị đã bị đảo lộn. Ứng xử trong một cuộc sống phức tạp như thế đối với mỗi nhà văn là một thách thức và lựa chọn không dễ dàng. Kể cả khi ta đã dấn thân hết mình cho đời sống văn học cũng nên hiểu cho rằng sự thất bại bao giờ cũng thường trực và dồi dào hơn những thành công gấp bội lần. Văn chương là một thứ gì đó đôi khi cao hơn cả tài năng và tâm huyết nhưng không có nghĩa là mình chùn bước trước những thách thức ấy.
10- Không biết sau Hư thực anh đang viết gì. Theo nhà văn Đặng Văn Sinh anh đang hoàn thiện tiểu thuyết Hồ đồ cũng theo phong cách ảo giác.
- Tôi đã cơ bản viết xong Hồ đồ. Hư thực và Hồ đồ là những văn bản có liên quan tới nhau nhưng vô cùng đồng lập. Chỉ đến khi tôi kết thúc bằng cuốn Một thế giới khác để giải quyết những vấn đề mà hai cuốn trên còn bỏ dở thì câu chuyện sẽ trở nên rõ ràng hơn. Biên độ không gian và thời gian của Hồ đồ rộng hơn rất nhiều Hư thực nhưng vấn đề nó đặt ra vẫn là tối tăm dốt nát của con người vẫn đầy dẫy và đang tiếp tục tha hóa chúng ta. Thực ra vấn đề mà các cuốn sách của tôi đặt ra nhiều nhà văn đã khai thác, thậm chí trên thế giới đã có những đỉnh cao như Tội ác và trừng phạt, Nghệ nhân, Cái trống thiếc, Lâu đài, Ông già và biển cả… Nhưng là nhà văn, vùng đất khó ấy vẫn dẫn dụ tôi đặt chân tới.