Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thư ngỏ gửi ông Trần Đình Huỳnh

Tạ Hữu Đỉnh
Thứ tư ngày 5 tháng 11 năm 2014 10:26 PM

In tất cả

KÍNH GỬI ÔNG TRẦN ĐÌNH HUỲNH


Thưa ông, trong quá trình sinh sống, lao động và học tập, cũng như mọi người, chúng tôi cũng được biết chủ nghĩa Mác là một học thuyết khoa học, văn minh và rất nhân đạo. Và người đầu tiên trên thế giới đem chủ nghĩa Mác áp dụng vào thực tiễn cuộc sống xã hội là V. Lênin, người đã khởi xướng và lãnh đạo cuộc cách mạng vô sản Ngá thành công, tháng Mười, năm 1917

Song, vừa đây được đọc bài: “C. Mác – Lênin và vấn đề hôm nay của chúng ta” của ông (Văn nghệ só 16, ngày 19/4/2014), chúng tôi có vài điều thắc mắc, nên mạnh dạn viết thư này, xin ông chỉ bảo cho. Tại đoạn; “2. Vấn đề văn bản”, ông cho biết : “…tác phẩm của C. Mác và Ăngghen quá phong phú, đồ sộ, cho đến nay nhân loại vẫn chưa mấy ai được đọc toàn bộ tác phẩm của hai ông. Đơn giản, vì từ năm 1927 đến năm 1935, Liên Xô mới xuất bản được 12 tập (mỗi tập 1.000 trang…”.

Như vậy là, khi Liên Xô chưa xuất bản tác phẩm của Mác, thì nước Đức quê hương Mác, và các quốc gia khác, cũng chưa có nước nào xuất bản tác phẩm của hai ông. Cho nên, trên thế giới chưa mấy ai được đọc. Nếu vậy, liệu có phải là ngay cả Lênin khi tiến hành cuộc cách mạng tháng Mười (1917), nếu Lênin không biết tiếng Đức, thì chắc chắn chính ông cũng chưa được đọc tác phẩm của Mác. Vì 10 năm sau (1927), Liên Xô mới bắt đầu xuất bản tác phẩm của Mác? Nếu đúng như vậy thì xin ông vui lòng cho biết: Lênin đã dưạ vào nền tảng tư tưởng nào, học thuyết nào để tiến hành cuộc cách mạng tháng Mười?

Cũng trong đoạn: “2. Vấn đề văn bản”, ông viết: ”Từ năm 1955 đến năm 1968, Viện Mác - Lênin Liên Xô và Viện Mác-Lênin Cộng hoà dân chủ Đức phối hợp xuất bản được 39 tập và 2 tập phụ lục. Năm 1975, Viện Mác-Lênin Liên Xô và Viện Mác-Lênin Cộng hoà dân chủ Đức định phối hợp xuất bản toàn tập Mác-Ăngghen, khoảng 100 tập, nhưng mới được 50 tập thì Liên Xô tan rã, việc xuất bản phải dừng lại…”.

Thưa ông, nếu Liên Xô chưa xuất bản xong tác phẩm của Mác, thì dựa vào đâu để ông ước đoán toàn bộ tác phẩm của Mác và Ăngghen, khoảng 100 tập? Nếu cộng cả ba lần đã xuất bản, một lần riêng Liên Xô, và hai lần Liên Xô phối hợp với Cộng hoà dân chủ Đức xuất bản, thì số lượng đã là 103 tập. Vậy. sao ông lại viết mới được 50 tập thì Liên Xo tan rã, việc xuất bản phải dừng lại? Hay lần sau cùng (1975) họ không xuất bản nối tiếp các lần trước?

Cũng tại đoạn này, ông viết: “…Bộ sách Các Mác và Ăngghen được gọi là toàn tập mới nhất do NXB Chính trị quốc gia của ta ấn hành, theo lời giới thiệu của chính NXB, thì cũng vẫn chỉ là: “…dựa vào bản tiếng Nga bộ toàn tập Các Mác và Ăngghen do NXB Chính trị quốc gia Liên Xô xuất bản năm 1975”. Như vậy, trên thực tế ở Việt Nam dù rất nỗ lực thì cho tới nay chúng ta cũng chỉ mới tiếp thụ được một phần tư tưởng của chủ nghĩa Mác…”.

Tư tưởng và lý thuyết của mình, Mác đã viết ra giấy trắng mực đen, và được người đọc đương thời công nhận là một học thuyết khoa học, văn minh và nhân đạo nhất. Khi Liên Xô dịch tác phẩm của Mác sang tiếng Nga, cà ba lần mới được 50 tập. Chưa phải là toàn bộ tác phẩm của Mác. Nhưng NXB Chính trị quốc gia Liên Xô đã tự cho là “toàn tập” của Mác. Như vậy cố phải NXB Chính trị quốc gia Liên Xô đã tự ý bỏ qua sự trung thành với nguyên tác? Và cũng là tự họ đã nói dối người đọc Liên Xô? Đồng thời họ cũng gián tiếp nói dối tất cả các đảng anh em khác. Như Việt Nam đã dựa vào bản tiếng Nga, khi dịch toàn tập Mác-Angghen sang tiếng Việt. Rồi mới đây, NXB Chính trị quốc gia Việt Nam, lại dịch bộ toàn tập ấy sang tiếng Lào, và tặng Đảng nhân dân cách mạng Lào. Thành ra, vô hình chung NXB Chính trị quốc gia Việt Nam, cũng là người nói dối Đảng và nhân dân Lào, về tác phẩm của Mác là toàn tập!

Nếu vậy, trong quá trình dịch những tập đã được xuất bản, mà họ gọi là “toàn tập” ấy, để người đọc không biết là tác phẩm còn thiếu, liệu NXB Chính rị quốc gia Liên Xô có tự cho mình cái quyền được “hư cấu”, để tác phẩm có vẻ là đã hoàn chỉnh?...

Dân ta có câu thành ngữ: “Tam sao thất bản”. Khi dịch tác phẩm của Mác sang tiếng Việt, chắc không được NXB Chính trị quốc gia Liên Xô cung cấp bản tiếng Đức, cho nên NXB Chính trị quốc gia của ta mới dùng bản tiếng Nga? Sau ngày cách mạng tháng Mười thành công, nước Nga và khối Xô Viết thường xuyên bị các nước tư bản phương Tây bao vây, cô lập. Để nhanh chóng có thêm nhiều nước đồng minh, khi dịch tác phẩm của Mác, Liệu NXB Chính trị quốc gia Liên Xô, có tuyệt đối trung thành với nguyên tác của Mác không? Hay để phá vỡ cái thế bị cô lập của mình, NXB Chính tri quốc gia Liên Xô đã dịch theo hướng có lợi cho quốc gia mình? Và do đó mà dẫn đến việc họ độc quyền xuất bản tác phẩm của Mác?

Nếu đúng là vậy, thì mô hình Nhà nước Xã hội chủ nghiã ở Liên Xô và các nước khác (trong đó có nước ta), liệu có phải là mô hình do Mác đã vạch ra? Hay đó là mô hình tổng hoà của cả hai chủ thể sáng tạo, Mác và Liên Xô trộn lẫn vào nhau?

Cũng trong đoạn 2 của bài báo, ông đã viết: “…dù rất nỗ lực thì cho đến nay chúng ta cũng chỉ mới tiếp thụ được một phần tư tưởng của chủ nghĩa Mác, từ nguồn các ấn phẩm của Liên Xô trước đây…”. Như vậy là các nhà hoạch định đường lối, chính sách của cách mạng Việt Nam trong khi thực thi nhiệm vụ của mình, họ cũng chưa được tiếp thụ đầy đủ, trọn vẹn học thuyết của Mác. Nhưng vì nóng vội, “duy ý chí”, muồn “đốt cháy giai đoạn”. Cho nên các vị ấy đã tìm cách chứng minh rằng, từ một nền kinh tế phong kiến, nửa thuộc địa, nghèo nàn và lạc hậu như nước ta, cũng có thể tiến thẳng lên nền kinh tê Xã hội chủ nghĩa được, không cần phải qua giai đoạn phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa?

Song rất tiếc rằng, đó lại là một nhận định sai lầm. Cho nên nền kinh tế kế hoạch hoá, quan liêu bao cấp của nước ta, tồn tại chẳng được bao lâu, đã lâm vào suy thoái, khủng hoảng, và phải chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thưa ông, trên kia là một số điều thắc mắc của riêng chúng tôi, nhưng cũng có thể là của nhiều bạn đọc khác nữa. Rất mong được ông giải thích cho. Chúng tôi cũng xin cảm ơn, về bài ông đã viết. Đọc bài của ông, chúng tôi hiểu thêm được nhiều điều. Thí dụ như những dòng Mác bàn về luật pháp: “Luật pháp là những tiêu chuẩn khẳng định rõ ràng, phổ biến, trong đó tự do có một sự tồn tại vô ngã, có tính chất lý luận, không phụ thuộc vào sự tuỳ tiện của cá nhân riêng lẻ. Bộ luật là kinh thánh tự do của nhân dân” ./.

TP. Uông Bí, ngày 23/4/2014

Tạ Hữu Đỉnh