Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đất không giấu mặt

Bùi Việt Thắng
Chủ nhật ngày 27 tháng 10 năm 2013 7:42 PM

(Đọc Đất làng, thơ Đặng Cương Lăng, NXB Hội Nhà văn, 2012)

         1. Tôi mạo muội mượn cái nhan đề một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Hào Vũ - Đất không giấu mặt - để nói về thơ Đặng Cương Lăng trong tập Đất làng. Con người hiện đại với vô vàn lí do đang đeo những cái mặt nạ như trong lễ hội Cacnavan. Những kẻ giấu mặt ngày càng nhiều (mà đa số là khuất tất, mờ ám). Những cô gái không may nhan sắc có vấn đề thì mượn màu son phấn để ngụy trang (nên mới có chuyện vui: một anh thanh niên vừa cưới vợ xong, bạn bè hỏi vui “Cô nàng thế nào”? Anh ta nhăn nhó “Bây giờ thì tớ biết bộ mặt thật của nàng!”). Người lương thiện thì không biết che giấu mình. Chỉ một lần tiếp xúc với Đặng Cương Lăng tôi ấn tượng ngay về sự cởi mở, phóng khoáng của một người đàn ông đích thực. Cái câu cổ nhân nói “văn là người” trong trường hợp Đặng Cương Lăng là sát thực. Xởi lởi nhưng không nông cạn, vui đấy nhưng cũng biết trầm tư, phóng khoáng bặt thiệp trong ứng xử đấy nhưng lại biết chắt chiu cái đẹp cho Nàng Thơ. Tôi nghĩ, đó là con người và thơ Đặng Cương Lăng thật sáng rõ, giản dị, chân chất và vì thế anh có vẻ như xa lạ với các trào lưu nghệ thuật hiện đại. Hay biết đâu anh có cái triết lí dân gian “khôn ngoan chẳng lọ thật thà”?!
       Tôi nhận biết, theo cách riêng, bốn đoản khúc trong Đất làng của Đặng Cương Lăng: Đất làng. Chùm thơ viết về Huế. Chùm thơ xanh miền quan họ. Chùm thơ biển Việt Nam. Đọc thơ thấy người thơ cũng đã đi nhiều trên dải đất hình chữ S, nhưng có lẽ không đâu ấn tượng, không đâu gắn bó, không đâu cho người thơ nhiều cảm xúc sống như nơi đất làng (vì đất là nơi ta sinh ra, lớn lên, là nơi ta có thể một lúc nào đó bĩ cực đã tìm về, hoặc giả xa hơn là chuyện cuối đời ai mà chẳng muốn trở về cội rễ - nơi chôn nhau cắt rốn - về quê hương bản quán). Tôi thực sự xúc động và có ấn tượng về sáu bài thơ hay trong tập: Đất làng, Làng Chùa, Trở về chốn xưa, Thân cỏ, Quê hương, Hạt lúa vàng. Cái hay là sáu bài thơ này được bố trí xuyên suốt cả tập thơ (các trang 11, 46, 53, 90, 94,113). Sự “định vị” bài thơ hay trong một tập thơ có thể là ngẫu nhiên, nhưng tôi nghĩ là tất nhiên. Sáu bài thơ hay (trên năm mươi chín bài trong tập, ít hay nhiều?!), tôi nghĩ cũng đã đủ điều kiện để đưa Đặng Cương Lăng đến với bạn thơ, công chúng thơ, và biết đâu với cả giới phê bình văn chương (nhà thơ, nhà phê bình Nguyễn Sĩ Đại, vốn rất khó tính như tôi biết, đã thận trọng viết “Đặng Cương Lăng có một cảm quan thi sĩ” và anh nhìn ra nhiều câu thơ hay như Huế dịu dàng đến từng hơi thở; Cỏ non xanh mướt như màu mạ; Con sông Đáy vắt ngang cửa sổ).
        2. Người đọc tinh sẽ thấy Đặng Cương Lăng đến với thơ không phải ở tuổi hoa niên, mà vào cái tuổi trung niên, nghĩa là đã chín chắn, đã trải nghiệm, đã trải qua bể dâu, đã đi - nhìn - nghe được mọi thứ chuyện buồn vui của kiếp người. Vì thế mà mỗi khi hào hứng nhất, thăng hoa nhất, bay lên nhất vẫn cứ thấy Đặng Cương Lăng như con diều sáo tung hoành trời cao nhưng thực ra nó vẫn được giằng néo với mặt đất bằng một sợi dây mềm “Thơ tình/cao thấp nghiêng chao/nỗi buồn rơi xuống/vui sao ngang tầm” (Thơ nào tím nhạt hoa cà), hay “Tôi đi/nửa buổi/cuối trời/Mà vần thơ đọng/rối bời/tâm tư” (Nổi trôi). Cái tâm thế ấy khiến người thơ Đặng Cương Lăng đau đáu nỗi niềm trở về - trở về với cội rễ, và quan trọng nhất là được trở về với người Mẹ vĩ đại của tất cả chúng ta “Trở về với bóng mẹ hiền/Rợp miền thương nhớ, nắng nghiêng cội nguồn/Gió mưa đầy ắp vui buồn/Bờ chuôm vọng tiếng uôm uôm chiều tà” (Trở về).
        Thơ Đặng Cương Lăng đầy ắp hoài niệm về một miền đất ấu thơ, nơi đó ngày nào là bờ xôi ruộng mật, nơi đó ngày nào đong đầy kỉ niệm ấu thơ, nơi ấy ngày nào bầu trời trong veo soi tỏa xuống những cánh lúa xanh rờn thì con gái, nơi đó ngày nào tuổi thơ thả diều, đổ dế, chơi khăng chọi gụ… (những trò chơi dân giã mà trẻ nhỏ ngày nay tưởng như trong cổ tích vậy). Nơi đó ngày nay biến mất như trò ảo thuật tất cả những gì tưởng đẹp đẽ nhất, yên bình nhất, bền vững nhất. Hình như là những lời được kìm nén trong những câu thơ gan ruột sau “Đất làng níu chặt bàn chân/Dịu êm hương lúa tím ngần khế chua/Đất làng gieo nắng, gặt mưa/Bạc sờn vai mẹ sớm trưa nghĩa tình/Đất làng bao nỗi nhục vinh/Đất sinh hèn thấp, đất sinh anh hùng/Đất làng sóng gió bão bùng/Cây đa bến nước chưa từng đổi thay/Đất làng ngậm đắng nuốt cay/Chia ngang, xẻ dọc hao gầy tháng năm” (Đất làng).
       Tôi thực sự bất ngờ với bài thơ Làng Chùa của người thơ Đặng Cương Lăng viết tặng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Dường như cái gọi là “văn hóa làng” (mang tính cộng đồng, cộng hưởng) đã ăn sâu vào tâm thức người Việt Nam qua hàng nghìn năm. Phải chăng cái làng Chùa nổi tiếng của miền đất “Hà Tây quê lụa” đã đi vào thơ ca - nhạc - họa như là một điển hình cho làng xã Việt Nam? Chưa thật tỏ tường về tiểu sử của người thơ Đặng Cương Lăng, chỉ biết quê anh ở Bình Lục (Hà Nam), và anh lập nghiệp ở chốn Hà thành phồn hoa đô hội. Tôi cứ hình dung làng quê anh cũng tựa vào một con sông như làng Chùa tựa vào sông Đáy. Viết đến đây tôi chợt nhớ tới câu thơ nổi tiếng của thi sĩ quá cố Bế Kiến Quốc (vốn là TBT báo Người Hà Nội) “Sinh ở đâu mà ai cũng anh hùng/Tất cả trả lời, sinh bên một dòng sông”. Từ đó có thể “chế” thành câu thơ mới thời bây giờ “Sinh ở đâu mà ai cũng tài thơ/Tất cả trả lời, sinh bên dòng sông thơ”. Tôi chưa đến làng Chùa nhưng đọc thơ Đặng Cương Lăng bỗng cảm thấy ngân rung “Làng Chùa nghiêng vào miền cổ tích/Nghiêng cánh đồng vằng vặc trăng sao/Có cô Tấm thức trong quả thị/Hóa vàng anh chim hót  thanh cao/Con sông Đáy vắt ngang cửa sổ/Trong hồn người, sóng vỗ mênh mang/Cây đa cổ trăm năm tán nở/Gọi trời xanh, giục tiếng chim sang”. Và  đặc biệt hai câu thơ kết thật ấn tượng, nhiều dư ba “Làng bao đời xay thơ thành lúa/Làng bốn mùa gieo lúa ra thơ”.
       3. Tôi muốn nói đến một khía cạnh rất nhỏ, ít người để ý (đọc qua vài ba bài viết về thơ anh nhưng chưa thấy đả động) nhưng góp phần làm nên gương mặt thơ Đặng Cương Lăng - triết lí bằng thơ chứ không phải thơ triết lí. Nói ra điều này tôi e rằng có người lại lập tức “đay” lại: các ông, bà phê bình chỉ được cái nói…đúng! Xin thưa tôi nói là có cơ sở thực tiễn thơ chứ không lí thuyết suông. Xin mời quý vị đọc kĩ lại bài Thân cỏ (đây là một trong sáu bài thơ hay của tập thơ, theo tôi). Còn nhớ năm ngoái trên blog của Nguyễn Trọng Tạo có giới thiệu và bình một truyện ngắn có nhan đề Cỏ (về sau được in trên báo Văn nghệ,) của một tác giả nữ mới toanh có cái tên rất đàn ông - Nguyễn Hồng. Dĩ nhiên là “cỏ” trong cái truyện ngắn vừa nhắc trên và “cỏ” trong bài thơ của Đặng Cương Lăng là hai cách khác nhau nói về cõi nhân sinh, về đời sống tâm hồn con người thời đại. Đọc thơ Đặng Cương Lăng về cỏ thấy không mới về  “tứ thơ” (như là một “gót chân A sin” trong thơ anh - điều này bạn thơ Nguyễn Sĩ Đại đã nói rất trúng), nhưng để bù lại người thơ đã đem tới độc giả một cảm xúc run bật chân thành, một liên tưởng xuyên thấu thời gian, một nỗi phấp phỏng về nhân tình thế thái, và đặc biệt là nỗi lo âu mơ hồ về thân phận người trên cõi đời này “Nát như cỏ/Tơi bời hồn cỏ/Xót xa nỗi cỏ/Thấp bé vô cùng/Cỏ mọc vệ đê/Cỏ mọc bờ ruộng/Dẫu tốt tươi như cỏ/Mà suốt đời chỉ là thân cỏ dại/Cỏ nâng niu từng bước chân kẻ sĩ/Từng che mưa, che nắng/Bao linh hồn yên ấm giấc ngàn thu/Li ti hoa cỏ - hương đồng nội/Nhưng người đời cứ dẫm cỏ mà đi”. Tôi nghĩ triết lí bằng thơ như Đặng Cương Lăng trong trường hợp này rất may mắn là không rơi vào “triết lí vặt”.
       Tôi ít viết phê bình thơ, vì nghĩ cho cùng đấy không phải là “sân” của mình. Nhưng không hiểu sao đọc thơ Đặng Cương Lăng tôi lại có được cái dũng cảm của người không biết sợ?! Thôi thì xin được bạn đọc gần xa rộng lòng, rộng lượng./.

                                Hà Nội, tháng 8 năm 2013
                                         B.V.T