Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Câu chuyện của rừng

Châu La Việt
Chủ nhật ngày 23 tháng 2 năm 2014 6:32 PM
 (Trích 5 chương)
 Tiểu thuyết
 Kính tặng Chính ủy Dư Cao và  BT 13 Mặt trận đường 7                     

                                   Bạn ơi, tôi sẽ kể bạn nghe
                                   Một câu chuyện của rừng về những năm tháng ấy..

                                                                            1

 Chiếc xe đang lao vội trong bóng đêm,bỗng phanh đến cháy vỏ xe khi trước mắt người lái là một bóng đen sừng sững,hai tay giang rộng như muốn chặn chiếc xe lại:
 -Muốn chết hả?Người lái xe thò đầu ra cửa quát lên
-Anh cho em đi nhờ xe với …
Một giọng nói hết sức năn nỉ 
-Đi đâu chứ?
-Về Nậm Cắn ạ
-Hả?Thế là lính binh trạm hả?
-Vâng .Em là lính cao xạ binh trạm M1
 -Cho cậu ta lên-Từ phía sau ông Cao Dư lên tiếng.
-Nhưng thủ trưởng đang vội kia mà-Người lái xe ái ngại quay lại nói với ông Cao Dư
-Không sao đâu.Cứ cho cậu ấy đi nhờ.Anh em mình cả mà
 Người lái xe mở cửa xe:
-Lên đi!
 Người lính trẻ lên xe,ngồi ghế ngay bên người lái.Dù trong bóng đêm,anh vẫn nhận ra ở băng ghế sau có một người mặc quân phục có vẻ đã đứng tuổi.”Chào thủ trưởng ạ”Anh ta cứ chào đại như vậy,dù chẳng  biết ông ta là ai,có là thủ trưởng  hay không? 
 Chiếc xe lại lao đi.Mảnh trăng non đầu tháng đã nhú lên,soi rõ con đường đất đỏ chạy dài,một bên là những cánh rừng già trang nghiêm,một bên là con sông chảy hối hả như những đoàn quân ra trận.Ông Cao Dư hỏi vọng lên người chiến sỹ:
-Cậu cũng ở binh trạm à?Đi công tác về hay đi trả phép?
-Vâng,em là lính binh trạm.Nhưng thú thật vói các thủ trưởng,là em không đi công tác,cũng chẳng đi trả phép.
-Ồ,thế đi đâu mà một mình trong đêm thế này?
 Ông Cao Dư thắc mắc.Còn người lái xe thì bắt đầu có ý nghi ngờ,tay sờ vào bên hông có khấu súng ngắn…
-Các thủ trưởng có đuổi  xuống em cũng xin nói thật,em là lính đảo ngũ!
-Hả?Ông Cao Dư thốt lên 
-Vâng ạ-Người lính trẻ lí nhí-Em trốn đơn vị 7 ngày rồi,bây giờ trở lại ạ !
 Không khí trong xe bỗng nhiên chùng xuống.Với người lái xe những anh lính họ “đào”thế này thì chẳng còn lạ,nhưng với ông Cao Dư thì hết sức ngạc nhiên.Ông là lãnh đạo,lại ở mãi trên cơ quan tổng cục,thật sự cũng chẳng mấy điều kiện để hiểu lính tráng dưới đơn vị,nhất là với  những tình trạng tồi tệ thế này.Ông hết sức ngạc nhiên:
-Mà sao cậu lại đào ngũ thế?Sợ đạn bom ác liệt à?
-Không ạ-Người lính trẻ trả lời rất thản nhiên.
-Nhớ nhà hả?Ông gặng hỏi,cố để nắm bắt tâm tư người lính
-Một phần thôi ạ-người lính như vẫn nhấm nhẳng
-Vậy thì vì sao chứ?
-Em bất mãn!
-Bất mãn vì điều gì?
-Với cấp trên ạ
-À,ông Cao Dư gật gù-thế cậu bất mãn vì điều gì,bất mãn với cấp trên nào,cậu kể mình nghe xem nào.
 Được lời như cởi tấm lòng,Huân-tên người lính trẻ xoay hẳn về phía ông Cao Dư,xòe cả hai bàn tay ra để trình bày nỗi bất mãn của mình.Thì ra anh là một pháo thủ,bom rơi đạn nổ chưa dám gọi là nhiều,nhưng cũng đã dăm chục trận,cũng từng góp phần bắn rơi hai máy bay giặc,thế mà đùng một cái,lại phải vác ba lô đi gùi gạo,cứ tảng sáng là đi nhận gạo,gùi hàng chục cây số băng rừng vượt núi,giao cho kho rồi quay lại,và sáng sau lại như vậy.Lính pháo mà thành ra lính gùi ,xem ra chẳng ra làm sao,lại còn nhiều chuyện tức anh ách.Có một lần dừng chân nghỉ giữa rừng,có một ông thủ trưởng binh trạm đi qua đã chẳng động viên lấy một câu,lại còn giảng dạy chính trị không đâu vào đâu,tức quá Huân mới nện vào mặt bố ấy một câu xanh rờn là,chẳng hiếu các thủ trưởng trình độ thế nào mà đánh đâu thua đấy,lính pháo không đi bắn máy bay mà lại bắt đi gùi gạo thế này,chẳng còn ra cái  thể thống gì cả,thế là ông ấy nổi máu điên lên,quát tháo Huân và các đồng đội một trận,lại còn dọa đưa ra tòa án binh.Uất quá,chờ ông ấy đi khuất,cả bọn mới rủ nhau đằng sau quay,xách ba lô ra đường,chặn xe tếch một mạch về quê…
-Nói thật với thủ trưởng,bất mãn thì hành động thế thôi,chứ về đến nhà rồi lại thấy ân hận,nên ngay đêm sau em lại xách ba lô về đơn vị .Thôi thì thà chịu bị kỷ luật,còn hơn làm thằng lính đào ngũ thủ trưởng ạ.Nó lại bắt tập trung,ngày ngày chào cờ mà hô to 100 lần rằng ,ai cũng như tôi thì mất nước thì khốn nạn thủ trưởng ạ!
-Cậu nghĩ thế là đúng.Làm người lính,cái tội lớn nhất là đào ngũ,là phản bội anh em đồng chí 
 Ông Cao Dư định nói vậy nhưng lại thôi.Những điều này,bất cứ người lính nào mà chẳng hiếu,hà cớ gì phải thêm lời.Nó đã ân hận,đã tìm đường trở về với đơn vị,với đồng đội,thế cũng là đủ rồi,quá hiểu rồi…
-Này,mình hỏi thật anh bạn,thế đã cơm nước ăn uống gì chưa?có đói bụng không?Ông Cao Dư hỏi.
-Dạ…thủ trưởng thấy đấy,đường xá chiến tranh,làm gì có hàng quán.Mà nói thật chứ có hàng quán em cũng chẳng có tiền…Nói chung thì lính tráng bọn em nhịn đói quen rồi….
 Ông Cao Dư lấy từ chiếc ba lô cóc của mính một phong lương khô đưa cho người lính:
-Thôi,ăn tạm phong lương khô này cho đỡ đói lòng cậu ạ…
-Ấy chết,đã phiền chặn xe thủ trưởng đi nhờ,mà còn làm phiền thủ trưởng thế này…Vâng,cho em xin ạ
 Người lính trẻ bỗng quay cả người lại,căng mắt ra nhìn thẳng vào mắt ông Cao Dư trong đêm:
-Mà…thủ trưởng là ai mà tốt thế ạ?
-Mình cũng đi ra trận như cậu thôi.Thôi ăn đi cho đỡ xót ruột đã,rồi chiêu thêm ngụm nươc này là tạm ổn đấy..
_Vâng ạ.Cám ơn thủ trưởng
  Huân bóc phong lương khô,bẻ từng miếng cho vào miệng.Nói thật là cậu đang rất đói.Có miếng lương khô này cũng đỡ được phần nào…
 Đến Nậm Cắn,người lính chào ông Cao Dư và người lái xe rồi khoác ba lô đi vào trạm thu dung .Trên xe chỉ còn lại ông Cao Dư và người lái xe.
-Thủ trưởng chợp mắt một chút đi cho đỡ mệt-Cậu lái xe nói
-Ừ…Ông trả lời và giả bộ lim dim đôi mắt như đã ngủ.Nhưng làm sao có thể ngủ được,khi ngày mai,ông sẽ bước vào một cuộc chiến đấu mới,điều đáng nói là ông bước vào một cuộc chiến đấu ,nhưng lại với một đoàn quân có phần rệu rã như  một đám tàn quân với những người lính đào ngũ như thế này?
*
 Sau một ngày một đêm ròng rã trên đường,chiếc xe đưa ông Cao Dư  tới  điểm tập kết ở Mường Xén lúc sẩm chiều.Đây là đại bản doanh của binh trạm M1,trấn giữ 300 km đường vận chuyển ở miền tây,và có thêm hơn 200 km sang Cánh đồng Chum của nước bạn làm nghĩa vụ quốc tế.  
 Chính ủy binh trạm,Trung tá Ngọc Nguyên đón tiếp ông Cao Dư hết sức nồng nhiệt.Tuy mới biết nhau,nhưng giữa hai người chính ủy này đã sớm có cảm tình và ân tình với nhau.Bởi mới cách đây nửa tháng thôi,ông Cao Dư đã có một việc làm mà rồi suốt cuộc đời binh nghiệp,ông Ngọc Nguyên sẽ không bao giờ quên…
 Đấy là những ngày cuối mùa khô vừa rồi,cả binh trạm của ông Ngọc Nguyên rối bời lên vì kế hoạch không hoàn thành.Từ Tổng cục lẫn Cục vận tải quân sự bị Bộ Tổng phê bình rất nặng nề,và tất nhiên bao nhiêu cơn thịnh nộ ấy đều trút xuống đầu ông Ngọc Nguyên,chính ủy binh trạm.Một phương án từ Tổng cục đưa vào,là cả  trung tá Ngọc Nguyên chính ủy và thiếu tá binh trạm trưởng Trường Sinh sẽ cùng bị kỷ luật,cùng bị đưa về hậu phương cho ngồi chơi xơi nước.Và một cán bộ “ cứng cựa” của Tổng cục sẽ được điều vào thay cả hai ông, vừa kiêm nhiệm là tư lệnh,vừa là chính ủy BT.
 Nhưng khi trung tá Cao Dư xuất hiện,trên tư cách là đặc phái viên của Tổng cục,dẫn đầu một đoàn cán bộ tổng cục vào khảo sát và tham dự tất cả các cuộc họp của BT để kiểm điểm và rút kinh nghiệm vì sao mùa khô vừa qua,nói rộng ra là hai năm qua BT đã không hoàn thành nhiệm vụ,trách nhiệm của chính ủy,của binh trạm trưởng đến đâu,thì vấn đề lại xoay chiều đến 180 độ.Với cách nhìn nhận và đánh giá của mình,trung tá Cao Dư khi  trở ra Hà Nội đã báo cáo một cách trung thực và khách quan với lãnh đạo Tổng cục những nguyên nhân và tồn đọng của BT,và đưa ra hướng giải quyết:” không phải ở cấp cá nhân người chỉ huy,họ là những đồng chí trung kiên,khuyết điểm không đến mức như thế”Một đảo lộn đã diễn ra:cả hai đồng chí đều không bị kỷ luật,và theo phương án của lãnh đạo tổng cục dựa trên đề nghị của trung tá Cao Dư và đoàn cán bộ tham mưu của tổng cục,binh trạm sẽ được  tách ra làm hai mới hy vọng củng cố lại sức chiến đấu,hoàn thành những nhiệm vụ nặng nề trước mắt.Binh trạm cũ sẽ vẫn đặt bản doanh ở đây,trên đất ta,còn binh trạm mới sẽ vào sâu 200 km,đặt trên đất Lào,sát với mặt trận Cánh Đồng Chum.Trung tá Cao Dư sẽ là chính ủy binh trạm mới,nơi đầu sóng ngọc gió,nơi với chiến dịch trả hận của quân thù,sẽ ác liệt và hiểm nguy hơn bất cứ mặt trận nào tới đây!
-Sao anh trở vào sớm thế,cũng phải nghỉ ngơi ít ngày đã chứ?Ông Ngọc Nguyên ái ngại hỏi.
 Nắm bàn tay Ngọc Nguyên lắc lắc,ông Cao Dư mà rằng:
-Ừ…thời gian gấp rút quá rồi.Các anh ở Tổng cục và Cục sốt ruột lắm.Với lại ,như các ông,đã có một ngày nào về hậu phương nghỉ ngơi đâu!
 Ông Ngọc Nguyên tự tay pha trà rót nước mời khách quý:
-Chị và các cháu khỏe cả chứ anh?Cũng chưa có dịp nào tâm sự với anh,anh được mấy cháu?
-Mình có ba đứa.Cháu gái đầu,sau là hai thằng con trai nghịch như quỷ sứ ông ạ…
 Mình  bắt tay vào việc ông nhỉ
 Với  vẻ sốt ruột,ông Cao Dư và ông Ngọc Nguyên chưa kịp uống chén trà thư hai là bắt tay vào việc.Ngay sau đó,trong lúc cậu công vụ dọn dẹp nơi ăn chỗ ở cho thủ trưởng,thì trung tá Cao Dư đã cùng trung tá Ngọc Nguyên,có cả sự hiện diện đầy đủ của các lãnh đạo binh trạm vừa lục tục kéo sang,đã làm việc thâu đêm suốt sáng,với tất cả những công việc thuộc về tổ chức,nhân sự…cho một binh trạm mới tách ra.Binh trạm ấy sẽ do Trung tá Cao Dư  làm chính ủy,sẽ là linh hồn ,và quân sỹ sẽ chẳng là ai khác,phần chính vẫn  là những người lính thất trận suốt hai mùa chiến dịch qua, vẫn là những đơn vị luôn đói quân,khát tướng và đang gặp khó khăn trăm bề…
 Cũng đêm ấy,ông Cao Dư đã tâm sự với các cán bộ chủ chốt của BT tất cả những gì đang chờ đợi họ phía trước,những gì đang rất bức xúc tại các cơ quan chỉ huy tối cao ở Hà Nội,khi bằng mọi giá theo yêu cầu của bạn,chúng ta phải dành lại bằng được Cánh đồng Chum  .. 




2- 
Hồi ký tướng Nguyễn Hữu An:
…Giữa cuộc họp của cán bộ cao cấp tổng kết môt chiến dịch lớn, tôi đang chăm chú lắng nghe đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu, ai đó giật áo, tôi ngoảnh sang thấy trung tướng Song Hào mỉm cười, khẽ hất hàm và nhét vào tay tôi một mảnh giấy. Tôi đọc lướt mấy dòng chữ nguệch ngoạc: “bị mất Cánh Đồng Chum rồi. Thường trực Quân ủy vừa họp quyết định anh sang Bộ chỉ huy 959. Trước khi đi đến gặp anh Văn”. 
  Cái tin mới này không gây nỗi bất ngờ tới mức làm tôi phải xúc động, nhưng tư tưởng của tôi bỗng lạc về mảnh đất cao nguyên đầy huyền thoại ấy. Cánh Đồng Chum – nơi ấy, năm 1963 tôi đã sống cả năm trời. Với tư cách một cán bộ chỉ huy quân sự, tôi đã từng trèo lên đỉnh núi xung quanh nhìn xuống Cánh Đồng Chum phẳng phiu như một sân bóng khổng lồ ngút tầm mắt; tôi đã từng đi đi, lại lại trên lối mòn ngoằn ngoèo như ruột dê bên sườn Thẩm Lửng; tôi đã từng ngồi dưới bóng rừng dẻ, quả rụng đầy gốc, và nhìn lên chỏm cao nhất của Phu Theng Neng. Lúc đó thực chất là đi chuẩn bị chiến trường để phối hợp cùng bạn mở chiến dịch lấy Cánh đồng  Chum từ tay quân  Coong Le và Phu Mi, nhưng tôi lại mang danh nghĩa làm cố vấn cho Quân khu Xiêng Khoảng. Những kỷ niệm của đời lính thời ấy, bây giờ trở thành niềm an ủi tôi trong chuyến đi sắp tới.
Vài hôm sau tôi đến gặp anh Văn ở nhà riêng. Anh Văn nói sơ qua diễn biến chiến trường Cánh Đồng Chum rồi hỏi tôi:
- Tôi đã chỉ thị cho Vũ Lăng đưa các điện từ Cánh Đồng Chum gửi về cho anh, anh đã đọc chưa?
- Tôi chưa nhận được bức điện nào.
Anh Văn hơi khó chịu:
- Tại sao thế nhỉ? – Anh Văn lấy lại giọng bình tĩnh nói tiếp – Đã một lần chiến dịch Cù Kiệt  ở đó ta mất bao nhiêu dân. Bây giờ anh sang tăng cường giúp anh Vũ Lập và cùng anh em lấy lại Cánh Đồng Chum.
- Tôi xin hứa hết sức cố gắng.

Anh Văn hỏi:
- Từ đây sang đấy bao xa?
- Mất chừng năm ngày.
- Cố đi gấp rút bốn ngày thôi. Sang cho anh Lập về nghỉ một thời gian.
Anh Văn tiễn tôi ra cửa, còn dặn với theo:
 -Mai vào Cục tác chiến…Tôi đã báo các cậu ấy chuẩn bị cả rồi.
Sớm hôm sau tôi tới gặp Cục trưởng Cục tác chiến Vũ Lăng – cái ông bạn râu xồm ấy đã thay lời chào tôi bằng một câu chửi đệm: 
- Mẹ kiếp, cậu nói thế nào, để ông Văn “xạc” tao? Sao lại không nói “đọc rồi”.
- À…anh này là Cục trưởng tác chiến mà xui tôi nói dối Tổng tư lệnh. Lỡ ông ấy kiểm tra tôi, tôi nói thế nào.
- Thôi. Chuyện đó cho xuống dòng. Bây giờ mày cần gì nào?
- Mình vừa cho lái xe và y tá của mình đi phép. Bây giờ cho một cái xe tốt, mình phải đi gấp và cho cả lái xe, y tá nữa.
Sốt rét rừng vẫn lẩn khuất trong cơ thể tôi, lúc này nó lại xuất hiện. Thấy mặt tôi tái nhợt (chắc thế) Vũ Lăng hỏi tôi:
- Mày làm sao mà mặt mũi xám xịt thế kia?
Lại một lần nữa tạm biệt vợ con để ra chiến trường. Chia tay lần này tôi thấy nhẹ nhõm hơn. Vợ con tôi không phải ở cái chuồng chim nữa. Và những năm dài đầy khó khăn thử thách, Chi – vợ tôi đã tỏ ra một phụ nữ tần tảo và có nghị lực thay tôi nuôi dạy con cái khôn lớn.
*
Tôi đi đúng bốn ngày đêm đến sở chỉ huy của 959. Đối với tôi bốn ngày đường, chẳng coi là đường xa, nhưng đang sốt cao vẫn phải leo đèo và bơi qua suối, nên đến nơi mệt mỏi quá, tưởng không gượng nổi.
Trong bộ chỉ huy lúc này gồm đại tá Vũ Lập tư lệnh trưởng, đại tá Huỳnh Đắc Hương chính ủy, đại tá Lê Linh phó chính ủy, đại tá Nam Hà phó tư lệnh, thượng tá Dũng Mã tham mưu trưởng. Người tiếp tôi là chính ủy Hương. Tôi và Hương cùng là cấp phó đã sống với nhau ở Tây Nguyên. Tính tình Hương vui vẻ cởi mở dễ gần. Hương thấy tôi sốt, anh bảo: “Hãy nằm nghỉ đừng đi đâu vội”. Nhưng dứt cơn sốt là tôi tới gặp anh Vũ Lập. Tôi với anh Vũ Lập đã sống với nhau nhiều năm ở Quân khu Tây Bắc. Anh Lập là một cán bộ quân sự trung thực, sống với cấp dưới bình đẳng, độ lương,được nhiều anh em yêu mến. Hơn bảy năm không gặp nhau, trong vóc người cao lớn của anh thay đổi nhiều, hai tròng mắt đầy bong tối, cái lưng hơi võng xuống như ông lão sáo mươi1. Anh nói năng chậm rãi, vẻ mệt mỏi của người đang ốm. Sau vài phút chuyện trò thăm hỏi nhau những  ngày xa cách, anh nói tóm tắt diễn biến hoạt động của địch, của ta. Lúc này địch đang lấn ra và đã hình thành một tập đoàn cứ điểm; ta đánh chặn địch nhùng nhằng, không có gì quyết liệt. Quân số của địch có thể lên  tới ba mươi, ba mươi mốt tiểu đoàn ở cả các tuyến1, tuyến trước khoảng 19 đến 20 tiểu đoàn, kể cả quân Thái Lan và Mẹo – Vàng Pao. Quân Thái2 sẽ đưa ra tuyến trước.
Về phía ta: Có sư đoàn 316, trung đoàn 165 của sư đoàn 312 vừa được tăng cường. Trung đoàn 866 quân tình nguyện và một trung đoàn pháo.
Huỳnh Đắc Hương biết tôi đang sốt, có ý khuyên tôi nán lại sở chỉ huy ít ngày, tìm hiểu kỹ tình hình rồi hãy xuống đơn vị. Thấy việc nắm địch, nắm ta qua tài liệu của Bộ Tổng Tham mưu và ở đây như thế tạm đủ, tôi xuống ngay đơn vị để xem anh em làm ăn thế nào. Tôi dừng lại ở trung đoàn bộ 165 một  ngày



Buổi chiều hôm ấy tôi tới trung đoàn 165 sư đoàn 312. Trung đoàn trưởng Nguyễn Chuông, trung đoàn phó Kiểng là người trung thực cởi mở dày dạn chiến trận. Chúng tôi dễ dàng thông cảm với nhau nhiều vấn đề. Nguyễn Chuông là người có cá tính mạnh mẽ, nói năng táo bạo. Tôi nhớ mấy bữa “đặc sản” anh thết tôi, dưa tàu bay anh muối đến khéo, chua ngon như dưa cải ngồng; tỏi ớt ướp muối và một ít mì chính. Thế mà bữa ăn ngon nhớ đời.
Sau khi nghe ban chỉ huy trung đoàn báo cáo, tôi yêu cầu cho tôi thăm trận địa. Ý Nguyễn Chuông muốn bảo vệ tôi, anh khuyên đi vào buổi tối. Tôi thấy nếu lên vào buổi tối thì chỉ thăm anh em không quan sát được gì, tôi cần lên ban ngày xem có gì có thể giúp anh em.
Sáng hôm sau trung đoàn phó Kiểng cùng với tôi lên trận địa. Anh em ở trận địa bình tĩnh như đang ở nơi bình yên, họ ngồi đan võng dù và đan rổ rá. Trung đội trưởng báo cáo với chúng tôi tình hình hoạt động của ta, của địch mấy ngày vừa qua. Tôi lên chỗ cao nhất nhìn ra xung quanh. Trận địa anh em mới đào được là những chiến hào ngắt quãng lộ thiên trên chỏm đồi. Những ngày qua địch đánh “ấm ớ” không gây cho ta thiệt hại gì, và ngược lại ở đây ta cũng đánh địch kiểu ấy.
Tôi đang đứng, có tiếng nổ của đạn cối 81. Khoảng chục viên nổ hụt tầm ở trước trận địa. Nhìn xuống dưới chân đồi có khoảng một đại đội địch, chúng dàn đội hình tiến lên một đoạn rồi nằm lại, bắn mấy loại đạn liên thanh tượng trưng; một hồi lâu chúng lại bắn rộ lên rồi lui. Địch chỉ cách ba bốn trăm mét, nhìn mắt thường có thể đếm từng tên, quân ta không hề đáp lại dù chỉ một phát súng trường.
Tất cả những gì nhận bằng trực giác trong vài giờ đồng hồ, đã hiện ra  ngay trong đầu tôi những việc cần phải hướng dẫn ngay tại trận địa cho anh em. Tôi gọi trung đoàn phó Kiểng và đại đội trưởng chỉ huy đơn vị để chỉ dẫn trên thực địa. Tôi nói:
-Tinh thần chiến đấu của anh em rất tốt, nhưng tổ chức phòng ngự chỉ tập trung ở sát đỉnh như thế này là bất lợi. Nếu địch bắn pháo, thả bom trúng đỉnh đồi rồi đổ bộ trực thăng, anh em sẽ phải tụt xuống, dễ bị địch chiếm mất trận địa, trên này ta chỉ nên để một bộ phận nhỏ quan sát thôi. Sườn đồi này ta có thể làm trận địa nhiều tầng. Tới chỗ hòn đá kia kìa, đào một lớp chiến hào nữa, tại sao lại không làm chiến hào, giao thong hào nối liền, và một số công sự có nắp tránh pháo.
-Báo cáo thủ trưởng, ở đây nhiều đá lắm.
-Chỗ nào lắm đá ta dùng sọt bỏ đất vào làm công sự nổi. Anh em có biết đan sọt không?
-Có
 Hướng dẫn xong việc làm công sự, tôi bàn với anh em cách đánh. Tôi hỏi đồng chí đại đội trưởng:
-Vừa rồi tại sao anh em không nổ súng?
-Báo cáo…chúng tôi thực hiện tư tưởng đánh gần.
-Khoảng cách vừa rồi có nằm trong tầm bắn hiệu quả của trung liên không?
-Thưa thủ trưởng, trong tầm bắn tốt rồi ạ.
-Khoảng cách ấy bắn tỉa được không?
-Được ạ.
-Sao không thấy súng cối 82 của ta bắn vào chỗ địch tập trung.
-Báo cáo…chúng tôi chưa được tăng cường súng cối.
-Các cậu máy móc. Ta đã làm trận địa phòng ngự công khai thế này, ta phải làm thế nào phát huy được tối đa tính năng của các loại hỏa khí chứ. Nghĩa là phải hướng dẫn cho anh em biết các loại hỏa khí chứ. Nghĩa là phải hướng dẫn cho anh em biết đánh từ xa tới gần.
 Về sở chỉ huy trung đoàn 165 tôi trao đổi toàn bộ những nhận xét ở ngoài trận địa với ban chỉ huy trung đoàn.
 Sau một tuần lễ, tôi gọi điện kiểm tra. Kiểng báo cáo đã làm xong đúng như tôi hướng dẫn.
 Tôi chuyển sang kiểm tra một trận địa ngăn chặn thuộc sư đoàn 316, cũng không khác bao nhiêu tình trạng của trung đoàn 165. Kiểm tra một ban chỉ huy tiểu đoàn, họ ngồi cả dưới chân núi, tôi hỏi từng người, chưa ai cùng anh em lên trận địa (đỉnh núi) chiến đấu một lần. Tôi thúc bộ tư lệnh 316, phải kiểm tra nghiêm khắc tình trạng khoán trắng cho cấp dưới.
 Tôi xuống kiểm tra một cái kho của mặt trận gần sư đoàn 316. Không ngờ có thể lộn xộn đến như thế. Thủ kho bất lực hoàn toàn. Anh ta hò hét, văng tục, giằng co với những người không có lệnh cấp phát vẫn sục vào kho thích cái gì lấy cái đó. Ồn ào như cái chợ. Người khệ nệ hai tay bê thùng bột trứng, người đeo cái bao đầy thịt hộp người đeo bao gạo…Nhìn cảnh tượng ấy tôi giận quá, quát to:
-Tất cả đem trả lại kho.
 Đi chiến trường không ai đeo quân hàm, thấy tôi quát ra lệnh, mấy anh lính bướng bỉnh mặt đanh lại, mắt trợn tròn nhìn tôi, có ý dò hỏi “anh là cái thá gì mà ra oai thế”.
 Tôi hạ lệnh:
-Tất cả trả lại kho. Không nghe, tôi bắn ngay tại chỗ.
Mọi người chừng như đã nhận ra một điều gì đó hết sức nghiêm chỉnh, không giống điều mình nghĩ. Họ im lặng lần lượt mang trả lại mọi thứ vào chỗ cũ, nhưng vẫn còn nhưng cặp mắt ném cái nhìn bực bội về phía tôi.
 




                                                                       3
 
-Mọi sự sẽ khác đi cậu ạ
 Đó là lời tâm sự của Tiến với Huân,trong một tối hai anh em pha ấm trà mạn Thái nguyên,ngồi bên bếp lửa trò chuyện.
  Cũng như Huân,Tiến cũng can tội đào ngũ,và giờ phải tập trung ở trạm thu dung (Trạm đặt ra dành cho các chiến sỹ binh trạm đào ngũ hay đi lạc đơn vị).Tuy vào trạm mới biết nhau,nhưng cả hai đã tâm đầu ý hợp ngay,không chỉ bởi cùng cảnh lính đào ngũ,mà còn bởi trước đây đều đã nhiều ngày tháng bom vùi đất lấp tại đèo Cánh chim bay,có thể ngồi ôn lại với nhau những ngày tháng ấy thâu đêm suốt sáng..Tiến là lính công binh đêm đêm thông đường trên đỉnh đèo,còn Huân là lính một khẩu đội pháo 37 dưới chân đèo, ngày đêm mặt đối mặt với máy bay địch để bảo vệ con đường,bảo vệ những chiến sỹ vận tải,công binh trên mặt đường như Tiến…
 -Binh trạm sắp tách làm hai cậu ạ.Sẽ phiên chế lại hết các đơn vị..
-Thế à?Ai nói với anh
Tiến thì thầm:
-Em Lan…nó có ông chú làm quân lực ở binh trạm cho nó biết thế.Nhưng bí mật đấy nhé,đừng cho ai biết vội
-Ồ,ở đây em có quen ai ngoài anh đâu mà nói…
-Ừ,chửa biết số phận anh em mình thế nào nhỉ…
Tiến vừa nói đến đấy,thì nghe bên ngoài vọng vào tiếng gì đó, nửa như tiếng chim,nửa như giọng đàn bà chua như dấm rót tai.Tiến hớp vội ngụm trà rồi đứng dậy:
-Mình phải ra đây có tý việc nhé!
Huân rất đỗi ngạc nhiên:
-Ông anh đi đâu thế?
Tiến nháy mắt ranh mãnh:
-Em Lan nó rủ ra bờ suối ngồi tâm sự.Nó vừa giả tiếng chim gọi mình đấy.Đi nhé…
*
 Nhìn theo cái dáng lùi lũi của Tiến đi trong bóng đêm,thú thực là Huân hết sức ngưỡng mộ.Lính thế mới là lính chứ.Huân thầm nghĩ.Dù anh ấy cũng là một kẻ đào ngũ,nhưng qua những hành động của anh ấy,cũng như cách ăn ,cách nói, (kể cả cách yêu),Huân lại thấy anh ấy là một người lính chân chính,hết sức đáng khâm phục,mình có đi theo xách dép cho anh cũng chả xứng! 
 Cứ như Tiến kể,thì anh là một tiểu đội trưởng một tiểu đội công binh ngày trước trấn ở đèo Ngam,.Rồi khi đoạn đường vắt qua đỉnh Cánh chim bay ác liệt quá,thương vong nhiều quá,tiểu đoàn mới điều các anh lên đấy.Nói thật là ở Cánh chim bay,đêm nào các anh cũng ăn vài tấn bom của giặc,lúc đầu thì cũng hãi,nhưng sau mãi thành quen,cũng gọi là dạn dày,chẳng còn coi ra mùi mẽ gì.Bom nó cứ dội,mình cứ xông lên mặt đường mà phá,mà lấp,nhiệm vụ là thế ai mà từ nan?
 Nói là nói thế thôi,chứ lính ta hy sinh cũng nhiều lắm.Đại đội của Tiến phải tách hẳn ra một trung đội,không phải lên mặt đường nữa,mà ngày ngày vào những cánh rừng dưới chân đèo,đóng sẵn vài chục cỗ hậu sự,cứ đêm đến có anh lính nào hy sinh là cho ngay vào hòm,gửi theo xe về hậu phương chôn cất.Có một lần cậu Khôi,người bạn cùng làng và là đồng đội thân nhất của Tiến hy sinh,sau khi đóng hòm cho bạn,anh đã xin với đơn vị đưa Khôi về hậu phương .Rồi khi lo hậu sự cho bạn xong,Tiến đã  chuẩn bị ra đón xe trở lại mặt trận,thì lại găp một cậu bạn cùng làng ở bộ binh 959 hành quân qua,cho Tiến hay một tin như sét đánh,là mẹ cậu đang ốm nặng lắm,chỉ chờ Tiến về để vuốt mặt cho cụ ra đi .Nghe  như có gió rít bên tai,Tiến  chạy bộ môt mạch về làng,quyết là ở bên Mẹ cho tới phút cuối cùng .
 Đúng là mẹ Tiến ốm nặng thật,và chỉ còn chờ nhắm mắt xuôi tay.Nhưng có đứa con yêu kịp về bên cạnh,vừa âu yếm vỗ về,vừa chăm nom thuốc men,bà dần dần tỉnh lại,thoạt đầu vẫn còn mê man mếu máo gọi u ơi,nhưng sau mấy thìa cháo do chính tay Tiến chăm bón,bà đã tỉnh hẳn, cầm bàn tay Tiến hỏi có phải mày đấy không hả Tiến,rồi ngồi bật dậy ôm chầm lấy con,cứ tưởng như có thuốc thần…
 Nếu như chỉ đến vậy,rồi trở về đơn vị,thì với Tiến cũng đã chẳng có vấn đề gì.Nhưng do thương mẹ qúa,nhà lại neo người chăm sóc,cho nên Tiến đánh liều ở lại chăm sóc mẹ,chăm bón mảnh ruộng của nhà thay cho người chị phải về bên nhà chồng vì đến ngày sinh nở, mà chồng lại cũng đi xa.Nên cứ lần lữa  xa đơn vị đến mấy  tháng.Cho đến lúc ruột gan nóng như lửa đốt,và mẹ  cũng đã khỏe lại,thì Tiến mới lại quàng ba lô sang chào chị,chào mẹ về đơn vị.Với linh chiến,bỏ đơn vị một ngày đã là kẻ đào ngũ,huống chi Tiến đã hàng tháng trời.Tất nhiên là dù với lý do nào,thì Tiến cũng là kẻ đào ngũ,và đường trở về đơn vị của anh trước hết là phải tạm vào trạm thu dung.Nếu ở đây mà còn ương ngạnh,còn ngang bướng chầy cối thoái lui,có khi còn phải ra tòa án binh chưa biết chừng…
“Nhưng có thể kết tội anh Tiến là gì nhỉ?Thử hỏi có một người lính nào,trước khi yêu tổ quôc mà không yêu người mẹ của mình không nhỉ?”Huân thầm nghĩ như vậy,và với Huân,Tiến chẳng có tội gì cả,không những thế anh còn là một người lính đúng nghĩa ,mà Huân tự thấy yêu quý anh vô cùng…
 Đang miên man nghĩ ngợi thế thì Tiến về.Hình như cũng đã khuya.Người anh ướt sương rơi.Có tiếng chim chóp bóp gọi nhau.Tiến chui vào màn:”lãng mạn lắm cậu ơi…nhưng vẫn chưa hôn được…”



                                                               4

  Một binh trạm mới,với chính ủy Cao Dư lẽ ra phải là vô vàn những cuộc họp.Họp Đảng ủy,họp ban chỉ huy,họp chính trị,họp tổ chức,họp quân lực,tuyên huấn,tác chiến,tuyển quân..nhưng ông  chủ trương hội họp rất hạn chế,mà chính là mọi người phải cùng xắn tay áo lên để hành động.Trước mắt chính ủy và BT,là một chiến dịch mới,hết sức lớn lao,và đòi hỏi những người lính như ông rất nhiều mới có thể hoàn thành nhiệm vụ,cũng là sứ mệnh lịch sử!
 Chỉ mấy ngày sau khi có mặt,trong khi BT trưởng Trường Sinh ra Bộ tư lệnh chuẩn bị những phương án tác chiến mới của BT,phó chính ủy Nghiệm đi lo kiện toàn tổ chức và cơ sở Đảng ở các đơn vị,thì ông Cao Dư nhất quyết cùng BT phó Trọng chống gậy lặn lội đi khảo sát thực địa,với quyết tâm giá nào cũng phải đến được những nơi khó khăn,ác liệt,khúc mắc nhất của chiến trường…
  Mưa tầm tã của môt mùa mưa miền Tây thối rừng thối đất.Khi thì đi xe u oát, khi thì chống gậy lội bộ,nhưng ông quyết qua Nậm Tiền,Nậm Mật, Đèo Đất, Đèo Đá…rồi đến đỉnh đèo Cánh chim bay,nơi ác liệt nhất của tuyến đường.Cùng đi với ông có đại úy Trọng,tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn xe 75 mới được đề bạt BT phó khi thành lập BT mới.Trọng là người dân tộc,rất kiệm lời.Trong chiến đấu,Trọng là một người lính,một chỉ huy hết sức dũng cảm.Dù cương vị là tiểu đoàn trưởng,nhưng không đêm nào anh không có mặt trên mặt đường,đứng trấn tại những cung đường hiễm nguy ác liệt nhất..Có lần nơi đỉnh đèo Cánh chim bay,bom nó đánh dã man quá,có một cậu lái xe trẻ nao núng bỏ xe chạy,tiểu đoàn trưởng Trọng đã lao lên chiếc xe ấy,cầm vô lăng băng qua lửa đạn đưa thẳng hàng vào mặt trận…
 Nhưng đúng là mỗi cây mỗi hoa,mỗi nhà mỗi cảnh,cho đến thánh thần cũng có nỗi khổ đau riêng của mình,thì con người dũng cảm và trong sáng ấy cũng đang chịu một thương tổn nặng nề trong trái tim.Có tin đồn rằng người vợ của Trọng ở hậu phương đã phản bội anh,đã có con riêng với một người đàn ông khác…
-Có đúng như thế không?
Trên đường đi,Trung tá Cao Dư đã hỏi thẳng Trọng:
-Có ạ
Trọng gật đầu thú nhận
-Cậu định giải quyết thế nào?Hay câu đi phép ít ngày về quê giải quyết cho xong chuyện gia đình rồi trở lại chuẩn bị mùa khô tới?
-Cám ơn anh.
 Sau khi im lặng rất lâu,Trọng mới thổ lộ tâm can mình:
-Nhưng còn lo gì được ạ.Mình đi biền biệt thế này,cũng có lúc người ta trống trải,lạnh lẽo.Giả dụ tôi có về ít ngày rồi lại đi thì giải quyết được gì hả anh?Trong khi đó tình hình mặt trận thế này…
 Những lời nói đơn giản,chân tình của người BT phó làm ông Cao Dư xúc động,Bỗng nhiên ông thấy cám ơn rất nhiều Trâm,người vợ hiền nơi hậu phương của mình.Hàng chục năm nay,bà luôn là mái nhà ấm áp,là điểm tựa tinh thần vững chãi cho ông năm tháng với chiếc ba lô trên vai trải qua hầu hết các mặt trận,rất yên tâm để chỉ có thể tập trung cho nhiệm vụ,có thể luôn hoàn thành trọng trách của một sỹ quan quân đội…
*
Hai người đứng trên đỉnh đèo Cánh chim bay,lặng lẽ bao quát khắp 4 xung quanh.Con đường vắt qua đỉnh đèo vừa qua một đêm mưa,nước đọng thành vũng lầy lội,đầy ắp các hố bom.Hai bên đường chất chồng xác những chiếc xe gát,xe din cháy đen,đủ cho chính ủy Cao Dư hiểu rằng những tháng ngày qua nơi đây là hết sức ác liệt 
-Đủ loại máy bay đánh phá anh ạ.Đủ loại bom đan.Cây nhiệt đới,bom la de,rồi cả máy bay AC 130…có loại vũ khí nào mới là chúng đều đem sử dung ở đây,Có những giai đoạn ác liệt đến mức có cán bộ  tiểu đoàn bỗng nhiên phát điên phải đưa về hậu phương chữa trị…Ngay ở đỉnh đèo này,mất bao nhiêu mồ hôi xương máu mới chuyển được hàng từ hậu phương tới được,thế mà rồi 10 xe thì đến 9 xe là ăn bom của chúng…Bao nhiêu quân tướng của BT dồn lên mà vẫn không giải quyết nổi,BT đã không hoàn thành nổi nhiệm vụ cũng là như vậy…
“Mà phía trước cũng không nổ súng được theo yêu cầu của cách mạng bạn cũng vì vậy”-Ông  Cao Dư thầm nghĩ,rồi nói với Trọng:
-Theo cậu, giờ mình sẽ khắc phục bằng phương án nào?
-Tôi nghĩ ý chí chiến đấu anh em cũng cần nâng cao,nhưng cái chính là do lực lượng chúng ta mỏng quá.Tôi đã từng nhiều năm là lái xe tôi biết.Nhìn anh lái  xe có vẻ bặm trợn thế,nhưng nỗi cô đơn lại dài dằng dặc trên đường đi.Khi gặp những khó khăn trên đường,khi máy bay địch tới bắn phá,ai sẽ bên họ đây?Nếu như chúng ta quan tâm tới,bên họ là những chiến sỹ công binh luôn kề vai sát cánh,trên đầu họ là những luồng đạn của pháo binh luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ họ,thì họ sẽ vợi bớt cô đơ nbao nhiêu,sẽ yên tâm bao nhiêu để vững vàng tay lái trên đường… 
 Thêm nữa,năm ngoái chúng tôi đã có một đề xuất phá thế độc đạo qua đỉnh đèo này bằng việc mở một con đường vòng qua cánh rừng già kia.Nhưng có lẽ nhiều khó khăn nên BT đã không thực hiện..
  Mắt Chính ủy Cao Dư như rực lên:
-Ông nói lại phương án ấy với tôi đi.Chúng ta sẽ kết hợp với kinh nghiệm mới nhất của anh Đồng Sỹ Nguyên bên 559 tìm ra một phương án tối ưu nhất cho BT của mình.Tôi cũng  đồng ý với cậu là phải ráo riết xin cấp trên bổ sung lực lượng,nhưng mình nghĩ hướng giải quyết chính vẫn là ở những trọng điểm như thế này …
 Thế là ngay trên đỉnh đèo,Trọng say sưa trình bày với chính ủy phương  án làm đường tránh qua trọng điểm này như thế nào.Trọng đã từng bám sát trọng điểm này nhiều ngày đêm,đã gắn  máu xương của mình vào từng thước đất,đã sớm bạc tóc để tìm ra những phương án vận chuyển hiệu quả nhất qua đỉnh đèo này,nên giọng nói của anh chiều nay vô cùng truyền cảm.
 Chính ủy Cao Dư vỗ vào vai Trọng khi anh nói dứt lời:
-Rất tuyệt cậu ạ..Mình sẽ bàn thêm với anh Trường Sinh,và cho họp ban chỉ huy BT ngay về vần đề này…Còn bây giờ,,mình xuống thăm anh em công binh chốt ở đây cậu nhỉ.Ta đi bộ thôi…
-Vâng…Trọng trả lời-và rồi dẫn chính ủy men theo sườn núi đến thăm đại đội 5 công binh chốt dưới chân đèo.
-Mà mình có quà gì cho anh em không nhỉ?
-Có đây ạ-Trọng vỗ lộp bộp vào chiếc xắc cột đeo bên mình
-Cái gì thế?
-Thuốc lào anh ạ.Lính tráng chiến trường chỉ thích nhất cái anh này thôi…Trọng cười  hì hì.-Dù là lính tăng,lính pháo,bộ binh công binh,miền xuôi hay miền  ngược… thì cái món này vẫn là nhất anh ạ
*
Nhân nói về cái anh thuốc lào,lại không thể không kể về Huân buổi đầu vào chiến trường… 
 Nhớ buổi ấy  mới xách ba lô về khẩu đội,chẳng hiểu vì sao khẩu đội trưởng Tuấn lại cứ nhìn Huân  gườm gườm:
-Cậu là lính Hà nội hả?
-Vâng…

-Nhà có gần Bờ Hồ không?
-Cũng gần ạ.Em ở phố Lê Phụng Hiểu…
-Ờ,thích nhỉ.Dưng mà tớ cũng chưa được ra Hà nội bao giờ,chỉ nghe nói Hà nội có Hồ hoàn Kiếm gọi là Bờ Hồ  thôi
-Vâng ạ.Khi nào hết giặc mời anh về nhà em chơi,ngay gần Hồ hoàn kiếm ạ.Anh sẽ được bơi thuyền giữa hồ thỏa thích ạ.
 Bấy giờ khẩu đội trưởng Tuấn mới gật gù:
-Thằng này ăn nói nghe tinh tươm  nhỉ?Thế bố mẹ làm gì?Gốc gác gia cảnh ra sao?
 Huân chưa kịp trả lời, đã thấy Thái ghé tai khẩu đội trưởng thì thầm điều gì đấy,làm mắt của khẩu đội trưởng cứ sáng ra:
-Ối giời ôi,vinh dự cho khẩu đội mình quá nhỉ.Ối giời ôi…Thế mẹ cậu là nghệ sỹ à,nghệ sỹ gì,chèo,tuồng hay cải lương?Tớ là thích nhất cái tích chèo Thị màu lên chùa đấy cậu ạ.Lúc đầu nghe nói các cậu lính Hà nội tớ hơi chờn chờn,sợ là một lũ công tử bột ăn hại thì  đánh đấm gì,nhưng giờ thì hết sức yên tâm rồi.Con một nghệ sỹ nối tiếng chứ có phải thường đâu…
 Lúc bấy khẩu đội trưởng Tuấn mới đưa tay phân công nhiệm vụ cho hai thằng:
 -Bây giờ thế này nhé,cậu Thái ở ngách hầm bên kia,rồi anh Phi sẽ hứơng dẫn cho cậu đánh số hai,còn cậu Huân đánh số ba,nhưng chiều nay còn phải đi làm một nhiệm vụ hết sức quan  trọng đã…
Nghe đến nhiệm vụ quan trọng,ngực Huân  đánh trống thình thịch:
-Thưa khẩu đội trưởng,nhiệm vụ gì thế ạ?
 Tuấn nháy mắt:
-Rồi chiều sẽ biết.Hết sức quan trọng và cũng rất vinh quang!
 Rồi anh lấy cái điếu cày,rít một hơi thuốc ngon lành.Hút xong anh đưa cho Huân:
-Này,làm một hơi cho thơm miệng…
 Khổ cái thân Huân,từ nhỏ đến lớn sống ở Hà nội,đã bao giờ biết đến cái món thuốc lào này,thế nhưng không thể chối từ,Huân cũng đưa ống điếu bầm bập lên miệng .Rồi ôm ngực ho ràn rụa.May mà khẩu đội trưởng Tuấn đã đi ra ngoài,không nhìn thấy cái cảnh tôi lần đầu hút thuốc lào.Nhưng tôi bắt đầu hiểu rằng,phàm là lính thì phải biết hút thuốc,ho thế chứ ho nữa cũng cố là chịu.Thuôc lào chính là phần hồn của người lính  nơi chiến trường này!
*
 Chiều đến,khi mặt trời bắt đầu bớt đi ánh nắng gay gắt, Tuấn thì thào với Huân:”Tầm này chúng nó không đánh nữa đâu,mình đi thôi cậu.”Rồi vừa đi,anh vừa nói với tôi:
-Cậu đã bắt đầu đời lính,hãy coi đây như nhiệm vụ đầu tiên!
 Huân “vâng ạ” với anh rất ngoan.Và thú thật, từ ấy cũng thấy có gi đó khá thiêng liêng trong mỗi bước đi của mình…
 Băng qua mấy cánh đồng thì vào đến một cánh rừng.Những tán cây săng lẻ cao vút,tỏa một bóng mát dịu dàng xuống con đường giao liên như một sợi chỉ đỏ dệt thêu giữa cánh rừng.
 Chọn một ngã ba có mấy tảng đá,anh Tuấn lấy cái điếu cày ra:
-Mình dừng ở đây cậu ạ.Đây là đường giao liên của cánh bộ binh 959 đi vào mặt trận.Các cậu ấy mới ở hậu phương vào,thuốc men còn ê hề.Nhiệm vụ của chúng mình là,dựng cái điếu cày ở đây,phục vụ điếu đóm cho anh em hút thuốc,thế rồi mình khéo léo trình bày  hoàn cảnh đơn vị xa hậu phương lâu rồi, thèm thuốc lào lắm,thèm không chịu nổi nữa rồi,và xin anh em mới ở hậu phương vào nhường lại cho một ít để tăng cường sức chiến đấu..Chẳng ai nỡ lòng nào mà tiếc mình đâu cậu ạ,nhất là cùng cảnh lính tráng chiến trường…
 Lời anh Tuấn nói qủa như rằng,vừa dứt thì một tốp lính đi qua..Dù chẳng biết là ai, nhưng anh  Tuấn đứng ra xoa hai tay hết sức hoan hỉ và hiếu khách:
-Mời anh em dừng chân xơi điếu thuốc đã…
 Thấy có điếu cày,linh ta mắt cứ sáng ra,chẳng ai bảo ai xấn ngay lại vớ cái điếu:
-Hahaha…giữa mặt trận mà có cái ống điếu dài đẹp thế nhỉ.Rít thế này mới sướng các cậu ạ…
 Có anh trước khi rít thuốc,còn cầm cái điếu ngắm nghía:
-Nói thật chứ đời lính của tớ chưa bao giờ thây cái điếu nào dài đẹp thế này.Thằng cha  nào nó chuốt ống điếu điệu nghệ  thật!
 Lúc ấy anh Tuấn  mới ưỡn ngực:
-Chính tôi đây đồng hương ạ.Phải mất mấy buổi vào rừng chọn tre,rối lại thêm mấy buổi chuốt điếu đấy.Khi nào hết giặc về qua đây,tôi xin làm tặng đồng hương một cái điếu thế này làm kỷ niệm chiến trường nhé!
-Này,nhớ đấy nhé.Tớ tên là Đoành,quê Thái Bình,lính 959 nhé!
-Còn tớ là Khoa,quê ở Hải hậu Nam định .Nhớ kỷ niệm cả cho tớ đấy.Vê tặng ông cụ tớ ở làng…Nõ điếu kêu cứ tanh tách thế này thì ông cụ tớ mê lắm…
 Tiếng nói tiếng cười cứ râm ran,còn ống điếu  thì được chuyền tay hết người lính này sang người lính khác,khói cứ mù mịt cả một góc rừng.Tôi thì xăng xái  làm nhiệm vụ điếu đóm, đưa bật lửa,đưa đóm,còn anh Tuấn thì mở hết công suất của một cái miệng răng hơi vẩu nhưng rất có duyên:
-Cũng thú thật với các đồng hương,anh em chúng tôi là lính pháo chốt ở đây.Các đông hương mới sang,đạn dược lương thực chắc còn dồi dào,anh em chúng tôi xin được phục vụ tận tình,chỉ dám phiền hà các đồng hương là,hút xong điếu thuốc, mỗi đồng hương véo cho một véo thuốc ,vừa là làm kỷ niệm,vừa là chia sẻ cho lính pháo binh chốt ở nơi đây thôi… 
 Anh chàng tên Đoành sau khi ngửa mặt lên trời phả thuốc,thốt lên:
-Ôi dào tưởng gì,xin biếu đồng hương cả vốc.Mà thuốc của tôi là bu nó đi mua tận Vĩnh Bảo Hải Phòng đấy..
 Còn anh chàng tên Khoa:
-Tha hồ,Đây,cả gói thuốc đây,cậu cứ nhón lấy một ít mà dùng.Thuốc của tớ các đồng hương chỉ cần hút cái sái,ba ngày sau vẫn còn thơm miệng nhá…
 Lại một anh lính khác:
-Ối dào,đồng hương cứ yên tâm,cái gì chứ thuốc lào anh em chúng tớ thằng nào cũng môt bị.Đi đánh Mỹ dài lâu mà.Này anh em,mỗi người mình cho lại họ một véo thuốc nhé!
 Thế là mỗi người lính đi qua,đều dừng lại,làm một hơi thuốc,và lại véo cho anh em tôi một véo,chẳng mấy chốc đã được một vốc đầy có ngọn,làm anh Tuấn hết sức hoan hỉ:
-Đấy,cậu thấy sáng kiến của tớ hay chưa?Này,giờ tớ mới cho cậu hay nhé, đại đội mình cả tháng nay cứ như thằng cò lử ấy,chẳng đánh đấm làm ăn cho ra trò trống gi vì thiếu cái anh này đấy.Giờ thì tha hồ nhé!
 Như để tự thưởng cho mình, anh véo một điếu,tra vào nõ,rồi bật lửa rít một hơi dài tít tắp,nõ điếu kêu sòng sọc,hai mắt anh  trợn ngược lên nhìn rất “dã man”,với một  niềm hoan lạc không bút nào tả được.
…  Rồi sau một lúc thả khói lơ mơ giữa những tán cây, Tuấn hứng chí làm một câu lẩy kiều:
 Nhớ ai như nhớ thuốc lào
 Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên…hahaha
  Sau lúc cười khoái chí, anh lại hạ giọng tâm sự :
 -À mà cậu ạ,cả tháng nay anh em mình cứ phải lấy lá cây cứt chó phơi khô ,rồi tẩm chút nước cốt thuốc để làm thuốc mà hút đấy cậu ạ.Cũng là để bớt thèm thôi,chứ cái vị nó ngái lắm,chẳng ra thắng cố gì….Bây giờ có từng này rồi,mình sẽ về chia đều cho cả ba khẩu đội,lính tráng ta tối nay thì cứ như có liên hoan,tha hồ mà phả khói nhé.Thôi,chờ tốp lính kia tới, mình phục vụ xong thì về thôi.
 Tuấn nói chưa dứt lời, một tốp lính khác lại hành quân qua,ba lô súng ống xoong nồi xủng xoảng,nhưng thấy cái điếu mắt anh nào cũng sáng tựa sao sa và lao vội tới:
-Đồng hương cho mình làm một hơi nhé!
-Cứ  tự nhiên, tự nhiên các đồng hương ạ.Chúng mình đặt cây điếu ở đây chính là  để phục vụ các đồng hương đấy thôi.Hút đi,hút đi.Đường ra trận mùa này đẹp lắm…hút đi anh em
Những người lính mượn ống điếu,thong thả rút từ túi quần ra gói thuốc,vê một điếu tra vào nõ,còn Huân thì hiển nhiên là xòe ngay  lửa châm đóm cho họ .Anh này chưa dứt đã thấy ngay anh khác dành lấy điếu,…Có lẽ làm anh lính,chẳng có gì khoan khoái cho bằng giây phút phả khói lên giữa trời thế này..Mọi mệt nhọc hay ưu tư gì  xem ra đều tan biến cả.Khói cứ bay trắng cả một góc rừng…
 Cũng bởi vậy mà chẳng mấy chốc,Tuấn và Huân đã xin được thêm một vốc  thuốc nữa,cũng lại đầy có ngọn.Chờ tốp lính qua hết,Tuấn hoan hỉ kéo tay Huân ra về.Và ngay tối hôm ấy,cả ba khẩu đội như có dạ hội khi thuốc từ tay Tuấn chia đều cho anh em,và tiếng điếu cứ thi nhau rít lên sòng sọc,nghe như một bản giao hưởng hay chưa từng thấy giữa tiếng máy bay và tiếng bom đạn ở chiến trường…
*
 Nhưng Huân đã không ngờ rằng,chỉ chiều hôm sau thôi,một bi kịch đã đến ,mà rồi suốt cuộc đời cậu sẽ không bao giờ quên được,và cứ nhớ  đến lại trào nước mắt …
 Cũng như chiều hôm trước,Huân lại xách chiếc điếu cày đi vào bìa rừng ,nơi những cánh bộ binh đi qua, để phục vụ họ thuốc nước, và mong xin từ họ chút quà tặng của hậu phương là thuốc lào..Tối qua,,khẩu đội trưởng Tuấn đã biểu dương Huân với cả khẩu đội,và xác định rõ đây cũng là một nhiệm vụ rất quan trọng và vinh quang(vì  được phục vụ anh em) của khẩu đội ta lúc này!
..  Do chiều nay Tuấn phải trực chiến,phần nữa cũng bởi Huân  đã quen, nên  khẩu đội tin tưởng chỉ cử mình Huân (con trai một nghệ sỹ nổi tiếng!) đi làm nhiệm vụ.Khi đến đường giao liên và đặt chiếc điếu xuống,cảnh tượng lại diễn lại in hệt như chiều qua.Những tốp lính hành quân qua và cánh rừng lại náo nhiệt lên,tiếng điếu cày rít sòng sọc,tiếng cười đùa ríu rít,tiếng thăm hỏi nhau í ới nghe rất vui tai.Nói thật,Huân còn thấy cánh lính hôm nay xem ra lại còn có vẻ hảo tâm hơn cánh linh chiều qua nữa,nói cười rôm rả hơn và tay vốc cho Huân cả nắm thuốc cũng phóng khoáng hơn…
   Đến lúc thấy đã tương đối và cánh rừng cũng ngả sang màu chiều,Huân đứng dậy,xách điếu ra về,lòng tràn ngập một niềm vui.Thế là Huân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khẩu đội trao,và hơn nữa,Huân hình dung anh Tuấn,Thái và anh em trong khẩu đội và cả đại đội sẽ mừng vui thế nào khi vốc thuốc này chút nữa thôi sẽ đến tay họ,và tiếng điếu cày sẽ  lại thi nhau sòng sọc cất lên! 
 Nhưng khi vừa ra khỏi cánh rừng, đất trời bỗng như tối sầm lại,tiếng máy bay gầm rú,tiếng bom nổ chát chúa vang lên.Huân giật mình,nhìn về phía khẩu đội,thấy hàng đàn máy bay kéo đến đánh phá.Nhìn cột khói bốc lên,một linh tính cho Huân hay chúng đánh vào chính trận địa đơn vị mình.Đạn quân ta cũng bắn trả quyết liệt,nhưng không ngăn cản được  những chiếc F4 bổ nhào,và từng chùm bom lừng lững rơi xuống.Trái tim Huân như thắt lại,cậu lao qua những bờ ruộng gồ ghề,muốn chạy về khẩu đội thât nhanh để tham gia chiến đấu.Nhưng một loạt bom đã bất thần rơi ngay phía trước,đất đá bắn ra tới tấp,làm Huân  khuỵu ngã.Mặc,anh vẫn vùng dậy,,cắn răng lao nhanh về trận địa…
  -Các anh ơi…Các anh ơi…
 Bất giác nước mắt Huân trào ra trên má.Linh tính cho Huân hay có thể bom đã đánh trúng vào khấu đội.Và các anh đã không còn nữa…
 Huân  vừa chạy,vừa  thất thanh gọi trong hoàng hôn cháy đỏ:
  -Các anh ơi…Các anh ơi…
 Không một lời đáp.Xung quanh là một sự im ắng đến ghê rợn…
-Anh Tuấn ơi,Thái ơi..    
 Huân càng gào to hơn.Và càng cảm nhận rõ hơn bom đã đánh trúng khẩu đội thật rồi!.
… Và khi về tới trận địa,một cảnh tượng sững sờ ngay trươc mắt Huân:Tất cả chỉ còn là một hố bom sâu hoắm,một hố bom sâu hoắm,đen ngòm và khét lẹt  mùi khói .Không còn một ai nữa,không còn một ai nữa,chỉ còn một hố bom sâu hoắm!Ngay khẩu pháo cũng bị đánh văng khỏi công sự,cả thân mình cháy đen…
 Máy bay chúng đã cút khỏi bầu trời.Những bụi cây cứt chó quanh công sự khói vẫn bốc lên khét lẹt.Xung quanh còn nhiều những đốm lửa chưa kịp  tăt…Những bầy quạ đen từ đâu kéo về,vừa lượn quanh vừa rúc lên những âm thanh ghê rợn…
-Anh Tuấn ơi,Thái ơi…
Huân quỳ xuống,nức nở.Chiếc điếu cày và những vốc thuốc còn nóng hổi trong tay Huân.” Thuốc lào quê ta đây các anh ơi…”Không một lời đáp ..Hố bom sâu thăm thẳm đã nuốt chửng tất cả các anh rồi!.Hoàng hôn sẫm lại như một gương mặt tăm tối, khổ đau….
-Anh Tuấn ơi,các anh ơi… 
Chiếc điếu cày và những vốc thuốc rơi xuống tự lúc nào.Huân cũng như gục xuống.Cho đến lúc chính tri viên Dởn,đại đội phó Cung và các chiến sỹ khẩu đội bên chạy đến ,dìu Huân đứng dậy,để rồi  một lát sau anh sẽ  cùng họ đào bới tìm xác Tuấn, Phi,Thái và các anh em trong khẩu đội…