Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MƯA ĐẦU MÙA

Vinh Anh
Thứ bẩy ngày 1 tháng 8 năm 2009 5:15 PM
 
Mưa đầu mùa
     Tản văn
Đã vào tháng năm. Tháng giữa mùa hạ. Phượng đỏ. Bằng lăng tím. Điệp vàng. Bàng xanh ...và vô số các loại cây khác đang khoe sắc, bừng lên rực rỡ. Cái rực rỡ chẳng khác con gái đến tuổi dậy thì, cứ tự nhiên phô ra cái mơn mởn, mướt mát, tươi trẻ, nõn nà có một không hai trong cuộc đời.
Thực ra thì cũng đã có mưa. Nhưng những cơn mưa đó không để lại dấu ấn của một mùa hạ. Nó lác đác, hờ hững và nhạt nhẽo thế nào ấy. Phải đến tận hôm nay mới có trận mưa gọi là mưa. Mưa và kèm theo có sấm, có sét. Con chó già trong nhà sợ tiếng nổ của sấm và sét, nấp rúi vào gầm bàn. Mình xuống dưới nhà đóng bớt cửa lại, nó quấn lấy chân, rối rít. Con mắt ngước nhìn mình như muốn được một lời an ủi vỗ về, một sự chia sẻ động viên. Nó là con vật đáng yêu nhất. Hai tay ôm lấy đầu nó: “Sợ à, ở với tao không việc gì phải sợ, tìm chỗ kín mà ngủ đi”.
Ấy vậy mà cơn mưa đêm qua to thật, trên bảy mươi li. Hà Nội khối nơi biến thành Hà lội. May là mưa vào tầm nửa đêm về sáng, không có cảnh lội bì bõm và xe chết máy. Và mong, mơ hồ thôi, tuy trời tối và mưa to, cũng đừng có ai chui vào cống mà chết như cô bé tội nghiệp trường Bế Văn Đàn năm ngoái.
Năm nay cũng khác. Hay là mình đã già nên nhạy cảm với thời tiết nên cảm thấy khác. Chưa thấy nóng mấy. Ở các địa phương khác, từ Nghệ An đổ vào thì cũng nóng đấy. Cả vùng Tây Bắc nữa, cũng nóng. Mình ở Hà Nội, hình như cũng đã một lần nhao lên vì nóng. Nhưng nhanh lắm. Nhanh đến độ là người nhạy cảm với thời tiết như mình, cũng chưa nhận ra. Hà Nội có khác!
Nhưng đêm qua đúng là mưa thật sự rồi. Đúng là chuyển mùa rồi. Nơi mình ở, có hồ điều hoà, nước dồn về khá nhiều, có chỗ nước mấp mé mặt hồ. Thú vị nhất là hàng cây ven hồ xanh mát trở lại. Sau trận mưa đầu mùa đêm qua và sáng nay, cây cối khoác áo mới, tươi trẻ và dễ chịu hơn và cả đẹp hơn nữa. Tuổi dậy thì mà. Thời tiết mát mẻ cho con người có đôi con mắt nhuần nhị, đôn hậu hẳn lên. Có thể nhìn đời cũng dịu hơn một chút, thông cảm với nỗi đời vốn nhiều chua chát đắng cay hơn một chút chăng?
      *****
Nằm trên giường, nghe gió thổi đập vào hàng cây trước nhà, đang vật vã chống chọi với gió và mưa, nghe tiếng mưa đổ, tiếng nước chảy, tiếng sấm, lại nhớ nhiều những ngày mưa của những năm xa xôi đã qua. Mưa rừng Trường Sơn.
Mùa mưa năm 1973 đó, mình ở bộ phận tiền trạm của đội thu nhặt xe pháo bị máy bay đánh hỏng trong chiến dịch Đường 9- Nam Lào. Chiếc Hồng Hà của Tàu cứ ì ạch, xộc xệch bò trên đường, quằn quại trong mưa trút tầm tã và tiếng cây rừng đổ. Phanh hơi phì phò phì phò, hơi nóng toả ra từ máy, gầm xe, ống xả và cái gió lạnh ướt sũng nước mưa tạo nên những luồng khói trắng. Cả chiếc xe ba cầu tơi tả như đang thở phì phò. Mình và cu cậu lái xe cũng phì phò vì đường trơn và cả vì cái không khí bí bách đọng nước, đầy mồ hôi lính trong ca bin.
Thú vị là chiều hôm đó đến bên sông Sê-băng-hiêng của binh trạm 32. Chẳng phải đến đại bản doanh của binh trạm đâu, chỉ là cái trạm gác của nó thôi, gặp ba chú công binh gác đường. Các chú bị bỏ rơi lại suốt mùa mưa, đang buồn đẫm người và thèm đủ thứ, thèm tin tức, thèm tiếng người, thèm nói chuyện. Nghe tiếng xe, cả ba chú đứng xếp hàng trước cửa như chào đón thượng cấp. Căn nhà hầm gọn gàng hôm nay chật khách. Dân lính ở chiến trường gặp bạn, có gì tiếp đãi được khách là mang ra hết. Bọn mình có lương khô 702, cũng may là có thuốc lá. Bọn nó chẳng có gì, bị bỏ rơi thì còn có gì. Nhưng tụi công binh gác đường này đại bợm, sau ba mươi phút, hai chàng công binh mang về một con cá cỡ mười kí chiêu đãi mấy ông lính thu nhặt xe pháo hỏng trong chiến trường. Sông Sê-bang-hiêng ngay bên cạnh, dân làm đường thiếu gì bộc phá. Chuyện đánh được chú cá mười kí là chuyện vặt.
Bên món cá luộc và nồi cháo cá tối hôm đó biết bao nhiêu chuyện được nói. Tâm tư người lính ở chiến trường nhiều lắm. Khổ ư, ai bảo không khổ. Hi sinh ư, ai bảo không hi sinh. Ngày hôm đó, mình mở mắt được một ít. Những gian khổ, hi sinh và mất mát chẳng ở đâu xa xôi, ở ngay bên cạnh mình. Còn một điều những người lính gác đường không nói được trong thời điểm này, đó là sự cô đơn. Cô đơn trống trải lắm! Tại sao lại có sự cô đơn đó. Trách ai? Có lẽ họ cũng chẳng cần biết. Giờ phút này, họ cho đó là nhiệm vụ, họ phải ở lại để trông một cái kho có mấy tạ bộc phá. Họ chỉ mong có một cái lệnh, được rời khỏi nơi rừng rú này. Tất cả sẽ hài lòng và thoả mãn. Trách ai được, chỉ có thể trách chiến tranh mà thôi. Mà chiến tranh là gì? Những lời thuyết giảng cao siêu đâu đó có thấm vào họ được không, khi chính họ là những người trong cuộc. Không, chiến tranh chẳng đem lại hạnh phúc cho bất kì ai, chỉ có nỗi buồn và sự trống trải... Chiến tranh càng lâu, nỗi buồn càng lớn. Cuộc chiến tranh ba mươi năm của đất ta đã gây ra biết bao nỗi buồn. Cả bên thắng trận và bại trận đều phải chịu nỗi buồn đó và còn kéo dài biết đến bao giờ? Tiếng súng chiến trận trên đất ta đã im từ lâu, nếu tính thời gian ngắn nhất, cũng đã trên hai mươi năm. Một phần tư thế kỉ đã qua, nỗi buồn đã giảm đi bao nhiêu? Không, nỗi buồn vẫn còn đó đấy chứ và mỗi ngày trôi đi, chúng ta có đủ sức mạnh và lòng dũng cảm để nhìn lại hậu quả của nó, đánh giá đúng được thực chất những điều mà chúng ta đạt được và cả cái giá mà chúng ta phải chịu một cách sòng phẳng và khách quan hơn.  Cái đó làm cho chúng ta tin cậy nhau và dễ hoà hợp hơn. Có vậy, chúng ta mới hiểu hết ý nghĩa của những chữ nhân đạo, vị tha và hoà bình.
      *****
9 giờ sáng nay đang đi trên phố để hưởng cái hương thơm trong sạch thành phố vừa được chải rửa đêm qua thì lại mưa Cơn mưa như nặng hơn. Ông trời như muốn trút cái sự bực bội, không hài lòng xuống trần thế, bởi cái sự con người không biết đối xử với màu xanh của thiên nhiên mà ông trời ban cho.
Tạt vào chỗ mái hiên của xe buýt để trú. Mưa làm nhoà đi mọi vật trên đường. Bóng người, bóng xe lướt qua loang loáng. Chiếc xe buýt xé nước ào ào đỗ vội, tiếng động cơ hừ hự hồng hộc như tiếng phì phò của phanh hơi ngày nào, người lên kẻ xuống, rồi lại ào ào xé nước băng đi, như vội vã, tranh thủ thời gian, vội vã để tránh một tai hoạ nào đó đang ngấp nghé chờ.
Phía đằng kia, trạm xăng, bọn trẻ từ một khu nhà gần đó chạy ra tắm mưa. Bọn chúng đá bóng trong mưa, nước bắn tung toé. Một trò chơi quá quen thuộc của bọn trẻ nhà quê, mỗi khi mưa rào đổ xuống. Vẫn thấy thiếu thiếu cái gì đó của làng xóm, quê mùa. À, đúng rồi, soi đuốc bắt ếch. Tự dưng trận mưa này làm mình nhớ nhiều về ngày xưa thế. Khi thì ấu thơ, khi thì chiến tranh...Ừ mà mới năm ngoái thôi, xa xôi gì, chuyện lạ Hà Nội ngày mưa, thả lưới bắt cá và úp cá giữa những con sông phố ngày mưa đó thôi.
Có một nỗi buồn ngâm ngẩm trong những ngày mưa đó. Người ta cứ đi so thành phố mình xây với cái thành phố Tây nó xây cách đây cả trăm năm. So từ cái cống cái rãnh đến mấy cái nhà tí hon nước ập vào trong, bàn ghế nổi lềnh phềnh, so đến cái ngã tư giao cắt ứ đầy ô-tô, xe máy không có chỗ thoát đến cái “mặt cốt” của thành phố cho phép xây nhà. Cái gì mình cũng kém. Bực là thế, mà lại kém cả cái thời cách đây những thế kỉ cơ. Đấy là cái đầu hay cái tâm Mình làm chủ thành phố của mình mà bây giờ động tý là thuê nước ngoài, thuê nước ngoài mới tin. Buồn là thế. Nhưng chỉ ngâm ngẩm buồn thôi. Bởi biết nói ra cùng ai. Nghe nói cái điều đó ai cũng biết, biết từ lâu rồi. Thế mới đau chứ!
Mưa to quá. Đành đội mưa đi về. Nước dềnh lên khắp phố rồi. Qua chỗ bọn trẻ con đang tắm mưa, lấy lại hình ảnh xưa của mình. Cây phượng cạnh đó thắp lửa rực rỡ. Trong cơn mưa xối xả mà lửa không tắt và cả một đoạn năm cây bàng xanh mướt, tầng thấp, tầng cao , tầng nào lá cũng mơn mởn. Có một đôi chùm áo mưa ôm nhau dưới gốc bàng. Tình yêu là thế. Xá gì mưa gió. Họ đang sống trong tình yêu đầu đời trong trận mưa đầu mùa. Tất cả, trong mưa, đều đẹp trong veo và mát lành đáng yêu làm sao!

           9/5/09

Lão “Dân biểu” nhà tôi
 
“Dân biểu” là nói theo kiểu Miền Nam. Chẳng hiểu văn nói trong đó nó gần gũi với cuộc sống thế nào mà tôi thấy nhiều từ Miền Nam nay thành thông dụng ở ngoài Bắc lắm. Thí dụ nhé: “nhậu” này. Nhậu là chỉ một cuộc ăn uống có tính đàn đúm, vui vẻ. Trong cuộc nhậu là có thể có say, có thể có chửi đổng hoặc ăn nói xô bồ, tục tĩu một chút.  Đấy là tôi cứ nói theo cách hiểu của tôi, chứ không có lật từ điển Tiếng Việt ra tra khảo đâu. Hay như một số từ đồng nghĩa: sả láng, tẹc ga, tới số... nói chung là nó dễ hiểu, cảm nhận được ngay, tiếp nhận được ngay.
Nhưng cái từ “dân biểu” mà tôi định nói đây thì hình như ít được dùng. Phát âm nó lên, tôi như cảm thấy có điều gì đó nhạo báng, một chút hài hài thiếu tôn trọng. Chí ít nó cũng không trịnh trọng bằng từ “đại biểu quốc hội”. Nghe từ “đại biểu quốc hội” nó vang lên hoành tráng, hào sảng và đầy “trọng lượng”,  thấy được cái sự bệ vệ, oai phong ngay. Đấy là tôi nghĩ thế!
Nhưng “Dân biểu” hay “Đại biểu Quốc hội” cũng chỉ có một nghĩa thôi. Cũng đấy là tôi nghĩ thế!
Vậy mà cái lão nhà tôi lại được dân chúng trong cái khu tập thể bé nhỏ này gọi là “Ông Dân biểu” đấy. Xét về ngữ nghĩa nôm na, nó là Đại biểu Quốc hội đấy. Oách ra phết. Xét về công việc, chắc lão nhà tôi còn “khươn mơ lươn” mới đáng được gọi là “Dân biểu”. Chẳng phải tôi sống chung với lão mà “gần chùa gọi bụt bằng anh”đâu. Ai chứ, lão nhà tôi, tôi biết quá rõ!
Về hình thức bề ngoài, lão nhà tôi quặt quẹo, ốm yếu lắm. Đàn bà con gái nhìn thấy chán ngắt. Người thì cao đến mét bảy mà nặng chỉ có dăm chục kí dư dư. Mấy lão hàng xóm thường sang uống nước chè, tán hươu tán vượn mọi vấn đề trên trời dưới biển cứ bảo “mông lão đi sơ tán” rồi. Tôi nghe cũng thấy buồn cười xen lẫn cả tình thương tình yêu nổi sóng nữa. Thầm nghĩ và tự an ủi, Trời cho lão cái tạng như vậy, phải chấp nhận chứ biết làm thế nào. Bù vào, lão nhà tôi chẳng mấy khi đau ốm. Đấy là cái mừng. Có chăng chỉ nhức đầu sổ mũi, ăn mấy nhánh tỏi là khỏi ngay. Lão vẫn chữa bệnh của lão bằng tỏi. Lão rất sợ bệnh viện. Sợ vì hai lẽ: một là ở đó lắm vi trùng, hai là ở đó, theo lão, ít thấy tình người, chỉ thấy rặt những hoàn cảnh đáng thương và cả đáng ghét nữa. Mà cái lí do thứ hai này, lão cũng bảo là vi trùng. Ở cái tuổi “tri thiên mệnh” đó, sức khoẻ được như vậy là tốt và đã “tri thiên mệnh” thì cũng khó thay đổi ý nghĩ của lão lắm. Tôi cũng chẳng mong gì hơn. Cầu giời cứ cho lão được nhì nhằng như vậy, đừng bao giờ phải vác xác đến bệnh viện để rồi lại tự gây khó dễ cho bản thân. Mấy ông bạn nước chè của lão thì phản đối cực lực. Tranh luận được khơi mào, dẫn chứng được đưa ra, lão nhà tôi bao giờ cũng thắng. Mấy lão uống no nước chè xong, phán: giá như ông là “dân biểu” của chúng tôi thì hay biết mấy!
Chẳng cứ chuyện bệnh viện với lương y, thày lang với bác sĩ, chuyện nào của lão nhà tôi với các ông nước chè hàng xóm cuối cùng bao giờ cũng dẫn đến một câu “giá như ông là “dân biểu” của chúng tôi thì hay biết mấy.
Cái lão nhà tôi rách việc là vậy, mà không hiểu sao, bà con hàng xóm hay nói chuyện với lão thế. Mà cái lão nhà tôi cũng rỗi hơi đến kì lạ, tiếp được chuyện của cả bà cụ trên tám mươi lẫn mấy thằng choai choai tóc nhuộm xanh nhuộm vàng, suốt ngày chửi bậy và ngồi quán bấm điện thoại nhắn tin nhoay nhoáy. Chẳng hiểu lão tâm sự với khuyên bảo điều gì, thấy khối thằng đầu đen trở lại.
Có một chuyện xảy ra trong khu tập thể nhà tôi. Chẳng là từ ngày lão về nhà với chế độ một cục, lão nhà tôi cũng phải đi kiếm ăn thêm, phần thì do nghỉ ngơi cho nên chân tay ngứa ngáy, phần thì do cái cơ sở kinh tế không vững chắc, nhiều lúc gia cảnh cũng túng quẫn. Đã túng thì phải tính. Lão nhà tôi đi làm bảo vệ cho một xí nghiệp gần ngay nhà. Công việc cũng đơn giản, làm anh gác trộm, tối tối ôm chăn chiếu ra phòng bảo vệ của xí nghiệp đánh một giấc. Chính từ cái công việc này, lão nhà tôi được phát triển thành ông dân phòng. Từ ông dân phòng cần mẫn, chịu khó học hỏi và chủ yếu là lão ít nhời, nhưng nhiều lí, mấy ông chính quyền có chức sắc bảo là lão vừa khiêm tốn vừa sâu sắc, lão được cất nhắc làm tổ trưởng, cai quản dăm ông khác nữa. Chưa kể những ngày lễ tết, có những việc đột xuất, phường phải huy động cánh trai tráng và cánh cựu chiến binh đi làm nhiệm vụ, nhiều lần dưới trướng lão nhà tôi cũng có đến hai chục vị.
Đất nước phát triển, người giàu ở đâu nhiều thế. Ngắm cái sự giàu của họ, nhà tôi nằm mơ cũng không dám. Ai lại thời buổi ngày nay, lão nhà tôi vẫn cứ cọc cạch cái xe đạp Trung Quốc cũ kĩ. Tôi thì đã đành. Tôi chạy chợ gần nhà cho nên cũng không có đòi hỏi nhiều. Mọi thứ trên gánh hàng của tôi đều có người mang đến. Nguồn sống trong nhà là dựa vào gánh hàng của tôi. Lão nhà tôi luôn đưa tôi lên chín tầng mây với cái gánh hàng rau quả ở cửa chợ. Tuy vậy, dù tôi có cố tích cóp, nhưng vẫn chỉ mua được cho lão cái “Uây Tầu”. Lão cũng hỉ hả lắm. Nhưng lão vẫn trung thành với con xe cũ kĩ ngày xưa. Tôi không can thiệp vào tình yêu của lão. Hình như chính cái tình yêu chung thuỷ đó lại làm tôi yêu lão nhiều hơn.
Đằng sau cái chợ của tôi là một bãi phế thải rộng vài nghìn mét vuông. Thời buổi tấc đất tấc vàng mà lại để như vậy. Phí của giời! Nhưng người xót nhất lại hình như không phải là mấy ông cầm quyền. Người xót của hàng đống mà để đó là lão nhà tôi. Lão cùng với hội “dân phòng” của lão bàn cách đưa cái bãi chứa phế liệu của khu nhà tôi thành cái bãi đỗ xe. Khổ một nỗi là cái sự “tế nhị” trong phường quá phức tạp.Cứ điều gì khó nói, khó giải quyết là dân ta bảo đó là “tế nhị”. Nhiều thành phần dính vào lắm. Dính vào là có quyền. Có thể là không to, nhưng mỗi ông một tí, chỉ một tí thôi nhưng không chịu nhường bước. “Một tấc không đi, một li không rời”. Mang tiếng là đất của phường, nhưng mà phường đâu có quyền quyết. Cái sự làm chủ tập thể nó là như vậy. Đó cũng là một sự “tế nhị”.
 Nguồn gốc xa xưa là mấy cái ao rau. Dần dà thành mấy cái ao tù, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Dân vô gia cư và dân tứ chiếng nhảy dù san lấp các loại ao tù nước đọng đó và những căn nhà tạm mọc  lên, trong đó cũng ối mảnh đất có những ông chủ vô hình mà chỉ có cư dân bãi rác, dân ăn ở tạm bợ, lánh nạn tạm thời, dân anh chị đầu gấu và những người có trách nhiệm mới biết thực hư. Nhà nước mất cả tỉ đồng dọn dẹp. Có người bảo qui hoạch là xây công viên. Người thì bảo là phải xây lại chợ. Có cả ý kiến làm bãi đỗ xe với văn phòng hiện đại. Nhưng ý kiến ngầm mới quan trọng, mà đã ngầm thì chỉ có thể tự hiểu, tự suy ra mà hiểu, đó có thể là một sự hoán đổi, chia chác. Có trời mà biết được những chuyện đi đêm như thế. Ai cũng vô tư hay là ra vẻ vô tư, thậm chí là “chí công vô tư”. Nhưng mà ai cũng ngong ngóng chờ đợi. Cho nên bãi hoang vẫn cứ là bãi hoang. Các loại xe đời mới đời cũ của hội nhà giàu vẫn không có chỗ gửi chính thức. Chỉ khổ chủ của chúng mà thôi, bởi vì dù sao bọn xe mới, xe cũ đó vẫn phải có một chỗ để đỗ.
Nhà giàu càng ngày càng nhiều. Qua số lượng ô-tô ngày càng thiếu chỗ đỗ. Sự bức thiết về chỗ đỗ cho ô-tô lão nhà tôi đã nhận thấy. Lão còn thấy cả viễn cảnh của nó nữa kia. Nhưng lão và hội “dân phòng” của lão thì thấp cổ bé họng. Toàn dạng hưu non với “một cục”, đã quá “đát”cả rồi. Phường bố trí cho làm thêm để tăng thu nhập thế này đã là quí. Một công đôi việc, cuối năm tính vào thành tích của phường, thể hiện sự quan tâm của đảng uỷ và chính quyền trong việc tạo công ăn việc làm nâng cao mức sống cho dân nghèo... Còn mong gì hơn nữa.
Lão thay mặt tổ dân phòng làm một cái đơn, với danh nghĩa là để tận thu ngân sách cho phường, xin làm cái bãi đỗ xe. Các ý kiến đóng góp bây giờ mới đổ vào, ý kiến nào cũng đúng và cũng có lí. Như từ xưa, biết bao vấn đề được đưa ra bàn cãi rồi để đó, xem xét sau. Đã trót thì phải trét. Vận dụng cái lí bỏ một đống của là phí phạm, là có tội với nhân dân. Cánh lãnh đạo biết quá rõ cái lợi của bãi đất hoang nhưng lại sợ trách nhiệm vì cũng có nghe phong thanh những ý đồ của cấp trên. Chỉ cần đợi thời cơ. Cũng có đôi người có vẻ muốn tìm đường ra cho dự án của lão. Có người “gà” lão phải đánh lẻ, xin ý kiến của từng ông có trách nhiệm nặng nề với dân chúng. Cứ làm từng tí một, mưa dầm thấm lâu, gậm nhấm từng tí một. Đừng ồ ạt ra quân...rồi đâu cũng vào đó.
 Của Nhà nước, bỏ đó thì chẳng sao, đụng vào là chính sách, vậy là phải tìm cách lách. Mà của đáng tội, chính sách là phải đợi, qui hoạch thì phải đợi. Đợi có qui hoạch và thực thi được nó cũng chẳng biết đến bao giờ. Chỉ có những người trong cuộc “gà” cho thì mới nhanh và thoát. Cứ vậy, với lí luận làm lợi cho dân thế nào cũng có người ủng hộ. Rất đúng đường lối lãnh đạo!
 Lão đứng ra chịu trách nhiệm. Trách nhiệm cái con khỉ, tôi biết rõ lão là thằng trọc đầu, nếu tội vạ đâu lão chịu, nhưng mà thằng trọc đầu thì cũng khó xử tội, đã về vườn một lần rồi chẳng lẽ lại cho về vườn lần nữa, có mất thì cũng chỉ mất cái chức tổ trưởng dân phòng. Ghế các vị trên cao vẫn vững. Và như vậy là cái bãi đỗ xe dần hình thành. Một tháng một xe vài ba trăm ngàn. Cả chục triệu, đến trăm triệu một tháng ấy chứ. Vậy là lão thành ông chủ hờ của bãi đỗ. Tất nhiên là lão cũng có có bổng lộc, nhưng qua chế biến của các cấp lãnh đạo, lão vẫn chỉ nhận lương tổ trưởng dân phòng thôi. Được cái các chủ xe đời mới đời cũ cũng có người biết công lao của lão, thỉnh thoảng tí chút, chẳng thấm tháp gì với anh nhà giàu, lão cho như vậy cũng là xứng đáng rồi. Cái anh dân đen nhà ta dễ bảo là vậy đấy. Thực thà quá!
Vậy là không biết từ mồm ông chủ xe nào bốc lão lên, lão được gọi là “ông đại diện” cho bãi đỗ. Lão thay mặt chính quyền nhận giữ xe. Thế là lại thành “ông đại diện” khác, oách hơn. Nhưng cách gọi như vậy nghe không quen, có vẻ cồng kềnh và dài dòng thế nào ý, dần dà người ta gọi lão là đại biểu, rồi thì ngôn từ linh hoạt, thành “ông dân biểu” lúc nào cũng không rõ.

Từ ngày lão là đại diện cho hãng trông xe, mối quan hệ của lão có nhiều thành phần lắm. Ý tôi là phức tạp lắm. Đấy cũng là nói theo kiểu văn nói, kiểu bán rau nhà quê của tôi thôi. Văn vẻ gì cái bà bán rau chợ xóm. Nói thế để mọi châm chước. Ngộ nhỡ...thì thông cảm, bỏ quá cho.
Quen mồm, nhiều khi ngay trong nhà chỉ có tôi và lão, tôi cũng gọi lão là dân biểu. Chuyện  thì cũng bình thường, nhưng với nhiều người dân trong khu tập thể bé tí nhà tôi thì hình như người ta quên tên thật của lão.
Ở trên tôi đã nói, lão nhà tôi rất sợ hai thứ vi trùng của bệnh viện. Lão nhà tôi vốn từ bần cố nông đi lên, bản tính vốn hiền lành, sợ chốn đông người, chỉ dám to tiếng với vợ con và với mấy ông hàng xóm sang uống nước chè ké mà thôi. Tuyệt không bao giờ thấy lão lộ diện chốn đông người. Tôi vẫn thường nói đùa với lão: “Đồ khôn nhà dại chợ”. Lão ầm ừ bỏ đi. Ra cái vẻ không thèm chấp.
Đến bây giờ, quả thật nhiều khi, tôi cũng cứ phải soi lại lão. Tôi sợ lão ấy chập chập gì không nữa cơ. Ai lại rỗi hơi mà ngồi tiếp chuyện được bà già tám mươi với mấy thằng trẻ ranh đầu sơn xanh sơn đỏ cơ chứ. Trong mối quan hệ của lão bây giờ, mà tôi thấy phức tạp, ngoài quan chức các loại của địa phương còn có cả những bọn vô công rồi nghề, lêu lổng quán xá, đầu sơn xanh đỏ, mắt loè loẹt đỏ xanh đó nữa. Chính bọn này làm tôi sợ cho các mối quan hệ của lão.
Gần đại bản doanh của lão có ba cái địa điểm lợi hại: Một là cái chợ của tôi, hai là bãi đỗ xe của lão, ba là cái bệnh viện đầy các loại vi trùng. Nói như những người tử tế thì ba nơi đó đều là những nơi tràn ngập rác rưởi hay văn vẻ hơn toàn là những nơi ô nhiễm. Dân ta thì ai còn lạ gì bến tầu bến xe. Loại người bất hảo thì mang danh là dân chợ búa. Còn bệnh viện thì như lão nhà tôi nói, đầy rẫy vi trùng. Đại bản doanh của lão là nơi như thế.. Lão ở vào cái nơi như thế, tôi cũng không thật an tâm.
Người ta thường nói, người ta cũng đề phòng, người ta cũng cảnh giác và đã biết, nơi biên giới là vô cùng phức tạp. To thì như biên giới quốc gia, mọi chuyện phức tạp khó khăn từ buôn lậu, vượt biên đến tranh giành lãnh thổ có khi dẫn đến chiến tranh cũng từ nơi đó mà ra. Còn nhỏ như là biên giới phường xã trong một tỉnh, nơi biên giới này  tệ nạn là nhiều lắm. Bọn du thủ du thực, hút sách, trộm cướp, đĩ điếm cứ toàn chọn cái nơi biên giới lãnh thổ này mà cư ngụ.Thậm chí cả cái vạch đỗ xe buýt, bến đỗ xe buýt mấy cha lơ xe, tài xế cũng biết lợi dụng để khai thác cái khía cạnh có lợi cơ mà. Lão nhà tôi ở cái nơi như thế, tôi yên tâm sao được.
Vậy mà trong cái mảnh đất hóc hiểm này, lão nhà tôi cũng là dân biểu. Chuyện như sau:
Biên giới là phức tạp, nói rồi, ai chả biết! Đó là cái nơi tranh công đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm, ai chả biết! Ôm nó vào cho dặm bụng, ai muốn? Cái lão nhà tôi sau những ngày ôm chăn chiếu đi ngủ với dân phòng thế nào lại nảy ra trong đầu cái ý nghĩ “ làm sạch biên giới”. Việc tày đình, bao nhiêu dấu ấn chức sắc muốn bỏ mà lão lại muốn ôm vào. Thấy lão tỏ ý muốn khai thác cái biên giới chung của “ba ông lớn” đó, mọi người cười khảy, thương hại: “Cẩn thận đấy, ông “ dân biểu”, khéo chẳng vào đầu lại phải tai”. Lão lùi lũi lặng im. Cái dáng cao lòng khòng mét bảy với dăm chục kí nặng đó sao có vẻ chông chênh, chới với quá.
Vốn dĩ cái biên giới này có cái vị thế đẹp. Theo con mắt dân nhà quê bán rau của tôi là nó đẹp. Kẻ ra người vào tấp nập. Cũng chẳng biết từ bao giờ, giữa ngã ba, hằng ngày, đặc biệt vào buổi sáng, vào giờ đi làm việc của các quan chức nhà nước, ở một góc biên giới tụ tập rất  đông các ông bà nhà quê với quang gánh, thúng mủng. Họ làm bất cứ việc gì mà các người thành phố cần. Dần dà rồi mới thấy xuất hiện danh từ “chợ lao động, chợ mồ hôi, chợ nông nhàn, chợ người...” nghe khiếp quá, cứ như trở lại cái thủa còn buôn bán nô lệ ấy. Cứ nhìn cái dáng héo hắt, nhẫn nhục, bền bỉ của , tôi thấy nhoi nhói trong lòng. Cùng cảnh chạy chợ với nhau, tôi thấy thương họ quá.
Lão nhà tôi với chức danh tổ trưởng nên hay phải ngủ đêm bên ngoài trụ sở dân phòng. Đôi khi các ông dân phòng cũng khuấy động phong trào, kiểm tra, kiểm soát cùng với công an. Mới độ mười rưỡi, mười một giờ, cứ tuýt còi náo động màn đêm, nơi các cặp nam thanh nữ tú đang say sưa trong các cuộc hẹn hò.  Vào cái giờ đó, bọn ăn đêm nó còn ngủ. Tôi nói vậy có thể làm phật ý một số vị. Nhưng mà nó là như vậy đấy. Quĩ an ninh, dân năm nào cũng nộp, tiêu dùng ra sao chẳng có ma nào biết. Chắc chỉ mấy ông tổ trưởng dân phố trở lên biết mà thôi. Thực sự thì khó tránh được các tệ nạn và trộm cắp. Nhưng vì thấy mấy cái ông dân phòng nhởn nhơ quá, nên có vài hộ chỗ nhà tôi không chịu đóng cái quĩ này.
Cảnh các ông bà trong chợ lao động này ăn ngủ làm mất mĩ quan thành phố được coi là đẹp như một lẵng hoa này làm đau đầu nhiều nhà chức trách, trong đó có lão nhà tôi. Bởi tôi thật sự thấy lão băn khoăn cho cách ăn ở của họ. Vậy là dần xuất hiện trong lão ý đồ làm xanh sạch thành phố, đúng khẩu hiệu mà các nhà lãnh đạo nghĩ ra.
Đâu xa chứ, dân ta thì quá hiểu cái cảnh “sảy nhà ra thất nghiệp”. Đấy, cứ thử một ngày các cha lặn lội bụi đường tầu xe mà xem, người ngợm lại không nhão ra như giải khoai héo ấy a. Thêm một đêm ăn bờ nằm bụi, không có chỗ phăng phẳng mà ngả cái lưng là biết nhau ngay ấy a. Dù các ông bà “nông nhàn” còn trẻ đấy, nhưng chịu được một đêm, hai đêm thôi chứ sức vóc nào mà chịu được đêm này qua đêm khác, ngày này qua ngày khác. Lại thêm cái ăn uống quấy quá nữa, bữa cơm giữa đường giữa chợ thì chẳng qua cho cái ăn nó vào bụng để mà duy trì sự sống thôi. Họ nhếch nhác, khô héo mặc kệ cái sự đời là điều dễ hiểu. Thông cảm cho họ là còn chút tình người, đe nẹt họ thì tôi lại cho là vô cảm. Nó tội tội thế nào ấy. Ấy là cùng cánh quê mùa tôi nghĩ như thế. Chẳng là, trước khi được một chỗ tạm ổn nơi cổng chợ, tôi cũng đã khối bận bị cái nạn đuổi chợ, te tái, hớt hơ hớt hoảng chạy. Cảnh đó thì diễn ra quá thường xuyên. Chuyện “bắt cóc bỏ đĩa” ấy mà.
Muốn cho chỗ đông người, nhộn nhạo có nét văn minh thì phải cải tạo cái vị trí, địa hình nơi đó. Các ông bà “nông nhàn” dù sao cũng vẫn phải ăn, phải ngủ. Để có chỗ ăn nhờ ở đậu cũng phải mất hai ba ngàn đồng một tối. Đã có vào thì phải có ra. Cái đoạn đầu ra là mất mĩ quan nhất. Nói chung tập quán dân ta không coi trọng vấn đề này. Ra chốn phồn hoa vẫn cứ cái nếp nhà quê. Vậy là từ chỗ nghĩ cách giải quyết sao cho thành phố xanh sạch đẹp, lão “dân biểu” nhà tôi nghĩ ra chuyện xây cái nhà vệ sinh. Nơi tập trung dân cư đông đúc thế này có cái nhà vệ sinh là cần quá đi chứ. Chẳng nói ngoa, ở cái thành phố mình, tìm được chỗ giải thoát “nỗi buồn” là cực kì khó. Nghe nói, có cái nơi cần xây, chuyện cũng đình đám lắm, họp hành không dưới vài ba phen và lại còn báo chí, truyền hình nọ kia nữa chứ. Rõ là rách việc!
Bởi lão nhà tôi ít việc cho nên việc lão nêu ra, lão không quên. Dân tình bảo lão không “đánh trống bỏ dùi”. Nghĩa là lão cũng có trách nhiệm, mặc dù cái trách nhiệm của lão, theo lão vẫn chỉ là nhỏ như con thỏ. Dù vậy theo bà con, vẫn còn hơn khối ông trách nhiệm to, nói xong , hứa xong bỏ đó. Cứ ngẫm cái chuyện lo cho dân thì biết, nói hay lắm, vậy mà đâu xa, cái khu tập thể nhà tôi nằm trong dự án treo có dễ hơn chục năm, đã thay ba đời cái biển qui hoạch cắm ngất nghểu trên đường. Tất cả vẫn nằm trong chờ đợi. Qui hoạch là phải biết chờ đợi. Dân lành lấy công sức của mình làm ăn nuôi miệng một cách chính thống vẫn không có phép xây nhà, vẫn cứ sống cảnh nhà cấp bốn dột nát và ẩm ướt rêu phong, tuổi thọ các ngôi nhà đều đã ngoài ba chục năm. Trong khi đó, nhà nghỉ cao bảy tám tầng vẫn cứ mọc lên. Ấy là mọi người nhận thấy thế, tôi cũng nhận thấy như  thế.
Vậy là phải giải quyết cái “văn hoá đường phố”. Lão nhà tôi học ở đâu được cái lối nói văn hoa thế không biết. “Văn hoá đường phố”. Nghe ấn tượng ra phết, ra cái dáng cấp lãnh đạo lắm rồi.
Nhưng chuyện không dễ! Tiền đâu mà xây với dựng?. Lão nghĩ đến hội nhà giàu, nhà giàu tức là nhà có xe riêng ấy. Lão đi vận động từng ông chủ xe. Có nhiều ông dễ dãi, gọi là bớt chút một ít. Giá trị bằng vài lít xăng, vài chục lít xăng. Đang cái buổi xăng dầu có giá, các lão chủ cứ qui ra xăng. Cũng có ông xét nét “ông việc gì phải làm chuyện đó, bảo mấy ông lấy tiền coi xe ra mà làm”. Lão nhà tôi cũng muối mặt. Thôi thì trò đời, ngửa tay đi xin người ta, chịu nhục một chút. Cứ coi như trước kia, ta vẫn nhận vịên trợ của Liên Xô ấy mà. Nhà nghèo, cũng nên biết thân biết phận, biết cái vị trí của mình. Sung sướng gì mấy đồng đi xin, vênh vang gì cái thói cứ gặm vào truyền thống.
Chưa xong đâu. Lão nhà tôi còn vận động mấy bà ngồi chảy bụng ở chợ nữa kia. Gọi là bà con tiểu thương cùng chung tay đóng góp. Các bà này đều biết lão nhà tôi, kẻ ít người nhiều, đồng tiền nhặt nhạnh được cũng kha khá. Nhưng dân chúng đóng góp như vậy rồi, chẳng lẽ chính quyền đứng bên ngoài. Lão nhà tôi tiến thêm một bước, đề nghị Ban quản lí bãi xe, chợ và cả bệnh viện đóng góp vào. Đây mới là nguồn thu chính để xây dựng thành phố xanh sạch đẹp. Thế là một dãy nhà chờ cho các bác “nông nhàn” đứng đợi các ông bà chủ đến mướn nhân công, một dãy nhà vệ sinh sạch sẽ có người trông coi hẳn hoi được dựng lên.Lệ phí không đáng là bao nhưng nó làm cho  cái ý thức của người nông dân lớn lên nhiều lắm. Mà chẳng chỉ với mấy ông bà nông dân, khối ông thành phố cũng chúa là bậy bạ. Cái nếp ăn ở cha chung không ai khóc vốn dĩ từ xa xưa ấy mà.
Vậy là cái công trình “văn hoá đường phố” của lão nhà tôi hoàn thành được mục tiêu. Bây giờ, lão nhà tôi được bà con khối phố tín nhiệm. Lão ấy khoá vừa rồi trúng cử vào “hội đồng nhân dân xóm” đấy. Tôi nói với lão: “Thôi thì chức nhỏ, sức có hạn, làm thế thôi, dân được nhờ. Ông mà làm to quá khéo chúng tôi chẳng với tới. Cứ cái gì thiết thực là dân ủng hộ ông ạ.”
Giờ đây, lão đích thị là ông “dân biểu” chỗ chúng tôi.

           23/11/08