Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

PHI NÔNG BẤT TÚC

Đàm Lan
Thứ bẩy ngày 1 tháng 8 năm 2009 3:55 PM
TNc: Cây bút Đàm Lan từ Tây Nguyên vừa gửi ra cho trannhuong.com một chùm bút ký. Đã biết chị qua nhiều truyện ngắn nay đọc ký của chị rất đáng nể. Xin cảm ơn Đàm Lan và giới thiệu cùng các bạn...


PHI NÔNG BẤT TÚC
Tuỳ Bút
              “Các nhà văn trẻ bây giờ chỉ lo viết truyện tình, truyện giật gân gây sốc lấy tiếng, chứ chẳng thấy ai để ý đến những người nông dân lam lũ nắng mưa ra sao cả.”
         Câu than của một bậc đàn anh khiến tôi chạnh lòng, cho dù tôi không phải là nhà văn trẻ, cũng không viết truyên gây sốc để lấy tiếng, nhưng quả thật, mảng đề tài nông thôn, nông dân tôi cũng không hay dể tâm đến. đơn giản là có một thời kỳ quá dài, văn học và điện ảnh hầu như chỉ có hai đề tài chính là chiến tranh và nông thôn. Những ngóc ngách của vấn đề thiết nghĩ đã khối người đào bới, cày xới đến nát tươm ra rồi. Nếu có viết, hẳn sẽ lại đi theo lối mòn nhẵn thín ấy mà thôi. Nhưng câu than trách ấy đã bắt tôi phải ngẫm ngợi.
         Xét cho cùng ra, bất kể thời đại nào, thể chế nào, người nông dân vẫn là một thành phần chịu nhiều khổ ải và thiệt thòi nhất, trong khi nếu so về sức lao động với nhiều lĩnh vực khác, thì phải bỏ ra gấp bao nhiêu lần, nhưng hiệu qủa thu về thì lại rất tỉ lệ nghịch. Cho dù với sự tiến triển mọi mặt, nhất là khoa học kỹ thuật, thì người nông dân ngày nay đã được quan tâm hỗ trợ đáng kể. Nhưng tất tật những rủi ro thì người nông dân cũng là thành phần hứng chịu đầu tiên và tổn thất nặng nề hơn cả.
         Hãy thử điểm qua xem có bao nhiêu nguồn cơn gây thiệt hại cho nông dân nhé. 
- ẢNH HƯỞNG THỊ TRƯỜNG : Luôn luôn là cảnh được mùa mất
giá, được giá mất mùa. Rồi lại thị trường quốc tế có gì xáo động, hạ giá trị thương phẩm, thì ngay lập tức sản phẩm bị ép giá, nhiều khi thấp đến thảm hại, dẫn đến hao tổn và hư hỏng với số lượng lớn.
-  ẢNH HƯỞNG TỪ NHỮNG TIÊU CỰC : Rất rõ là trong nhiều
lĩnh vực, một bộ phận công quyền liên kết hoặc tiếp tay cho một bộ phận trục lợi vô lương, như phá rừng, sản xuất những sản phẩm nông trang kém chất lưọng, chất thải ô nhiễm môi trường, nhiều khi là vật thí nghiệm cho khoa học, dịch bệnh…dẫn đến thiên tai ngày càng nhiều loại hình, mất mùa liên tiếp và tổn thất nặng nề.
- ẢNH HƯỞNG TỪ SỰ KÉM HIỂU BIẾT : Đa phần người nông
dân là làm những công việc tay chân lam lũ, không mấy người được học hành đào tạo, nên dân trí và văn hóa không cao, rất dễ bị lừa gạt, lợi dụng, và chèn ép trong những sự vụ liên quan đến thủ tục hành pháp, quyền lợi và sự tự vệ.
         - ẢNH HƯỞNG TỪ SỨC KHOẺ : Vốn chính của người làm nông là Sức khoẻ. Họ đem từng phần trăm sự sống của họ để đổi lấy sự sống cho bản thân và cho cả cộng đồng. Nhưng do phải lao lực mà lại thiều sự bù đắp của thành phần dinh dưỡng, lại hấp thụ vào mình bao độc tố mặc nhiên từ công việc và môi trường, để rồi chính bản thân họ phải nhận lãnh trước nhất bao thứ bệnh trạng nặng nhẹ đến nan y. Và điều kiện để chữa chạy thì gần như rất thiếu, thiếu từ chủ quan đến khách quan.
         Trong khi đó thì gần hầu hết toàn bộ các lĩnh vực xã hội đều có lên quan mật thiết, và cả phụ thuộc nữa đến người nông dân. Hay nói đúng hơn là những sản phẩm mà họ trực tiếp làm ra. Như : An ninh lương thực, thị trường tiêu dùng, doanh thương, chế biến, xuất khẩu, chế xuất nông trang, nông cụ, tiêu thụ nguyên liệu, thuế, du lịch, và cả văn hoá dân gian…Tất thảy đều dính dáng đến nông dân. Với một tỉ lượng rất cao về dân số thuộc nông nghiệp của cả nước, thì mức độ tăng trưởng GDP gần như phụ thuộc rất nhiều vào thành phần này.
         Nhưng hãy thử nhìn qua xem người nông dân được đền bồi, bù đắp những gì từ bao nguồn lợi mà các ngành có được từ nông dân ? Rất, rất ít. Mỗi khi bị tàn phá mất mát từ những nguyên do cả thiên nhiên lẫn con người, thì người nông dân chỉ được nhận những hỗ trợ phần nào, không đáng kể so với những gì họ đã bị mất, theo cái cách gọi là “cứu giúp”. Mặt khác, họ dường như  bị mặc nhận những cái nhìn không bình đẳng của nhiều tầng lớp trong xã hội, khi quan điểm “nệ hinh thức và chuộng vật chất” luôn tồn tại trong phần lớn người đời.
         Một vấn đề nữa thiết nghĩ cũng cần phải nói đến. Đó là người nông dân gắn liền với đất. Nhưng đất đai ngày nay đang đô thị hoá từng giờ, người nông dân có thể được nhận tiền đền bù khá cao, nhưng lại rơi vào bao hệ luỵ sau đó. Không còn đủ sức lực, trí tuệ để theo học một ngành nghề, hoặc một số cố gắng học nhưng rồi không có điều kiện để thực hiện, không có nơi tiếp nhận, không có môi trường, phương tiện hoạt động nghề. Dẫn đến rơi dần vào tiêu cực, tệ nạn, tan vỡ, ly tán gia đình, đời sống vất vưởng vô định, tạm bợ,  rồi bày ra một loạt vấn đề xã hội phải lo toan và khắc phục. Và những thành phần của nhiều lĩnh vực khác lại lên tiếng chê bai, chỉ trích là chính.
         Bên cạnh đó, cũng phải thực tế một điều rằng : nhận thức của người nông dân hết sức hạn hẹp. Họ chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, cái lợi tức thì và cái lợi ngắn hạn. Đành rằng, bao nhu cầu bức bách của cuộc sống hàng ngày, hàng giờ, không cho phép họ có thời gian cũng như điều kiện phù hợp để có một hoạch trình dài hơi. Họ cần tiền, thích tiền nhanh, nên cứ thấy một thứ nuôi trồng nào đó tạm có hiệu qủa từ một địa danh nào đó, là ào ào làm theo, mà không hề biết khu vực mình có thuận lợi về mặt thổ nhưỡng, khí hậu, và rất nhiều yếu tố liên quan khác, dẫn đến những tổn thất đôi khi đặc biệt nghiêm trọng. Có khi, họ cũng biết mang máng là thế đấy, nhưng họ không có sự dẫn đường tối cần từ một bộ phận chức năng chuyên biệt, nên chẳng có cách nào khác là ăn nhờ may rủi vậy.
         Có một tiểu phẩm hài nói rằng : người nông dân chỉ là một anh mù, tự lần mò lấy đường mà đi. Rất đúng. Bởi họ không hề được trang bị các kiến thức cần thiết trước khi bước vào nghề nông như nhiều ngành nghiệp khác. Làm nông bao đời này chỉ có mớ vốn liếng dân gian truyền miệng, mà ngày càng mất dần tác dụng, khi diễn biến thực tế có nhiều nảy sinh ngoài tầm phán đoán thông thường của nông dân. Họ lại rất thiếu sự tương quan hợp lý của hỗ trợ thiết thực và cụ thể từ kiến thức xã hội. Một nghịch lý đang diễn ra hàng ngày, trong khi một nước lấy nông nghiệp làm nòng cốt, thì kỹ sư nông nghiệp lại chẳng mấy mặn mà học và hành. Phần lớn các sĩ tử ngấp nghé trường thi đều chân cao chân thấp với tay vào công nghệ thông tin, kinh tế, ngân hàng…đơn giản là dễ kiếm việc, dễ kiếm tiền khi ra trường, đâm đầu vào đất cát chi cho khổ lại chẳng được mấy đồng.
         Nguồn cơn của vấn đề là sự tự nhiên phân lập trong hệ thống lương thưởng, cách đánh giá công sức. Cứ lao động trí óc thì thù lao cao hơn lao động chân tay. Một cách đánh giá bất công, bất hợp lý đã tạo ra những bất bằng trong nhiều góc dộ của cuộc sống. Để rồi, cái thừa vẫn thừa và cái thiếu vẫn thiếu.
         Cuộc sống luôn là một xâu chuỗi mặc định. Mọi công việc, ngành nghiệp đều có sự tương quan, phối kết, vận hành một cách nhịp nhàng uyển chuyển và chặt chẽ, đem lại một hiệu quả chung cho cuộc sống. Bất kỳ một sơ thất của bộ phận ngành nghiệp nào, đều dẫn đến một hệ quả chung. Huống chi, với sự phát triển mọi mặt của cả nước ta đều dựa trên cái nền căn bản là NÔNG NGHIỆP. và Người chủ thực sự của Nông Nghiệp là NÔNG DÂN.
         Vậy, phải đối xử thế nào với người nông dân ?
         Thiết nghĩ, câu hởi này không dành riêng cho một người, một thành phần, một lĩnh vực nào trong xã hội. Mà cho tất cả chúng ta.
         Phải chăng không chỉ “PHI THƯƠNG BẤT PHÚ”
         Mà còn là                    “PHI NÔNG BẤT TÚC”
                                                                  

“CHỢ CHỮ”
 
Tản Văn

         Tôi bước vào cổng một khu chợ, trong một tâm thức nửa như mê ngủ, nửa như khật khưỡng hơi men. Một khu chợ có vẻ như tự phát, có vẻ như đã mọc ra từ rất lâu rất lâu. Những thứ hàng quán trong chợ cũng la liệt những hình thù, màu sắc, vóc dáng. Người đi chợ cũng đủ loại trang phục, thần thái, phong cách. Tôi mặc thả những bước chân lơ đễnh của một kẻ nhàn du. Tôi chưa biết mình có chọn mua được một vài thứ hàng hoá đang bày bán nơi đây không ? Những thứ hàng hoá mà tôi chưa thấy ở bất kỳ một khu chợ nào. Tôi mang máng, hình như lúc bước chân vào đây tôi có đi qua một cánh cổng, và bên trên nó có một tấm bảng, à phải rồi, tấm bảng có một kiểu vẽ ngoằn ngoèo như thư pháp “Chợ Chữ”.
         Đúng chính xác là khu chợ này bán những con chữ. Những con chữ ở đây cũng đủ các loại thượng vàng hạ cám. Có những con chữ lổng chổng, chỏng chơ như những đòn tre, quang gánh, có những con chữ lổn nhổn, lạo xạo như một mớ hàng son đại hạ giá, cũng có những con chữ được công phu tỉa tót, tạo dáng như một cây bon sai hay một thứ đồ mỹ nghệ. Một số con chữ khác thì thong dong ve vẩy như đôi tà áo nõn. Một số ít thì được trưng bày trang trọng trong chiếc tủ kính có gắn những bóng đèn màu nhỏ tí. Lại có những con chữ phất pha phất phơ như những dải lụa liêu xiêu trong gió chiều. Chân tôi bỗng vấp, nhìn xuống, một thứ chữ như những miểng sành, mẩu gốm ai đó làm văng ra, cúi xuống, tôi cẩn thận nhặt nó bỏ vào một chỗ, cẩn thận vì sợ những góc nhọn, mép ranh sắc lẻm của nó cà khịa đứt tay. Những con chữ ấy tuy đã được bỏ gọn vào, xong nó vẫn như cố tình giơ ra cái vẻ ngang ngạnh, sù sì, bất quy tắc của mình. Tôi mỉm cười, bỗng muốn vuốt chúng như vuốt má trẻ con, nhưng vội rụt tay lại.
         Người người đi, người mua và người bán cứ lẫn vào nhau, chẳng còn phân biệt ai là người bán. Đã vào khu chợ này hầu như không ai ra về tay không. Ai ai cũng nhặt cho mình một số con chữ, dép lê, giày bóng, mũ phớt, nón vải, chị quàng tay nải, em gái tung tăng, có người chẳng nói chẳng rằng cứ vục tay mà vốc.Ai cũng ôm một mớ, vác một bao, ít lắm thì cũng lào phào dăm ba chiếc. Hình như đây là một mặt hàng ít vốn nhiều lời hay sao mà người ta đổ xô vào lắm thế. Tôi cũng thử nhặt một mớ xem. Mải mê chọn lựa, mải mê nhặt nhạnh, chẳng lâu la gì tôi đã nặng oằn cả vai. À, thì ra cái thứ hàng hoá này nó có sức mê hoặc khủng khiếp thật. Cứ rờ tay vào nó là không dứt ra được, mỗi thứ đều như có ma lực riêng, nhặt…nhặt…càng nhặt càng thấy còn ít quá, tôi cũng đâm xổ vào như những người vào chợ trước, cũng tay lựa mắt chọn, riết rồi cái nào cũng muốn lấy tất, tôi mất hẳn cái vẻ lơ đãng nhàn du lúc ban đầu, cũng hăm hở tranh giành suýt cả cãi vã. Có một điều thật kỳ lạ, hệt như nồi cơm Thạch Sanh, những con chữ cứ tự đầy vun lên mỗi khi được nhặt vợi đi, và tôi cứ thế mà mải miết. Rồi bỗng nhìn quanh mình, chao ơi, cái đống hàng hoá của tôi sao mà lỉnh kỉnh, ngồn ngộn thế này. Chúng chồng chất lên nhau, chen chúc vào nhau, chắc tôi phải kêu hẳn một chiếc xe tải cỡ lớn nhất mới chuyển về hết được quá. Người tôi bỗng mỏi rũ ra, thì lăn lê không biết tự bao giờ đến giờ rồi mà, miệng bỗng khô khốc, mắt bỗng hoa lên. Không biết có phải vì hoa mắt mà choáng, mà bảy vía bay đi, ba hồn ở lại, mà tôi bỗng dưng như mất hết trọng lượng, bỗng dưng như một phi hành gia trên vũ trụ, lơ lửng, nhẹ bẫng, và tôi chợt thấy…
         Một luồng sáng hắt ngược lên từ cuối chợ, luống sáng ấy như một miền cổ tích diệu kỳ, bỗng chốc làm những con chữ sáng hẳn lên, chữ nào cũng lấp lánh ánh lân tinh, cũng lấp lánh như những vảy cá được chiếu sáng dưới ánh mặt trời, toé ra ngàn vạn đốm sao, và rồi, bỗng một cơn gió thốc ào đến, những con chữ bốc lên không trung, hoà vào nhau trong một vũ điệu lạ thường, chúng đan toả vào nhau, tững chữ tững chữ như mọc thêm đôi cánh nhỏ xinh của những chú bướm vàng xanh đầu hạ, lao xuống, xiên lên, lượn vòng, xẻ ngang, trích dọc, nhưng không hề va vào nhau, cứ như chúng có một cặp mắt tinh tường nhạy bén đến mức tuyệt đẳng vậy. Tôi như ngợp trong một không gian kỳ ảo, gió, nắng, những đôi cánh, những vũ điệu, và dường như tôi cũng đang hoà vào chúng, bay lượn cùng chúng một cách ngoạn mục. Bên tai tôi như vẳng lên một thứ hợp âm réo rắt trầm bổng, tôi nhắm mắt, nghe mình xoay tròn…xoay tròn…Bỗng một cái chích nhói bên mình, tôi vừa kịp nhìn thấy một góc nhọn của con chữ miểng sành hoắt lên, thì tôi bỗng chới với, rơi…rơi…và “bịch” một phát đau điếng…
         Cánh cửa sổ đập phầm phầm, những ngọn gió ào ạt của một trận giông báo trước đang lật tung những trang sách tôi để trên bàn. Tôi vẫn còn ngây ngây giữa mơ mơ thực thực…thì ra những con chữ…
 
                                                                                   ĐÀM LAN
                                                             (Đàm thị Tuyết Lan 74 Y Jut TPBMT
                                                             Email :
damlanbanme@yahoo.com.vn
                                                                 ĐT : 0985183225 )