Khi đặt bút viết những dòng chữ này, trong ngăn kéo chứa những thi sĩ dám tử vì thơ của tôi, không chỉ còn hai ông thương binh cùng mất chân trái, ở hai phía của cuộc chiến tranh đẫm máu, nước mắt vừa qua Hoàng Cát và Luân Hoán ngự trị nữa. Mà có lẽ, nhiều người đồng ý với tôi, phải điền thêm tên nhà thơ Thanh Sơn Bành Thanh Bần vào ô kéo đó. Bởi, đọc và nghiên cứu ông, ta thấy ngoài Thanh Sơn Bành Thanh Bần thơ, dường như còn có một Thanh Sơn Bành Thanh Bần đang chơi thơ và nuôi thơ khác.
Thật vậy! Nếu Hoàng Cát ước ao kiếp sau lại được làm thi nhân, Luân Hoán vẫn như hạt bụi bám hoài vào thơ, thì Thanh Sơn Bần Thanh Bần lại kỳ quái hơn, đêm về bỏ vợ ôm thơ:“Công danh lợi lộc chẳng màng/ Đêm đêm thao thức gọi Nàng Thơ ơi!“
Hôm rồi, không hiểu nhà thơ Thế Dũng (Berlin) kiếm đâu mấy tập thơ của Thanh Sơn Bành Thanh Bần, gửi tặng cho tôi và bảo, họ Bành có bút lực ra phết đấy. Thật ra, tôi đã đọc thơ của TS Bành Thanh Bần, tuy chưa nhiều, nhưng đặc biệt những bài thơ trào phúng có sức công phá, chống lại cường quyền mạnh mẽ của ông gây cho tôi xúc động mạnh. Do vậy, nhận mấy tập thơ của ông, tôi đọc ngay, đọc một mạch.
Nhà thơ Thanh Sơn Bành Thanh Bần sinh năm 1946, trong gia đình thuần nông, tại Gia Lâm Hà Nội. Ông là lính thông tin, thuộc Bộ tổng tư lệnh thông tin từ năm 1965, nơi chuyển đi những mệnh lệnh chiến đấu đến các chiến trường ABCZ. Hết chiến tranh, ông làm việc trong ngành giáo dục một thời gian. Sau đó ông chuyển sang tự hành nghề kinh doanh. Từ đây, ông lập ra Qũi hỗ trợ văn chương và cuộc sống, nhằm giúp đỡ các văn nghệ sĩ nghèo xuất bản sách cũng như đời sống thường nhật.
Yêu là như vậy, nhưng ông đến với thơ văn rất muộn. Có lẽ, do cuộc sống gia đình hoặc tài năng thơ phú của ông phát tiết muộn chăng? Tuy nhiên, việc đến sớm hay muộn không nói lên điều gì cả, mà chỉ có tài năng và nhân cách thực tại mới làm nên chân dung một người nghệ sĩ đích thực.
Có thể nói, thơ Thanh Sơn Bành Thanh Bần được chia thành hai mảng, tình yêu và thế sự trào phúng rất rõ rệt. Sở trường của ông là thơ lục bát, nhưng những bài hay lại nằm trong thể tự do cũng khá nhiều. Nếu như thơ tình yêu của ông đằm thắm nhẹ nhàng bao nhiêu, thì thơ trào phúng của ông lại mãnh liệt, can đảm bóc trần sự thật và đập thẳng vào bộ mặt của chế độ đương thời bấy nhiêu. Để từ đó bật lên nỗi đau, mất mát của đất nước, con người.
*Tình yêu, sự nhân bản trong thơ văn và con người
Nếu không có sự chiêm nghiệm, dồn nén bấy lâu, đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, thì Thanh Sơn Bành Thanh Bần không thể cho ra lò năm, sáu tập thơ trong thời gian ngắn như vậy. Sự trăn trở, tích lũy ấy đã ủ chín tâm hồn cũng như thơ ông.
“Viết Ở Chùa Hương“ thuộc thể ngũ ngôn là một bài thơ đủ độ chín như vậy. Sự sẻ chia và đùm bọc ấy, đã được tác giả mượn nơi cửa phật để hình tượng hóa nó. Tuy vậy, hình ảnh ẩn dụ này đọc lên, ta vẫn cảm thấy mộc mạc, gần gũi. Và từ đó hiển hiện lên rõ nét cái qui luật tuần hoàn, trong mối quan hệ cuộc sống, con người, được xuyên qua cái nhìn nhân bản của nhà thơ:
“Tôi ăn mày cửa phật
Bạn lại ăn mày tôi
Những mảnh đời cơ nhỡ
Ngửa tay xin “lộc“ người…“
Cũng như nhà thơ Luân Hoán, mỗi bài thơ của Thanh Sơn Bành Thanh Bần là một câu chuyện đời. Chín nhát cuốc bổ xuống nền nhà, hay là chín nhát cuốc bổ vào hồn em, người đàn bà bị chồng rời bỏ, trong ngày lễ động thổ làm nhà. Lễ Động Thổ Vắng Anh, là một trong những bài thơ viết theo thể tự do hay của Thanh Sơn Bành Thanh Bần, đọc lên làm ta không khỏi bùi ngùi xúc động. Dù bi thương, và cay đắng tột cùng trong sự chia ly ấy, nhưng dường như Thanh Sơn Bành Thanh Bần vẫn mở ra một lối thoát, một hy vọng:“Bóng ai động bên thềm, có phải anh không?“ Vâng! Đó là tấm lòng vị tha của tình yêu, của con người với con người trong xã hội đảo lộn tùng phèo này, mà tác giả đang phải đi tìm lại...
Tôi nghĩ, hai khổ thơ cuối là hay nhất trong bài. Tuy nhiên, trong câu:“ Nước mắt của trời hay nước mắt của em…?“ có hai đại từ sở hữu của.., nên đổi cụm từ nước mắt của em thành nước mắt em rơi, thì câu hỏi tu từ: “Nước mắt của trời hay nước mắt em rơi?“ không chỉ nối được mạch thơ, bật ra hình tượng so sánh trời đổ mưa với nước mắt em rơi, mà còn nhạc tính hơn chăng?
“….Chín nhát cuốc bổ vào nền nhà có động đến trời xanh
Các con bíu chặt em
Trời đổ mưa nặng hạt
Bát nhang cúng ngoài trời ngơ ngác
Khói ngoằn ngèo bay lên, bay lên
Nước mắt của trời hay nước mắt của em…?
Ngôi nhà sắp xây bến đỗ bình yên
`Mong đón anh về dù chỉ một lần hay mãi mãi
Khấn thầm với trời xanh
Lòng em thắt lại
Bóng ai động bên thềm, có phải anh không?“
Có người cả đời làm thơ, in thơ, nhưng chỉ là người thợ (thơ), nhưng có người đôi khi chỉ viết một tập, hay một bài thơ đã trở thành thi sĩ. Thanh Sơn Bành Thanh Bần không thuộc hai típ người trên. Thanh Sơn Bành Thanh Bần làm thơ không phải ông muốn trở thành nhà thơ. Với ông, thơ chỉ là sự giãi bày những suy nghĩ, tình cảm biến đổi trong tâm hồn. Và hơn thế nữa, nó còn là công cụ hữu hiệu nhất để ông vạch trần cái ác, cái giả dối lưu manh của xã hội đương thời.
Khi đọc lục bát Thanh Sơn Bành Thanh Bần, thì cảm giác trong tôi, quả thật, không chỉ còn một Nguyễn Trọng Tạo, bước ra từ ca dao lục bát để làm mới lại thơ nữa. Mà còn có một TS Bành Thanh Bần trẻ trung, phá cách hơn. Thơ lục bát tuy dễ làm, nhưng khó hay, nhất là lục bát tình yêu hay lại càng quí hiếm. Và không phải cứ nhà thơ, hoặc người có trí năng làm thơ lục bát sẽ hay hơn. Ta có thể thấy, Đồng Đức Bốn không phải là người học cao, vốn từ ít, nhưng ông đã làm nên một hiện tượng lạ. Bởi, ông có tài (bẩm sinh) sử dụng từ ngữ. Những từ rất dân dã, cũ kỹ nhưng ông đã đặt nó đúng vị trí, văn cảnh gây bất ngờ cho người đọc, đương nhiên nó trở thành từ mới, nghĩa mới. Thanh Sơn Bành Thanh Bần cũng vậy, ông không chỉ có tài về sử dụng ngôn từ trong thơ, mà còn luôn nghiên cứu, tìm tòi làm mới nó.
Trên Tản Viên Sơn là một bài thơ lục bát, nhưng Thanh Sơn Bành Thanh Bần đã gây bất ngờ cho người đọc, bởi cái ngắt dòng, xuống nhịp rất mới lạ. Đứng trên núi Tản, nơi gặp gỡ giao thoa của đất trời, trong cái bồng bềnh của giờ phút linh thiêng ấy, dường như người thi sĩ đã tan vào trời đất, hay đất trời đã hóa vào thi nhân. Để rồi, chẳng biết tóc em đổ xuống hay mây ngã vào anh, làm cho người thi sĩ phải bàng hoàng thảng thốt. Đây là một bài thơ hay, được in trong tập Rượu Trời của ông. Tôi nghĩ, cùng với thời gian, tập thơ này sẽ làm nên chân dung người thi sĩ Thanh Sơn Bành Thanh Bần:
“Bất ngờ
nàng ngã vào tôi
bất ngờ
ngã một nụ cười vào mây
bất ngờ
mây ngã trên tay
tóc nàng đổ xuống ngã đầy vai tôi“
Có thể nói, Thanh Sơn Bành Thanh Bần không những có sự tưởng tượng, liên tưởng phong phú, mà lời thơ của ông cũng rất sáng và đẹp. Bài thơ Chiều tuy không phải là bài thơ hay của ông, nhưng đoạn cuối đẹp, có sự liên tưởng mang tính đặc trưng độc đáo mà tôi thích. Đọc nó, dường như thời gian trả lại cho tôi cảm giác chơi vơi trong chiều chớm thu tĩnh lặng, chỉ có lá vàng khựng lại dưới chân em. Vâng! cái thời của tuổi hai mươi. Và giờ này phải xa người, xa Hà Nội đã gần ba mươi năm rồi.
Chẳng biết có phải Thanh Sơn Bành Thanh Bần mượn hình ảnh sang đường của em để viết về phố chiều Hà Nội, hay mượn cái chơi vơi của Hà Nội để vẽ sự mong manh của em trong dòng người đông đúc ấy?
“…Sang đường
em nép vào tôi
dòng sông khựng lại
chơi vơi phố chiều…“ (Chiều )
Khó ai có thể phủ nhận cái chất trẻ trung với lời và tứ thơ mới lạ trong lục bát Thanh Sơn Bành Thanh Bần. Vẫn Mưa là một bài thơ như vậy. Những khổ thơ đầu là một loạt câu hỏi tu từ xao động nội tâm của người thi sĩ, nhưng đến đoạn cuối được đẩy lên, bất ngờ bật ra cái tứ, kết lại làm cho cả bài thơ hay đến lạ lùng:
“…Sông Hương
thuyền vẫn gác sào
tình anh
em vẫn neo vào lưng ong?
Trường Tiền
cong nét mi cong
nhớ anh đừng chớp
kẻo dông bão về“
Ngoài những câu thơ ngắt dòng, chuyển nhịp Thanh Sơn Bành Thanh Bần rất táo bạo đưa cả thủ pháp vắt dòng, bẻ câu, có dòng chỉ một từ (nối) vào lục bát. Sự làm mới hình thức và nhịp điệu này, gây được cái bất ngờ thú vị cho người đọc. Thật vậy, hai câu thơ dưới đây, nếu vẫn để ở vị trí sáu, tám như thông thường, khi đọc sẽ khúc khắc như những câu khẩu ngữ bình thường mà thôi:
“…vắng nhà
Bạn đến thăm chơi
Rượu
Hai ta đã cai rồi
Buồn chưa?” (Rượu trời)
Có thể nói, Thanh Sơn Bành Thanh Bần có duyên với thơ lục bát. Ông viết đủ mọi đề tài, những cái tưởng là nhỏ nhặt tầm thường, ấy thế mà đưa vào thơ làm cho người đọc cũng phải rưng rưng: Để anh đi tất cho em/ Đêm qua lại thức trắng đêm, ốm rồi. Cái thời thơ ca tắc tị đang được tung hô này, đắm đuối với lục bát như Thanh Sơn Bành Thanh Bần, quả thật quí hiếm vô cùng. Và tôi tin, nếu ca dao lục bát là hương thơ của hồn quê, thì Thanh Sơn Bành Thanh Bần đang đi tìm lại cái hồn quê ấy.
*Những bầy sâu cổ đeo Caravat
Không phải là những người nghiên cứu văn học dân gian, nhưng có lẽ, không ai trong số chúng ta không biết từ thuở chưa có chữ viết, ông cha ta đã sáng tác, truyền miệng những bài thơ hò vè châm biếm những thói hư tật xấu, đả kích, chống lại cường hào thống trị. Có nhiều bài đã vượt qua năm tháng, vẫn còn giá trị nguyên vẹn đến ngày hôm nay. Tuy ở mức độ khác nhau, nhưng thời nào, thế hệ nào, chúng ta cũng có những cây bút can đảm lưu giữ, khai mở cho dòng thơ trào phúng.
Có lẽ, khi người Pháp đặt ách đô hộ trên toàn lãnh thổ nước ta,là thời kỳ văn thơ trào phúng phát triển mạnh mẽ nhất. Nếu như đất Bắc có Nguyễn Khuyến, Tú Xương, miền Trung xứ Quảng Tú Qùi, thì nam Bộ xuất hiện hai nhà thơ trào phúng tài danh Học Lạc và Nhiêu Tâm. Sau này, chúng ta có thêm một Tú Mỡ trào phúng, được xem là nhà thơ sáng giá nhất văn học hiện đại. Từ 1954 chính trị áp đặt lên văn học ở miền Bắc, nhưng vẫn rải rác xuất hiện những bài thơ châm biếm của Đặc Công, Ngũ Liên Tùng, Yên Thao…Và những tên tuổi quen thuộc Tú Lắc, Đồ Ngông, Thanh Hoàng…ở miền Nam, hải ngoại.
Nhưng đến khi đọc và nghiên cứu Thanh Sơn Bành Thanh Bần một cách có hệ thống, tôi mới thấy ngoài tình yêu thơ ca, ông còn dấn thân thực sự cho đất nước và dân tộc bằng chính những trang thơ phê phán, đấu tranh của mình. Có thể nói, cho đến nay, Thanh Sơn Bành Thanh Bần là một trong số rất ít các nhà thơ ở trong nước đủ can đảm điểm mặt chỉ tên rõ ràng đám quan tham, đầu nậu chính trị, những tên bán đất, bán nước bán cả linh hồn. Chính sự can trường ấy, làm cho trang thơ của ông nóng hổi tính thời sự, và những biến cố đau thương đang xảy ra từng ngày trên thân gầy đất mẹ.
Hình ảnh những con sâu cổ đeo cà vạt đỏ đã được Thanh Sơn Bành Thanh Bần hình tượng hóa một cách độc đáo từ những kẻ núp bóng Đảng đang đục khoét, tàn phá đất nước. Và cũng chính chúng đang khiêng dần nước Việt đi chôn. Đây là hình ảnh mới, một sự sáng tạo có ý nghĩa sâu sắc, tài tình của tác giả:
“Bát nào nhìn cũng thấy sâu
Cổ đeo cà vạt tươi mầu máu tươi!
Bầy sâu nhung nhúc khắp nơi
Sẽ đưa đất nước đến thời diệt vong!” (Những Con Sâu Cổ Đeo Cà Vạt)
Đọc thơ trào phúng Thanh Sơn Bành Thanh Bần, ta thấy nó không dừng lại trong cái châm biếm đả kích, trào lộng gây cười nữa, mà đã được đẩy lên mức đấu tranh, phản kháng với ý thức rõ ràng. Và nếu không đứng về phía người cùng khổ, thì ông không đủ can đảm lột bỏ tấm bình phong, mà bấy lâu nay người ta cố tình che đậy cho đền đài ấy:
“Xin hỏi Quốc hội là ai?
Là cánh tay được nối dài Đảng ta?
Là Chậu hoa của Vườn hoa
Thêm hương, gọi bướm gần xa vẽ vòng…? (Nghị Gật)
Với Thanh Sơn Bành Thanh Bần, Quốc hội chỉ là chậu hoa trang điểm, thì những con rối ấy chắc chắn cùng với Đảng đưa đất nước đến con đường đói nghèo, mất rừng, mất biển là điều hiển nhiên:
“Nước nhà đang cảnh suy vi
Bao nhiêu vấn nạn, dậy đi các ngài!
Tiền dân nuôi, họp dài dài
Họp tìm lối thoát, ngủ hoài vậy a?
Bảo sao dân tức chửi cha
Mấy “lão nghị gật” làm ta đói nghèo!” (Nghị Gật)
Ngài Tổng bí thư tức là Đảng, nhưng dưới ngòi bút của Thanh Sơn Bành Thanh Bần: “Ngài Tổng Bí không tròng” thì sự tăm tối mù quáng ấy sẽ là ngõ cụt cho dân tộc ta phải đi đến:
“Thưa Ngài Tổng Bí không tròng
Ngài cũng than: Đảng không “trong” như là
Suối Lê trong núi Mác ra
“Một bộ phận của Đảng ta… “đục” rồi””. (Thế Lực Thù Địch)
Nhìn bậc tiền nhân câu cá, trái tim mẫn cảm của thi nhân quặn thắt lại. Bởi hình ảnh, trong cái ma quái bẩn thỉu của đồng tiền, Đảng đẻ ra một loạt thứ quan ngu dốt, lưu manh kết quả phôi thai từ bán mua, bất chợt hiện về. Có thể nói, bài thơ trào phúng nào của Thanh Sơn Bành Thanh Bần cũng hay, từ ngữ ngắn gọn, cô đọng giầu hình ảnh liên tưởng, nó như ngàn mũi tên nhọn xuyên thủng màn đêm đen của xã hội đương thời. Chúng ta đọc lại bài Đứng Trước Tượng Cụ Lã Vọng để thấy rõ điều đó:
“Tiền nhân
Câu đến bao giờ?
Vị thủy
Cá cứ nhởn nhơ từng đàn…
Hậu nhân
Bán ruộng, tậu quan
Chẳng câu
Cá cứ xếp hàng…
Cắn câu…”
Thứ quan phôi thai từ bán mua ấy được nhân lên, sinh ra từng bầy sâu bọ tiếp tục đục khoét, tàn phá đất nước. Đọc Thằng Nào Cũng Măm, ta không chỉ thấy được cái sự thật thối tha ấy, mà còn thấy được sự thẳng thắn can đảm của nhà thơ:
“…Thằng nào khi đã làm quan
Mà không bóp nặn dân gian muôn hình?
Chó đâu chê cứt chúng mình…”
Dường như có một chút chua chua, đanh đá trong thơ, nhưng kỳ lạ thay, nó lại đúng y phóc với cái bản chất bẩn thỉu đê tiện của bọn trọc phú quan tham. Sự so sánh dân dã này, cười đấy, nhưng nó để lại cái chua chát, quặn đau trong lòng người đọc:
“Bao nhiêu thứ lỗ trên đời
Nhân dân gánh chịu, hỏi trời có hay?
No cơm ấm cật ngày ngày
Hành cho các cháu thân gày xác xơ…
Lỗ mồm chúng thật nhớp nhơ
So “lỗ” các cháu… hơ hơ, cháu buồn…”(Lỗ Mồm)
Với tôi, thơ Thanh Sơn Bành Thanh Bần là thơ sống, bởi thơ ông đi thẳng vào cuộc sống xã hội và đồng hành cùng nỗi đau của con người. Ai đó nói, thơ ông là thơ thời sự cũng chẳng ngoa. Thật vậy! Sự kiện, hiện tượng nào dù lớn hay nhỏ xảy ra, gây hệ lụy cho đất nước con người, ông cũng đứng về phía lẽ phải để viết. Một biểu tình viên chống giặc Tàu bị bắt, hay một đảng viên bỏ đảng bị hành hung đánh đập, ông phản đối lên án hành động dã man của thứ luật rừng này:
“Ông đánh cho mày biết tay
Bởi mày vào đảng sao mày lại ra?
Mày làm xấu mặt đảng ta
Để dân chửi đảng như là hát hay…
Năm ngoái ông đạp mặt mày
Năm nay ông đánh thẳng tay sợ gì?” (Luật Rừng)
Lời thơ mỉa mai, đầy khinh bỉ của nhà thơ khi đã nhận ra sự dối trá lừa bịp, ươn hèn của một ông quan từ Đà Nẵng ra Hà Nội để chống trộm cắp tham nhũng. Với Bành TS Thanh Bần rồng Đà Nẵng hay những con sâu cổ đeo Cà vạt đỏ Hà Nội chỉ là một:
“ Ngỡ Rồng phun lửa kinh hoàng
Đốt cháy sạch lũ quan tham đốn đời
Nay Rồng chỉ phun nước thôi
Chắc để mát cái đầu ruồi…3 Dê?”. (Rồng Đà Nẵng
Thanh Sơn Bành Thanh Bần dành nhiều bài, nhiều trang viết nỗi đau mất đất mất biển trước giặc Tàu và những mưu toan ươn hèn của những kẻ Trần Ich Tắc, Lê Chiêu Thống thời nay:“Biển bạc Tàu khựa sáp vô/Rừng vàng đầy tớ chia ô bán dần”. Và cái hệ quả tang thương ấy, được nhà thơ vẽ ra không chỉ cho một con người, một gia đình, mà cho cả dân tộc:
“…Các ông còn trái tim không?
Hay là lũ chó đớp tong mất rồi?
Gia tài còn cái nhà thôi!
Các ông cướp nốt
Tôi- người lang thang…”(Tiếng kêu của bà mẹ VNAH)
TS Bành Thanh Bần không chỉ lột trần lên án, mà từ thực tế đã trải qua, ông đã chỉ ra đến với độc lập, hạnh phúc no đủ, con đường duy nhất cho dân tộc là phải đa nguyên dân chủ:
“Viễn du hơn một tháng trời
Đức, Pháp, Tiệp, Ý, Bỉ, rồi Hà Lan.
“Thiên đường Cộng sản Việt Nam”
Xách dép chạy đuổi hàng ngàn năm sau?,
Có thằng nào “giãy chết” đâu?
Cứ ngoay ngoảy sống sang giàu, đế vương!” (Cảm Ơn Chúng Mày)
Ai cũng vậy, nếu muốn trở thành nhà văn thật đầy đặn, dài hơi, thì năng khiếu sáng tác bẩm sinh chưa đủ, mà dứt khoát phải có kiến thức sâu rộng, đọc nhiều và cập nhật có hệ thống. Đọc Thanh Sơn Bành Thanh Bần, ta thấy có nhiều bài thơ hay, nhưng cũng dễ nhận ra còn khá nhiều bài dở. Đặc biệt một số bài viết dài, ông đã bị đuối hơi. Chuyện kể lể lan man, lời thơ dễ dãi thiếu hình ảnh và cảm xúc. Đành rằng, trong thơ đôi khi phải có lời kể, câu nói, nhưng nó không thể dàn trải toàn bài. Và lời kể đó cũng phải súc tích, chọn lọc.
Có điều lạ, tất cả thơ của Thanh Sơn Bành Thanh Bần không thấy ghi ngày và nơi sáng tác. Điều này gây khó khăn cho người đọc và viết phê bình.
Đọc và nghiên cứu Thanh Sơn Bành Thanh Bần, neo lại chính trong tôi không phải tài năng thơ phú, mà cái đạo làm người, nghĩa vụ công dân trong đời sống xã hội cũng như trong văn thơ của ông làm cho tôi cảm phục.
Vâng! Trong cái xã hội đảo điên này, khi đã bước lên đỉnh cao của địa vị, phú quí sang giầu, có còn được mấy người ngoái đầu nhìn lại chiếc đế giày cũ của mình như thi sĩ Thanh Sơn Bành Thanh Bần.
Đức Quốc ngày 9-11-2014
Đỗ Trường