Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đến với bài thơ hay: Nhữn tháng năm ở rừng

Đỗ Thị Thu Huyền
Thứ tư ngày 26 tháng 2 năm 2014 9:58 PM
NHỮNG NĂM THÁNG Ở RỪNG
Những tháng năm ở rừng
Cùng đồng đội làm thanh gươm sắc
Cùng đồng đội làm lá chắn bên cột mốc!
Những tháng năm ở rừng
Ăn trong nắng, ngủ trong sương
Ngày mấy bận ngóng thư
Đêm bầu bạn với trăng trời mây gió...
Những tháng năm ở rừng
Sốt rét tái màu da
Đồng đội mấy người gục ngã
Hồn thiêng gửi lại lá cây rừng!
Những tháng năm ở rừng
Con kiến lửa đốt lòng nhoi nhói
Tin quê bão bùng lụt lội...
Những tháng năm ở rừng
Người thân xưa hờ hững hoá người dưng
Ngày xuống phố
thẫn thờ, ngơ ngác...
Những tháng năm ở rừng
Bập bùng bao kỷ niệm
Ôi, ngọn lửa giữa rừng đêm
Âm ỉ cháy trong ta da diết!
Cao Bằng, 1988
NGUYỄN ANH NÔNG

Lời bình của người yêu thơ:
Vẫn mang tinh thần “Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình” (Hữu Thỉnh) nhưng âm hưởng chủ lưu của bài thơ Những tháng năm ở rừng không phải là tái hiện một cái nhìn sử thi về quá khứ hào hùng đã qua. Ấn tượng đầu tiên của bài thơ đến từ sự dụng công của tác giả. Điệp khúc “Những tháng năm ở rừng” tạo cho bài thơ 6 đoản khúc về cuộc sống người lính với đầy đủ những cung bậc, thăng trầm:
Đoản khúc một là sự bền gan chiến đấu của những người lính nơi chiến trường.
Đoản khúc hai tái hiện những hoạt động bình dị mà không kém phần lãng mạn của người lính trong những tháng ngày đằng đẵng.
Đoản khúc ba khắc họa trực diện những gian khổ và hy sinh mất mát của cuộc chiến tranh bằng một âm điệu trầm.
Đoản khúc bốn nói về nỗi mong nhớ quê hương đầy xót xa.
Đoản khúc năm biến chuyển với một bước ngoặt trong tình cảm khi “xuống phố” và nhận ra những điều không như mình hằng nghĩ.
Và đoản khúc cuối cùng như một sự tổng kết, tái khẳng định về những ký ức-một phần của cuộc đời người lính không bao giờ nguôi ngoai…
Bài thơ với dung lượng ngắn, ngôn từ cô đọng nhưng tái hiện một quãng thời gian dài với hiện thực - mơ mộng, khoảng sáng - góc khuất trong những tháng năm dài nhiều biến động của cuộc đời người lính. Âm hưởng bài thơ khiến người đọc có cảm tưởng như mọi thứ đều bỏ lửng chưa nói hết. Câu chữ cuối mỗi điệp khúc cứ lơi ra, miên man và còn nhiều dang dở. Đến khổ cuối cùng bài thơ, ta mới vỡ lẽ: năm đoản khúc kia đều là hồi tưởng, là ký ức đã qua mà hiển lộ rõ ràng như sự thực hiện hữu trước mắt. 
Nguyễn Anh Nông viết bài thơ này năm 1988, khi những tháng năm cùng đồng đội ăn trong nắng, ngủ trong sương đã trở thành ký ức. Tâm trạng của người lính hiện lên qua những câu thơ đẹp: Đêm bầu bạn với trăng trời mây gió, Hồn thiêng gửi lại lá cây rừng... là những điểm nhấn quan trọng của bài thơ. Không thể quay ngược thời gian để trở về quá khứ, nhưng nhà thơ đã làm một cuộc “hành trình” để tìm lại khoảng thời gian thiêng liêng tưởng như đã vĩnh viễn trôi qua kia bằng tâm tưởng:
Những tháng năm ở rừng
Bập bùng bao kỷ niệm
Ôi, ngọn lửa giữa rừng đêm
Âm ỉ cháy trong ta da diết.
Những con người đã đi quá nửa đời sương gió, trở về vẫn một niềm trân trọng. Nguyễn Anh Nông viết về mình, về những người bạn “như mạch suối nhỏ trong lành” bằng thứ tình cảm chân thực và pha chút xót xa. Ngọn lửa giữa rừng đêm chính là ngọn lửa tin yêu trong lòng của anh dành cho quá khứ, đồng đội. Những kỷ niệm âm ỉ ấy để lại những ám ảnh miên man không dứt, cho nhân vật trữ tình trong bài thơ và cho người đọc.
Những tháng năm ở rừng của Nguyễn Anh Nông là bài thơ hay không chỉ bởi sự dụng công trong cấu tứ, ngôn từ mà còn đến từ cách anh nhìn cuộc chiến. Tác giả viết về chiến tranh, có gian khổ, có đau thương nhưng ấn tượng bao trùm lại là một ký ức khó phai đối với người lính. Những chặng đường đi qua như những nốt thăng trầm trên một bản hòa tấu nhiều giai điệu, có tin tưởng, có hoài nghi, có có cả niềm vui nỗi buồn. Điểm cuốn hút và ám ảnh người đọc của bài thơ đến từ cảm giác lắng đọng trước những điều thiêng liêng. Ở đó toát lên một sự trầm tĩnh và từng trải lạ thường. Điều mà không nhiều bài thơ viết về đề tài chiến tranh “thời hậu chiến” dễ dàng có được.
Tiến sĩ ĐỖ THỊ THU HUYỀN
(Viện Văn học-Hà Nội)
NGUON: 
http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/sang-tac/den-voi-bai-tho-hay-nhun-thang-nam-o-rung/288095.html